CHƯƠNG 10

BỒ TÁT HẠNH


Mặc dù chỉ riêng một mình sự phát khởi về phương diện ước nguyện của Bồ đề tâm thì rất đáng kể, nhưng chỉ có một thiện hạnh không thôi thì tự nó sẽ không hoàn thành được mục đích thành tựu Bồ đề tâm của bạn. Điều quan trọng là phải đi vào sự thực hành các Bồ Tát hạnh. Các hành động này, được gọi là sáu sự toàn thiện (sáu ba la mật), tạo thành con đường cốt yếu và toàn diện đi tới Giác ngộ, nó kết hợp phương tiện và trí tuệ. Chính Đức Phật đã dạy rằng các Bồ Tát từ bỏ mọi mê lầm là nhờ sức mạnh trí tuệ của các ngài, nhưng chính bởi sức mạnh của phương tiện bi mẫn của các ngài mà các ngài không bao giờ từ bỏ chúng sinh. Hai phương diện của con đường này nên luôn luôn được phối hợp thực hiện, không bao giờ bằng sự cô lập. Toàn thể sự thực hành của Bồ Tát được phân loại thành sáu toàn thiện, đó là sự rộng lượng (bố thí), trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

Để thực hiện những ước muốn của người khác, điều hết sức quan trọng là phải dấn mình vào thực hành bố thí, và chính sự bố thí cần được củng cố bằng việc tuân giữ trong sạch các giới hạnh, tránh làm hại những người khác. Bản thân sự thực hành giới hạnh cần được hoàn thiện bằng thực hành nhẫn nhục, vì chúng ta nên chịu đựng những tác hại mà những người khác gây nên cho ta. Để đi vào những thực hành như thế, bạn phải có sự tinh tấn lớn lao. Không có thiền định, sự thực hành của bạn sẽ không có năng lực. Và không có trí tuệ chứng ngộ bản tánh của các hiện tượng thì bạn sẽ không thể hướng dẫn người khác một cách đúng đắn trên con đường dẫn tới sự thành tựu Giác ngộ. Bây giờ tôi sẽ giải thích sáu sự toàn thiện chi tiết hơn.