DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 24/59 ĐầuĐầu ... 14222324252634 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 231 tới 240 của 588
  1. #231
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Nếu các chúng sanh muốn trị cõi nước, chia rõ bang ấp, tôi ở trước người ấy, hiện thân Tể Quan, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng:

    Như Lai dùng bốn việc để dẫn dắt chúng sanh, cùng họ đồng sự. Lời dễ hiểu, cơ dễ hợp. Nhưng Tể Quan ấy, đều ỷ tài nghệ, đều chấp nghị luận, chẳng phải đồng bực thì khó thể nói cùng. Nên hiện thân Tể Quan ở đời để cùng loại vậy.

    Ông Hiến Công Biện Triệu Thanh ngoài bốn mươi tuổi dẹp bỏ thanh sắc, chí tâm vào Tông Giáo. Gặp Tổ Phật Huệ ở Nam Thiền. Ngày ngày ông đều lân la đến, Tổ Huệ chẳng thốt một lời. Sau giữ Thanh Châu, ngoài việc chánh quyền, phần nhiều tĩnh tọa. Bỗng sét nổ lớn kinh hồn, liền khế ngộ.

    Làm bài kệ rằng:

    “Công sở lặng ngồi yên trên ghế

    Nguồn tâm chẳng động như nước trong

    Một tiếng sét ầm, khai cửa đảnh

    Kêu lên xưa trước tự nhà mình”.


    Tổ Huệ nghe được, cười rằng: “Ông Triệu ưa nói văn vẻ vang rân, nhỉ”.

    Có Ông Phú Trịnh Công Bậät ban đầu đối với tông môn chưa có chỗ hướng vào, ông gắng khuyên, viết thơ rằng: “Trộm nghĩ, như Ngài, cực kỳ giàu sang như thế, dư dật đạo đức như thế, đầy đủ phước thọ an vui như thế, cao quý nhàn hạ hư ẩn như thế, chỉ có chỗ chưa lưu ý sâu xa, là một chuyện đại sự nhân duyên của Như Lai mà thôi. Nếu hay thành thật chuyên cầu chỗ chứng ngộ, ắt có ngày xin làm môn hạ chúc mừng”.

    Trịnh Công nhờ ông thức tỉnh khuyến khích, ngày đêm chẳng bỏ, tinh tấn trong đạo. Nghe thiền sư Ngung, chủ Đầu Tử, bèn đến gạn hỏi chỗ nghi. Gặp Tổ Ngung đang lên tòa, thấy Ngài nhìn lại như voi chúa quay đầu, hơi tỉnh ngộ, bèn giữ lễ đệ tử. Tổ bảo thị giả cho vào thất.

    Tổ Ngung liền nói: “Tướng Công đã vào, Phú Bật còn ở ngoài!”

    Ông nghe qua, mồ hôi toát ướt lưng, bèn đại ngộ.

    Viết bài kệ gởi Viên Chiếu:

    “Vừa gặp Ngung Công, ngộ nhập thâm

    Được truyền lén lút lão sư tâm

    Đông Nam chớ nói non sông cách

    Ngày đối linh quang với diệu âm”.


    Đây là dùng thân Tể Quan, vì Tể Quan thuyết pháp mà được chứng vậy. Thật đủ làm khuôn mẫu cho đời.



  2. #232
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Nếu các chúng sanh thích những số thuật, nhiếp giữ thân tâm, tôi ở trước người ấy, hiện thân Bà La Môn, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng:

    Bà La Môn đây gọi là Tịnh Hạnh, rất tôn sùng ngoại đạo, như thờ Lửa, Nước, tức là hạng số thuật, nhiếp tâm, vệ sanh để tự an vậy. Số thuật hòa hợp với xem tướng, phương pháp thiên văn xem sự thịnh suy.

    Tổ Cưu Ma La Thập dòng dõi Bà La Môn, nên xem bói họa, phước nhiều điều đúng kỳ lạ, số thuật của Ngài kể ra không hết.

    Ông Thị Lang Lý Hạo lúc nhỏ xem Thủ Lăng Nghiêm, như về đất cũ; sau đến Minh Quả Đầu Thành nhập thất.

    Tổ Ứng Am vỗ vào ngực, nói: “Ông Thị Lang chết rồi đi đâu, nhỉ?”

