DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 9/9 ĐầuĐầu ... 789
Hiện kết quả từ 81 tới 86 của 86
  1. #81
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    KINH LĂNG GIÀ
    Dịch giả: H.t Thích Duy Lực
    __________________________________________________ ______________________________________


    QUYỂN BỐN

    PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM

    ........


    Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

    – Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết năm pháp tự tánh thức, hai thứ Vô Ngã và Cứu Cánh phân biệt tướng, khiến con và các Đại Bồ Tát nơi tất cả Địa thứ lớp tương tục phân biệt pháp này, vào tất cả Phật Pháp. Nếu vào được tất cả Phật pháp thì đến Tự Giác Địa của Như Lai.

    Phật bảo Đại Huệ :

    – Hãy lắng nghe và khéo ghi nhớ.

    Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

    – Cúi xin thọ giáo.

    Phật bảo Đại Huệ :

    – Nay ta thuyết năm pháp tự tánh thức, hai thứ Vô Ngã và phân biệt Trí tướng. NĂM PHÁP TỰ TÁNH là : Danh, Tướng, Vọng tưởng, Chánh trí, Như như. Nếu người tu hành tu theo pháp này thì vào Tự Giác Thánh Trí của Như Lai, lìa những kiến chấp đoạn thường hữu vô v.v…, hiện tiền trụ nơi Chánh định, hiện thọ pháp lạc. Đại Huệ! Nếu chẳng biết năm thứ tự tánh thức, hai thứ Vô Ngã và ngoài tánh tự tâm hiện, là phàm phu vọng tưởng, chẳng phải Thánh Hiền.

    Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

    – Thế Tôn! Thế nào là sanh khởi vọng tưởng phàm phu, chẳng phải Thánh Hiền?

    Phật bảo Đại Huệ :

    – Phàm phu chấp trước danh tướng thế tục, tùy tâm lưu chuyển. Lúc lưu chuyển thì hiện đủ thứ tướng mạo, đọa kiến chấp ngã và ngã sở, chấp trước hy vọng diệu sắc rồi thành vô tri, bị vô tri chướng ngại nên sanh nhiễm trước. Đã nhiễm trước thì tham, sân, si sanh nghiệp tích tụ, đã tích tụ thì sanh vọng tưởng tự trói, như con tằm nhả tơ làm kén tự trói vậy. Chúng sanh đọa biển sanh tử, dạo nơi đồng hoang lục đạo, như bánh xe xoay chuyển chẳng ngừng. Vì họ ngu si, chẳng biết từ tự tâm vọng tưởng sanh khởi các tướng sanh, trụ, diệt, như huyễn hóa, như bụi trần lăng xăng, như mặt trăng trong nước, chẳng do tự tại, thời tiết, vi trần, sự thắng diệu mà sanh.

    – Nói DANH, là phàm phu ngu si tùy theo dòng nước danh tướng sanh khởi tất cả vọng tưởng chẳng thật, đặt ra đủ thứ tên gọi, ấy gọi là Danh.

    – Nói TƯỚNG, là do nhãn thức chiếu soi gọi là sắc; nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, ý thức phân biệt gọi là thanh, hương, vị, xúc, pháp. Ấy gọi là Tướng.

    – Nói VỌNG TƯỞNG, là giả lập nhiều danh để hiển thị các tướng, do vọng tưởng suy nghĩ, vọng lập các tên gọi : Voi, ngựa, xe cộ, nam nữ v.v… gọi là Vọng Tưởng.

    – Nói CHÁNH TRÍ, là tìm danh tướng bất khả đắc, cũng như khách đi đường chẳng có sở trụ. Các thứ phân biệt chẳng sanh, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đọa nơi tất cả Ngoại đạo Thanh Văn Duyên Giác, ấy gọi là Chánh Trí.

    – Lại nữa, Đại Huệ! Nói NHƯ NHƯ, là Đại Bồ Tát dùng chánh trí này chẳng lập danh tướng, cũng chẳng phải không lập danh tướng, lìa bỏ kiến lập với phủ định, và nhị kiến đối đãi thì danh tướng chẳng sanh, gọi là Như Như.

