Chào bạn Nguyên Chiếu,

Tôi thấy bạn đang loáng thoáng trước cánh cửa bước vào con đường chánh pháp (đó là con đường trung đạo). Đây là con đường thoát khổ rốt ráo, diệt khổ tận gốc rễ. Còn những con đường như trì chú, niệm phật, cúng lạy, tín nguyện, bố thí, phóng sanh,... là những mạt pháp, không thể diệt khổ tận gốc rễ được.

........

Ở trình độ của bạn, tôi khuyên bạn đừng đọc thêm kinh sử nữa, vì càng đọc bạn càng dễ rơi vào lý chướng, chấp pháp, dẫn tới tâm mất an lạc. Để tôi giới thiệu sơ lược về con đường trung đạo để bạn thực hành và tự mình trải nghiệm sự thay đổi tích cực trong tâm mình.

Trung đạo có nghĩa là Ở GIỮA, VỪA PHẢI, KHÔNG QUÁ NHIỀU KHÔNG QUÁ ÍT. Một khi mức độ vừa phải được thiết lập thì trạng thái cân bằng hình thành, nên không có hiện tượng mất quân bình và không có đau buồn, bệnh tật. Cân bằng là trạng thái của tự nhiên để duy trì vạn vật. Một khi rơi vào trạng thái cực đoan, dù cực cao hay cực thấp thì đều mất cân bằng, dẫn đến đau khổ. Đây là quy luật của tự nhiên để duy trì các pháp. Nếu bạn ứng dụng vào cuộc sống thì bạn sẽ thấy an lạc, trí tuệ dần dần sẽ tự thấu hiểu không cần đọc kinh sách.

Bây giờ, bạn thử thực hành con đường trung đạo trong sinh hoạt hằng ngày bằng cách: ăn uống vừa phải, ngủ nghỉ lao động vừa phải, thể thao hoặc tu hành vừa phải, nói chuyện vừa phải, vợ chồng thương con vừa phải, suy nghĩ làm ăn vừa phải,.... Đừng cố gắng quá sức và cũng đừng bỏ phế không quan tâm điều gì, thì bạn sẽ có cuộc sống tốt. Còn bao nhiêu là vừa phải thì bạn phải tự trả lời lấy. Cái vừa phải của tôi khác với của bạn vì nhân duyên mỗi người có khác nhau.

Khi bạn làm một điều gì đó mà quá lượng vừa phải thì cơ thể bạn sẽ báo tín hiệu khó chịu để nhắc nhở bạn. Bạn phải để ý tín hiệu trong chính mình để biết dừng lại đúng lúc. Trong tổ hợp thân tâm của mỗi chúng ta đều có sẵn cơ chế trung đạo để tự nó điều hoà cân bằng mọi thứ, nhưng con người thời đại lại thích chạy theo cám dỗ của vật dục nên tự mình làm mất cân bằng, chuốc lấy phiền não và khổ đau.

Còn trên con đường tu tìm giải thoát, bạn phải thực hành trung đạo trong thái độ. Có nghĩa là bạn ít nói, từ từ làm việc, để giữa thái độ trung tính, không có cảm xúc trong thái độ. Nếu có chuyện vui (tức thái độ đi lên) hoặc có chuyện buồn bực (thái độ đi xuống), thì bạn phải nhanh chóng trở về thái độ trung tính, trầm tĩnh, không nói thêm gì cả và hít thở. Một khi tâm bạn thường xuyên an trú trong thái độ trung tính đó thì dần dần trí tuệ tự phát sáng, bạn sẽ thấu hiểu hoàn cảnh và nội tâm của mình càng lúc càng rõ ràng. Giác ngộ mỗi ngày mỗi chút sẽ tích luỹ, đến khi đại ngộ. Tiếp tụ duy trì thái độ trung tính đó, đừng quá hân hoan muốn chia sẻ với người khác,
thì khổ vui sẽ không thể chen chân vào tâm bạn được, lâu ngày bạn sẽ trở nên thích trạng thái tĩnh lặng, không còn thích vui để rồi chịu khổ nữa. Khi đó bạn sẽ ít buồn ngủ, tâm bạn trở nên tỉnh thức, thông suốt và thảnh thơi. Không còn gì để lo lắng tìm cầu nữa. An nhiên, tự tại là dấu hiệu của giải thoát sẽ xuất hiện.

Như vậy, con đường trung đạo là con đường đưa đến mục đích giác ngộ giải thoát, chứ chưa là giải thoát. Đừng lầm tưởng ngón tay chỉ trăng là trăng.

Hãy hạ thủ công phu đi, thì dần dần bạn tự trải nghiệm.

Hy vọng tôi có duyên với bạn.

Tạm biệt.