    Ông hãi hùng toát mồ hôi.

    Tổ Am quát đuổi ra.

    Công rút lui tham cứu. Chưa bao lâu thì đến chỗ áo diệu, làm bài kệ gởi cho Ông Nghiêm Khương Triều, bạn đồng tham, rằng:

    “Cửa có quán Tôn Tẩn

    Nhà có vợ Cam Chí

    Đêm ngủ rồi sáng dậy

    Ai ngộ với ai mê”.


    Tổ Am khen tốt.

    Có thầy Dục Yên Chi cũng học đã lâu với Tổ Ứng Am, có hơi tự phụ.

    Ông tặng bài kệ rằng :

    “Chẳng cần son phấn tự phong lưu

    Đường thiền mấy nỗi đến đây thôi

    Qua suốt xưa nay chuồng cũi nhốt

    Đến đi trong ấy chịu ăn đòn”.


    Xem sự giao du của Ông Lý, đó là lấy hạnh Bà La Môn mà được chứng. Thường thường đều có, đâu chỉ một mình Cam Chí có Tịnh Hạnh thôi đâu.



  3. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoatihon (09-30-2015)

  4. #233
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Nếu có người trai muốn học xuất gia, giữ các Giới Luật, tôi ở trước người ấy, hiện thân Tỳ Khưu, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng:

    Đại Sư Tăng Già, người xứ Tây Vực, từng nằm nghỉ ở nhà Bà Hạ Bạt, thân bỗng lớn cao hơn giường chõng phải đến ba thước, làm người người đều kinh hãi. Kế đó hóa ra hình Quan Âm mười một mặt. Trong nhà càng thêm tin trọng, bèn sửa nhà thành chùa.

    Vua Trung Tông sai sứ thỉnh vào đạo tràng, tôn làm Quốc Sư. Thường ở riêng một thất, trên đỉnh đầu có một cái lỗ, vẫn dùng nùi chỉ tơ nhét lại. Đêm thì mở ra, hương thơm từ trong lỗ ấy bay ra, đến sáng, hương thơm trở lại trong đảnh, rồi lại lấy nùi tơ nhét bít lại. Khi thị tịch, vua đưa đến xứ Lâm Hoài, xây tháp cúng dường.

    Vua Trung Tông hỏi thầy Vạn Hồi rằng: “Đại Sư Tăng Già là người nào thế?”

    Thầy Hồi đáp: “Đó là hóa thân của Đức Quan Âm vậy. Phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa nói: “Đáng dùng thân Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni để được độ, liền hiện thân, mà nói pháp cho”. Chỗ này là như vậy đó”.

    Khi sư đến Trường An, thầy Vạn Hồi lạy ra mắt rất tôn kính.

    Sư vỗ vai thầy, nói: “Ông nhỏ sao ở lại lâu, đi được rồi đó”.

    Sư tịch chưa trọn tháng, thầy Hồi cũng tịch luôn.

    Thầy Tiệm Nguyên làm thị giả nơi Tổ Đạo Ngô. Một hôm theo Tổ đến nhà đàn việt phúng điếu.

    Thầy Nguyên vỗ trên quan tài, nói: “Sống ư, chết ư?”

    Tổ Ngô nói: “Sống cũng không nói, chết cũng không nói!”

    Thầy Nguyên nói: “Vì sao mà không nói?”

    Tổ Ngô nói: “Không nói! Không nói!”

    Về đến giữa đường, thầy Nguyên nói: “Hôm nay Hòa Thượng phải nói ra cho tôi. Nếu không nói, thì đánh Hòa Thượng”.

    Tổ Ngô nói: “Đánh thì cứ đánh, nói thì không nói”.

    Thầy Nguyên bèn đánh.

    Tổ Ngô về chùa nói: “Ông nên rời chốn này, sợ rằng thầy Tri Sự biết được thì không tiện”.

    Thầy Nguyên bèn lạy từ giã, ẩn nơi chùa trong làng.

    Trải qua ba năm, bỗng nghe đồng tử tụng kinh Quan Âm đến chỗ, “Đáng dùng thân Tỳ Khưu để được độ, tức hiện thân Tỳ Khưu”, hốt nhiên đại ngộ. Liền đốt hương, ở xa mà lạy : “Mới biết lời Tiên Sư để lại chẳng hư lầm. Chính tôi tự chẳng hiểu, lại hờn oán Tiên Sư”. Bèn đến Tổ Thạch Sương, bày cúng trai sám hối.