    – Đại Huệ! Đại Bồ Tát trụ nơi Như Như rồi, đắc cảnh giới Vô Sở Hữu, chứng đắc Bồ Tát Hoan Hỷ Địa. Đắc Bồ Tát Hoan Hỷ Địa rồi, lìa hẳn ác kiến cuả tất cả ngoại đạo, chánh thức trụ bậc xuất thế gian, pháp tướng thành thục, phân biệt tướng huyễn của tất cả pháp. Tự giác pháp tướng lìa các vọng tưởng, thấy tánh của các tướng khác biệt, thứ lớp tiến lên Pháp Vân Địa. Giữa lúc đó sức Tam muội thần thông được mở mang khắp nơi, chứng đắc Như Lai Địa. Đắc Như Lai Địa rồi, viên chiếu hiển thị đủ thứ biến hóa để thành tựu cho chúng sanh mà chẳng trụ nơi chúng sanh, như bóng trăng trong nước, nên cứu cánh đầy đủ Thập Vô Tận Cú, vì mỗi mỗi chúng sanh phân biệt thuyết pháp. Pháp thân lìa ý sở tác này, gọi là “Bồ Tát Nhập Như Như Sở Đắc”.



    Lần sửa cuối bởi cát bụi; 04-12-2022 lúc 05:12 AM
    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  2. The Following User Says Thank You to cát bụi For This Useful Post:

    hoangtri (04-11-2022)

  3. #82
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    KINH LĂNG GIÀ
    Dịch giả: H.t Thích Duy Lực
    __________________________________________________ ______________________________________


    QUYỂN BỐN

    PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM

    ........


    Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng:

    – Thế Tôn! Thế nào? Là ba thứ tự tánh gom vào năm pháp ư? Hay là mỗi mỗi có tự tướng ư?

    Phật bảo Đại Huệ :

    – Ba thứ tự tánh, tám thức và hai thứ vô ngã thảy đều gom vào năm pháp. Đại Huệ! Nói DANH và TƯỚNG là vọng tưởng tự tánh. Đại Huệ! Nếu dựa theo vọng tưởng sanh tâm, tâm pháp, gọi là đồng thời sanh, như ánh sáng mặt trời đồng thời chiếu soi mỗi mỗi tướng sai biệt. Do thức thứ sáu phân biệt, thức thứ bảy chấp trì duyên khởi lẫn nhau, gọi là Duyên Khởi Tự Tánh. Đại Huệ! Nói CHÁNH TRÍ NHƯ NHƯ là tánh chẳng thể hoại, gọi là THÀNH TỰ TÁNH.

    – Lại nữa, Đại Huệ! Vọng tưởng tự tâm hiện tám thứ thức khác nhau, ấy là : Tạng thức (thức thứ tám), ý (thức thứ bảy), ý thức (thức thứ sáu), và Tiền Ngũ Thức (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân), nếu diệt hẳn tướng ngã, ngã sở, năng nhiếp sở nhiếp và tất cả vọng tưởng chẳng thật, thì hai thứ Vô Ngã sanh khởi. Cho nên, Đại Huệ! Nói năm pháp này là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Như Lai, Tự Giác Thánh Trí, chư Địa thứ lớp tương tục, tất cả Phật Pháp thảy đều bao gồm trong đó.

    – Lại nữa, Đại Huệ! Nay ta tóm tắt lại năm pháp Tướng, Danh, Vọng Tưởng, Như Như và Chánh trí. Nghĩa TƯỚNG là xứ sở, hình tướng, sắc tượng v.v… hiện ra tướng khác biệt, gọi là Tướng. Nghĩa DANH là theo tướng đặt tên, như bình tên là bình, y áo tên là y áo… chẳng phải cái khác, gọi là Danh. Nghĩa VO.NG TƯỞNG là giả lập nhiều tên để hiển thị các tướng, như phân biệt bình, y áo v.v… hiện trong tâm, tâm pháp, gọi là Vọng tưởng, Nghĩa NHƯ NHƯ là danh này tướng kia chẳng có tri giác, nơi các pháp cũng chẳng thể lần lượt sanh nhau, lìa vọng tưởng chẳng thật, cuối cùng bất khả đắc, ấy gọi là Như Như. Nghĩa CHÁNH TRÍ là sự quyết định chơn thật, cứu cánh tự tánh bất khả đắc, chỉ là như như, Ta và chư Phật tùy thuận chỗ nhập của chúng sanh phổ biến thuyết pháp, giả lập phương tiện, hiển bày nghĩa như thật cho họ, khiến họ theo đó đi vào chánh giác, biết pháp phi đoạn phi thường, vọng tưởng chẳng khởi, tùy thuận Tự Giác Thánh Trí. Pháp tướng này tất cả ngoại đạo và Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể đắc, ấy gọi là Chánh Trí. Đại Huệ! Gọi chung là năm pháp. Thật ra, ba thứ tự tánh, tám thức và hai thứ Vô Ngã, tất cả Phật Pháp thảy đều gom vào trong năm pháp này. Cho nên Đại Huệ! Nên theo phương tiện tu học, cũng dạy người khác theo đúng chánh pháp này, chớ theo pháp khác.

    Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

    Năm pháp ba tự tánh
    Cùng với tám thứ thức
    Và hai thứ Vô Ngã
    Thảy nhiếp trong Đại Thừa
    Tướng, Danh và Vọng tưởng
    Thuộc về pháp thế gian
    Như Như cùng Chánh Trí
    Thuộc pháp xuất thế gian
    Hai tánh chẳng thể hoại
    Nên gọi THÀNH TỰ TÁNH
    .



    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  4. The Following User Says Thank You to cát bụi For This Useful Post:

    hoatihon (04-12-2022)

  5. #83
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    KINH LĂNG GIÀ
    Dịch giả: H.t Thích Duy Lực
    __________________________________________________ ______________________________________


    QUYỂN BỐN

    PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM

    ........


    Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng:

    – Thế Tôn! Như Thế Tôn sở thuyết nghĩa cú, hằng sa chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng thuyết như thế. Thế nào? Thế Tôn! Là tất cả như thuyết tín thọ ư? Hoặc còn có nghĩa khác ư? Cúi xin Như Lai rũ lòng thương xót mà giải thích cho.

    Phật bảo Đại Huệ:

    – Chớ nói như thuyết tín thọ. Số lượng của tam thế Chư Phật chẳng phải như Hằng sa. Tại sao? Vì siêu việt hy vọng của thế gian, dùng thí dụ chẳng thể thí dụ. Vì phàm phu Ngoại đạo vọng tưởng chấp trước, nuôi dưỡng ác kiến, đọa nơi sanh tử vô cùng tận, vì muốn khiến họ nhàm chán sanh tử luân hồi, siêng năng tinh tấn tu hành giải thoát, nên giả lập phương tiện nói với họ rằng “Chư Phật dễ thấy, chẳng như Ưu Đàm Bát Hoa khó gặp”. Như lập ra Hóa Thành, chỉ là phương tiện để thỏa mãn sự mong cầu của họ. Có khi quán theo căn cơ của người thọ giáo hóa, lại nói rằng :” Phật rất khó gặp như hoa Ưu Đàm. Thật ra hoa Ưu Đàm chẳng ai đã thấy, nay thấy và sẽ thấy, mà Như Lai thì khắp thế gian thảy đều được thấy “. Chẳng vì kiến lập Tự Thông mà nói Như Lai ra đời như hoa Ưu Đàm. Đại Huệ! Kiến lập tự thông, siêu việt hy vọng của thế gian, phàm phu chẳng thể tin nổi, cảnh giới Tự Giác Thánh Trí chẳng có gì để thí dụ, vì Chơn Thật Như Lai siêu việt tướng sở thấy biết của tâm, ý, ý thức, nên chẳng thể thí dụ. Đại Huệ! Nhưng ta nói thí dụ “Phật như Hằng sa” chẳng có lỗi lầm.

    – Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng, mặc cho tất cả con cá, con ba ba, cho đến sư tử, voi, ngựa, người, thú dẫm đạp, cát ấy cũng chẳng nghĩ rằng họ nhiễu loạn Ta mà sanh vọng tưởng. Cũng thế, Tự Giác Thánh Trí dụ là sông Hằng, sức thần thông tự tại dụ là cát, tất cả Ngoại đạo và người, thú v.v… dụ cho kẻ nhiễu loạn, Như Lai chẳng do đó mà khởi niệm sanh vọng tưởng. Vì Như Lai tịch diệt chẳng có niệm tưởng, do bản nguyện của Như Lai dùng Tam muội khiến chúng sanh đoạn dứt tham sân, được sự an lạc, chẳng có sự nhiễu loạn rong đó. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác tự tánh trong sạch chẳng có cáu bẩn, cũng như cát sông Hằng, chẳng có sai biệt vậy.

    – Ví như cát sông Hằng là tự tánh của địa, khi hỏa kiếp đến thiêu hết tất cả địa đại mà địa đại chẳng xả tự tánh. Vì địa đại với hỏa đại cùng sanh nơi tứ đại, nhưng phàm phu vọng tưởng cho là địa đại bị thiêu, mà thật thì chẳng bị thiêu, vì hỏa với địa đồng một nhân trong tứ đại vậy. Như thế, Đại Huệ! Như Hằng sa chẳng hoại, vì cùng Như Lai ở trong một pháp thân vậy. (Vì Pháp thân Như Lai cùng khắp hư không).

    – Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng chẳng có hạn lượng, ánh sáng Như Lai cũng như thế, chẳng có hạn lượng, vì thành tựu cho chúng sanh nên phổ chiếu tất cả đại chúng trong cõi Phật. Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng, ngoài cát muốn cầu cát khác trọn bất khả đắc. Như thế, Đại Huệ! Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chẳng có sanh tử sanh diệt, vì đã đoạn dứt nhân duyên sanh diệt vậy.

    – Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng thêm bớt đều chẳng thể biết. Như thế, Đại Huệ! Trí huệ của Như Lai thành tựu cho chúng sanh chẳng thêm chẳng bớt, vì chẳng phải sắc thân. Sắc thân thì có hoại, mà Pháp thân của Như Lai chẳng phải sắc thân nên chẳng thể hoại. Như ép cát sông Hằng chẳng thể được dầu. Cũng thế, Như Lai độ tất cả khổ não chúng sanh, do Tam muội bản nguyện khởi tâm đại bi, chẳng xả pháp giới, dù chúng sanh chưa chứng Niết Bàn bức bách Như Lai đến mức nào cũng chẳng nổi sân hận.

    – Đại Huệ! Ví như cát sông Hằng trôi theo dòng nước, cát chẳng thể không có nước mà tự trôi được. Các pháp của Như Lai thuyết trôi theo dòng nước Niết Bàn cũng như thế, pháp chẳng thể lìa Niết Bàn mà tự ra, cũng như cát chẳng thể lìa nước mà tự trôi. Niết Bàn là bản tế của sanh tử, là tướng tịch diệt nên chẳng thể biết. Biết còn chẳng được, làm sao nói nghĩa đoạn dứt ư?

    Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

    – Thế Tôn! Nếu bản tế của sanh tử chẳng thể biết thì tại sao giải thoát của chúng sanh có thể biết?

    Phật bảo Đại Huệ :

    – Nếu cái nhân của vọng tưởng tập khí hư ngụy từ vô thỉ diệt thì biết được ngoài nghĩa tự tâm hiện, thân vọng tưởng chuyển thành giải thoát, giải thoát bất diệt tức là Tịch Diệt, tịch diệt chẳng có ngằn mé cho nên vô biên, chẳng phải vô sở hữu, như vọng tưởng ngoại đạo lại cho là có nhiều tên gọi khác biệt vô lượng vô biên v.v… Theo bậc trí quán sát nội tâm ngoại cảnh, lìa nơi vọng tưởng thì chúng sanh chẳng có khác biệt, trí và nhĩ diệm, tất cả các pháp thảy đều tịch tịnh, vì chẳng biết vọng tưởng do tự tâm hiện, nên có vọng tưởng sanh khởi, hể biết được thì tất cả tịch diệt, gọi là giải thoát.



    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  6. #84
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    KINH LĂNG GIÀ
    Dịch giả: H.t Thích Duy Lực
    __________________________________________________ ______________________________________


    QUYỂN BỐN

    PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM

    ........


    Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

    Quán sát chư Đạo sư,
    Cũng như cát sông Hằng.
    Chẳng hoại chẳng khứ lai,
    Cũng chẳng có cứu cánh.
    Ấy tức là bình đẳng,
    Quán sát chư Như Lai.
    Cũng như cát sông Hằng,
    Thảy lìa tất cả lỗi.
    Tùy lưu mà tánh thường,
    Ấy là chánh giác Phật.


