"Xin Ngài vui lòng giải thích thêm con đường của tâm,
bằng một lối khác,
và nguyên nhân sanh đau khổ trong tâm
đã che lấp Giáo Pháp."


"Nguyên nhân sanh đau khổ quả thật nhiều vô số kể,
nhưng chỉ giản lược tóm tắt.
Chính là tình thương
hằng bóp nhói cái tâm,
làm tâm bận rộn lo âu sợ hãi cho ngũ uẩn.
Nếu Giáo Pháp luôn luôn ở với tâm
ắt chấm dứt mọi luyến ái,
và không còn nguyên nhân tạo đau khổ:
Hãy nhớ điều nầy: đây là con đường của tâm.
Ta không cần chạy theo quay quần với nó
đến độ choáng váng mặt mày.
Cái tâm, khi không có Giáo Pháp cùng ở với nó,
sẽ bám níu vào, luyến ái điều gì nó thích,
lo sợ cho ngũ uẩn,
và chìm sâu trong nguyên nhân sanh đau khổ.

"Như vậy tóm tắt, có đau khổ
và có Giáo Pháp
luôn luôn cùng ở với tâm.
Hãy quán tưởng, suy niệm điều nầy
cho đến khi thấy chân lý,
tâm sẽ hoàn toàn mát mẻ.
Tuy nhiên dù hạnh phúc và đau khổ
trọng đại to lớn đến đâu,
Nó không làm cho ta kinh sợ.
Không còn say sưa chìm đắm
trong nguyên nhân của đau khổ,
tâm sẽ suôn sẻ an lành.
Chỉ hiểu biết bấy nhiêu đó cũng đủ
làm dịu bớt cơn sốt trong lòng,
và an nghỉ trên đường tìm giải thoát.
Tâm hiểu biết Giáo Pháp quên đi
cái tâm luyến ái bụi trần.
Tâm hiểu biết Giáo Pháp dễ dàng
chắc chắn thấy rằng ngũ uẩn lúc nào cũng căng thẳng.
Giáo Pháp vẫn là Giáo Pháp,
ngũ uẩn là ngũ uẩn, chỉ thế thôi.