Sa Di Giới và Sa Di Ni Giới
Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải

______________


Sa Di Luật Nghi
Sa Di Luật Nghi Yếu Lược

(Bản Yếu Lược Về Giới Luật Và Uy Nghi Của Sa Di)

Bồ tát giới đệ tử, Vân thê tự, Sa môn Châu hoằng tập
(Châu hoằng, vị Sa môn ở chùa Vân thê, đệ tử thọ Bồ tát giới, biên tập)

(1) Phạn ngữ sa di, thử vân tức từ, vị tức ác hành từ, tức thế nhiễm nhi từ tế chúng sanh dã. Diệc vân cần sách, diệc vân cầu tịch. Luật nghi giả, thập giới luật chư uy nghi dã.

Phạn tự "sa di", xứ này dịch nghĩa tức từ, là đình chỉ việc ác, thi hành từ bi: đình chỉ những sự ô nhiễm của thế tục mà từ bi tế độ chúng sanh. Cũng dịch cần sách, cũng dịch cầu tịch. Còn "luật nghi" là mười giới luật và các uy nghi.

Thượng Thiên: Giới Luật Môn
(Chương Trước: Phần Giới Luật)

(2) Phật chế, xuất gia giả ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền. Thị cố sa di thế lạc, tiên thọ thập giới, thứ tắc đăng đàn thọ cụ. Kim danh vi sa di, nhi bổn sở thọ giới, ngu giả mang hồ bất tri, cuồng giả hốt nhi bất học, tiện nghĩ liệp đẳng, võng ý cao viễn, diệc khả khái hỷ. Nhân thủ thập giới lược giải sổ ngữ, sử mông học tri sở hướng phương. Hảo tâm xuất gia giả, thiết ý tuân hành, thận vật vi phạm. Nhiên hậu cận vi tỷ kheo giới chi giai thê, viễn vi bồ tát giới chi căn bản, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ, thứ cơ thành tựu thánh đạo, bất phụ xuất gia chi chí hỷ. Nhược nhạo quảng lãm, tự đương duyệt Luật tạng toàn thư. Kỳ thập giới danh xuất Sa di thập giới kinh, Phật sắc Xá lợi phất vị La hầu la thuyết.

Phật qui định, người xuất gia 5 hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về giới luật, 5 hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học. Thế nên các vị sa di xuống tóc rồi, trước hết phải lãnh thọ 10 giới, kế đó mới bước lên giới đàn lãnh thọ cụ túc giới. Ngày nay, gọi là sa di mà đối với giới luật của mình lãnh thọ, người ngu thì mờ mịt không biết, kẻ cuồng thì xao lãng không học, liền nghĩ vượt bậc, mơ mòng cao xa, thật đáng bùi ngùi. Vì vậy mà tôi đem 10 giới lược giải vài lời, để người sơ học biết phương trời mà họ phải hướng tới. Những người xuất gia với tâm chí tốt, hãy thiết ý tuân hành, thận trọng đừng để vi phạm. Như vậy mới gần thì làm thềm làm thang cho tỷ kheo giới, xa thì làm rễ làm gốc cho bồ tát giới. Rồi nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ, ngõ hầu thành tựu thánh đạo, không phụ chí hướng xuất gia. Nếu thích xem cho rộng thì nên tự cứu xét toàn văn các sách [nói về Sa di] trong Luật tạng. Danh hiệu 10 giới sau đây xuất từ kinh Sa di thập giới, Phật dạy tôn giả Xá lợi phất nói cho tôn giả La hầu la.

(3) Nhất viết bất sát sanh. Giải viết: Thượng chí chư Phật, thánh nhân, sư tăng, phụ mẫu, hạ chí quyên phi nhuyễn động, vi tế côn trùng, đãn hữu mạng giả bất đắc cố sát, hoặc tự sát, hoặc giáo tha sát, hoặc kiến sát tùy hỷ, quảng như Luật trung, văn phồn bất lục. Kinh tái, đông nguyệt sanh sắt, thủ phóng trúc đồng trung, noãn dĩmiên nhứ, dưỡng dĩ nị vật, khủng kỳ cơ đống nhi tử dã. Nãi chí lự thủy, phú đăng, bất súc miêu ly đẳng, giai từ bi chi đạo dã. Vi loại thượng nhiên, đại giả khả tri hỷ. Kim nhân bất năng như thị hành từ, phục da thương hại, khả hồ? Cố kinh vân, thi ân tế phạp, sử kỳ đắc an, nhược kiến sát giả, đương khởi từ tâm. Y, khả bất giới dư?

Một là không được sát sanh. Giải: Trên đến chư Phật, thánh nhân, sư tăng, cha mẹ, dưới đến quyên phi nhuyễn động, vi tế côn trùng, hễ có sinh mạng thì không được cố giết, bằng cách hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, hoặc thấy người giết mà mừng theo, nói rộng như trong Luật tạng, vì văn nhiều nên không sao chép ra đây. Kinh ghi, mùa đông hay sinh chấy rận, hãy bắt bỏ trong ống tre, ủ ấm bằng bông, nuôi sống bằng đồ cáu bẩn, là sợ chúng đói lạnh mà chết đi. Cho đến lọc nước, che đèn, không nuôi mèo chồn vân vân, đều là đạo từ bi cả. Đối với loài nhỏ mà còn như thế, thì đối với loài lớn có thể nghiệm biết. Con người thời nay đã không thể thi hành từ bi như vậy, mà lại còn thương tổn, sát hại, như thế được chăng? Nên kinh đã dạy, thi ân cứu giúp, cho chúng được yên, nếu thấy bị giết, nên sinh từ tâm. Như thế không răn giữ được sao?