    Khi ấy Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :

    – Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết tướng sát na hoại của tất cả các pháp. Thế Tôn! Thế nào là tướng SÁT NA của tất cả các pháp?

    Phật bảo Đại Huệ :

    Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

    – Đại Huệ! Nói TẤT CẢ PHÁP là những pháp thiện, bất thiện, vô ký, hữu vi vô vi, thế gian, xuất thế gian, có tội, vô tội, hữu lậu vô lậu, thọ bất thọ v.v… Đại Huệ! Lược thuyết tâm, ý, ý thức và tập khí, là nhân của năm thứ thọ ấm, cũng là tập khí của tâm, ý, ý thức nuôi dưỡng phàm phu sanh vọng tưởng thiện và bất thiện.

    – Đại Huệ! Người tu Tam muội, Tam muội chánh thọ, hiện pháp lạc trụ, gọi là Thánh Hiền, thuộc về pháp thiện vô lậu. Đại Huệ! Nói THIỆN, BẤT THIỆN có tám thứ thức. Thế nào là tám? Ấy là Như Lai Tạng, gọi là thức tạng, tâm, ý, ý thức và Tiền Ngũ Thức, chẳng phải như ngoại đạo sở thuyết.

    – Đại Huệ! Tiền ngũ thức và tâm, ý, ý thức đều hay phân biệt cảnh trần, tướng thiện hay bất thiện; hễ tâm động thì duyên khởi, duyên hội thì tâm sanh, lần lượt chuyển biến, Tiền Ngũ Thức chuyển biến theo thức thứ sáu thì có phân biệt thiện ác, chuyển biến theo thức thứ bảy thì có tánh chấp trước, chuyển biến theo thức thứ tám thì có chủng tử. Bảy thức trước tương tục thì có hoại, thức thứ tám lưu chú thì chẳng hoại. Nhưng thức thứ tám cùng bảy thức kia thể chẳng có khác, nên bảy thức kia sanh diệt thì thức thứ tám cũng phải theo đó hoặc sanh hoặc diệt. Vì chẳng biết cảnh trần do tự tâm hiện, vốn chưa từng sanh diệt mà chúng sanh thấy cảnh giới hư vọng, sanh tưởng chấp lấy, nên theo thứ lớp diệt rồi sanh, sanh rồi diệt, thấy hình tướng sai biệt là do ý thức nhiếp thọ, cùng Tiền Ngũ Thức tương ưng, sanh thời gian sát na chẳng trụ, gọi là Sát Na.

    – Đại Huệ! Nói SÁT NA là Tạng Thức trong Như Lai Tạng, đồng sanh tập khí ý thức sát na, tập khí vô lậu thì chẳng phải sát na, sát na này chẳng phải phàm phu có thể biết. Ngoại đạo chấp trước sát na luận, chẳng biết tất cả pháp sát na là phi sát na, chấp đoạn kiến phá hoại pháp Vô Vi. Đại Huệ! Nhị Thừa đã dứt phiền não chướng nên thức thứ bảy chẳng lưu chuyển, chẳng thọ khổ vui mà chẳng phải cái nhân của Niết Bàn. Đại Huệ! Nói Như Lai Tạng là có thọ sự khổ vui, cùng với nhân kia hoặc sanh hoặc diệt, ngoại đạo say đắm rượu của Tứ Trụ Địa Vô Minh (1), phàm phu chẳng biết là do vọng tưởng huân tập nơi tâm, nên thấy có sát na.

    (1) TỨ TRỤ ĐỊA VÔ MINH : Dục ái, sắc ái, hữu ái và kiến ái vô minh.

    – Lại nữa, Đại Huệ! Như vàng ròng, kim cương, Xá lợi của Phật có tánh đặc biệt, trọn chẳng thể hoại. Đại Huệ! Người chứng Tự Giác Thánh Trí, đắc chánh pháp Vô Gián chẳng có tướng sát na sanh diệt. Nếu có sát na thì bậc Thánh chẳng phải Thánh, mà bậc Thánh luôn luôn là Thánh, như vàng ròng kim cương, dù trải qua vô số kiếp mà chất lượng chẳng giảm. Bởi phàm phu chẳng khéo hiểu pháp thuyết vi diệu ẩn mật của Ta, đối với tất cả pháp trong và ngoài tưởng có sát na sanh diệt.

    Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :

    – Thế Tôn! Như Thế Tôn nói “Sáu Ba La Mật đầy đủ thì được thành Chánh Giác”. Thế nào là sáu?

    Phật bảo Đại Huệ :

    – Ba La Mật chia làm ba loại là : Thế gian, xuất thế gian và siêu việt xuất thế gian. Đại Huệ! Nói THẾ GIAN BA LA MẬT là chấp trước ngã và ngã sở, nhiếp thọ nhị biên, là chỗ đủ thứ thọ sanh, ham sắc, thanh, hương, vị, xúc, đầy đủ Bố Thí Ba La Mật và trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ cũng như thế. Phàm phu do đó đắc thần thông và sanh cõi Trời Phạm Thiên.

    – Đại Huệ! Nói XUẤT THẾ GIAN BA LA MậT, là vì Thanh Văn, Duyên Giác đọa nơi nhiếp thọ Niết Bàn, dù hành sáu Ba La Mật mà ham trụ sự vui nơi Niết Bàn của chính mình.

    – Nói SIÊU VIỆT XUấT THế GIAN BA LA MẬT, là giác được vọng tưởng nhiếp thọ nơi tự tâm hiện và biết tự tâm bất nhị, nên chẳng sanh vọng tưởng, đối với sự nhiếp thọ của các loài đều chẳng có phần. Chẳng chấp trước sắc tướng của tự tâm, nhưng vì khiến tất cả chúng sanh được an lạc mà tùy duyên giáo hóa, gọi là Bố Thí Ba La Mật. Tạo phương tiện khéo léo, tùy duyên giữ giới thì vọng tưởng chẳng sanh, là Trì Giới Ba La mật. Ngay nơi bị nhục mà vọng tưởng chẳng sanh, biết năng nhiếp sở nhiếp đều chẳng thật, là Nhẫn Nhục Ba La Mật. Ngày đêm tinh tấn, siêng năng tu hành, tùy thuận phương tiện mà vọng tưởng chẳng sanh, là Tinh Tấn Ba la Mật. Vọng tưởng dứt sạch, chẳng trụ Niết Bàn của Thanh Văn, là Thiền Định Ba la Mật. Trí huệ quán sát tự tâm vọng tưởng phi tánh, chẳng đọa kiến chấp nhị biên, chuyển thân này thù thắng hơn trước mà chẳng đoạn dứt, đắc Tự Giác Thánh Trí, là Bát Nhã Ba la Mật.

    Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

    Tánh KHÔNG chẳng sát na,
    Phàm phu vọng chấp có.
    Như dòng sông, tim đèn,
    Và chủng tử nẩy mầm.
    Dời đổi rất nhanh chóng,
    Đều do hành ấm chuyển.
    Nghĩa sát na Ta thuyết,
    Tịch tịnh lìa sở tác.
    Sát na dứt phiền não,
    Tất cả pháp chẳng sanh.
    Có sanh thì có diệt,
    Chẳng có kẻ ngu thuyết.
    Tánh tương tục chẳng dừng,
    Do vọng tưởng huân tập.
    Bởi vô minh làm nhân,
    Vọng tâm từ đó sanh.
    Khi sắc tướng chưa sanh,
    Có gì để phân biệt?
    Thấy sanh diệt tương tục,
    Theo đó chấp tâm khởi.
    Nếu chẳng trụ nơi Sắc,
    Theo duyên gì để sanh?
    Sanh từ vật khác sanh,
    Thì nhân sanh chẳng thật.
    Chẳng thật thì chẳng thành,
    Sao có sát na hoại?
    Người tu hành chánh định,
    Như kim cương, xá lợi.
    Việc đời còn chẳng hoại,
    Huống là đắc chánh pháp!
    Như Lai cụ túc trí,
    Cùng Tỳ Kheo bình đẳng.
    Sao còn thấy sát na?
    Tất cả cảnh huyễn hóa,
    Sắc tướng chẳng sát na,
    Nơi sắc tướng chẳng thật,
    Xem cho là chơn thật
    .



    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  7. #85
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    KINH LĂNG GIÀ
    Dịch giả: H.t Thích Duy Lực
    __________________________________________________ ______________________________________


    QUYỂN BỐN

    PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM

    ........


    Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :

    – Bạch Thế Tôn! Tại sao Thế Tôn thọ ký A La Hán sẽ thành Vô Thượng Cháng Đẳng Chánh Giác, bằng với các Bồ Tát chẳng có sai biệt? Nếu Phật vì độ tất cả chúng sanh mà chẳng nhập Niết Bàn thì ai đến Phật đạo? Tại sao nói “Từ lúc mới thành Phật cho đến nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa chẳng thuyết một chữ chẳng đáp một chữ?” Nói “Như Lai thường Định” thì chẳng có niệm lự quán sát, tức là vô ngôn vô thuyết thì chẳng thể giáo hóa, sao lại nói Hóa Phật để làm Phật sự? Tại sao nói các thức sát na chẳng trụ mà có tướng lần lượt biến hoại? Nói “Như Lai thường định” tại sao lại cần có Kim Cang Lực sĩ thường theo hộ vệ? Bản tế tịch diệt thì xa lìa phiền não, tại sao còn hiện đủ thứ quả báo ma nghiệp ác nghiệp như Ngoại đạo Chiên Giá Ma Nạp giả có thai và Tôn Đà Lợi giết con gái để báng Phật, khất thực thì chẳng ai bố thí, bát không mà trở về v.v… ? Như Lai đã đắc Nhất Thiết Chủng Trí, sao chẳng lìa được những lỗi này?

    Phật bảo Đại Huệ :

    – Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

    Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

    – Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

    Phật bảo Đại Huệ :

    – Ta thuyết Vô Dư Niết Bàn để khuyến dụ phàm phu tiến đến bậc Bồ Tát, cũng khuyên các bậc tu hạnh Bồ Tát trong cõi này cõi kia, và những người ham Niết Bàn của Thanh Văn thừa, khiến lìa Thanh Văn thừa tiến lên Đại thừa, nên Hóa Phật thọ ký cho hàng Thanh Văn, chứ chẳng phải Pháp Phật thọ ký. Do đó, sự thọ ký Thanh Văn với thọ ký Bồ Tát chẳng khác. Đại Huệ! Nói “chẳng khác” là Nhị thừa, chư Phật Như Lai đoạn dứt phiền não chướng, cùng là một mùi vị giải thoát, chẳng phải nói đoạn dứt trí chướng. Đại Huệ! Nói “Trí chướng” là thấy pháp Vô Ngã, thù thắng thanh tịnh; nói “phiền não chướng” là do trước kia tu tập thấy nhơn Vô Ngã. Nghĩa là : Dứt phiền não chướng thì chuyển được thức thứ bảy diệt, ý thức chẳng hành; nếu pháp chướng giải thoát thì chuyển được sự huân tập trong Tạng thức diệt, cứu cánh thanh tịnh, vì pháp bản trụ nên trước sau đều phi tánh.

    – Vì bản nguyện vô tận nên Như Lai Vô niệm lự, Vô quán sát mà thuyết pháp, dùng chánh trí giáo hóa thì niệm chẳng vọng, nên Vô niệm lự, Vô quán sát. Vì tập khí của bốn trụ địa và Vô Minh Trụ Địa dứt thì hai thứ phiền não dứt, lìa hai thứ sanh tử, giác được nhơn và pháp Vô Ngã đồng thời cũng doạn dứt hai chướng.

    – Đại Huệ! Vì lìa cái nhân sát na tập khí của bảy thứ thức trước, là pháp thiện vô lậu thì chẳng còn luân hồi. Đại Huệ! Nói “Như Lai Tạng”, là phàm phu Ngoại đạo chấp nơi Không, do chấp Không mà nhiễu loạn ý thức, dù đắc Không Huệ nhưng chẳng biết Không là vô tri, vô tri thì chẳng có huệ, theo cái nhân khổ vui lưu chuyển. Nếu giác được Không mà chẳng Không, ấy là cái nghĩa sát na chơn thật của Như Lai Tạng. Phàm phu Ngoại đạo chẳng thể giác được, lại cho là Niết Bàn.

    – Đại Huệ! Nói KIM CANG LỰC SĨ THƯỜNG THEO Hộ Vệ, ấy là Hóa Phật thôi, chẳng phải Chơn Như Lai. Đại Huệ! Nói CHƠN NHƯ LAI là lìa tất cả căn lượng, nghĩa là tất cả căn lượng của phàm phu, Nhị thừa và Ngoại đạo thảy đều diệt hết, chứng đắc Hiện Pháp Trụ Lạc, Vô Gián Pháp Trí Nhẫn, chẳng phải Kim Cang Lực Sĩ sở hộ vệ. Tất cả Hóa Phật chẳng từ nghiệp sanh, nhưng Hóa Phật chẳng phải Phật mà chẳng lìa Phật, như thợ gốm làm ra các đồ gốm, đồ gốm chẳng phải đất nhưng chẳng lìa đất, theo tướng sở tác của chúng sanh mà thuyết pháp, chẳng phải chỗ Tự Thông mà thuyết cảnh giới tự giác.

    – Lại nữa, Đại Huệ! Phàm phu dựa theo thức thứ bảy chuyển diệt mà sanh khởi đoạn kiến, do chẳng giác được Tạng thức mà sanh khởi thường kiến, tất cả đều do tự tâm vọng tưởng chẳng biết bản tế. Nếu tự tâm vọng tưởng diệt thì được giải thoát, giải thoát thì tất cả lỗi tập khí của bốn Trụ Địa và Vô Minh Trụ Địa thảy đều đoạn dứt.

    Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

    Tam Thừa cũng phi thừa,
    Như Lai chẳng nhập diệt.
    Tất cả Phật sở ký,
    Lìa các lỗi nhiễm tịnh.
    Vì khuyến dụ hạ căn,
    Nên thuyết pháp ẩn lấp.
    Vì bậc Vô Gián Trí,
    Thuyết Vô Dư Niết Bàn.
    Chư Phật giả lập trí,
    Tùy cơ phân biệt thuyết.
    Nếu chư thừa phi thừa,
    Thì chẳng có Niết Bàn.
    Dục, sắc, hữu, kiến ái,
    Gọi là bốn Trụ Địa.
    Do ý thức sanh khởi,
    Chủng tử trụ tạng thức.
    Căn, trần, sáu thứ thức,
    Đoạn diệt nói vô thường.
    Hoặc thấy có Niết Bàn,
    Lại cho là thường trụ.



    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  8. #86
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    KINH LĂNG GIÀ
    Dịch giả: H.t Thích Duy Lực
    __________________________________________________ ______________________________________


    QUYỂN BỐN

    PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM


    Dạ, kính quý Chân Phật Tử !

    Kinh Lăng Già này chép lại những mẩu đối thoại giữa đức Phật Thích Ca và Ngài Đại Tuệ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (giá trị Bất Khả Tư Nghì).

    Nhưng đoạn cuối, có lẻ do "kẻ gian" _những Thầy Chùa đầy chấp nhất _ ngụy tạo thêm vào. Nên cát bụi mạo muội bỏ ra, không tiếp tay với "Kinh tặc" để phổ truyền những "tảng đá nghìn tấn".

    Chính những "Thầy chùa lửa" này đã ngụy tạo quyển SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT. (Lúc dịch quyển SÁU CỬA .....này dịch giả TRÚC THIÊN "như người mù rờ voi").

    Bộ THIỀN LUẬN của Đại sư Suzuki cũng thế, chỉ là rác rưởi trong Tàng Kinh Các.

    Kính Quý Chân Phật tử, xin có trạch pháp nhãn, để được lợi ích khi xem Kinh.

    Kính cáo !
    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  9. The Following 2 Users Say Thank You to cát bụi For This Useful Post:

    hoatihon (04-16-2022),socnho (06-04-2022)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Kinh thủ lăng nghiêm trực chỉ
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 263
    Bài cuối: 09-07-2020, 04:06 PM
  2. Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan
    Gửi bởi Tuệ Thức trong mục Kinh
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-24-2019, 04:14 AM
  3. Trả lời: 12
    Bài cuối: 10-06-2017, 12:09 PM
  4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm _ Thiền sư Thích Từ Thông giảng!
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 3
    Bài cuối: 09-09-2016, 03:44 PM
  5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Đại sư Pháp Vân giảng)
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 151
    Bài cuối: 09-08-2015, 11:04 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •