KINH LĂNG GIÀ Dịch giả: H.t Thích Duy Lực
__________________________________________________ ______________________________________
QUYỂN THỨ NHÌ
PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM
........
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :
– Thế Tôn! Mê hoặc là hữu hay vô?
Phật bảo Đại Huệ :
– Pháp như huyễn chẳng có tướng chấp trước. Nếu mê hoặc có tướng chấp trước thì tánh chấp trước chẳng thể diệt. Pháp duyên khởi của ta thuyết, ắt đồng như pháp Nhân Duyên Sanh của ngoại đạo.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :
– Thế Tôn! Nếu mê hoặc như huyễn thì phải làm nhân cho mê hoặc khác?
Phật bảo Đại Huệ :
– Chẳng phải nhân duyên mê hoặc nên chẳng có lỗi. Đại Huệ! Huyễn chẳng sanh lỗi, vì chẳng có vọng tưởng. Đại Huệ! Huyễn từ chỗ minh liễu sanh khởi, chẳng từ chỗ lỗi tập khí vọng tưởng của chính mình sanh khởi, cho nên chẳng có lỗi. Đại Huệ! Ấy là do tâm mê hoặc của phàm phu chấp trước, chẳng phải Thánh Hiền vậy.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :
Thánh chẳng thấy mê hoặc,
Trong đó cũng chẳng thật.
Trong đó nếu chơn thật,
Mê hoặc tức chơn thật.
Xa lìa tất cả mê,
Nếu còn có tướng sanh,
Ấy cũng là mê hoặc,
Bất tịnh như bệnh nhặm.
– Lại nữa, Đại Huệ! Đã nói mê hoặc tức chơn thật, thì như huyễn tức phi huyễn, phi huyễn tức như huyễn. Chơn thể của phi huyễn chẳng có tương tự, nay nói phi huyễn, chẳng phải không thấy tất cả pháp như huyễn.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :
– Thế Tôn! Vì chấp trước đủ thứ tướng huyễn nên nói tất cả pháp như huyễn ư? Hoặc vì chấp trước đủ thứ tướng phi huyễn mà nói tất cả pháp như huyễn ư? Thế Tôn! Nếu như huyễn và phi huyễn có tánh khác biệt, ắt phải có tánh chẳng như huyễn. Tại sao? Vì mỗi mỗi sắc tướng chẳng có nhân. Thế Tôn! Nếu mỗi mỗi sắc tướng chẳng có nhân mà hiện tướng như huyễn, thì chẳng có đủ thứ tướng huyễn để chấp trước, cho có tánh tương tự là như huyễn.
Phật bảo Đại Huệ :
– Chẳng phải đủ thứ tướng huyễn chấp trước tương tự, nói tất cả pháp như huyễn. Vì tất cả pháp chẳng thật, chóng diệt như điện, ấy là như huyễn. Ví như điện chớp hiện trong sát na, mới hiện liền diệt. Tất cả tánh như thế, đều chẳng thuộc nơi hữu và vô, chỉ do tự tâm vọng tưởng chấp có tự tướng cộng tướng, nếu quán sát tất cả pháp vô tánh, thì chẳng phải sự hiện sắc tướng chấp trước của phàm phu.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :
Phi huyễn chẳng thể dụ,
Thuyết pháp tánh như huyễn,
Chẳng thật như điện chớp,
Cho nên nói như huyễn.