    Thế là một câu “Tỳ Khưu...” này đủ rồi giải thoát. Trí lực Quan Âm nhiệm mầu, thế nên chẳng thể nghĩ bàn vậy.



  5. #234
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Nếu có người gái muốn học xuất gia, giữ các Cấm Giới, tôi ở trước người ấy, hiện thân Tỳ Khưu Ni, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng :

    Giới Luật Tỳ Khưu có hai trăm năm mươi điều. Cấm Giới của Tỳ Khưu Ni phàm là năm trăm điều. Rõ ràng là hơn Tỳ Khưu, vì tánh nữ kém phần cao sáng, nên dùng Cấm Luật làm Giới vậy.

    Ni Lưu Thiết Ma đến Tổ Quy Sơn.

    Tổ nói: “Trâu nái già, ngươi đến ư?”

    Ni Ma nói: “Ngày mai ở Đài Sơn có hội trai lớn, Hòa Thượng có đi chăng?”

    Tổ Quy Sơn duỗi chân nằm.

    Ni Ma liền lui ra.

    Có nhà sư hỏi Tổ Phong Huyệt: “Tổ Quy Sơn nói “Trâu nái già, ngươi đến ư?” Ý chỉ như thế nào?”

    Tổ Huyệt nói: “Chốn sâu rồng vàng múa mây trắng”.

    Nhà sư hỏi: “Còn như Lưu Thiết Ma nói “Ngày mai ở Đài Sơn có hội trai lớn, Hòa Thượng có đi chăng?” Ý chỉ như thế nào?”

    Tổ Huyệt nói: “Trong tâm xanh sóng, ngọc thỏ kinh”.

    Nhà sư hỏi: “Quy Sơn bèn bày ra thế nằm, ý chỉ như thế nào?”

    Tổ Huyệt nói :

    “Lè phè già nghỉ ngày vô sự

    Rảnh ngủ cao nằm đối núi xanh”.


    Tổ Tuyết Đậu tụng rằng :

    “Từng ngồi ngựa sắt nhập bao thành

    Lệnh xuống nghe rằng sáu nước trong [Yên]

    Đường về, như nắm roi vàng hỏi

    Đêm sâu hành ngự với ai cùng”.


    Tổ Thiên Đồng tụng rằng :

    “Trăm chiến công thành lão thái bình

    Hơn thua ai chịu nhọc đo tranh

    Ngựa vàng roi ngọc nhàn suốt buổi

    Gió trong trăng sáng một đời sang”.


    Về các Tỳ Khưu Ni, cơ duyên ngữ cú rất nhiều, đều bày chuyện hướng thượng, nào thuật hết được, nên lục ra để làm khuôn mẫu.



  6. #235
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Nếu có người trai thích giữ năm Giới, tôi ở trước người ấy, hiện thân Cư Sĩ Nam, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng:

    Năm Giới tức là giới Sát, Đạo, Dâm, Vọng Ngữ và Uống Rượu. Cư sĩ nam tức là cận sự nam, giữ sự trong sạch, hay giúp việc cho Tỳ Khưu vậy.

    Vị đạo nhân Thứ Mười Ba ở Tiên Châu Sơn Ngô thường hỏi đạo các vị thiền đức, đến quy y Ngài Khai Thiện. Rồi kết am ở bên trái, dâng cấp hầu hạ. Đêm mồng Tám tháng Ba, đời Thiện Hưng, bỗng nhiên tỏ ngộ, làm bài kệ trình Ngài Thiện rằng :

    “Xưa nay không nứt, vá

    Chạm đến rỡ ràng ngay

    Đã là ngàn vàng báu

    Nào phải động dụng gì”.


    Ngài Thiện đáp lại bài kệ :

    “Đất nứt nẻ rồi vui khoái thay

    Tử sanh, phàm thánh sạch liền ngay

    Dưới núi Tiên Châu cười ha hả

    Chẳng phụ cùng nhau tâm xưa rày !”


    Cư sĩ nam này cũng là Giải Thoát.



  7. #236
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Nếu có người gái tự giữ năm Giới, tôi ở trước người ấy, hiện thân Cư Sĩ Nữ, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng:

    Cư sĩ nữ gọi là cận sự nữ, giữ sự trong sạch, thường giúp việc cho Tỳ Khưu Ni vậy.

    Cô Du Đạo Bà, người xứ Kim Lăng, làm nghề chiên bánh dầy ở chợ, theo chúng tham hỏi Tổ Lang Gia Khởi. Tổ Khởi lấy chỗ Vô Vị Chơn Nhơn của Tổ Lâm Tế nói mà bày chỉ. Một hôm, nghe người ăn xin ca bài Liên Hoa Lạc rằng “Chẳng nhờ Liễu Nghị truyền thơ tín, duyên đâu đến được Động Đình Hồ”, bỗng đại ngộ, bưng mâm bánh dầy ném xuống đất.

    Chồng cô là Bàng Nghệ nói rằng: “Bà điên ư?”

    Cô Bà vỗ tay, nói : “Chẳng phải cảnh giới của ông”.

    Bèn đi ra mắt Tổ Khởi.

    Tổ xa trông, biết chỗ sở đắc, hỏi: “Cái gì là Vô Vị Chơn Nhơn?”

    Cô Bà nói :

    “Có một Vô Vị Chơn Nhơn

    Sáu tay ba đầu nỗ lực sân

    Một nẻo Hoa Sơn phân hai lối

    Muôn năm nước chảy chẳng hay xuân”.


    Từ đó, danh tiếng nổi lên. Cô thường tụng bài Bất An Nhân Duyên [Tổ Mã đại sư có bệnh. Viện chủ hỏi rằng: “Ngày nay tôn hầu như thể nào?”Mã đại sư đáp: “Mặt trời Phật, mặt trăng Phật”] của Mã Tổ.

    Cô nói: “Mặt trời mặt trăng, hư không chớp nháng. Tuy là dứt yên đầu lưỡi nạp tăng trong thiên hạ, nhưng rõ ràng chỉ nói được một nửa”.

    Không ngờ cô cư sĩ mà thuyết pháp như vậy, há không có trăm ngàn ức Hóa Thân ư?



  8. #237
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh: “Nếu có người nữ lập thân Nội Chính, để sửa sang nước nhà, tôi ở trước người ấy, hiện thân Nữ Chúa hay thân Quốc Phu Nhân, đại gia mệnh phụ, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng:

    Lập thân trong Nội Chính để sửa sang nước nhà, dùng món ngon quý làm việc cúng tế, các việc này chẳng có gì không là Phật sự.

    Tổ Chí Công nói: “Kinh đô, huyện đô mênh mông lại là Bồ Đề Đại Đạo”. Lại nói, “Đại Đạo chỉ là trước mắt, vậy mà trước mắt khó thấy. Muốn biết chân thể của Đại Đạo, nào lìa sắc thanh ngôn ngữ”.

    Đạo gần đến như vậy đó. Há cho người nữ là chẳng sẵn đủ ư?

    Phu nhân Ông Mân Súy là Thôi Thị Phụng Đạo. Bà tự xưng là Luyện Sư. Sai sứ đưa y phục đến Tổ Trường Khánh, nói rằng : “Luyện Sư sai đến, xin hồi tin”.

    Tổ Khánh nói: “Bảo Luyện Sư lãnh nhận hồi tin”.

    Giây lát, sứ đến trước mặt Tổ dạ lớn, rồi liền trở về.

    Hôm sau, Tổ Khánh vào phủ.

    Luyện Sư bung mở cả hai tay.

    Ông Súy hỏi Tổ Khánh rằng: “Luyện Sư vừa trình tin, đại sư vừa ý chăng ?”

    Tổ Khánh nói : “Gần gần chút ít”.

    Luyện Sư hỏi : “Chưa rõ đại sư ý chỉ thế nào?”

    Tổ Khánh im lặng giây lâu.

    Luyện Sư nói : “Chẳng thể nghĩ bàn, Phật pháp đại sư thật sâu xa”.

    Đoạn công án này thật giống pháp môn Bất Nhị của Đức Duy Ma Cật.

    Phu nhân nước Tần, Bà Kế Thị Pháp Chân, tự ở góa, xa lánh phồn hoa, thường ăn chay, học tập pháp hữu vi. Nhân Tổ Đạo Huệ bảo thị giả Khiêm đến hỏi thăm con của Ngụy Công. Công giữ thầy Khiêm lại, thầy dùng đạo Tổ mà dạy cho.

    Bà Chân ngày nọ hỏi thầy Khiêm : “Kính Sơn Hòa Thượng bình thường dạy người thế nào?”

    Thầy Khiêm nói: “Hòa Thượng chỉ dạy cho người khán “Con chó không có Phật Tánh”, cùng với lời nói, “Cái lược tre”. Chỉ không được mở lời, không được nghĩ lường, không được hướng về chỗ khởi ra mà hiểu, không hướng về chỗ mở lời mà nhận lãnh. Con chó lại có Phật Tánh không? Không! (Vô!) Chỉ như vậy dạy người khán”.

    Bà Chân liền tin chân thành. Trong đêm ấy, ngồi ra sức nghiệm cứu lời nói ấy, bỗng nhiên rỗng suốt không ngại.

    Thầy Khiêm từ giã trở về.

    Bà Chân tự mình viết Kệ nói trường hợp vào đạo trình Tổ Huệ.

    Bài chót viết :

    “Suốt ngày xem kinh văn

    Như gặp người quen cũ

    Chớ nói còn có ngại

    Mỗi cữ, mỗi lần tân (mới)”.


    Những đại gia mệnh phụ được chứng không ít. Ai mà không được sự gia hộ lặng lẽ của Đại Sĩ, khiến có chỗ thành tựu ư?



  9. #238
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Nếu có chúng sanh không phá nam căn, tôi ở trước người ấy, hiện thân đồng nam, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng:

    Tôn giả Vi Đà mười đời đồng chơn. Đồng tử Thiện Tài từ Nam tham hỏi trở về, qua tám chín chục tuổi, cũng có tên đồng tử. Đó là vì nam căn chưa hư vậy.

    Thầy Phật Nhựt Bổn Không ban đầu đến Thiên Thai, nói rằng: “Nếu có người đoạt được cơ của tôi, tức là thầy tôi vậy”.

    Tìm đến ra mắt Tổ Vân Cư, hỏi rằng: “Hai rồng tranh châu, con nào được ấy?”

    Tổ Cư nói: “Trút hết nghiệp thân đi, thì cùng ông tương kiến”.

    Thầy Không nói: “Nghiệp thân đã trút”.

    Tổ Cư nói: “Châu ở chốn nào?”

    Thầy Không chẳng đáp được, mới thành thật xin nhập thất, lúc ấy tuổi mới mười ba.

    Bốn năm sau, viếng Tổ Giáp Sơn, vừa vào cửa gặp thầy Duy Na.

    Thầy Duy Na nói: “Chốn này chẳng chứa kẻ hậu sanh”.

    Thầy Không nói: “Tôi đây chẳng tìm chỗ ở trú, tạm đến làm lễ ra mắt Hòa Thượng”.

    Duy Na bạch lại Tổ Giáp Sơn. Tổ Sơn cho gặp.

    Thầy Không chưa bước lên thềm, Tổ Sơn liền hỏi: “Ở đâu tới?”

    Thầy Không đáp: “Vân Cư đến”.

    Tổ Sơn nói: “Bèn nay ở tại chốn nào?”

    Thầy Không đáp: “Tại trên chót đảnh Giáp Sơn”.

    Tổ Sơ nói: “Lão tăng hành niên ở Khảm, Ngũ Quỷ lâm Thân”.

    Thầy Không định lên thềm.

    Tổ Sơn nói: “Ba Đạo thềm báu theo chỗ nào bước lên?”.

    Thầy Không rằng: “Ba Đạo thềm báu ngay khúc ngoặt này, một đường hướng thượng, xin thầy trực chỉ”.

    Tổ Sơn bèn đón chào. Thầy Không mới bước lên thềm lễ bái.

    Tổ Sơn hỏi: “Thầy Xà Lê cùng đi với người nào?”

    Đáp: “Mộc Thượng Tọa”.

    Tổ Sơn nói: “Sao chẳng đến cùng gặp lão tăng?”

    Đáp: “Hòa Thượng thấy y đôi phần”.

    Tổ Sơn hỏi: “Tại chốn nào?”

    Đáp: “Tại trong nhà giảng”.

    Tổ Sơn bèn cùng đến trong nhà giảng. Thầy Không liền cầm cây gậy ném trước mặt Tổ Sơn.

    Tổ Sơn nói: “Chẳng phải Thiên Thai đắc ư?”

    Đáp: “Chẳng phải Ngũ Nhạc sanh”.

    Tổ Sơn nói: “Chẳng phải Tu Di đắc ư?”

    Đáp: “Cung trăng cũng chẳng gặp”.

    Tổ Sơn nói: “Như thế tức từ người được vậy?”

    Thầy Không nói: “Tự mình còn là oan gia, từ người nhận được mà làm gì?”

    Tổ Sơn nói: “Trong tro nguội có một hột đậu nổ”.

    Tổ gọi thầy Duy Na sắp xếp nơi chỗ cửa sổ mở.

    Thầy Không nói: “Chưa rõ cửa sổ mở lại nói được không?”

    Tổ Sơn nói: “Đợi cửa sổ mở nói được, thì nói cho ông”.

    Hôm sau, Tổ Giáp Sơn thượng đường, hỏi: “Ông khách đến hôm qua ở đâu?”

    Thầy Không bước ra, lên tiếng dạ.

    Tổ Sơn nói: “Thầy trước khi chưa đến Vân Cư, thì ở đâu?”

    Đáp: “Tại Thiên Thai Quốc Thanh”.

    Tổ Sơn nói: “Ta nghe Thiên Thai có nước chảy róc rách, sóng biếc lặng trong. Cám ơn thầy ở xa đến. Ý này như thế nào?”

    Đáp: “Ở lâu hang núi, chẳng mang chùm gởi”.

    Tổ Sơn nói: “Đó còn là Xuân ý, Thu ý thì làm sao?”

    Thầy Không im lặng giây lâu.

    Tổ Sơn nói: “Xem ông chỉ là đứa chống ghe. Rốt cuộc chẳng phải người giỡn sóng”.

    Hôm sau, nhóm chúng cắt việc. Thầy Duy Na khiến thầy Không vận tải trà.

    Thầy Không nói: “Tôi vì Phật Pháp mà đến, chẳng phải vì vận tải trà mà đến”.

    Thầy Duy Na rằng: “Đó là vâng lời sự phân định của Hòa Thượng”.

    Thầy Không nói: “Tôn lệnh của Hòa Thượng thì được”.

    Mới đem trà đến chỗ làm việc, khua chén trà gây ra tiếng.

    Tổ Sơn quay ngó lại.

    Thầy Không nói: “Trà đậm năm ba chén, ý tại bên vạc trà”.

    Tổ Sơn nói: “Bình có thế rót trà, trong giỏ bao nhiêu chén?”

    Thầy Không nói: “Bình có thế rót trà, trong giỏ không một chén”.

    Bèn rót trà. Chúng đều đưa mắt nhìn.

    Thầy Không nói: “Đại chúng ngóng cổ trông mong, xin Thầy một lời”.

    Tổ Sơn nói:

    “Rắn chết giữa đường đừng đánh giết.

    Giỏ không đáy ấy đựng mang về”.

    Thầy Không nói: “Tay cầm bùa soi đêm, mấy ai hay trời sáng”.

    Tổ Sơn nói: “Này đại chúng, có người rồi! Về thôi! Về thôi!”

    Liền bỏ công việc làm chung, trở về chùa. Chúng đều khen ngợi, ngưỡng mộ.

    Ôi, đồng tử giác ngộ thật có vậy. Như Phật Nhật cùng Tổ Giáp Sơn gõ xướng, thật lạ lùng.



  10. #239
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Nếu có người xử nữ thích thân xử nữ, chẳng cầu sự xâm bạo, tôi ở trước người ấy, hiện thân đồng nữ, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng:

    Người không dâm trong tạo vật thì có thể đếm được vậy. Vì từ chỗ chẳng sạch, thì chẳng sạch chẳng đáng ham thích. Bị người xâm bạo, thì xâm bạo chẳng đáng ham thích. Vì ham vui bao nhiêu, thì càng tiều tụy bấy nhiêu. Huống gì gây nghiệp quả sanh tử, không có lúc ngừng nghỉ sao?

    Ông Bàng Cư Sĩ, con gái là Linh Chiếu, trinh tiết vượt đời, nêu cốt cách cho người, thường cung cấp cháo rau sớm tối.

    Ông Bàng đang ngồi, hỏi Cô Chiếu rằng : “Người xưa nói, “Rành rành trăm ngọn cỏ, rành rành ý Tổ Sư”, hiểu thế nào đây?”

    Cô Chiếu nói: “Già cả rồi mà lời lẽ như thế!”

    Ông Bàng nói: “Theo cô thì sao?”

    Cô Chiếu đáp: “Rành rành trăm ngọn cỏ, rành rành ý Tổ Sư!”

    Bàng cư sĩ liền cười.

    Ngày nọ, cư sĩ nhân xuống cầu bị ngã. Cô Chiếu thấy, liền đến nằm bên cha.

    Cư sĩ nói: “Ngươi làm gì vậy?”

    Cô Chiếu đáp: “Thấy cha ngã xuống đất, con đến đỡ dậy”.

    Tổ Đơn Hà đến thăm cư sĩ, gặp Cô Chiếu đang rửa rau.

    Tổ Hà hỏi: “Cư sĩ có nhà chăng?”

    Cô Chiếu thả rổ rau xuống, khoanh tay đứng sững.

    Tổ Đơn Hà lại hỏi: “Cư sĩ có nhà chăng?”

    Cô Chiếu bưng rổ mà đi. Tổ Hà bèn trở về.

    Chốc lát, cư sĩ về đến, Cô Chiếu nói lại chuyện trước.

    Cư sĩ nói: “Thầy Đơn Hà còn đây ư?”

    Cô Chiếu đáp: “Về rồi”.

    Cư sĩ nói: “Đất đỏ bôi trâu nái”.

    Cư sĩ sắp nhập diệt, bảo Cô Chiếu rằng: “Xem mặt trời gần trưa, đúng Ngọ thì báo”.

    Cô Chiếu bèn nói: “Mặt trời đúng Ngọ rồi, nhưng có nguyệt thực”.

    Cư sĩ ra cửa xem. Cô Chiếu liền lên chỗ ngồi của cha, chắp tay ngồi tịch.

    Cư sĩ cười, nói: “Con gái ta lanh lợi quá”.

    Ông bèn hoãn lại bảy ngày sau mới tịch.

    Đời truyền rằng Cô Linh Chiếu là Cổ Phật hóa thân ở trong cõi đời này chứng Như Lai, cùng Long Nữ không khác, đều là không thể nghĩ bàn vậy.



  11. #240
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    : “Nếu có Chư Thiên muốn ra khỏi bậc trời, tôi hiện thân trời, vì họ thuyết pháp, khiến cho thành tựu.

    Thông rằng:

    Từ Đế Thích trở lên các Thiên Chủ, đều là bậc Bồ Tát Sơ Địa hiện thân để giáo hóa các vị trời vậy, cho nên không nói là “Ra khỏi”. Các vị trời thuần lạc, ít tâm tinh tấn, tất là sanh nơi nhân gian, “Không” được năm trược mới có thể chứng quả. Cho nên thích làm người, muốn làm người cũng không nói được là “Ra khỏi”. Chỉ có hạng Trời, Rồng, Tám Bộ, hẳn phải thoát khỏi loài mình, sau mới thành tựu. Nếu phân thân biến hoá, chẳng ở trong vòng luật lệ này.

    Khi ấy, trong nhà Đức Duy Ma Cật, có một vị Thiên Nữ thấy các trời, người đến nghe thuyết pháp, bèn hiện thân dùng hoa trời rải lên các vị Bồ Tát và các đại đệ tử. Hoa đến Bồ Tát đều liền rơi xuống, đến các đại đệ tử thì dính chẳng rớt. Tất cả đệ tử, dùng thần lực phủi hoa mà chẳng phủi được.

    Khi ấy, Thiên Nữ hỏi Ngài Xá Lợi Phất : “Vì sao phủi hoa?”

    Đáp rằng: “Hoa này chẳng như Pháp, vì thế phủi đi!”

    Thiên Nữ nói: “Chớ nói hoa này chẳng như Pháp, vì sao thế? Vì hoa này không có chỗ phân biệt. Nhân giả tự sanh tướng phân biệt đó. Nếu theo Phật Pháp xuất gia mà có chỗ phân biệt, thế là chẳng như Pháp. Nếu không có chỗ phân biệt, đó là như Pháp. Hãy nhìn các vị Bồ Tát, hoa chẳng dính bám, vì đã dứt lìa tất cả tưởng phân biệt. Thí như khi người sợ, ma quỷ mới được dịp. Cũng thế, vì đệ tử sợ sanh tử, cho nên Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc được thừa dịp vậy. Đã lìa sợ sệt, tất cả năm dục chẳng thể làm gì. Sự kết tập chưa hết, thì hoa dính thân. Sự kết tập dứt hết, hoa chẳng dính vậy”.

    Ngài Xá Lợi Phất nói: “Thiên Nữ ở nhà này đã được bao lâu?”

    Đáp rằng “Tôi ở nhà này như sự giải thoát của Ngài”.

    Ngài Xá Lợi Phất nói: “Ở đây lâu thế sao?”

    Thiên Nữ đáp: “Sự Giải Thoát của Ngài cũng là lâu sao?”

    Xá Lợi Phất lặng thinh chẳng đáp.

    Thiên Nữ nói: “Bậc Đại Trí kỳ cựu như sao mà lặng im?”

    Đáp rằng: “Sự Giải Thoát không có lời để nói, cho nên đối trong ấy, tôi chẳng biết nói sao”.

    Thiên Nữ nói: “Lời nói, văn tự đều là tướng Giải Thoát. Vì sao như thế? Giải Thoát ấy là chẳng trong chẳng ngoài, chẳng ở hai bên. Văn tự cũng chẳng trong chẳng ngoài, chẳng ở hai bên. Thế nên, Ngài Xá Lợi Phất, chớ lìa văn tự mà nói Giải Thoát. Vì sao như thế? Tất cả các pháp chính là tướng Giải Thoát”.

    Ngài Xá Lợi Phất nói: “Chẳng phải vì lìa Dâm, Nộ, Si là Giải Thoát sao?”

    Thiên Nữ nói: “Phật vì người tăng thượng mạn, nói lìa Dâm Nộ Si là Giải Thoát. Nếu người không có tăng thượng mạn, Phật nói tánh Dâm Nộ Si tức là Giải Thoát”.

    Ngài Xá Lợi Phất nói: “Lành thay! Lành thay! Thiên Nữ! Cô đắc chỗ gì, chứng được pháp gì, biện luận đến như thế?”

    Thiên Nữ nói: “Tôi không đắc, không chứng, nên biện luận như vậy. Vì sao như thế? Có đắc, có chứng tức trong Phật Pháp là người tăng thượng mạn”.

    Ngài Xá Lợi Phất hỏi Thiên Nữ: “Đối nơi Ba Thừa, chí cô cầu gì?

    Thiên Nữ đáp: “Cần pháp Thanh Văn giáo hóa chúng sanh nên tôi làm Thanh Văn. Cần pháp Nhân Duyên giáo hóa chúng sanh, nên tôi làm Bích Chi Phật. Cần pháp Đại Bi giáo hóa chúng sanh, nên tôi là Đại Thừa. Ngài Xá Lợi Phất, như người vào rừng Chiêm Bặc, chỉ ngửi hương Chiêm Bặc, chẳng ngửi hương nào khác. Cũng thế, như vào nhà này, chỉ nghe hương công đức Phật, chẳng thích nghe hương công đức của Thanh Văn và Bích Chi Phật”.

    Bấy giờ Đức Duy Ma Cật nói với Ngài Xá Lợi Phất: “Vị Thiên Nữ này đã từng cúng dường chín mươi hai ức Chư Phật, đã hay du hý Bồ Tát Thần Thông. Chỗ nguyện đầy đủ, đắc Vô Sanh Nhẫn, trụ bậc Chẳng Lui Sụt. Vì bổn nguyện nên tùy ý thị hiện, giáo hóa chúng sanh.

    Đây là Quan Thế Âm chăng? Chẳng phải Quan Thế Âm chăng?



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •