CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA
Tác Giả: Nguyệt Khê Thiền Sư
__________________________________________________ ______________________________________


35/ Tham Thiền Lầm Nhận “Chăn Trâu” Là Dụng Công:

“Chăn trâu” là sau khi đã kiến tánh dùng để tẩy trừ tập khí, điều chỉnh tánh
tình, chẳng phải là tu hành. Bởi khi đã kiến tánh, nhất ngộ vĩnh ngộ, chẳng
cần tu nữa, nhưng vẫn còn tập khí chưa dứt sạch, nên cần phải điều chỉnh lại.
Qui Sơn hòa thượng nói: “Các ngươi nếu đã hoát nhiên thông suốt thì tu với
chẳng tu là lời hai đầu, chỉ cần trừ bỏ tập khí gọi là tu”.

Xưa kia trong hội Qui Sơn có Đại An thiền sư nói: “Ta ở Qui Sơn 30 năm,
ăn cơm Qui Sơn, ỉa cứt Qui Sơn, mà chẳng học thiền Qui Sơn, chỉ chăn một
con trâu, nếu lạc đường vào đám cỏ liền kéo ra, nếu phạm lúa mạ của người
liền lấy roi điều phục, như thế lâu ngày, nay biến thành con lộ địa bạch ngưu
(Chơn như Phật tánh), thường ở trước mắt, suốt ngày luôn luôn hiển lộ rõ
ràng (Phật tánh hiện hành), đuổi cũng chẳng đi”. Phổ Minh Thiền Sư Mục
Ngưu Đồ, lấy vọng niệm dụ con trâu, Phật tánh dụ cho người chăn trâu,
vọng niệm khởi như con trâu chạy bậy, đem vọng niệm sửa thành chánh
niệm, như cỡi trâu về nhà, nói trở về bản nguyên, ấy là sai lầm. Con trâu dụ
cho vọng niệm thì không sai, người chăn trâu dụ cho Phật tánh thì sai, người
chăn trâu nên dụ cho kiến, văn, giác, tri, chẳng phải Phật tánh, Phật tánh
chẳng khởi vọng niệm.





----------


36/ Tham Thiền Lầm Nhận Tệ Đoan Của Thiền Là Dụng Công:

Cổ Đức có luận về tệ đoan của thiền rằng: “Từ đời Tống đến nay, tệ đoan
của thiền đặc biệt nhiều, nay thử đề ra có loại gọi là xướng họa tọa thiền,
công án tọa thiền, niệm Phật tọa thiền, ông địa tọa thiền, điều phục tọa thiền...”

Nói xướng họa tọa thiền là: người thầy lấy một câu thoại đầu truyền thọ cho
người học, người học vừa ngồi vừa xướng, ví như truyền cho một chữ vô
của Triệu Châu, thì tất cả chúng người học cũng xướng lên “vô, vô, vô, vô,
vô...”, giống con tú hú kêu mưa vậy. Nếu truyền cho núi tu di của Vân Môn,
thì bọn chúng cùng nhau xướng lên “núi tu di, núi tu di...”, giống như con
ve kêu. Nếu như thế được khai ngộ thì con tu hú với con ve cũng được khai ngộ.

Còn công án tọa thiền thì người thầy truyền cho một công án, bảo người học
làm công phu, làm rồi lại đến trình thầy, thuật lại cảnh giới của mình thấy,
nếu hợp với ý thầy thì được ấn khả chứng minh, rồi truyền cho một công án
khác. Từ công án này qua công án kia, gọi là “Thấu công án”, ngoài ra còn
bày đặt việc kỳ dị, dùng lời nói tỏ vẻ quái lạ, như trong mộng nói mơ, chẳng
biết hổ thẹn, cũng như con khỉ vượn chụp trăng nước. Nếu làm như thế mà
đắc đạo thì con khỉ vượn cũng đắc đạo.

Còn niệm Phật tọa thiền thì người thầy xưa nay thật chẳng tham thiền, lại
chưa hiểu Phật pháp, nhờ có phước si được làm trụ trì; hoặc thầy có theo qui
tắc ngồi thiền mà chưa dạy bảo người học một việc gì, chỉ thỉnh Di Đà,
Quan Âm, Văn Thù, Di Lặc, chư Phật, chư Bồ tát để làm bản tôn, ngồi im
niệm danh hiệu hoặc niệm chú nói nhờ tha lực, kiếp này ngộ đạo, kiếp sau
sanh Tịnh độ, tự lầm và dạy người, chùm đầu mà ngồi, giống như con sứa
nhờ mắt tôm để tìm món ăn. Nếu làm như thế mà được ngộ thì người đá,
người gỗ, ông Địa cũng phải đại ngộ.


Còn nói điều phục tọa thiền, ví như ngựa rừng gắn yên; rắn rừng vào ống tre,
chỉ biết giữ theo lời dạy của thầy, dùng công phu tọa thiền để hàng phục
phiền não vọng tưởng. Nếu làm như thế mà khai ngộ thì ngựa rừng, rắn rừng
cũng phải khai ngộ.

Những tệ đoan của loại thiền này hiện nay vẫn còn giữ trong tùng lâm, như
niệm thoại đầu, đả ngạ thất (ngồi luôn bày ngày đêm nhịn đói), bất đảo
đơn... Thậm chí có người đặt ra thần thoại, nói là mười ngày, tám ngày
chẳng ăn, thì được nhìn thấu qua vách tường mà thấy sự vật bên ngoài thấy
thần thấy ma... Sự bày đặt ma quái ngày càng tăng thêm để làm hại cho
người học