DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 8/26 ĐầuĐầu ... 67891018 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 71 tới 80 của 255
  1. #71
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    BA KHÍ CỤ CỦA TRÍ TUỆ

    Cái cách để tìm được sự tự do giải thoát do trí tuệ vô ngã đem lại, là nhờ tiến trình lắng nghe, tư duy quán tưởng và thiền định. Các bậc thầy khuyên ta bắt đầu bằng lắng nghe giáo lý thực nhiều lần (văn tuệ), và khi lắng nghe, giáo lý ấy nhắc đi nhắc lại cho ta nhớ bản tính trí tuệ bị che giấu trong ta. Giống như thể ta là người đang nằm trong bệnh viện bị mất trí nhớ sau một tai nạn, và có người thương yêu săn sóc ta đang thì thầm trong tai ta tên thật của ta, chỉ cho ta những hình ảnh của bạn bè thân quyến ta, cố đưa ta trở về tri giác để biết mình là ai. Dần dần, khi lắng nghe giáo lý, có vài đoạn vài tri kiến trong đó tác động trên ta môt cách mạnh mẽ, những kí ức bản lai diện mục của ta sẽ bắt đầu tìm lối quay về, và một cảm giác sâu xa về một cái gì thân thiết, quen thuộc sẽ chầm chậm thức dậy trong ta.

    Lắng nghe là một tiến trình vô cùng khó khăn hơn phần đông người ta tưởng, lắng nghe thực sự - theo các bậc thầy muốn nói – là hoàn toàn buông bỏ cái ta, buông tất cả thông tin, khái niệm, tư tưởng và thành kiến đã được độn đầy đầu óc ta. Nếu bạn thực tình lắng nghe giáo lý, thì những thứ ấy - vốn dĩ là chướng ngại thực sự ngăn che ta với tính bản nhiên của ta – có thể từ từ được rửa sạch.

    Khi cố lắng nghe thực sự, tôi thường thấm câu nói của thiền sư Suzuki Rodhi:

    - Nếu tâm bạn trống rỗng, thì nó luôn luôn sẵn sàng cho mọi sự; mở ra cho mọi sự. Trong tâm người sơ học, có thật nhiều khả năng, nhưng trong tâm của chuyên gia thì có rất ít khả năng.

    Tâm người sơ cơ là một cái tâm trống rỗng, rộng mở, sẵn sàng đón nhận, và nếu ta thực sự lắng nghe với một cái tâm của người sơ học, thì ta mới có thể thực sự nghe được một cái gì. Vì nếu ta lắng nghe với một tâm im lặng, càng thoát khỏi thành kiến càng tốt, thì có thể tạo cơ hội cho sự thật của nền giáo lý xuyên thủng khối vô minh nơi ta, và làm cho ý nghĩa của sự sống chết trở nên càng ngày càng rõ rệt một cách lạ lùng. Thầy Digo Khientse Rinpoche tôi thường nói:

    - Càng lắng tai, càng nghe nhiều, càng nghe nhiều, hiểu càng sâu.

    Hiểu biết được sâu xa là nhờ quán xét và tư duy (tư tuệ), khí cụ thứ hai của trí tuệ. Khi ta quán xét những gì ta đã nghe, nó từ từ thẩm thấu vào dòng tâm thức ta và thấm khắp kinh nghiệm nội tâm về cuộc đời mình. Những sự cố hàng ngày bắt đầu xác chứng sự thật của giáo lý, vì sự quán tưởng dần mở ra cho ta thấy những gì ta đã hiểu trên phương diện tri thức, sự quán tưởng mang hiểu biết ấy từ đầu óc đi vào tim ta.

    Khí cụ thứ ba của trí tuệ là thiền định (tu tuệ). Sau khi lắng nghe giáo lý và tư duy về những lời dạy, ta đem thực hành những tri kiến ta đã đạt được và áp dụng chúng một cách trực tiếp trong nhu cầu hàng ngày, qua quá trình thiền định.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  2. The Following User Says Thank You to choconxauxi For This Useful Post:

    thubuon (11-11-2015)

  3. #72
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    NHỮNG HOÀI NGHI TRÊN ĐƯỜNG

    Thầy Dudjom Rinpoche tôi thường kể câu chuyện ở Ấn Độ về một tướng cướp khét tiếng ngày xưa. Sau vô số lần cướp của giết người, y đâm ra hối hận vì mình đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho người khác. Y khao khát tìm cách sám hối tội lỗi y đã làm, và đến viếng một thiền sư. Y nói với Ngài:

    - Con là một kẻ phạm tội, bây giờ con bị lương tâm cắn rứt ghê gớm. Có lối thoái nào không? Con phải làm gì?

    Bậc thầy nhìn tướng cướp từ đầu đến chân, rồi hỏi y có được tài nghệ gì. Tên cướp trả lời:

    - Không có tài gì cả.

    Vị thầy hét:

    - Không à? Ngươi phải giỏi một nghề gì mới được chứ.

    Tên cướp im lặng một hồi, rồi cuối cùng xác nhận:

    - Thực sự, có một nghề duy nhất mà con chuyên môn, đó là nghề trộm cướp.

    Vị thầy cưới khúc khích:

    - Tốt. Đấy chính là tài nghệ mà bây giờ ngươi cần dùng. Hãy đi đến một nơi thanh vắng, và cướp hết tất cả những ý tưởng nhận thức của người, ăn trộm hết tất cả tinh tú, hành tinh trong bầu trời, cho chúng tan mất vào trong cái bụng của Chân không, không gian to rộng của tâm hồn nhiên.

    Chỉ trong hai mươi mốt ngày, tên cướp đã trực ngộ bản tâm và cuối cùng trở thành một người được xem là một trong những bậc thánh vĩ đại của xứ Ấn.

    Như vậy, ở thời cổ, có những bậc thầy phi thường và môn đệ nhạy bén và nhất tâm như tên cướp nọ, chỉ nhờ thực hành với niềm tin không chuyển hướng, một lời dạy duy nhất mà chứng đắc giải thoát. Ngay cả bây giờ, nếu ta để tâm thực hành một phương pháp và làm việc với nó một cách trực tiếp, thì cũng sẽ có hy vọng giác ngộ.

    Tuy nhiên, tâm chúng ta thường giao động và hoang mang vì hoài nghi. Đôi khi tôi nghĩ nghi quả là một chướng ngại bế tắc tiến hóa nhân loại hơn cả tham lam chấp thủ. Xã hội chúng ta đề cao sự khôn khéo thay vì trí tuệ, và ca tụng những khía cạnh nông cạn, khó chịu và ít lợi ích nhất của trí thông minh. Chúng ta đã trở nên quá tinh khôn và loạn thần kinh đến nỗi ta xem chính hoài nghi là chân lý, và sự hoài nghi – mà chỉ là nỗ lực vô vọng của bản ngã để tự vệ - lại được thần thánh hóa xem như mục tiêu và kết quả hiểu biết. Hình thức hoài nghi nhỏ nhen thấp kém này là chúa tể thảm hại của luân hồi sinh tử, được phụng sự bởi một đám “chuyên gia” chuyên dạy cho ta không phải thứ hoài nghi rộng mở mà Phật xác nhận là cần thiết để thử nghiệm nền giáo lý, mà một hình thái hoài nghi phá hoại không chừa lại cho ta một điều gì để tin vào, không có gì để hy vọng, và không có gì để sống theo.

    Như thế nền giáo dục hiện đại đã nhồi sọ chúng ta trong sự tôn vinh hoài nghi, trong đó muốn được xem là thông minh thì ta phải hoài nghi tất cả mọi sự, phải luôn luôn bới lông tìm vết và ít khi hỏi có cái gì là đúng, tốt lành; phải chế nhạo mọi lý tưởng tâm linh, mọi triết lý ta thừa hưởng, hoặc nhạo báng bất cứ gì được làm với tâm vô tư và thiện chí.

    Đức Phật kêu gọi ta đến một hoài nghi khác, “như phân tích vàng, nướng nó lên, cắt, cọ xát để thử tính chất nó có thực sự là vàng ròng hay không.” Để có được thứ hoài nghi thực sự sẽ đưa ta đến chân lý ấy, muốn theo đến cùng, quả thực chúng ta không đủ tri kiến, can đảm, và cũng không được huấn luyện để làm việc ấy. Chúng ta đã được huấn luyện cho quen cái thói mâu thuẫn vẫn thường xuyên tước đoạt khỏi ta hết mọi sự cởi mở để đón nhận bất cứ một sự thật nào khoáng đạt và cao quí hơn.

    Thay vì hình thái hoài nghi chấp đoạn diệt như hiện nay, tôi sẽ mời bạn đặt một nghi vấn mà tôi gọi là “hoài nghi cao cả,” một thứ hoài nghi vốn là một thành phần làm nên con đường đưa đến giác ngộ. Chân lý rộng lớn của những giáo lý mật tông được truyền lại cho chúng ta ngày nay, quả không phải là một cái gì mà thế giới đang lâm nguy hiện nay có thể bác bỏ được. Thay vì nghi ngờ những giáo lý ấy, tại sao ta không nghi ngờ chính ta: Sự ngu dốt của ta, sự hợm hĩnh tự cho ta đã hiểu biết tất cả mọi sự, thói chấp thủ và tránh né của ta, lòng say mê đối với những cái gọi là giải thích thực tại, những giải thích không giống chút nào với trí tuệ bao la khả úy mà những bậc thầy, những sứ giả của Thực tại, đã cho ta biết?

    Loại hoài nghi cao cả ấy giục ta tiến lên, gợi cảm hứng cho ta, thử thách ta, làm cho ta càng ngày càng trở nên chân thực, thêm năng lực cho ta, và kéo ta lại gần từ trường của chân lý. Khi gần những bậc thầy, tôi thường hỏi đi hỏi lại những vấn đề tôi cần giải đáp. Đôi khi tôi không được những giải đáp rõ ràng, song tôi không nghi ngờ thầy, hay nghi ngờ nền giáo lý. Đôi khi tôi có thể nghi mình chưa đủ trình độ tâm linh, hoặc nghi khả năng nghe (văn tuệ) của mình chưa đủ để hiểu trọn vẹn. Và thường khi, tôi cứ tiếp tục hỏi đi hỏi lại cho đến khi có được một giải đáp rõ ràng. Và khi giải đáp ấy đến, vang lên một cách mạnh mẽ trong sáng trong trí tôi, tim tôi nhói lên một niềm tri ân đón nhận, thì trong tôi phát sinh một lòng tin kiên cố mà dù cả thế giới đầy những người nhạo báng cũng không phá hoại nổi.

    Tôi nhớ một mùa đông, tôi cùng lái xe với một trong những sinh viên của tôi từ Paris xuống Ý vào một đêm trăng sáng. Bà ta là một nhà chữa tâm bệnh, và đã qua nhiều loại huấn luyện. Bà bảo tôi, điều bà nhận thấy là càng biết nhiều, ta càng nghi nhiều, và càng viện cớ để nghi mỗi khi sự thật bắt đầu động chạm đến mình một cách sâu xa. Bà bảo, bà đã cố nhiều lần để chạy trốn giáo lý này, nhưng cuối cùng bà nhận ra rằng không chạy đâu thoát được, vì thực sự là bà đang chạy trốn chính mình.

    Tôi bảo bà rằng hoài nghi không phải là một cái bệnh, mà chỉ là một triệu chứng của thiếu ‘Tri kiến’, thiếu sự nhận chân về bản tính tự nhiên của tâm. Khi có Tri kiến, thì không thể nào nghi ngờ gì nữa, vì khi ấy ta sẽ nhìn thực tại với chính con mắt của thực tại. Nhưng khi ta chưa đạt giác ngộ, tôi nói, thì đương nhiên phải còn hoài nghi, vì nghi là hoạt động căn bản của cái tâm chưa ngộ. Và cách duy nhất để xử lý những hoài nghi là, không đàn áp chúng cũng không say mê theo chúng.

    Cần có sự khéo léo để xử lý những hoài nghi, nhưng tôi để ý ít ai biết cách theo dõi những hoài nghi hoặc xử dụng chúng. Có phải mỉa mai chăng, trong một nền văn minh sùng thượng thế lực của sự giảm giá và hoài nghi như vậy, lại không có ai can đảm để hạ giá chính những tuyên bố của hoài nghi, để làm như một bậc thầy Ấn Độ đã nói, hoài nghi chính cái sự hoài nghi, lột mặt nạ tính đa nghi và tìm xem nó có nguồn gốc từ nỗi tuyệt vọng nào, nỗi sợ hãi gì, từ đâu tới? Khi ấy hoài nghi không còn là một chướng ngại, mà là một cánh cửa mở đến thực chứng, và mỗi khi hoài nghi xuất hiện trong trí, một người tầm đạo sẽ đón nó như một phương tiện để đi sâu vào sự thật.

    Có một câu chuyện về một thiền sư mà tôi rất thích. Thiền sư này có một đệ tử trung thành nhưng rất ngốc nghếch, cứ xem ông như một vị Phật sống. Một hôm tình cờ ngồi trên một cây kim, ông la lên “Ối” rồi tung mình lên để tránh. Người đệ tử liền mất hết tin tưởng nơi vị thầy, và bỏ đi, bảo rằng anh ta rất thất vọng vì thấy thầy mình chưa chứng đạo, nếu chứng thì ông đã không nhảy lên mà la lớn như thế. Vị thầy buồn bã khi nghe người đệ tử đã bỏ đi, và bảo:

    - Tội nghiệp cho y! Nếu y hiểu được rằng kỳ thực không có ta, không có cây kim, cũng không có tiếng la nào thực hữu!

    Ta không nên lập lại cái lỗi của người đệ tử nọ. Đừng nên xem những hoài nghi quan trọng quá mức, để cho chúng lớn quá cỡ, hay trở nên cuồng tín về chúng. Điều ta cần học là làm thế nào dần dần chuyển được sự vướng vào hoài nghi do bối cảnh văn hóa thành ra một hoài nghi có tính chất hài hước và bi mẫn. Điều này có nghĩa hãy cho những hoài nghi có thời gian, và cho chúng ta có thời gian, để tìm giải đáp cho những nghi vấn của mình, những nghi vấn không phải chỉ có về phương diện tri thức hay triết lý, mà thực, sống, và có thể giải được. Những hoài nghi không thể tự chúng giải quyết ngay; nhưng nếu chúng ta đủ kiên nhẫn thì một khoảng không có thể được sinh ra trong nội tâm ta, ở đó những hoài nghi có thể được xem xét cẩn thận, khách quan, và do đó được gỡ rối, được giải quyết.

    Không nên quá hấp tấp để giải quyết tất cả mọi vấn đề và hoài nghi của bạn; vì các bậc thầy nói, “Hãy gấp rút một cách từ từ.” Tôi luôn luôn bảo sinh viên tôi đừng có những mong đợi phi lý, vì sự tiến bộ tâm linh cần thời gian. Muốn học Nhật ngữ thật giỏi hay trở thành bác sĩ cũng phải cần nhiều năm. Làm sao chúng ta có thể hy vọng có được tất cả những giải đáp chỉ trong vài tuần, huống gì là đạt giác ngộ? Cuộc hành trình tâm linh là một cuộc học hỏi và thanh luyện không ngừng. Khi biết như vậy, bạn sẽ trở nên khiêm cung. Có một châm ngôn Tây Tạng rằng:

    - “Đừng lầm hiểu với chứng ngộ, và đừng lầm chứng ngộ với giải thoát.”

    Và Milapera nói:

    - “Không nên hy vọng chứng đạo, mà hãy hành đạo suốt đời bạn.”

    Một trong những điều tôi thích nhất trong truyền thống tôi, là sự thực tế giản dị, và ý thức mãnh liệt rằng những thành tựu lớn nhất cần có sự kiên nhẫn sâu xa và thời gian dài nhất.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  4. The Following User Says Thank You to choconxauxi For This Useful Post:

    thubuon (11-11-2015)

  5. #73
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    9. CON ĐƯỜNG TÂM LINH


    Rumi, bậc thầy đạo Sufisme có viết:

    - Bậc thầy nói, có một điều duy nhất trên đời mà ta không bao giờ được quên. Nếu bạn quên hết mọi sự khác, mà không quên điều này, thì sẽ không có gì phải lo, nhưng nếu bạn nhớ thực hành chu tất mọi sự khác mà lại quên mất việc duy nhất này, thì quả thực bạn chưa làm được cái gì. Ví như khi vua sai bạn đến một xứ nọ để làm một công việc đặc biệt nào đó; khi đến, bạn làm cả trăm việc khác, nhưng quên làm cái sứ mạng của mình được sai đi, thì cũng như là bạn chưa làm gì hết. Cũng vậy con người xuất hiện trên đời vì một công việc đặc biệt, đó là mục đích của y. Nếu y không hoàn tất, thì coi như y không làm gì cả.

    Mọi bậc thầy tâm linh của nhân loại đều nói cho chúng ta biết cùng một chuyện ấy, rằng mục đích cuộc sống trên trái đất là để thực hiện sự hợp nhất với cái bản chất giác ngộ căn để của chúng ta. “Công việc” mà “vua” đã gửi ta vào cái xứ sở đen tối lạ lùng này là để thực chứng và thể hiện con người thật của ta. Có một cách duy nhất để làm việc đó, là khởi sự cuộc hành trình tâm linh, với tất cả hăng say và trí tuệ, can đảm và cương quyết để chuyến hóa. Trong Katha Upanishad, thần chết bảo Nachiketas rằng:

    - Có con đường trí tuệ và con đường vô minh. Hai con đường dẫn đến những mục đích hoàn toàn khác nhau.... Trú trong vô minh, nghĩ mình khôn lanh bác học, những kẻ ngu lang thang không mục đích, như kẻ mù dắt người mù. Những gì nằm bên kia cuộc đời không hiển lộ cho những kẻ khờ khạo, bất cẩn, hoặc bị của cải làm mê hoặc.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  6. #74
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    TÌM ĐƯỜNG

    Vào thời khác và trong những nền văn minh khác, con đường chuyển hóa tâm linh này chỉ giới hạn cho một số ít người được chọn. Nhưng ngày nay, một tỉ lệ lớn trong loài người cần phải tìm kiếm con đường trí tuệ nếu muốn giữ gìn trái đất khỏi những mối nguy bên trong và bên ngoài đang đe dọa nó. Trong thời đại phân hóa và bạo hành này, tri kiến tâm linh không phải là xa xỉ phẩm dành cho thiểu số chọn lọc, mà là một cái gì cấp thiết cho sự sống còn.

    Việc đi theo con đường tâm linh chưa bao giờ lại cấp thiết và gay go hơn bây giờ. Xã hội chúng ta dành hoàn toàn cho sự tôn vinh bản ngã, tôn vinh chính những sức mạnh của tham lam và vô minh đang tàn phá quả địa cầu. Chưa bao giờ khó hơn để nghe tiếng nói của chân lý, và chưa bao giờ khó hơn để tuân theo tiếng nói ấy nếu nó được nghe đến. Bởi vì trong thế giới quanh ta không có cái gì hỗ trợ cho sự chọn lựa của ta, và cái xã hội ta sống dường như phủ nhận tất cả mọi ý nghĩa thiêng liêng, vĩnh cửu. Bởi vậy, vào thời gian nguy ngập nhất của chúng ta khi chính tương lai chúng ta cũng thật khả nghi, thì chúng ta, những con người, lại thấy mình đang ở giai đoạn hoang mang nhất, và bị vướng vào một cơn ác mộng do chính chúng ta tạo nên.

    Tuy thế vẫn có một nguồn hy vọng đầy ý nghĩa trong tình huống bi đát này, đó là, giáo lý tâm linh của mọi truyền thống mật tông vĩ đại vẫn còn có thể xử dụng. Rủi thay, có rất ít bậc thầy thể hiện được những giáo lý ấy, và hoàn toàn thiếu sự biện biệt nơi những người tầm đạo. Phương tây đã trở thành một thiên đường cho những lang băm về tâm linh. Nếu là lĩnh vực khoa học thì bạn có thể xác thực ai thực ai giả, vì có những nhà khoa học khác kiểm chứng trình độ và những tìm tòi phát minh của họ. Nhưng ở Tây phương, vì không có tiêu chuẩn của một nền văn hóa trưởng thành về trí tuệ, nên tính trung thực của những người được gọi là “đạo sư” hoàn toàn không thể thiết lập được. Dường như bất cứ ai cũng có thể diễn hành tự xưng bậc thầy và lôi cuốn một số tín đồ.

    Ở Tây Tạng không có như vậy, nơi người ta nhận thấy bảo đảm hơn nhiều nếu chọn cho đúng một con đường và đúng thầy để theo. Những người đến Tây Tạng lần đầu thường lấy làm ngạc nhiên tại sao người ở đây đặt nặng dòng tu đến thế, đặt nặng sự truyền thừa không gián đoạn từ bậc thầy này đến bậc thầy khác. Dòng tu được dùng làm sự bảo đảm cốt yếu: Nó duy trì tính chân thực và thuần tính của nền giáo lý. Người ta biết được một bậc thầy qua bậc thầy của vị ấy. Đó không phải chuyện giữ gìn một tri thức đã xưa cũ, có tính cách lễ tục, mà một truyền thừa từ tâm sang tâm, từ trí sang trí, một trí tuệ sống và nguyên chất, cùng với những phương pháp thiện xảo.

    Nhận ra ai cũng là bậc thầy ai không, làm một công việc tế nhị và đòi hỏi nhiều điều kiện. Nhưng ở thời đại như chúng ta, ham giải trí, ưa những câu trả lời dễ dàng, những giải pháp nhanh, thì những bậc thầy tâm linh đạm bạc không làm bộ, có thể không được ai để ý. Những ý tưởng ta nghĩ về sự thánh thiện có thể làm ta không thấy được biểu hiện của tâm giác ngộ đôi khi rất linh động và lại có vẻ giỡn đùa. Patrul Rinpoche viết:

    - Những đức tính kỳ diệu của những vĩ nhân là giấu kín sự thánh thiện của họ, làm cho những người thường như chúng ta không thể thấy, dù ta có nỗ lực xem xét. Ngược lại, ngay cả những lang băm cũng lừa đảo rất tài tình bằng cách ăn nói như những bậc thánh.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  7. #75
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    Nếu Patrul Rinpoche có thể viết như vậy về thế kỷ trước tại Tây Tạng, thì điều ấy lại càng đúng biết bao trong cảnh hỗn loạn của cái siêu thị tâm linh hiện thời?

    Vậy, chúng ta làm thế nào để trong thời đại cực kỳ khả nghi này, có thể tìm ra được niềm tin cậy quá cần thiết cho sự tu tập tâm linh? Theo tiêu chuẩn nào để biết một vị thầy là thực hay dỏm?

    Tôi nhớ rõ một lần ở bên vị thầy tôi biết, khi ấy ông hỏi các học trò cái gì đã lôi cuốn họ đến ông, tại sao họ tin cậy ông. Một phụ nữ nói:

    - Tôi đã nhận ra rằng điều thầy thực sự muốn, hơn bất cứ gì khác, là muốn cho chúng tôi hiểu và áp dụng giáo lý, và thấy thầy hướng dẫn chúng tôi thật khéo léo để chúng tôi có thể hiểu được.

    Một người đàn ông ngũ tuần bảo:

    - Không phải những gì thầy biết làm tôi cảm động, mà chính vì thầy thực sự có lòng vị tha và tâm tốt.

    Một phụ nữ trung niên nói:

    - Tôi đã cố coi thầy như mẹ tôi, cha tôi, bác sĩ tâm thần của tôi, chồng tôi, người yêu tôi; thầy đã lặng lẽ ngồi chứng kiến tất cả tấn tuồng do tôi phóng chiếu ra đó, và không bao giờ bỏ rơi tôi.

    Một kỹ sư ngoài hai mươi tuổi nói:

    - Điều tôi tìm thấy nơi thầy rất khiêm cung, thầy thực sự mong muốn sự tốt lành nhất cho tất cả chúng tôi, và trong khi thầy làm thầy, thầy vẫn không bao giờ ngưng làm một đệ tử của những bậc thầy.

    Một luật sư trẻ nói:

    - Đối với thầy, chính nền giáo lý mới là quan trọng nhất. Đôi khi tôi lại còn nghĩ rằng có lẽ cái lý tưởng của thầy là, chính thầy hoàn toàn biến mất, chỉ trao truyền lại những lời dạy càng vô ngã càng tốt.

    Một sinh viên khác rụt rè nói:

    - Lúc đầu tôi sợ phải mở tôi ra trước thầy. Tôi vẫn quá thường khi bị xúc phạm. Nhưng khi tôi khởi sự thổ lộ tâm can, thì tôi để ý những thay đổi thực sự trong tôi. Dần dần tôi càng biết ơn thầy, vì tôi nhận ra thầy đã giúp tôi nhiều quá. Và rồi tôi khám phá trong tôi một niềm tin cậy sâu xa đối với thầy, sâu hơn tôi có thể tưởng tượng.

    Cuối cùng, một chuyên viên điện toán tuổi ngoại tứ tuần, bảo:

    - Thầy đã là một tấm gương kỳ diệu cho tôi soi vào, và thầy chỉ cho tôi hai điều: Khía cạnh tương đối về tôi là ai, và khía cạnh tuyệt đối tôi là ai. Tôi có thể nhìn vào thầy và thấy – không phải vì thầy là ai, mà vì những gì thầy phản chiếu lại nơi tôi - tất cả sự rối ren tương đối của tôi, rất rõ ràng. Nhưng tôi cũng có thể nhìn vào thầy và thấy phản ảnh nơi thầy cái tự tánh của tâm, từ đấy mọi sự đang sinh khởi, từng giây phút.

    Những câu trả lời trên đây cho ta thấy rằng những bậc thầy thực sự thì tử tế, bi mẫn, không biết mệt trong ước muốn san sẻ bất cứ trí tuệ nào họ có được từ những bậc thầy của họ, không bao giờ lợi dụng hay điều động các đệ tử dưới bất cứ hoàn cảnh nào, không bao giờ bỏ rơi họ, phụng sự cho nền giáo lý vĩ đại hơn là cho mục đích riêng tư, và luôn luôn khiêm hạ. Sự tin cậy chân thực có thể phát triển, và chỉ nên phát triển đối với một người nào bạn biết được, qua thời gian, hội đủ tất cả những đức tính ấy. Bạn sẽ thấy niềm tin ấy trở thành nền tảng của đời bạn, nó vẫn ở đấy để nâng đỡ bạn qua những gian khổ của sống chết.

    Trong Phật giáo chúng ta xác định một bậc thầy là chân thực hay không tùy theo sự hướng dẫn của họ có phù hợp với giáo lý Phật dạy hay không. Ta phải luôn luôn nhấn mạnh rằng chính sự thật của giáo lý mới là tất cả tầm quan trọng, chứ không bao giờ quan trọng cá nhân của bậc thầy. Bởi vậy đức Phật đã nhắc nhở chúng ta nguyên tắc Bốn chỗ y cứ (tứ y) là:

    · Y pháp bất y nhân: Dựa trên thông điệp của bậc thầy, không phải trên nhân cách của ông;

    · Ý nghĩa bất y ngữ: Dựa trên ý nghĩa, không chỉ dựa trên lời;

    · Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa: Dựa trên ý nghĩa chân thực, không dựa trên ý nghĩa tạm thời;

    · Y trí bất y thức: Dựa trên tâm trí tuệ của bạn, không dựa trên tâm phân biệt thường ngày của bạn.

    Bởi thế thật quan trọng để nhớ rằng vị thầy chân thực, như ta sẽ thấy, là phát ngôn viên của chân lý. Quả thế, tất cả chư Phật, đạo sư, nhà tiên tri, đều là những biểu hiện của chân lý ấy, hóa hiện bằng vô số hình dạng khéo léo đầy từ bi để dắt dẫn chúng ta trở về chân tánh của ta qua lời giảng dạy của họ. Bởi vậy, lúc đầu, việc quan trọng hơn việc tìm thầy, là tìm thấy sự thật của giáo lý và sống theo nó. Bởi vì, nhờ bắt liên lạc được với sự thật của giáo lý mà bạn sẽ tìm được liên lạc với một bậc thầy.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  8. #76
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    THEO MỘT CON ĐƯỜNG

    Tất cả chúng ta đều có cái nghiệp gặp phải môt con đường tâm linh này hay khác, và tôi sẽ khuyên bạn, tự đáy tim tôi, hãy đi theo với sự chân thành trọn vẹn, con đường nào gợi cảm hứng cho bạn nhiều nhất. Hãy đọc kinh sách của tất cả các truyền thống, tìm hiểu các bậc thầy muốn nói gì khi nói giải thoát giác ngộ, và tìm con đường chân lý nào thực sự lôi cuốn bạn nhất. Hãy vận dụng khả năng phân biệt của bạn; con đường tâm linh đòi hỏi nhiều thông minh, nhiều khả năng phân biệt tinh tế hơn bất cứ đường nào khác, vì đó là việc quan hệ đến chân lý tối thượng. Hãy xử dụng lương tri bạn trong mọi lúc. Đến với con đường ấy và biết rõ hành lý bạn mang theo: những thiếu sót, tưởng tượng, yếu đuối, phóng chiếu của tâm thức. Trong khi tự thức được bản tính chân thực của bạn là như thế nào, bạn hãy hòa hợp sự khiêm hạ sát đất với một sự thấm định rõ ràng bạn đang ở đâu trên con đường tâm linh, và những gì còn phải được thấu hiểu và thực chứng.

    Điều quan trọng nhất là đừng để vướng vào cái mà tôi thấy khắp nơi ở phương tây, một kiểu “đi chợ tâm linh”: Chạy quanh từ thầy này đến thầy khác, giáo lý này đến giáo lý khác, mà không có một sự dấn mình thực sự vào bất cứ nên giới luật nào. Gần hết mọi bậc thầy tâm linh thuộc mọi truyền thống đều đồng ý rằng điều cốt yếu là phải làm chủ, nắm vững lấy một đường lối tu tập, một con đường đưa đến chân lý, bằng cách tuân theo một truyền thống với tất cả tim óc bạn, đi cho đến cuối cuộc hành trình tâm linh, trong khi vẫn giữ thái độ cởi mở kính trọng đối với tri kiến của các truyền thống khác. Ở Tây Tạng chúng tôi thường nói: “Khi biết rõ một chuyện thì ta có thể thành tựu được tất cả.” Tư tưởng đặc biệt thời nay là, ta có thể luôn luôn mở ra cho mọi chọn lựa và bởi thế không bao giờ dấn mình vào một cái nào. Nhưng đấy là một trong những ảo tưởng lừa dối nhất trong nền văn hóa hiện nay, một trong những kiểu hiệu nghiệm nhất của bản ngã để phá hỏng sự tu tập của chúng ta.

    Khi bạn cứ tiếp tục tìm kiếm mãi, thì chính sự tìm kiếm trở thành một căn bệnh ám ảnh bạn. Bạn trở thành một khách du lịch về tâm linh, đi khắp nơi chốn mà không bao giờ tới một chỗ nào. Như Patrul Rinpoche nói:

    - Bạn để con voi của bạn ở nhà mà đi tìm dấu chân của nó ở trong rừng.

    Theo một con đường không phải là một kiểu tự giam giữ bạn hay để con đường ấy chiếm độc quyền đối với bạn. Mà con đường ấy là một phương tiện thiện xảo đầy bi mẫn để giữ cho bạn tập trung luôn luôn vào đấy, dù có bao nhiêu trở ngại mà chính bạn và cuộc đời của bạn chắc chắn sẽ xen vào.

    Bởi thế, khi bạn đã thăm dò những truyền thống mật tông, hãy chọn một vị thầy và theo sự hướng dẫn của vị ấy. Khởi hành lên đường tu tập là một chuyện, mà có được kiên nhẫn, trì chí, tuệ giác, can đảm và sự khiêm hạ để theo cho đến cùng, là một chuyện khác. Bạn có thể có duyên nghiệp để tìm ra một vị thầy, nhưng khi ấy chính bạn phải tạo ra cái nghiệp để theo vị thầy ấy. Vì rất ít người trong chúng ta biết được làm cách nào để theo thầy, đó là cả một nghệ thuật. Cho nên dù giáo lý có vĩ đại đến đâu, bậc thầy vĩ đại đến đâu, điều cốt yếu vẫn là, bạn phải tìm trong chính bạn cái tuệ giác và thiện xảo trong sự tu tập làm sao để yêu mến và tuân theo bậc thầy và giáo lý.

    Điều ấy không dễ. Sự việc không bao giờ toàn hảo. Làm sao mà toàn vẹn được, khi chúng ta đang còn ở trong thế giới tương đối của sinh tử. Ngay cả khi bạn đã chọn được một vị thầy và rất chân thành theo giáo lý, bạn vẫn thường gặp phải những rắc rối và bất mãn, mâu thuẫn và bất toàn. Đừng ngã quị trước những chướng ngại nhỏ nhen ấy. Đấy chỉ là những cảm xúc trẻ con của bản ngã. Đừng để chúng làm bạn đui mù trước giá trị bền bỉ và tinh túy mà bạn đã chọn được. Đừng để cho sự mất kiên nhẫn của bạn lôi bạn đi xa khỏi sự dấn mình tìm chân lý của bạn. Đã bao nhiêu lần tôi lấy làm buồn khi thấy nhiều người chọn được một giáo lý và bậc thầy, theo học với một niềm hăng say đầy hứa hẹn, mà sau đó lại mất niềm tin khi xảy đến những chướng ngại nhỏ không thể tránh. Họ rơi trở lại vào con đường luân hồi sinh tử, vào những tập quán cũ, và để lãng phí nhiều năm tháng, có lẽ cả cuộc đời họ.

    Đức Phật đã dạy trong bài Pháp đầu tiên của ngài, căn nguyên của mọi khổ đau chúng ta trong sinh tử là vô minh. Vô minh có vẻ như là bất tận, khi ta chưa giải thoát khỏi nó. Ngay cả khi ta đã lên đường tu tập, sự tìm kiếm của ta cũng vẫn còn bị sương mù vô minh vây phủ. Tuy nhiên, nếu bạn nhớ điều này, và luôn giữ lời Phật dạy trong tâm bạn, thì dần dần bạn sẽ phát triển được trí phân biệt để nhận ra được những mê muội của vô minh, và nhờ vậy chúng không tác hại được sự tu hành của bạn hay làm bạn mất mục tiêu nhắm tới.

    Đức Phật dạy, cuộc đời ngắn ngủi như một làn chớp; tuy nhiên, như Wordsworth nói:

    - Cuộc đời này thực quá nặng nề: Làm ra tiền và xài tiền cũng đủ làm cho chúng ta tiêu ma hết năng lực.

    Chính sự tiêu ma năng lức ấy có lẽ là cái sự nát lòng nhất về đời người: Nó phản bội lại tinh túy của ta, nó để lỡ mất cơ hội quý báu mà cuộc đời này – cõi Bardo tự nhiên – đem lại cho ta, để hiểu được và thể hiện được tự tính giác của ta. Điều mà những bậc đạo sư cốt nói cho ta biết là, ta hãy chấm dứt tự làm cho ta mê muội: Ta đã học được điều gì, nếu vào lúc chết ta không biết mình thực sự là ai? Tử thư Tây Tạng nói:

    Tâm nghĩ xa xôi, không nghĩ cái chết sắp đến,

    Làm những hoạt động vô nghĩa này,

    Rồi trở về hai bàn tay trắng

    Thực là mê muội hoàn toàn;

    Điều cần là trực nhận bản tâm và giáo lý

    Tại sao không tu tập đạo lộ trí tuệ ngay lúc này?

    Những lời này từ kim khẩu bậc thánh nói ra:

    Nếu bạn không ghi nhớ lời thầy vào tâm khảm

    Thì có phải bạn đã tự lừa dối mình?




    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  9. #77
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    BẬC THẦY

    Đức Phật dạy trong một mật điển:

    - Trong tất cả chư Phật đã đạt giác ngộ, không có một vị nào thành tựu việc này mà không nhờ một bậc thầy, và trong tất cả ngàn vị Phật sẽ xuất hiện trong đại kiếp này, không một vị nào sẽ đạt giác ngộ mà không nương tựa vào một bậc thầy.

    Vào năm 1987, sau khi bậc thầy thân yêu Dudjom của tôi từ trần ở Pháp thì tôi đang ngồi trong xe lửa từ miền Nam nước Pháp nơi ngài ở, để trở về Paris. Trong trí tôi hiện ra muôn ngàn hành vi độ lượng, hiền lành và từ ái của ngài, tôi rưng nước mắt tự nhủ với mình nhiều lần:

    - Nếu không nhờ thầy, thì làm sao con hiểu được?

    Tôi nhận chân một cách tha thiết cái điều trước đấy tôi chưa bao giờ biết đến, đó là tại sao truyền thống chúng tôi lại đặt tầm quan trọng thiêng liêng như vậy vào liên hệ thầy trò, và mối liên hệ ấy là thiết yếu như thế nào đối với việc truyền thừa chân lý từ trí sang trí, từ tâm sang tâm. Nếu không có những bậc thầy tôi, thì tôi đã không thể trực nhận chân lý của lời dạy, tôi đã không thể đạt đến tầm mức hiểu biết khiêm tốn mà tôi có được.

    Nhiều người Tây phương nghi ngờ thầy, thông thường bất hạnh thay, lại là vì những lý do chính đáng. Tôi không cần phải kể ra đây vô số trường hợp ghê gớm, đáng chán, về sự điên rồi, tham lam, và lường gạt đã xảy ra trong thế giới hiện nay, kể từ khi tây phương mở cửa đón nhận nền minh triết đông phương vào những thập niên 1950 và 1960. Tuy nhiên, tất cả truyền thống trí tuệ lớn, dù là Ki-tô, Sufi, Phật giáo hay Ấn giáo, muốn có năng lực đều phải dựa vào quan hệ thầy trò. Bởi thế điều mà thế giới cần một cách cấp thiết hiện nay, là sự hiểu biết rõ ràng càng minh bạch càng tốt, một bậc thầy chân thực là gì, và một môn đệ chân thực là gì, và gì là thực chất của sự chuyển hóa xảy ra nhờ lòng tin đối với thầy.

    Có lẽ sự mô tả cảm động và chân xác nhất về bản chất chân thực của bậc thầy mà tôi từng nghe, là cách mô tả của thầy Jamyang tôi. Ngài nói rằng mặc dù bản tính chân thực của chúng ta là Phật, song từ vô thỉ nó đã bị che mờ bởi một đám mây đen vô minh mê lầm. Tuy thế, bản tính chân thực ấy, Phật tính của ta, không bao giờ hoàn toàn đầu hàng sự chuyên chế của vô minh, ở đâu đó Phật tính ấy luôn luôn chống lại sự thống trị của vô minh.

    Như thế Phật tính của chúng ta có một khía cạnh tích cực, đó là “bậc thầy nội tâm” của chúng ta. Ngay khi chúng ta trở nên mờ mịt, là bậc thầy nội tâm ấy đã làm việc cho chúng ta không biết mỏi mệt, cố đưa chúng ta trở về sự sáng sủa, khoáng đạt của bản thể chân thực chúng ta. Bậc thầy ấy không bỏ rơi ta giây phút nào. Trong lòng từ bi vô lượng như của chư Phật và của các đấng giác ngộ, Phật tính ấy không ngừng hoạt động cho sự tiến hóa của ta - không những đời này mà tất cả đời quá khứ của ta – dùng đủ phương tiện thiện xảo, đủ loại hoàn cảnh để giáo hóa, thức tỉnh chúng ta, và để dẫn chúng ta trở về chân lý.

    Khi chúng ta đã cầu nguyện, khát ngưỡng chân lý trong một thời gian dài, qua nhiều đời kiếp, và khi nghiệp ta đã được thanh lọc khá đủ, thì một thứ phép lạ xảy ra. Và nếu ta có thể hiểu và xử dụng phép lạ này, thì nó có thể đưa đến sự vĩnh viễn chấm dứt vô minh: Vị thầy nội tâm, người luôn luôn theo sát chúng ta, xuất hiện dưới hình dạng một “vị thầy bên ngoài”, người mà gần như do một huyễn thuật, ta đã gặp được trong thực tế. Sự gặp gỡ này là quan trọng nhất trong tất cả đời kiếp.

    Ai là vị thầy bên ngoài? Không ai khác hơn là hiện thân, là tiếng nói và đại diện của vị thầy bên trong. Vị thầy mà hình dáng con người, tiếng nói con người, và trí tuệ của ông, đã khiến ta thương mến hơn bất cứ người nào khác trong các đời kiếp của ta, người ấy không ai khác hơn là biểu hiện của sự thật huyền bí nội tâm ta. Nếu không thì làm sao giải thích được tại sao cảm thấy liên hệ mãnh liệt đến vị thầy ấy như thế?

    Ở tầng mức cao sâu nhất, thầy và trò không thể có sự ngăn cách, vì công việc của thầy là dạy cho ta nhận được thông điệp rõ ràng của vị thầy bên trong tâm ta, và làm cho ta nhận chân được sự hiện diện liên tục của bậc thầy tối hậu ấy ở trong tâm. Tôi cầu cho quý vị có thể thưởng thức được trong đời này, niềm hỉ lạc của mối tương giao hoàn hảo nhất đó.

    Không những vị thầy là phát ngôn chính thức của chính vị thầy trong tâm bạn, mà ông còn là người chuyên chở, truyền đạt tất cả những ân phước của các đấng giác ngộ. Đấy là điều làm cho vị thầy của bạn có khả năng phi thường để soi sáng tâm trí bạn. Vị thầy không khác gì hiện thân của cái tuyệt đối, đấy là đường dây điện thoại qua đó tất cả chư Phật và các bậc giác ngộ có thể liên lạc với bạn. Vị thầy là kết tinh của trí tuệ tất cả chư Phật, và hiện thân của lòng từ bi của các ngài luôn luôn hướng về bạn: Ánh sáng của chư Phật nhắm thẳng vào tim óc bạn để giải thoát bạn.

    Trong truyền thống chúng tôi xem vị thấy còn tốt hơn cả những vị Phật. Mặc dù lòng từ bi và năng lực chư Phật luôn luôn hiện hữu, song những mê mờ đã ngăn che chúng ta không gặp được chư Phật một cách trực tiếp. Nhưng vị thầy của chúng ta có thể gặp; vị thầy đang ở đó, sống, thở, nói, làm việc. Vị thầy luôn ở trước mắt ta để chỉ cho ta bằng mọi cách có thể, con đường của chư Phật: Con đường giải thoát. Với tôi, những bậc thầy của tôi là hiện thân của chân lý sống, là những dấu hiệu ám chỉ rằng sự giác ngộ có thể đạt được khi còn thân xác, ngay trong đời này, trong thế giới này, ngay bây giờ và tại đây. Các ngài là những nguồn cảm hứng tối thượng trong việc tu tập của tôi, trong công việc, đời sống của tôi, và trong cuộc hành trình của tôi tiến đến giải thoát. Những bậc thầy đối với tôi là hiện thân của lời nguyện thiêng liêng đặt giác ngộ lên trên hết, cho đến khi tôi thực hiện được nguyện ấy. Tôi biết rằng chỉ khi đạt giác ngộ tôi mới hiểu biết hoàn toàn những vị ấy thực sự là ai, và biết được trọn vẹn lòng độ lượng, từ bi và trí tuệ vô biên của các vị.

    Tôi muốn san sẻ với các bạn lời cầu nguyện đẹp đẽ sau đây, mà ở Tây Tạng chúng tôi đọc để triệu thỉnh vị thầy trong tâm ta:

    Từ đóa sen lòng sùng kính trong tim con

    Hỡi Thầy từ bi, chỗ nương cậy duy nhất của con;

    Hãy xuất hiện che chở con trong cơn khốn đốn

    Bởi các nghiệp quá khứ và cảm xúc hỗn loạn.

    Như viên ngọc an trú trên đầu con, mandala của đại lạc

    Khơi dậy tỉnh giác và sáng suốt trong con, xin Thầy!




    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  10. #78
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    NĂNG LỰC CỦA LÒNG SÙNG KÍNH

    Như Phật đã dạy về các vị Phật đã giác ngộ, không ai là không nương vào một bậc thầy, Ngài còn dạy:

    - Chỉ nhờ lòng sùng kính mà thôi, ta có thể thực chứng chân lý tuyệt đối.

    Chân lý tuyệt đối không thể thực chứng được trong phạm vi cái tâm thường ngày. Và tất cả truyền thống trí tuệ lớn, đều dạy con đường để vượt ngoài tâm thường ngày là trái tim. Con đường của trái tim là sự sùng kính.

    Dilgo Khientse Rinpoche nói:

    - Chỉ có một cách duy nhất để đạt giải thoát giác ngộ, đó là theo một bậc thầy chân thực. Thầy là vị hướng đạo giúp ta vượt biển sinh tử.

    Như mặt trời, trăng phản chiếu trên mặt nước lặng trong, ân phước chư Phật cũng luôn luôn hiện diện cho những người có lòng tin tuyệt đối. Ánh sáng mặt trời rơi khắp, nhưng chỉ nơi nào có kính hội tụ thì mới đốt được cỏ khô. Khi những tia sáng bao la của tâm Phật từ bi được hội tụ vào tấm gương lớn của lòng tin và sự sùng kính, thì ngọn lửa ân phước sẽ cháy bùng trong bản thể bạn.

    Vậy thì điều cốt yếu là biết được sùng kính thực sự có nghĩa gì. Đấy không phải là sự tôn thờ vô ý thức, không phải là bỏ hết trách nhiệm đối với chính bạn, tuân theo một cách mù quáng sự bốc đồng của một người khác. Sùng kính chân thực là một sự luôn sẵn sàng đón nhận chân lý không gián đoạn. Sự sùng kính ấy có gốc rễ trong niềm tri ân kính phục, nhưng sáng suốt và có trí tuệ, có căn cứ.

    Khi bậc thầy có thể khơi mở cái tâm sâu xa của bạn, làm cho bạn thấy được tự tính của tâm, thì trong bạn nổi lên một niềm tri ân hoan hỉ đối với người đã giúp bạn thấy được. Vì sự thật mà bạn thấy là những gì mà bậc thầy thể hiện trong con người, trong giáo lý và trong trí tuệ của thầy. Cảm giác chân thực tự nhiên ấy luôn luôn có gốc rễ trong kinh nghiệm nội tâm, và chỉ điều này mới được gọi là sùng kính, Tạng ngữ là Mogu. Mogu nghĩa là “khát khao và kính trọng”: Kính trọng thầy, niềm kính trọng càng tăng khi bạn càng hiểu bậc thầy là ai, và khao khát những gì mà thầy có thể khai thị cho bạn, vì bạn đã biết thầy chính là gạch nối của tâm bạn với chân lý tuyệt đối, hiện thân của tự tính chân thực trong bạn.

    Dilgo Rinpoche nói:

    - Lúc đầu sự sùng kính này có thể chưa tự nhiên, nên ta phải dùng một số kỹ thuật để giúp ta có được sự sùng kính. Điều chính yếu là phải luôn luôn nhớ những đức tính tuyệt hảo của vị thầy, nhất là lòng tử tế của vị ấy đối với ta. Nhờ liên tục phát sinh niềm tin tưởng, tán thán vị thầy, tận tụy với thầy, mà sẽ có ngày chỉ cần nhớ tên hay nghĩ đến vị ấy cũng đủ dừng lại mọi vọng tưởng của ta, và ta sẽ thấy vị ấy như chính là đức Phật.

    Thấy thầy không phải như một con người, mà như chính đức Phật, đó là nguồn gốc của ân phước lớn nhất. Padmasambhava nói:

    - Sùng kính tuyệt đối đem lại ân phước lớn lao; không hoài nghi đem lại thành công mỹ mãn,

    Những người Tây Tạng biết nếu bạn xem thầy như Phật, thì bạn sẽ nhận được phước của Phật, nhưng nếu bạn xem thầy như một con người mà bạn chỉ được phước của con người. Vậy nếu muốn nhận được năng lực chuyển hóa trọn vẹn của lời dạy của bậc thầy, thì bạn phải khơi mở trong chính mình lòng sùng kính lớn lao nhất. Chỉ khi bạn xem thầy như Phật thì một nền giáo lý như-của-Phật mới đến với bạn từ tâm giác ngộ của bậc thầy. Nếu bạn không thể xem thầy như Phật, mà chỉ xem như người, thì không bao giờ có được ân phước trọn vẹn, và ngay cả nền giáo lý vĩ đại nhất bạn cũng không thể đón nhận được.

    Càng tư duy về sự sùng kính và vai trò của nó trong tri kiến về giáo lý, tôi càng nhận sâu xa rằng đấy cốt yếu là một phương tiện thiện xảo để làm cho chúng ta dễ hấp thụ chân lý mà thầy truyền dạy. Những bậc thầy không cần sự tôn thờ của chúng ta, nhưng có xem thầy như Phật sống thì ta mới có thể lắng nghe thông điệp của giáo lý và nhất nhất tuân theo những chỉ giáo của họ. Như vậy, có thể nói sự sùng kính là cách thực tiễn nhất để có niềm tôn trọng tuyệt đối và do đó mở lòng ra để đón nhận giáo lý mà bậc thầy truyền đạt và thể hiện qua con người của họ. Càng sùng kính, bạn càng mở lòng ra đối với lời giảng dạy, và bạn càng mở lòng ra thì giáo lý càng có nhiều cơ hội để thấm vào tim óc bạn, và nhờ vậy phát sinh một sự chuyển hóa tâm linh toàn diện.

    Vậy, chỉ nhờ xem thầy như Phật sống, mà tiến trình “thành Phật” của bạn có thể thực sự bắt đầu và hoàn tất. Khi tâm trí bạn đã hoàn toàn mở ra trong niềm hân hoan, ngạc nhiên, biết ơn đối với sự mầu nhiệm là hiện diện của bậc thầy, hiện thân của giác ngộ, thì khi ấy, dần dà trải nhiều năm, có thể xảy ra sự truyền thừa từ tâm trí tuệ của bậc thầy sang tâm của bạn, mở cho bạn thấy ánh quang vinh của Phật tính nơi chính bạn, và cùng với Phật tính ấy là ánh quang vinh của toàn vũ trụ.

    Tình sư đệ thân thiết sâu xa nhất ấy trở thành một tấm gương phản chiếu mối tương quan của người đệ tử đối với cuộc đời và thế giới nói chung. Bậc thầy trở thành hình ảnh cốt cán trong sự thực hành “tri kiến thuần tịnh,” cao điểm của nó là khi hành giả thấy một cách trực tiếp không còn chút nghi ngờ nào: Thầy là Phật sống, lời thầy là Phật ngôn, tâm thầy là tâm giác ngộ của tất cả chư Phật, mỗi hành động của thầy là một biểu hiện của Phật hạnh, chỗ thầy ở là cảnh giới Phật, và ngay cả những người xung quanh thầy là ánh sáng do trí tuệ của thầy chiếu ra.

    Khi những nhận thức như vậy càng ngày càng hiện thực và vững chắc, thì phép lạ trong tâm mà hành giả đã trông ngóng từ bao đời kiếp có thể dần dần xuất hiện: Hành giả khởi sự thấy một cách tự nhiên rằng mình, vũ trụ và tất cả hữu tình trong đó đều trong sáng toàn hảo một cách tự nhiên: Thế là cuối cùng hành giả đang nhìn vào Thực tại với chính con mắt của mình. Bậc thầy, như vậy, là con đường, là phiến đá thử vàng mầu nhiệm để phát sinh một chuyển hóa toàn diện của mọi nhận thức nơi người đệ tử.

    Sự sùng kính trở thành phương thức nhanh nhất, giản dị nhất và thuần tịnh nhất để trực ngộ bản tâm và vạn pháp trong vũ trụ. Càng tiến trên con đường này, ta thấy tiến trình ấy hỗ tương duyên sinh một cách kỳ diệu: Khi chúng ta cố liên tục phát sinh lòng sùng kính, sự sùng kính ta có được ấy lại phát sinh ra ánh sáng của tự tâm ta; sự thấy được ánh sáng tự tâm lại làm cho ta tăng lòng sùng kính đối với bậc thầy đã khơi niềm cảm hứng cho ta. Như thế là sùng kính tuôn phát từ trí tuệ: Sùng kính và kinh nghiệm về bản tâm trở thành một thực thể bất khả phân, và gợi cảm hứng lẫn nhau.

    Thầy của Patrul Rinpoche là Jikmé Gyalwé Nyugu. Trong nhiều năm ngài nhập thất trong một hang động. Một ngày kia khi ngài ra ngoài, mặt trời đang đổ xuống; ngài nhìn lên trời thấy một đám mây đang di chuyển về hướng mà Jikmé Lingpa, bậc thầy ngài đang cư trú. Ngài nghĩ trong tâm, “Thầy ta đang ở nơi kia,” và một niềm khát ngưỡng và sùng kính dâng trào trong tâm ngài, mãnh liệt tới nỗi ngài ngã quị. Khi ngài tỉnh dậy, toàn thể tâm giác ngộ của bậc thầy đã được truyền sang cho ngài, và ngài đạt đến trình độ chứng nhập cao nhất, gọi là “Diệt tận định.”



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  11. #79
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    DÒNG ÂN SỦNG

    Những câu chuyện về năng lực của lòng sùng kính và ân phước của bậc thầy không phải là những chuyện chỉ có trong quá khứ. Trong một con người như Khandro Tsering Chodron, bậc nữ đạo sư của thời đại chúng ta, ta có thể thấy được kết quả sự tu tập và sự sùng kính sâu xa đối với bậc thầy là như thế nào. Tính khiêm hạ, giản dị của bà, trí tuệ trong sáng của bà được mọi người Tây Tạng tôn kính, mặc dù bà cố hết sức ở lại trong bóng tối, không bao giờ xuất đầu lộ diện. Bà sống cuộc đời khổ hạnh ẩn cư của một hành giả tu thiền quán ngày xưa.

    Tôi thường nghe Khandro nói nhiều lần rằng nếu liên hệ của bạn với thầy bạn được giữ thực sự trong sáng, thì mọi sự trong đời bạn sẽ tốt đẹp. Cuộc đời bà là điển hình cảm động nhất về điều này. Sự sùng kính đã làm cho bà thể hiện được tinh hoa của giáo lý, và tỏa chiếu cho người khác ánh sáng ấm áp của tinh hoa ấy. Khandro không giảng dạy một cách trịnh trọng, kỳ thực bà không nói nhiều; nhưng điều gì bà nói thường rõ rệt một cách sâu xa đến nỗi nó trở thành lời tiên tri. Lắng nghe bà tụng lên những lời kinh, hay thực tập thiền định với bà, bạn được cảm hứng sâu xa tận tâm để. Ngay cả khi đi dạo với bà, hay chỉ ngồi với bà, ta cũng thấy như được tấm trong niềm hỉ lạc mãnh liệt của sự hiện diện ấy.

    Vì Khandro rất dè dặt, và vì sự vĩ đại của bà nằm ở tính bình dị, nên chỉ có người nào thực sự trí tuệ mới thấy được bà là ai. Chúng ta sống trong một thời đại mà chỉ những người phô trương mình ra lại thường được thán phục nhiều nhất. Nhưng chính trong những người khiêm cung như Khandro, mà chân lý đang sống thực sự. Nếu Khandro có bao giờ đến giảng dạy ở Tây phương, bà sẽ là một bậc thầy toàn hảo, bậc nữ đạo sư vĩ đại nhất, người nhập thể được một cách huyền nhiệm toàn triệt, đức từ bi và trí tuệ của Tara – tâm bi mẫn có tuệ giác được thể hiện qua thân hình một nữ nhân – có năng lực chữa trị tâm linh. Nếu tôi phải chết, mà có Khandro tiếp nối, thì tôi sẽ cảm thấy tin tưởng và an tâm hơn bất cứ bậc thầy nào khác.

    Tất cả những gì tôi thực hiện được đều là nhờ sùng kính các bậc thầy. Càng ngày tôi càng ý thức rõ với niềm úy phục rằng những ân sủng của các bậc thầy đang làm việc qua tôi. Tôi không là gì nếu không có sự ban ân của thầy, và nếu có điều gì tôi làm được, thì đấy là làm một nhịp cầu giữa bạn và các bậc thầy. Nhiều lần, tôi đã nhận thấy rằng khi tôi nói về các thầy tôi trong các buổi giảng dạy, thì lòng sùng kính của tôi gợi cảm hứng nơi những người nghe, và trong những giây phút kỳ diệu ấy tôi cảm thấy các thầy tôi đang hiện diện, đang ban ân phước và mở những trái tim các học trò tôi, cho họ thấy được chân lý.



    Tôi nhớ ở Sikkim vào thập niệm 1960, sau khi thầy Jamyang tôi chết không bao lâu, Dilgo Khientse Rinpoche đang làm một loạt dài những lễ quán đảnh thuộc giáo lý của Padmasambhava, có thể kéo dài nhiều tháng. Nhiều bậc thầy đang ở trong một tu viện trên ngọn đồi phía sau thủ đô Gangtok, và tôi đang ngồi với Khandro Tsering Chodron và Lama Chokden, phụ tá của thầy Jamyang Khientse và là một thầy nghi lễ.

    Chính vào lúc ấy tôi kinh nghiệm được sự thật về cách làm thế nào một bậc thầy có thể truyền phúc lạc của tâm giác ngộ cho đệ tử (truyền tâm ấn). Một ngày, Dilgo Khientse Rinpoche giảng dạy về sự sùng kính và nói về thầy Jamyang Khientse, tuôn ra từ tâm ngài như dòng thác hùng hồn và đầy thi vị tâm linh. Khi nhìn thấy Dilgo Khientse Rinpoche và lắng nghe thầy nói, một cách mầu nhiệm tôi nhớ lại phong thái của chính thầy Jamyang Khientse những lúc thầy giảng giáo lý tuyệt vời một cách thao thao bất tuyệt, như từ một suối nguồn bất tận. Từ từ tôi kinh ngạc nhận thấy cái gì đã xảy đến: Đó là ân sủng tuệ giác của thầy Jamyang Khientse đã được trao truyền trọn vẹn cho pháp tử của ngài, Dilgo Khientse Rinpoche, và giờ đây ở trước chúng tôi, ân sủng tuệ giác ấy đang phát ngôn một cách lưu loát không cần nỗ lực, qua thầy Dilgo Rinpoche.

    Sau buổi giảng, khi quay lại Khandro và Chokden, tôi thấy mặt họ đang ràn rụa nước mắt, và bảo:

    - Chúng tôi biết Dilgo Khientse là một bậc thầy vĩ đại, và chúng tôi cũng biết người ta thường bảo một vị thầy có thể truyền hết ân sủng tuệ giác cho pháp tử của mình. Nhưng chỉ mới hôm nay, bây giờ và tại đây, tôi mới thực chứng được sự thật ấy có nghĩa gì.

    Khi nghĩ lại cái ngày kỳ diệu ấy ở Sikkim, và nghĩ đến những bậc thầy vĩ đại mà tôi đã biết, thì tôi lại nhớ đến những lời này của một bậc thánh Tây Tạng:

    - Khi mặt trời sùng kính chói chang (của môn đệ) chiếu trên đỉnh núi tuyết là bậc thầy, thì dòng thác ân sủng của thầy sẽ tuôn xuống.

    Tôi lại nhớ đoạn văn của chính Dilgo Khientse Rinpoche đã diễn tả những đức tính cao quí vô biên của bậc thầy một cách hùng hồn hơn bất cứ đoạn văn nào khác:

    - Thầy như một con thuyền lớn cho chúng sinh vượt qua đại dương hiểm nghèo của sinh tử, thầy là thuyền trưởng vững vàng hướng dẫn chúng tới bến bờ khô ráo của giải thoát; thầy là cơn mưa dập tắt ngọn lửa não phiền, là ánh nhật nguyệt chói lọi xua tan bóng tối vô minh, là đất kiên cố có thể chuyên chở sức nặng của ác và thiện, một Cây ước ban bố niềm vui tạm thời và hạnh phúc vĩnh cửu, là kho tàng giáo lý thâm diệu bao la, là ngọc châu như ý đem lại tất cả đức tính của chứng ngộ, là cha là mẹ trải lòng thương bình đẳng lên tất cả hữu tình, là con sông lớn của lòng từ, là ngọn núi vươn lên trên mọi lo phiền thế tục, không lay chuyển trước những gió bão của cảm xúc; thầy là vừng mây lớn đem mưa rưới mát những dằn xé của dục vọng. Tóm lại, thầy ngang với tất cả chư Phật. Chỉ cần liên lạc với bậc thầy bằng bất cứ cách nào, hoặc trông thấy thầy, hoặc nghe giọng nói của thầy, hoặc được thầy lấy tay sờ đầu, hoặc nhớ đến thầy, cũng sẽ đưa ta đến giải thoát. Hoàn toàn đặt tin tưởng nơi bậc thầy, đó là cách bảo đảm nhất để có tiến bộ trên đường chứng đắc tuệ giác. Sự ấm áp của trí tuệ và từ bi của thầy sẽ làm tan những cấu uế trong người ta và giải tỏa được chất vàng ròng của Phật tính trong ta.

    Tôi đã ý thức được niềm ân sủng mà các bậc thầy tôi rót vào tâm tôi mà tôi hầu như không hay biết. Từ ngày Dudjom Rinpoche chết, những học trò tôi bảo rằng những lời giảng dạy của tôi trở nên lưu loát rõ ràng hơn. Cách đây không lâu, sau khi nghe Dilgo Khientse Rinpoche giảng một bài pháp hay đặc biệt, tôi đã bày tỏ lòng thán phục của tôi và nói:

    - Thật như là một phép lạ, khi những lời giảng tuôn ra từ tâm trí tuệ của ngài một cách tự nhiên không nỗ lực.

    Thầy nhẹ nhàng ngả về phía tôi và nói, với một ánh mắt trêu chọc:

    - Và mong sao những lời dạy của con bằng tiếng Anh cũng tuôn ra dễ dàng trôi chảy như vậy.

    Từ đấy trở đi, tự nhiên tôi có cảm giác cái khả năng diễn đạt giáo lý nơi tôi trở nên tự nhiên hơn, hoàn toàn không do luyện tập. Tôi xem quyển sách này như một biểu hiện của niềm ân sủng từ những vị thầy tôi, được truyền từ tâm trí tuệ của bậc thầy và vị đạo sư tối hậu là Padmasambhava. Vậy, quyển sách này là tặng phẩm của các ngài đến cho bạn.

    Chính niềm sùng kính đối với những bậc thầy đã đem lại cho tôi sức mạnh để giảng dạy, và tâm hồn rộng mở, tính cảm thụ sâu xa để học hỏi và luôn luôn học hỏi. Chính thầy Dilgo Khientse Rinpoche cũng không bao giờ ngưng học hỏi một cách khiêm hạ từ những bậc thầy khác, phần lớn là từ chính những đệ tử của ngài. Bởi thế, niềm sùng kính gợi cảm hứng cho sự giảng dạy cũng là sự sùng kính đem cho ta tính khiêm hạ để tiếp tục học hỏi. Vị đại đệ tử của Milapera là Gampopa đã hỏi thầy mình lúc chia tay:

    - Khi nào thì đúng lúc con nên khởi sự dìu dắt đệ tử?

    Milapera trả lời:

    - Khi con không phải như con bây giờ, khi toàn thể nhận thức của con đã được chuyển hóa, và con có thể thấy, thực sự thấy, cái ông già trước mặt con không ai khác hơn là chính đức Phật. Khi lòng sùng kính đã đem lại cho con giây phút nhận thức được như thế, cái lúc ấy sẽ là dấu hiệu chứng tỏ thời gian ra giáo hóa của con đã đến.

    Giáo lý này đã đến với bạn từ tâm giác ngộ của Padmasambhava xuyên qua hàng bao thế kỷ, trên ngàn năm, qua một dòng truyền thừa không gián đoạn gồm những bậc thầy mà mỗi vị đều trở thành bậc thầy chỉ nhờ đã biết khiêm hạ làm đệ tử, và vẫn luôn luôn, trong ý nghĩa sâu xa nhất, là đệ tử của những bậc thầy họ suốt cả đời. Ngay cả vào lúc ngài đã tám mươi hai tuổi, mỗi khi Dilgo Khientse Rinpoche nói về Thầy mình là Jamyang Khientse Rinpoche, mắt ngài đều rướm lệ, những giọt nước mắt của niềm tri ân và sùng kính. Trong bức thư cuối cùng gửi cho tôi trước khi chết, ngài đã ký tên là “Đệ tử đệ nhất.” Điều ấy chứng tỏ cho tôi thấy thực vô tận thay lòng sùng kính chân thực, và cùng với sự chứng ngộ cao nhất cũng phát sinh niềm sùng kính lớn nhất và niềm tri ân toàn vẹn nhất, vì nó đầy cả đức khiêm cung.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

  12. #80
    Avatar của choconxauxi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    471
    Thanks
    388
    Thanked 317 Times in 168 Posts


    PHÉP ĐẠO SƯ DU GIÀ; HÒA VỚI TÂM TRÍ TUỆ CỦA BẬC THẦY



    Tất cả chư Phật, Bồ tát và những bậc giác ngộ luôn luôn hiện diện để giúp chúng ta, và chính nhờ hiện diện của bậc thầy mà tất cả ân sủng của Phật, Bồ tát được tập trung trực tiếp trên ta. Những người đã biết Padmasambhava thì biết sự thật của lời hứa mà ngài đã lập trên ngàn năm trước:

    - Tôi không bao giờ xa các người có đức tin, hay cả đến những người không có đức tin, mặc dù họ không trông thấy tôi. Những người con của ta sẽ luôn luôn được lòng từ bi của tôi che chở.

    Chúng ta chỉ cần xin cầu nếu muốn được giúp đỡ trực tiếp. Há không phải Ki-tô cũng nói:

    - Hãy xin, ngươi sẽ được cho; hãy tìm kiến, ngươi sẽ gặp; hãy gõ, và cửa sẽ được mở cho ngươi. Ai xin đều nhận được, ai tìm đều gặp được.

    Tuy thế, hỏi xin là điều khó khăn nhất đối với chúng ta. Tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta hoàn toàn không biết làm thế nào để hỏi. Đôi khi vì ta kiêu căng, đôi khi vì ta không muốn được giúp đỡ, đôi khi vì ta biếng nhác, đôi khi vì tâm ta bận rộn đủ thứ vấn đề, lo ra, và mờ mịt đến nỗi ta không bao giờ nghĩ đến chuyện giản dị là hỏi. Khúc quanh quan trọng trong bất cứ sự cai rượu hay cai nghiện nào, là khi những người nghiện chấp nhận họ có bệnh và xin được giúp đỡ. Có thể nói chúng ta đều là những kẻ nghiện sinh tử; cái lúc sự giúp đỡ có thể đến với ta là lúc ta công nhận mình có bệnh nghiện và chỉ có việc xin cầu giúp đỡ.

    Điều ta cần hơn bất cứ gì, là tính can đảm và khiêm hạ thực sự để cầu xin sự giúp đỡ, từ đáy tim ta cầu xin lòng từ bi của các bậc giác ngộ, cầu sự gạn lọc và chữa lành, cầu được khả năng hiểu thấu ý nghĩa của khổ đau và chuyển hóa nó; cầu xin trên bình diện tương đối, được tăng trưởng sự sáng suốt, bình an, khả năng phân biệt, và cầu được chứng ngộ bản chất tuyệt đối của tâm, nhờ tan hòa vào cái tâm giác ngộ bất tử của bậc thầy.

    Để có được sự giúp đỡ của chư Phật, để khơi dậy lòng sùng kính và trực nhận bản tính tự tâm, không có pháp môn nào nhanh hơn, cảm động hơn và hiệu lực hơn pháp môn Đạo sư Du già. Dilgo Khientse Rinpoche viết:

    - Danh từ Guru Yoya có nghĩa là “hợp nhất với đấng đạo sư,” và trong sự thực tập này, chúng ta được cho những phương pháp để hòa nhập tâm mình với tâm giác ngộ của bậc thầy.

    Hãy nhớ rằng bậc thầy - đạo sư - thể hiện sự kết tinh của những ân sủng của tất cả chư Phật, tất cả bậc thầy, và các bậc đã giác ngộ. Bởi thế triệu thỉnh bậc thầy cũng là triệu thỉnh tất cả; và hòa nhập tim óc bạn với chân lý và với chính hiện thân của giác ngộ.

    Bậc thầy bên ngoài trực chỉ cho bạn chân lý về bậc thầy bên trong bạn. Chân lý ấy càng được khải thị qua lời dạy bậc thầy, qua cảm hứng từ bậc thầy, thì bạn càng nhận ra rằng bậc thầy bên ngoài và bên trong bạn là bất khả phân. Khi bạn dần dần khám phá ra chân lý này cho chính bạn, qua phương pháp triệu thỉnh trong lối thực hành phép Đạo sư Du già, thì một niềm tin tưởng, tri ân, hỉ lạc và sùng kính phát sinh trong bạn, qua đó tâm bạn và tâm giác ngộ của bậc thầy thực sự trở thành bất khả phân. Dilgo Khientse Rinpoche có soạn theo yêu cầu của tôi trong một thời thực tập Đạo sư Du già như sau:

    Cái gì hoàn tất sự thanh lọc lớn lao của nhận thức

    Chính là sự sùng kính, ánh sáng của Tự tâm chiếu ra

    Nhận chân, và nhớ rằng tự tâm ta chính là bậc thầy –

    Qua điều này, mong rằng tâm con và ta hòa làm một.


    Đó là lý do tất cả truyền thống trí tuệ của Tây Tạng đều đặt tầm quan trọng vào phép thực hành Đạo sư Du già, và tất cả những bậc thầy đều xem đấy là pháp môn tâm đắc nhất của họ. Dudjom Rinpoche viết:

    - Điều cốt yếu là đặt tất cả nghị lực của bạn vào Đạo sư Du già, bám lấy pháp này xem như sự sống, như trái tim của sự tu luyện. Nếu không vậy, thì thiền định của bạn sẽ cùn nhụt, và dù bạn có làm được chút tiến bộ, cũng không chấm dứt được những chướng ngại, và sẽ không có khả năng để sự chứng ngộ chân thực phát sinh trong tâm bạn. Bởi thế, nhờ tha thiết cầu nguyện với sự sùng kính không giả tạo, mà sau một thời gian ân sủng trực tiếp từ tâm giác ngộ của bậc thầy sẽ truyền vào bạn, gia trì cho bạn sự thực chứng vượt ngoài mô tả, phát sinh từ trong tâm khảm của bạn.

    Điều mà tôi sẽ đem lại cho bạn bây giờ là một phép đơn giản để thực hành Đạo sư Du già mà người theo tôn giáo nào cũng có thể tập. Đây là pháp tu chính yếu của tôi, là trái tim và cảm hứng của cả đời tôi. Mỗi khi tôi thực hành pháp này, thì Padmasambhava chính là người mà tôi tập trung vào. Khi đức Phật nhập niết bàn, ngài có tiên đoán rằng Padmasambhava sẽ ra đời để gieo rắc giáo lý mật tông. Như tôi đã nói, chính Padmasambhava là người thiết lập đạo Phật ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám. Đối với người Tây Tạng chúng tôi, thì Padmasambhava, Bậc thầy yêu quý, là hiện thân của một nguyên lý rộng lớn không có thời gian. Ngài là bậc thầy của tất cả. Ngài đã xuất hiện vô số lần cho các bậc thầy của Tây Tạng thấy. Những linh kiến này, những cuộc gặp gỡ này đã được ghi chép rõ ngày tháng, nơi chốn và cách xuất hiện, cùng với những giáo lý và lời tiên tri mà ngài cho biết. Ngài cũng đã để lại hàng ngàn giáo lý cho đời sau, được hiển thị nhiều lần bởi nhiều bậc thầy vĩ đại hậu thân của ngài. Một trong những giáo lý ngài để lại ấy là Tử thư Tây Tạng.

    Tôi luôn luôn cầu Padmasambhava trong những lúc gặp khó khăn khủng hoảng, và ngài không bao giờ không ban ân sủng và năng lực cho tôi. Khi tôi nghĩ về ngài, thì các bậc thầy của tôi đều là hiện thân của ngài. Đối với tôi thì ngài hoàn toàn sống động vào mọi lúc, và lúc nào toàn vũ trụ cũng chiếu sáng với vẻ đẹp, năng lực và hiện diện của ngài.

    Ôi hỡi Đạo sư, Bậc thầy tôn quý,

    Ngài là hiện thân của từ bi

    và ân sủng của tất cả chư Phật,

    Là đấng che chở tất cả hữu tình

    Thân con, tài sản con, tim con, linh hồn con

    Tất cả, con xin dâng lên ngài

    Từ giờ phút này đến khi con đạt giác ngộ,

    Trong hạnh phúc hay đau buồn,

    Trong hoàn cảnh tốt hay xấu, lên cao hay xuống thấp

    Con hoàn toàn nương tựa vào ngài, hỡi đấng Liên Hoa Sanh,

    Người biết con: hãy thương tưởng, dìu dắt con, làm cho con trở thành một với ngài.


    Tôi xem Padmasambhava như là nhập thể của tất cả bậc thầy tôi, bởi thế khi tôi hòa nhập tâm tôi với Ngài trong phép Đạo sư Du già, thì tất cả bậc thầy của tôi đều bao hàm trong đó. Tuy nhiên, bạn có thể dùng bất cứ một vị đã giác ngộ nào, bậc thánh, hay bậc thầy từ bất cứ tôn giáo nào hay truyền thống nào mà bạn cảm thấy sùng kính, dù họ còn sống hay đã chết.

    Pháp Đạo sư Du già này có bốn giai đoạn chính: Triệu thỉnh; hòa nhập tâm bạn với bậc thầy qua tinh túy của vị ấy là thần chú; nhận sự gia trì hay ân sủng; hòa nhập tâm bạn với bậc thầy và an trú trong bản tính tự nhiên Rigpa.

    1. Triệu thỉnh.

    Ngồi yên lặng. Từ đáy sâu của tim bạn, hãy gợi ra những bầu trời trước mặt bạn hiện thân của chân lý dưới hình thức của bậc thầy bạn, hay một vị thánh, hay một người đã giác ngộ.

    Cố quán tưởng bậc thầy hay đức Phật ấy đang sống, tỏa chiếu ánh sáng trong suốt như cầu vồng. Hãy tin tưởng, với niềm tin tuyệt đối, rằng tất cả niềm ân sủng và đức tính của trí tuệ, từ bi, và năng lực của tất cả chư Phật đều được nhập thể trong vị ấy.

    Nếu bạn thấy khó mà quán tưởng bậc thầy, thì hãy tưởng tượng hiện thân của chân lý như là một thực thể thuần ánh sáng, hoặc cảm thấy sự hiện diện toàn vẹn của bậc thầy ở đấy trong bầu trời trước mặt bạn; đó là hiện diện của tất cả chư Phật và các bậc thầy. Hãy để cho nguồn cảm hứng, hỉ lạc, úy phục mà bạn cảm thấy lúc đó thay cho sự quán tưởng. Chỉ cần tin tưởng rằng sự hiện diện mà bạn triệu thỉnh đã thực sự ở đấy. Chính đức Phật cũng đã nói:

    - Kẻ nào nghĩ đến ta, là ta đã ở trước mặt kẻ ấy.



    Thanh thanh thúy trúc, tổng thị Pháp thân,
    Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •