KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA.................................................. .....................................Quyển 3
__________________________________________________ _____________________________________


Quyển 3

II. PHẨM HỌC QUÁN 01



Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn biết các thế giới: Như là Thiên-ma-phạm, như là các Sa-môn, như là Bà-la-môn, như là Kiền-đạt-phược, như là A-tố-lạc, như là các Thần rồng, như là các chúng đại Bồ-tát những vị ở thân sau cùng, nối ngôi vị Phật; ngoài ra, còn có tất cả người chẳng phải người, có duyên đối với Pháp, đều đã tập họp, liền bảo Cụ thọ Xá Lợi Tử: Nếu đại Bồ-tát, đối với tất cả pháp, muốn giác ngộ cùng tột tất cả tướng, nên học Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Khi ấy, Xá Lợi Tử nghe Phật nói rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vui mừng nhảy nhót, đi đến trước Phật, đầu lạy hai chân Phật, phủ kín vai bên trái, gối phải quỳ xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát, đối với tất cả pháp, muốn giác ngộ cùng tột tất cả tướng, phải học Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế nào?

Phật bảo Cụ thọ Xá Lợi Tử: Xá Lợi Tử! Các đại Bồ-tát nên lấy vô trụ làm phương tiện, để an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa; vì sở trụ, năng trụ đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô xả làm phương tiện, để hoàn thành Bố thí Ba-la-mật-đa; vì người cho, kẻ nhận và vật cho, đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô hộ làm phương tiện, để hoàn thành tịnh giới Ba-la-mật-đa; vì cái tướng phạm, không phạm đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô thủ làm phương tiện, để hoàn thành an nhẫn Ba-la-mật-đa; vì tướng động, không động đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô cần làm phương tiện, để hoàn thành tinh tấn Ba-la-mật-đa; vì thân tâm siêng, lười đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô tư làm phương tiện, để hoàn thành tịnh lự Ba-la-mật-đa; vì có thiền vị, không có thiền vị đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát nên lấy vô trước làm phương tiện, để hoàn thành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; vì tánh, tướng của các pháp đều không thể nắm bắt được.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành: Bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi giác ngộ, tám chi thánh đạo; vì ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành pháp môn không giải thoát, vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát; vì ba môn giải thoát này, đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định; vì tịnh lự, vô lượng, vô sắc định đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; vì giải thoát, thắng xứ … cho đến biến xứ đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện, để hoàn thành chín tưởng là Tưởng phình bụng, tưởng chảy mủ, tưởng đỏ bầm, tưởng tím xanh, tưởng chim mổ nuốt, tưởng tan rã, tưởng bộ xương, tưởng thiêu đốt, tưởng tất cả thế gian không thể bảo tồn được; vì các tưởng ấy, đều không thể nắm bắt được.

Các đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, để hoàn thành mười tùy niệm, đó là Tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm xả, tùy niệm thiên, tùy niệm nhập xuất tức, tùy niệm yểm, tùy niệm tử, tùy niệm thân; vì các tùy niệm này, không thể nắm bắt được.