CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA
CHƯƠNG III _ Tiểu sử NGUYỆT KHÊ Pháp sư
__________________________________________________ ______________________________________



TIỂU TRUYỆN CỦA NGUYỆT KHÊ PHÁP SƯ

Tác giả: Mục Sư VƯƠNG CẢNH KHÁNH


Tôi với Nguyệt Khê Pháp Sư quen biết đã hơn ba mươi năm, cùng ở xứ Sa Điền Hồng Kông, lúc rãnh rỗi thường qua lại thăm nhau, mặc dù tín ngưỡng chẳng đồng, nhưng tâm của chúng tôi hình như có một linh tánh thông nhau, mỗi khi gặp nói chuyện, hai người đều cảm thấy rất khế hợp. Tôi rất thích Sư tánh tình ngay thẳng, tâm chẳng quanh co, tiếng nói hùng dũng, thành thật thiết tha, chẳng khách sáo, chẳng giả dối.

Nhìn theo hình tướng bề ngoài Sư rất giống một kẻ ăn xin, mặc quần áo cũ và rách, chân chẳng giày vớ, mùa lạnh mùa nóng cũng thường mang một đôi dép cũ, cầm một cây gậy, một túi vải nhỏ, tóc dài xòe vai, còn để bộ râu thưa thớt, hình dáng là một khổ hạnh đầu đà, khi đi xe lửa hoặc xuống bắc qua biển, thường mua vé hạng chót, không khi nào vì mình mà lãng phí một đồng xu. Có người nói: “Sư chẳng phải không có tiền, Sư là một triệu phú !”, Sư phải triệu phú hay không, ở đây tạm gác qua một bên sau này sẽ bảo cho biết. Mỗi lần tôi gặp Sư trên xe lửa, mặc dù tôi đã mua vé hạng nhì, nhưng vẫn thích cùng ngồi ghế hạng chót với Sư để được nói chuyện với nhau. Bạn bè thường chê cười tôi rằng: “Ông không sợ bị lây con rệp của Sư kia chăng?”. Sở dĩ ông bạn này cười tôi, là vì ông ta chẳng nhận biết cái tâm của Nguyệt Khê Pháp Sư.

Tôi đối với Nguyệt Khê Pháp Sư, chẳng phải nhìn theo hình tướng bề ngoài mà nhìn theo nội tâm của Sư. Nội tâm của Sư rất tốt đẹp, nhân sinh quan và tư tưởng của Sư rất là viên mãn, đủ cho người đời thưỏng thức. Sư mười chín tuổi xuất gia, suốt đời phụng sự Thiền Tông, đối với Phật Pháp có kiến giải mở mang sáng tỏ.

Sư họ Ngô, là người Côn Minh tỉnh Vân Nam, căn cứ lời của Sư nói, lúc mười hai tuổi đọc Lan Đình Tập Tự đến câu “Sanh tử là việc lớn, há chẳng đau khổ thay!”. Từ đó bắt đầu suy nghĩ làm sao giải quyết việc lớn sanh tử. Đến tuổi mười chín theo Tịnh An Hòa Thượng xuống tóc, khi mới xuất gia, nhiệt tình hồ đồ, phát tâm trước tượng Phật đốt ngón út và ngón áp út bên tay trái, còn cắt ở trước ngực một miếng thịt lớn như bàn tay, lại đốt thêm bốn mươi liều ngay chỗ vết thương trên ngực để cúng dường Phật.

Lúc 22 tuổi Sư bắt đầu giảng Kinh thuyết Pháp, Sư nói: “Chúng sanh bổn lai là Phật, chỉ vì vô minh vọng niệm nên sanh tử chẳng thể liễu thoát. Nếu phá được một phần vô minh vọng niệm thì được chứng đắc một phần Pháp thân, Khi vô minh vọng niệm phá sạch thì Pháp thân hiển lộ”. Lời này hiển nhiên là lối tu dùng công phu tiệm tiến như lời của Thần Tú: “Luôn luôn siêng lau chùi chớ cho dính bụi trần”. Khi ấy có một thính giả là người lão tu hành, nghe xong lại hỏi Sư:

_ “Nếu vô minh vọng niệm từ bên ngoài đến thì chẳng dính dáng với Sư, đâu cần đoạn dứt nó! Nếu vọng niệm từ bên trong ra thì giống như nguồn suối luôn luôn có nước ra, dứt rồi lại ra, ra rồi lại dứt đến khi nào mới hết! Sư nói 'vọng niệm dứt sạch là Phật tánh, vọng niệm khởi là chúng sanh', khi dứt khi khởi, vậy thì thành Phật cũng có luân hồi, tu hành như thế thật chẳng đúng”.