DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/3 ĐầuĐầu 123
Hiện kết quả từ 21 tới 29 của 29
  1. #21
    Avatar của vivi
    Tham gia ngày
    Aug 2015
    Bài gửi
    418
    Thanks
    513
    Thanked 231 Times in 140 Posts
    KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
    Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi bấy giờ, Phật tử La Hầu La cùng năm mươi Sa - di, nghe Phật nói nhân duyên gốc ngọn tội lỗi chỗ gây tạo của bọn Phiến Đề La rất lo sợ lắm; mỗi người liền cung kỉnh đầu mặt lễ Phật, khép nép bạch với Phật rằng: "Thưa Đức Thế Tôn! Con nay vừa nghe Phật nói nhân duyên túc nghiệp, quả báo chịu khổ của bọn Phiến Đề La kia, lòng con rất lo sợ. Sở dĩ vì sao?

    Vì như Hòa thượng Xá Lợi Phất của chúng con là bậc đại trí, đại phước đức được những nhà hào tộc trong nước quen biết rất nhiều, dân chúng đua nhau dâng lễ cúng dường, trân cam mỹ vị, thức ăn rất quý, nhiều không xiết kể, còn như chúng con bé dại không có phước đức, ăn của người những món ăn ngon lành như thế, đời sau lại sẽ lại đền trả nhân duyên kia, quả báo chịu khổ cũng như bọn Phiến Đề La. Vì những lẽ như thế nên chúng con rất lo sợ.

    Kìa như năm trăm thầy Tỳ - kheo là bậc trưởng đức còn không có thể kham nổi bỏ đạo về tục, mà huống chi chúng con, là người không có trí huệ, cúi xin Phật rủ lòng thương xót cho chúng con bỏ đạo về nhà, mong khỏi tội khổ, không có khổ nạn".

    Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo La Hầu La rằng: "Con nay sợ tội muốn được về nhà, để cho khỏi khổ đó, việc ấy không phải. Vì cớ sao? Như có hai người thiếu ăn đói khát, bỗng gặp chủ nhân dọn đủ thức ăn, béo bùi ngon ngọt, người kia vì bụng đói tham ăn quá no. Song trong hai người đó, một người có trí, một người ngu si. Người có trí đó tự biết mình ăn quá no, thân thể nặng nề ấm ách khó chịu, sợ sanh bệnh khổ, liền đến thầy thuốc hay, khiêm nhường thấp mình, cúi đầu xin trị giùm bệnh khổ.

    Vị lương y liền lấy thứ thuốc Ma đàn đề cho người kia uống đó, người kia uống rồi liền mửa món ăn bữa trước trong bụng ra, khi mửa món ăn bữa trước trong bụng ra rồi lại gạt lửa đắp mền nằm yên, người kia nhân đó mà khỏi bệnh khổ, giữ được tuổi thọ, an ổn khoái lạc.

    Trái lại người không có trí kia không biết mình ăn quá no, nên ấm ách trong bụng tưởng là ma quỷ bắt, liền mời đồng bóng làm cho tốn hao tiền của, giết oan sanh mạng cúng tế quỷ thần, cầu xin mạng, nhưng chỉ luống tốn công vô ích, đồ ăn trong bụng bữa trước dần dần sanh ra bệnh phong, máu chạy gân chuyển, đau thắt ruột gan; nhớn đó rồi chết sanh trong địa ngục rồi chịu khổ vài kiếp, bởi do không có trí vậy".

    Phật nói rằng: "La Hầu La con nay sợ tội về nhà, như người ngu si không có trí kia vậy".

    Luận như người nay cầu phước muốn khỏi tội đó, cần phải khiêm tốn và tinh cần gần gũi Minh sư tu tập trí huệ; ăn năn tội nghiệp ác, cải bỏ những việc ác đã qua, sửa làm những việc lành sắp đến. Từ đây dần dần thành tựu trí huệ, vì thành tựu được trí huệ nên tiêu hết các tội.

    Như Ta trước đã nói oai lực của ánh sáng mặt trời hay tiêu các chỗ tối. Người tu trí huệ cũng lại như vậy; nhờ người đời trước có nhân duyên căn lành. Nên nay gặp được Ta cùng Xá Lợi Phất v.v... Như người kia gặp được vị lương y có thể cứu bệnh khổ mà được khỏi chết. Con nay vì sao bỏ chỗ sáng vào chỗ tối?"

    Sa-di La Hầu La bạch rằng: "Lạy Thế Tôn! Theo trí con nghĩ trí huệ chư Phật rộng lớn cũng như biển cả; còn tâm La Hầu chúng con nhỏ hẹp dụ như chỉ mành, đâu hay nhận nổi trí huệ của Đức Như Lai".

    Phật bảo La Hầu: "Như giọt nước trời mưa, giọt sau không kịp giọt trước, tuy răng không kịp nhau nhưng có thể lần đầy mái to, người tu học trí huệ cũng lại như vậy. Ban đầu từ giọt nhỏ, lần đầy mái to, mái to đầy rồi sang tràn mái khác, lần lựa như vậy, đầy không biết bao nhiêu mái, thế mới gọi là lợi mình lợi người. Vì lời mình lợi người, nên gọi là bậc Đại sĩ như Ta hôm nay vậy".

    Bọn ông La Hầu La thảy nghe Phật nói rồi tâm khai, ý tỏ không còn lo sợ, liền vâng làm đúng như lời Đức Thế Tôn dạy không có nghi vậy.

    Khi bấy giờ, trong hội có vị Thái tử của vua nước ấy tên là Kỳ Đà, nghe Phật giảng dạy pháp tu Thập thiện, nhân duyên quả báo không có cùng tận. Liền quỳ gối chắp tay bạch Đức Thế Tôn rằng: "Xưa Phật cho con thọ trì Ngũ giới. Nay con muốn xả bỏ để thọ pháp Thập Thiện. Sở dĩ vì sao?

    Vì trong pháp Ngũ giới về giới rượu rất khó giữ nên con sợ mắc tội".

  2. #22
    Avatar của vivi
    Tham gia ngày
    Aug 2015
    Bài gửi
    418
    Thanks
    513
    Thanked 231 Times in 140 Posts
    KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
    Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đức Thế Tôn bảo rằng: "Khi con uống rượu có làm việc ác chi chăng?".

    Kỳ Đà bạch Phật: "Những nhà hào cường trong nước thường thường rủ nhau bày ra tiệc rượu, cùng nhau uống vui vẻ. Vì đặng vui vẻ nên tự không có làm ác vậy. Vì cớ sao? Vì khi đặng uống rượu nên nghĩ đến giới, vì nghĩ đến giới nên không có buông lung, thế cho nên uống rượu không có làm ác vậy".

    Phật bảo: "Hay thay! Hay thay! Kỳ Đà ơi! con nay đặng trí huệ phương tiện. Nếu người trong thế gian được như ngươi hết, thì dù cho uống rượu suốt đời cũng không có cái ác chi cả. Người tu như thế mới được sanh phước không có tội vậy.

    Luận như người tu pháp Thập thiện kể có hai phép. Một là: Hữu lậu. Hai là: Vô lậu. Người tu phước hữu lậu, thường hưởng cái quả báo khoái lạc cõi nhơn thiên. Người tu phước vô lậu, thì được cái quả báo, khỏi khổ sanh tử thẳng đến Niết - bàn.

    Nếu người uống rượu không tạo nghiệp ác, vì tâm hoan hỷ không khởi ra phiền não; nhân duyên tâm thiện, nên hưởng cái quả báo thiện. Thái tử giữ Ngũ giới có lỗi gì ư? Uống rượu mà nghĩ đến giới thì càng thêm nhiều phước, trước ngươi giữ Ngũ giới, mà bây giờ lại giữ thêm pháp Thập thiện thì công đức càng hơn cái quả báo Thập thiện vậy".

    Khi bấy giờ, vua Ba Tư Nặc bạch Phật rằng: "Thưa Đức Thế Tôn! Theo như lời Phật nói, khi tâm hoan hỷ không tạo nghiệp ác, nên gọi là hữu lậu thiện, việc đó không phải vậy. Vì cớ sao? Vì khi người uống rượu thời tâm hoan hỷ; vì tâm hoan hỷ nên không khởi ra phiền não, vì không phiền não nên không làm não hại, vì không làm não hại cho ai nên ba nghiệp được thanh tịnh, ba đường nghiệp được trong sạch ấy là vô lậu nghiệp.

    Bạch Thế Tôn! Ý con nhớ hồi trước con dạo đi săn chơi quên đem người đầu bếp, lúc vào trong núi sâu biết đói muốn ăn. Kẻ tả hữu đáp rằng: "Hồi mời vua đi không thấy truyền lệnh cho người đầu bếp theo. Nên giờ này không có cơm ăn. Thưa Thế tôn! Con nghe lời ấy rồi liền sải ngựa về cung, truyền bảo dọn cơm, kẻ đầu bếp nhà vua tên là Tu Ca La.

    Tu Ca La thưa rằng: "Hiện giờ không có cơm, nay mới đương nấu". Lúc con đói quá giận không còn nghĩ gì; bực tức mê cuồng ra lệnh các quan đem chém người đầu bếp.

    Các quan thấy vua ra lệnh, liền cùng nhau bàn rằng: "Chọn khắp trong nước, chỉ có một người này trung lương ngay thẳng, nay nếu giết đó thì không còn ai có thể làm trù giám cho vua và làm cho vừa ý vua".

    Khi ấy, bà Mạt Lợi Phu nhân nghe vua ra lệnh giết Tu Ca La, lòng rất thương tiếc, biết vua vì đói quá, liền ra lệnh sắm đủ rượu quý thịt ngon, tắm gội hương hoa, trang sức thân thể và đem các kỹ nữ đi đến chỗ vua.

    Con thấy Hoàng hậu trau giồi tốt đẹp và đem theo kỹ nữ với một cỗ rượu thịt ngon đến, con liền hết giận. Vì cớ sao? Vì nàng Mạt Lợi Phu nhân là người giữ năm giới cấm của Phật không uống rượu đã lâu. Hôm nay bỗng nhiên tâm con đương giận, mà lại đem rượu thịt đến, cùng nhau ăn uống, vui chơi để cho thỏa lòng giận dủi.

    Con liền cùng với Phu nhân uống rượu ăn thịt đàn hát kỹ nhạc hoan hỷ khoái lạc, nên lòng giận tiêu hết, Hoàng hậu biết con không còn ý giận nữa, bèn sai Huỳnh môn truyền lệnh con bảo các ngoại quan đừng giết trù giám.

    Các quan liền vâng giáo chỉ. Đến sáng ngày sau con rất ăn năn tự trách rầu lo không ăn, dung nhan tiều tụy. Phu nhân thấy vậy hỏi con: "Vì sao lo buồn hay có bệnh chi chăng?"

    Con nói: "Ngày hôm qua, ta nhơn vì cái lửa đói ép ngặt, vì tâm bực tức giết Tu Ca La, nhơn Trẫm tự xét trong nước đều không có người làm giám trù cho Trẫm như Tu Ca La. Vì những lẽ ấy nên Trẫm lo sầu hối hận".

    Phu nhân cười nói rằng: "Người kia còn sống, xin vua chớ buồn". Con lại hỏi rằng: "Như thế là thật, hay là nói chơi?"

    Phu nhân đáp rằng: "Thật chớ không láo dối vậy". Con liền sai kẻ tả hữu kêu trù giám đến, sứ giả đi gọi trong giây phút đem đến, con rất vui mừng không còn uất hận".

  3. #23
    Avatar của vivi
    Tham gia ngày
    Aug 2015
    Bài gửi
    418
    Thanks
    513
    Thanked 231 Times in 140 Posts
    KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
    Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vua bạch Phật rằng: "Thưa Đức Thế Tôn! Mạt Lợi Phu nhân, giữ năm giới của Phật, mỗi tháng lục trai, giữ Ngũ giới trọn đời, nay trong một ngày, đã phạm giới ẩm tửu, giới vọng ngữ, hai giới và trong giới Bát quan trai dã phạm sáu giới, việc này làm sao? Chỗ phạm tội giới kia nặng, hay nhẹ?".

    Thế Tôn đáp rằng: "Phạm giới như thế được nhiều công đức, không có tội vậy. Vì cớ sao? Vì có sự lợi ích như Ta trước đã nói. Luận như người tu thiện kể có hai món. Một là: Hữu lậu thiện; hai là: Vô lậu thiện. Bà Mạt Lợi Phu nhân, chỗ phạm giới đó là Hữu lậu thiện. Còn không phạm giới đó là Vô lậu thiện.

    Những người y ngữ bất y nghĩa đó là chỗ phá giới tu thiện là Hữu lậu thiện; người người y nghĩa bất y ngữ mà tâm tu thiện gọi là Vô lậu thiện".

    Vua bạch Phật rằng: "Theo như lời của Đức Thế Tôn nói: Nàng Mạc Lợi Phu nhân uống rượu phá giới, không khởi ra tâm ác, mà có công đức không mắc tội quả báo ấy; thì tất cả nhân dây thảy đều làm được. Vì cớ sao?

    Con nhớ trước đây trong thành Xá Vệ, có những nhà hào tộc, có Công chúa giòng Sát Lợi, nhân gây kình chút ít, lần đến oán thù to, mỗi người bày mưu đem binh đánh nhau, hai nhà đều là nhà hào tộc trong nước, lại cũng là bà con thân thích chớ chẳng phải người nào xa lạ, thế mà chiến đấu mãi không nghe lời con can gián nên con rất buồn.

    Con tự nhớ rằng:"Hồi con còn làm Thái tử, có quan đại thần của đức Tiên vương tên là Đề Di La. Ỷ thế tông môn phú quý hào cường, thấy con khinh dể; thường trêu ghẹo con còn hơn loại Súc sanh; đương khi giận dủi bực tức không kể gì nữa ý muốn giết đi, nhưng mà không đủ sức, mới vào tâu với vua cha, mà ngài cũng không xét cho. Oán hận đầy ruột không biết làm sao được. Vì duyên cớ ấy nên con thường bỏ sự ăn uống sầu muộn áo não.

    Khi bấy giờ, Thái hậu thấy con sầu khổ, nhiều phen khuyên con mà con buồn mãi không nguôi. Trong khi ấy Thái hậu nặng tình thương con, bèn sai sứ nhơn cầu kiếm rượu tốt đem về khuyên con uống.

    Con liền bạch với mẹ con rằng: "Tiên tổ nhà ta nói nhau theo Bà-la-môn thờ trời Na La Diên. Nếu nay uống rượu e sợ trời giận và bị Bà-la-môn quở phạt. Đương khi Thái hậu thấy con nguy hiểm tánh mạng, trong lúc đêm khuya canh vắng đóng hết các cửa cung không cho người ngoài như Huỳnh môn, tì nữ được biết.

    Thái hậu khuyên con rằng: Luận như đã là Thiên thần thì phải có tâm từ bi cứu khổ tất cả. Các thầy Bà-la-môn cũng phải như vậy, con nay sầu khổ, lỡ chết mất mạng, Thiên thần đâu hay cứu được mạng con chăng?

    Chi bằng uống thuốc tiêu tan ưu hoạn, được toàn thân mạng, các thầy Bà-la-môn kia, chưa đặng Thiên nhãn làm gì biết được sự ẩn mật của con sao? Thúc giục đôi ba phen, túng thế con phải uống đó, đã uống rượu rồi quên mất cái tâm sầu hận.

    Thái hậu thấy con mặt mày tươi tỉnh, tâm rất vui mừng, liền đòi cung nữ đàn hát kỹ nhạc, trong ba bảy ngày hưởng vui ngũ dục, bao nhiêu lòng phẩn hận từ đây đều hết.

    Con nghĩ như vầy rồi liền sai trung thần bảo sắm rượu ngon và đủ mâm cỗ, lại ra lệnh truyền những nhà hào tộc trong nước, quần thần, sĩ dân, thảy đều đến nhóm: muốn có chỗ bàn một việc lớn, trong nước các quan đến nhóm hai bên quyến thuộc, mỗi bên đều có hơn năm trăm người, cùng đòi đến nhóm ở trên điện vua trang nghiêm khoái lạc.

    Vua lại sai trung thần, sắm chén bằng ngọc lưu ly, mỗi chén đựng được ba thưng, trong mỗi chén ngọc đựng đầy rượu ngon. Con liền đối ở trước công chúng bưng lên một chén nói rằng:

    "Nay bàn việc lớn, tôi thiết tưởng những người ngồi trong hội đây, ai cũng một lòng. Vậy thì nay mỗi người cũng phải uống một chén thuốc bổ Cam lồ này, rồi sau sẽ bàn việc".

    Ai nấy đều nói rằng: "Xin vâng mạng Đại vương". Con liền sai quan hầu đàn hát kỹ nhạc, mọi người được uống rượu và nghe âm nhạc, nên tâm rất vui mừng, quên mất cừu hận, phấn chấn không còn ngại gì nữa.

    Vua lại nâng chén, nói với các quan rằng: "Kẻ sĩ phu này tu đức đã trải qua nhiều kiếp, tôn thờ Thánh giáo không dám sai lầm. Quý ngài vì sao nhơn việc nhỏ mà tức giận đánh nhau như thế? Nếu không nhịn nhau, thì e cho nước mất nhà tan,vì thế nên lần này tôi lấy lòng can gián xin quý ngài đừng đánh nhau nữa".

    Các quan tâu rằng: "Kính vâng không dám trái mạng". Nhân đó được hòa bình.


  4. #24
    Avatar của vivi
    Tham gia ngày
    Aug 2015
    Bài gửi
    418
    Thanks
    513
    Thanked 231 Times in 140 Posts
    KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
    Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vua bạch Phật rằng: "Thưa Thế Tôn! Người khởi ra việc tranh giành không nhân nơi uống rượu, trái lại, nhân đặng uống rượu mà tiêu hết cái tâm giận tức tranh giành (mà đặng hòa bình). Đâu không nhờ công năng uống rượu ư?

    Lại nữa Đức Thế Tôn! Con xét thấy trong thế gian những người bần cùng, tiểu nhân, nô khách, tỳ nữ, mọi rợ, hoặc nhân ngày khánh tiết, hoặc ở nơi tiệm rượu; nhóm hội ăn uống, vì tâm vui vẻ không đợi người dạy, mỗi người biết nhảy múa. Khi chưa được uống rượu thì không có việc ấy.

    Thế nên biết rằng người thân uống rượu mà sanh vui vẻ. Khi tâm vui vẻ không sanh niệm ác, vì không sanh ra niệm ác thế nên mới gọi là thiện tâm; nhân duyên tâm thiện nên được báo thiện.

    Lại nữa thưa Đức Thế Tôn! Kìa như loài nhĩ hầu đặng uống rượu còn hay đứng dậy nhảy múa, huống chi người đời.

    Theo như lời Đức Thế Tôn nói, làm lành được quả báo lành; làm ác thì mắc quả báo ác. Như người trong thế gian, nhờ đời trước làm việc bố thí nhân duyên phước đức, nên nay được giàu to. Kẻ nghèo đến xin, lại tham tiếc không cho; vì cái nhân tham tiếc nên sẽ mắc quả báo Ngạ quỷ.

    Hoặc có người đời, hoặc nam, hoặc nữ, được thân hình tốt đẹp. Con trai thì được con gái yêu; con gái đẹp thì được con trai yêu. Nếu có người dùng sức mạnh ngăn cấm nam, nữ không cho hội họp. Vì không đặng hiệp nên sanh ra ưu khổ, những tội đây sẽ quy về ai?

    Mạt Lợi Phu nhân đều do đời trước có tâm tốt bố thí người. Cho nên nay được báo thân tốt đẹp. Vì sao Đức Thế Tôn bắt giữ Ngũ giới; mỗi tháng ăn lục trai, không đặng trau giồi hương hoa phấn sáp; lại cũng không cho đàn hát kỹ nhạc, và cũng không cho gần gũi với chồng yêu, tấm thân tốt đẹp để làm gì, luống mất không công. Đâu chẳng phải khổ ư?".

    Phật bảo vua rằng: "Đại vương nạn như thế, không phải là không hay. Nhưng bà Mạt Lợi Phu nhân khi còn tuổi trẻ; nếu Ta không dạy cho giới pháp tu trí tuệ đó, thì làm sao sẽ có công đức ngày nay; đã hay độ đặng mình lại độ thân vua. Vậy chớ công đức ấy sẽ quy về ai?

    Bà Mạt Lợi Phu nhân, vì nghe Ta dạy tu hành đúng pháp. Cho nên ngày nay thành tựu trí huệ, mới được giải thoát vậy.

    Lại nữa này Đại vương! Thí như người đời, trong gia đình chỉ có một đứa con, vì muốn cho thành người, nên lúc còn bé đem đến trường học. Nhờ thầy dạy bảo văn thơ, nghệ thuật, nhân cách, lễ nghĩa, theo phép của nhà trường đều có kỷ luật, quở, trách, đánh, phạt, hạn chế ăn uống, không cho ngủ nhiều, ra vào đi lại, không sái tiết độ.

    Những người có trái phạm tùy tội nặng nhẹ, xét mà hành phạt. Vì trẻ sợ đòn, chuyên tâm lo học, đến khi tuổi lớn, tài cao, học rộng, việc gì cũng biết, lại đem cái biết ấy dạy sang người khác. Bà Mạt Lợi Phu nhân, vâng giữ trai giới cũng giống như thế.

    Lại nữa này Đại vương! Ví như Phú Lầu Na vì tâm ganh ghét nên cắt đứt ân ái, từ cha mẹ bỏ lìa vợ con. Vào núi tu học, mình mặc áo bằng cỏ, chịu lạnh, chịu khổ, tự lập lời thệ rằng: "Quyết định đọc thuộc chín mươi sáu món kinh, thơ, ký luận đều được thông suốt. Nếu không được như vậy thời không trở về cùng cha mẹ thấy nhau".

    Trọn hai mươi năm tất cả thông suốt. Trở về thành Vương Xá đầu đội lửa đuốc, bụng nịch tiếng đồng, đi trên bờ ruộng tự xướng to lên rằng: "Mình là người Nhứt Thiết trí". Rồi đến Ta hỏi rằng: "Này Cù Đàm Sa môn! Có biết tôi là ai không?".

    Ta nói: Người là người ngu si. Rồi nói bài tụng rằng:


  5. #25
    Avatar của vivi
    Tham gia ngày
    Aug 2015
    Bài gửi
    418
    Thanks
    513
    Thanked 231 Times in 140 Posts
    KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
    Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nếu là người có trí tuệ,

    Không khoe mình ai cũng biết.

    Như thế là kẻ đa văn,

    Như mặt trời soi trong thế gian.

    (Không khoe mình là sáng, mà ai cũng biết là sáng)

    Kẻ vừa nghe (biết) chút ít,

    Tự khoe mình là lớn.

    Như mù cầm đuốc soi,

    Chiếu ai chớ mình không sáng.

    Khi bấy giờ, Phú Lầu Na nghe Ta nói lời ấy rồi bỗng nhiên tâm ngộ, liền bỏ đuốc cổi đồng, năm vóc gieo sát đất, hổ thẹn xin lỗi. Vì do ông là người đa văn, trí hụê các căn thông lợi, cho nên trong khi lạy xuống chưa đứng dậy mà dã dữt đặng phiền não trong ba cõi được quả A La Hán. Sức trí huệ đó thí cũng như câu móc điều phục con voi, voi tùy theo móc mà đi.

    Đại vương phải biết rằng: Luận như người tập đọc, đều nhờ ngăn cấm năm tình, mới được thông suốt không chỗ ngăn ngại. Vì chỗ không ngăn ngăn ngại nên gọi là Vô ngại trí. Vô ngại trí ấy đủ có bốn biện tài vậy. Nay Phú Lầu Na đủ có bốn món biện tài, đều nhờ khiêm tốn cần khổ học tập mới được. Thế cho nên Ta nói: Luận như người huệ giải có bảy món của. Sao gọi là bảy?

    Một là: Tín tài.

    Hai là: Tinh tấn.

    Ba là: Trì giới

    Bốn là: Tàm quý.

    Năm là: Đa văn.

    Sáu là: Hành xả.

    Bảy là: Định huệ.

    Ấy là bảy món của; bà Mạt Lợi Phu nhân có đủ bảy món của ấy.

    Đại vương phải biết, Mạt Lợi Phu nhân tuy là thân nữ, mà tài cao trí rộng, chẳng phải như người phàm, đều nhờ hồi còn trẻ đến giời, giữ gìn cẩn thận thân, khẩu, ý nghiệp, nhất tâm chuyên niệm, tu tập trí huệ, vì cái sức trí huệ nên gọi là sức giải thoát; rồi đem trí tuệ bày tỏ khắp trong thiên hạ.

    Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn, nhân Sa-di La Hầu La và cả đại chúng mà nói bài tụng rằng:

    Đa văn là chim cánh vàng

    Oai thế võ lực mạnh

    Vân là kho hành bảo

    Ở đâu lợi ích đấy

    Văn là cầu cống to

    Cứu khỏi mọi khổ ách

    Văn là thuyền lái lớn

    Đưa qua biển sanh tử

    Đa văn chí được sáng

    Vì sáng trí huệ thêm

    Trí huệ hiểu (rõ) nghĩa rộng

    Thấy nghe tu đúng pháp

    Đa văn trừ được não

    Hay dùng định làm vui

    Khéo giải pháp cam lồ

    Từ đó được Niết bàn

    Văn là biết pháp luật

    Hết nghi thấy được chánh

    Nhờ văn bỏ phi pháp

    Đi đến chỗ bất tử

    Tiên nhân kính thờ văn

    Chư Thiên lại cũng thế

    Giữ tâm không buông lung

    Đa văn thành Thánh trí

    Trí huệ trừ lo giận

    Cũng dẹp thói tà phi

    Người muốn cầu yên ổn

    Phải tôn thờ người trí (sáng suốt)

    Mù từ đây được mắt

    Như trong tối được đuốc,

    Mở lối cho người đời

    Như người sáng dắt người tối

    Thế là bỏ ngu si

    Ly, mạn, hào, phú, lạc

    Chăm học thờ Minh sư

    Ấy gọi là người đức.


  6. #26
    Avatar của vivi
    Tham gia ngày
    Aug 2015
    Bài gửi
    418
    Thanks
    513
    Thanked 231 Times in 140 Posts
    KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
    Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ ấy rồi bảo vua rằng: "Này Đại vương! Nay Đại vương có phước đức thông suốt nghĩa rộng, là đều bởi đời trước thân cận (gần gũi) bậc Minh sư khiêm tốn, cầu khẩn, hầu hạ (phụng thờ) học tập mới được nhân duyên quả báo, nay được làm vua; trí huệ thông suốt tùy nghi tiếp dắt trong thế gian ít có.

    Thế cho nên Ta nói Bát Nhã trí huệ có bốn nghĩa, thì đủ biết rằng: Người cầu đạo tam thừa phải học pháp Bát Nhã. Muốn lìa khỏi cái khổ hoạn trong tam đồ bát nạn, muốn hưởng quả báo khoái lạc cõi nhơn thiên. Nói tóm lại là, muốn cầu tất cả phước đức đều phải tu học trí huệ phương tiện.

    Như Ta trước đã nói: Vua A Dật Đa, vì nhờ sức cần khổ học tập trí huệ, tuy trong khi lỡ làm ác mà phải sanh trong đường ác thú, nhưng thường nhớ lại túc mạng, vì nhớ được túc mạng nên bỏ dữ làm lành, chóng được giải thoát, cảm động đến chư Thiên tiếp tế cúng dường, dùng sức trí huệ làm thầy chư Thiên. Do nhân duyên ấy, nên Ta nói Bát Nhã có đủ bốn nghĩa vậy".

    Khi bấy giờ, vua Ba Tư Nặc nghe Phật giảng dạy trí huệ phương tiện, công đức nhân duyên, tất cả vui mừng. Thái tử Kỳ Đà, Phu nhân, Thái hậu, quần thần, sĩ dân, tất cả đại chúng không ai mà không tỏ ngộ, mỗi người đều cung kỉnh, vì Phật làm lễ lại ngồi như cũ.

    Vua lại vòng tay bạch Phật rằng: "Theo như lời Phật nói, người đời tu thiện kể có hai món. Một là: Hữu lậu thiện. Hai là: Vô lậu thiện. Hữu lậu, Vô lậu hai nghĩa cùng quy về một. Vì sao Đức Thế Tôn lại nói khác nhau ư?".

    Phật bảo vua rằng: "Người có hai hạng. Một là người lợi căn. Hai là người độn căn; mà người độn căn có hai món thiện, còn người lợi căn thì không nói hai vậy. Sở dĩ vì sao? Ví như các nguồn nước chảy cũng về một biển. Còn người độn căn bị các căn ngăn lấp, thế cho nên vì nói các pháp phân biệt cho nghe".

    Khi bấy giờ, Thái tử vua nước ấy là Kỳ Đà bạch Phật: "Thưa Đức Thế Tôn, giới pháp Thập thiện có nhiều nghĩa hay là cũng đồng một nghĩa. Pháp Thập thiện về giới vọng ngữ một hay nhiều. Nếu chỉ một nghĩa, chắc con không giữ gìn được, còn nhiều nghĩa xin Phật nói cho".

    Phật bảo Kỳ Đà rằng: "Vọng ngữ có hai, một là nặng, hai là nhẹ. Sao gọi là nặng? Nghĩa là người thọ giới rồi mà không tu trí huệ, ngu si tối dốt, không biết giáo hóa làm Phật pháp được hưng thịnh thêm lên. Vì những lẽ ấy người ta khinh dể, không được của cúng dường bần cùng khốn khổ; vì không được cúng dường nên ngoài thân hiện tướng tinh tấn, mà trong tâm làm việc tà trược.

    Cùng nhau tuyên truyền đến nói mọi rằng Tỳ - kheo kia, khổ hạn, tinh tấn, đặng cảnh giới thiền, hoặc nói thấy Phật, thấy rồng, thấy quỷ. Những người như thế gọi là đại vọng ngữ. Người phạm tội đây đọa vào trong địa ngục A tỳ.

    Lại cũng có tội vọng ngữ hay làm thiệt hại người, phá hoại nhà người; lại có tội vọng ngữ, làm trái mất kỳ hẹn khiến cho người tức giận, như vậy gọi là tội hạ vọng ngữ, những người làm như thế gọi là phạm giới, đọa trong tiểu ngục. Còn bao nhiêu thứ vọng ngữ như là nói chơi và những lý đáng giấu, sự đáng cấm hoặc có nói không, hoặc không có nói, không phạm giới vậy".

    Thái tử Kỳ Đà nghe lời nói ấy rồi, liền ở trước Phật thọ pháp Thập thiện và bạch Phật rằng: "Thưa Thế Tôn! Đệ tử ngày nay nghi hối đã trừ, phát tâm Tam Miệu Tam Bồ đề xin Phật chứng biết".

    Phật nói: "Hay thay! Ngươi nay đã biết thế, Ta rất vui mừng".

    Khi bấy giờ, vua Ba Tư Nặc bạch với Phật rằng: "Theo như lời Phật đã nói, thì mười phương các vị Hiền Thánh rõ thấu nhân duyên quả báo của tất cả chúng sanh. Vậy thì phụ vương con trước kia tu trì giới cấm của ngoại đạo, không uống rượu và không ăn hành, tỏi, ngũ vị tân; kính thờ Phạm Thiên và thờ mặt nhật, nguyệt, thủy, hỏa, thường làm việc bố thí để cầu sanh về cõi trời Phạm Thiên. Mỗi năm thường dùng một ngàn con bò sữa cúng dường cho các thầy Bà-la-môn.

    Kể bốn mươi năm, có bốn vạn con bò, thỉnh các thầy Bà-la-môn ăn sữa, tô lạc, sanh tô, thục tô, đề hồ các vị, công đức như thế sẽ sanh về cõi trời nào? Cúi xin Phật dủ lòng thương xót dạy bảo, khiến cho những người tu hành ai cũng được nghe được biết".


  7. #27
    Avatar của vivi
    Tham gia ngày
    Aug 2015
    Bài gửi
    418
    Thanks
    513
    Thanked 231 Times in 140 Posts
    KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
    Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
    __________________________________________________ ______________________________________


    Phật bảo vua rằng: "Quả báo của Tiên Vương, nay ở trong địa ngục. Sở dĩ vì sao? Vì rằng sanh ra không gặp thiện thời, không gặp thiện hữu và không gặp thiện phương tiện, tuy tu các công đức mà không đặng khỏi tội. Nhưng mà cái công đức bố thí kia không mất đi đâu, chừng nào tội hết mới đặng hưởng phước".

    Đại vương phải biết: "Luận như người tu phước không chuộc được tội, vì không chuộc được tội nên cần phải có phương tiện mới chuộc được tội".

    Phương tiện là gì? Nghĩa là ông Thiện tri thức. Sao gọi là thiện hữu? Nghĩa là người chánh kiến ấy là thiện hữu. Thường đem lời chánh điều phục tâm mình.

    Chánh giáo là gì? Nghĩa là dạy quán pháp vô thường, khổ, không, vô ngã và mười hai nhân duyên trói buộc đường sanh tử. Và tu pháp Tứ Chơn đế; thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, thực hành sáu pháp Ba La Mật và Tứ Vô Lượng Tâm, thế mới gọi là phương tiện điều phục các căn, vì điều phục các căn nên định huệ được thành tựu, vì định huệ được thành tựu nên tâm mình được ngay thẳng, vì tâm mình được ngay thẳng nên sanh ra tinh tấn. Vì tâm tinh tấn nên hay sanh ra sự giữ giới, vì giữ giới được hoàn toàn nên định huệ sáng tỏ, vì huệ được sáng tỏ nên làm đủ muôn hạnh thông suốt không ngăn ngại, vì muôn hạnh thông suốt không ngăn ngại cho nên kêu là giải thoát, mà cái tâm giải thoát đó tức là Niết bàn vậy. Thế cho nên mới kêu là Thiện tri thức vậy.

    Đại vương phải biết: Minh sư dắt dẫn thật là một nhân duyên lớn, không nên khinh vậy. Đại vương nay được gặp Hiền Thánh, đều nhờ nhân duyên quả báo đời trước, nên đời nay nghe pháp tin hiểu, lại có tài năng làm cho người tin hiểu. Thế nên Ta nói người sáng khó gặp, như có một người không ai sánh kịp, người đó sanh ra chỗ nào, thân tộc nhờ phước, thế nên phải tu Bát Nhã trí huệ".

    Vua bạch Phật rằng: "Thưa Đức Thế Tôn! Con nghe Thế Tôn nói trí huệ phương tiện, tâm con đèu được thông suốt, theo như lời của Đức Thế Tôn đã nói họa phước chẳng đồng, nhưng mà không biết Tiên Đế của con, có cái ác nghiệp chi và chịu khổ báo gì?".

    Phật bảo vua rằng:"Tiên đế của Đại vương có sáu món tội. Sao gọi là sáu món tội?.

    Một tội là: Ngạo mạn, nhơ bẩn, không luận việc nhỏ hay lớn, đánh phạt ngang tàng, vì không nhẫn nhịn vậy. Hai tội là: Tham nhận của báu, xử đoán không công, làm cho thiên hạ kêu rêu oán hận. Ba tội là: Vui chơi, săn bắn làm khốn khổ nhân dân, tàn sát chúng sanh những loài tiếc mạng sống. Bốn tội là: Giam cầm cung nữ, không đặng vừa ý, chịu nhiều khổ não. Năm tội là: Đắm mê nữ sắc, mới chuộng cũ vong, ăn ở bất bình, sanh ra oán hận. Sáu tội là: Sợ các thầy Bà-la-môn, ăn vụng rượu thịt, hành, tỏi, ngũ vị tân; sợ kia quở trách, dối trá du bợ, ấy gọi là sáu việc tội nghiệp nhân duyên sanh trong địa ngục.

    Vua bạch Phật rằng: "Nếu đã như vậy đó thì khi Phật chưa ra đời. Đệ tử này cũng có tội như thế, vậy bây giờ phải làm sao tu pháp Thập thiện cho được thành tựu không ngăn ngại ư?".

    Phật bảo vua rằng: "Như Ta trước đã nói, khi ánh mặt trời mọc ra thì các tối tiêu hết hay là còn tối chăng?"

    Vua bạch Phật rằng: "Thưa Đức Thế Tôn! Ánh sáng của đèn còn có thể diệt được tối tăm, huống chi oai thế của ánh sáng mặt trời rất mạnh vậy".

    Phật nói rằng: "Nay vua có phước đức nghe Ta nói pháp thành tựu trí huệ, ví như ánh sáng mặt trời tiêu diệt hết các sự tối tăm, không còn tội lỗi vậy".

    Vua Ba Tư Nặc bạch Phật rằng: "Cha con tôn thờ những thầy Bà-la-môn tinh tấn trí huệ, tu tập khổ hạnh, là vì cầu phước không tiếc thân mạng, hoặc có khi gieo mình xuống núi, năm món nóng háp thân, hoặc bỏ ăn uống để cầu sanh về cõi Phạm Thiên hoặc chất củi thiêu sống thân mình, hoặc co giò hả miệng hớp ánh sáng mặt trời, hoặc leo lên cây cao, lấy dây buộc chân rồi thòng đầu xuống, hoặc nằm trên chông gai, rinh đá đè lên bụng có như vậy v.v... biết bao là khổ hạnh. Nhưng mà không biết nhân duyên phước đức, công tu khổ hạnh sẽ về chỗ nào?"

    Phật đáp rằng: "Như Ta đã nói trước, làm khổ chịu quả báo khổ, làm vui được quả báo vui, vua không nghe sao?".

    Vua nói rằng: "Thưa Đức Thế Tôn! Như vậy thời Thế Tôn bắt các hàng đệ tử phải trì cấm giới đâu chẳng phải là khổ ư? Vì sao? Vì luận như người trong lúc đói không được ăn liền, đâm ra phiền não, tức giận nổi lộn không còn biết chi là chi, chỉ muốn làm hại giết Tu Ca la, những việc như thế nên chịu khổ nhiều đời, đâu chẳng phải là ác sao?".

    Phật bảo vua rằng: "Ta trước sở dĩ hạn chế cho ăn giữa giờ ngọ ấy là vì hai lẽ. Một là: Vì cá Tỳ - kheo bỏ pháp ngoại đạo vào trong pháp Ta xuất gia tu hành, vì tâm chịu đói khát, khổ hạnh trước đã quen. Hai là: Các ông đệ tử đặng món ăn ngon lành (béo) tham ăn quá no, vì ăn không tiết độ nên sanh ra các bệnh. Thế nên Ta hạn chế sự ăn, chẳng phải là vì chịu đói chịu khổ, để cầu phước đức vậy.

    Lại nữa có giờ khắc, đó là vì Ta thấy các thầy Tỳ - kheo, ngày đêm nghiễu nghện đi xin ăn, ăn không có giờ khắc, làm cho bọn ngoại đạo nó chê trách và nói rằng:"Cù Đàm Sa môn tự nói đạo mình là tinh tấn, mà sao không bằng pháp ngoại đạo. Thế nên Ta bắt ăn có giờ, chớ chẳng phải bắt chịu đói chịu khổ để cầu phước vậy.

    Nói tóm lại là Ta bắt giữ cấm giới, chính vì người ngu si không huệ phương tiện, chớ chẳng phải là hạng người trí huệ biết rõ thời nghi vậy.

    Như Ta trước đã nói:Bát Nhã trí huệ tức là sức giải thoát chỗ đó là chỗ thực hành của bậc Thánh Hiền mà người trí cần phải vâng làm".

    Vua nghe lời ấy rồi càng thêm hoan hỷ liền đứng dậy cung kỉnh, vì Phật làm lễ, tất cả đại chúng cũng đồng như vậy.


  8. #28
    Avatar của vivi
    Tham gia ngày
    Aug 2015
    Bài gửi
    418
    Thanks
    513
    Thanked 231 Times in 140 Posts
    KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
    Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẦN LƯU THÔNG


    Khi bấy giờ, vua Ba Tư Nặc quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng: "Thưa Đức Thế Tôn! Nay trong đại chúng đã nghe Phật giảng nói, mối nghi tan sạch. Ví cũng như ánh sáng mặt trời tiêu hết các tối tăm, thấy được tỏ rõ. Công đức như đây, ân kia khó đền. Đệ tử chúng con làm cách nào thi thiết cúng dường, để đền cái ơn nặng Đức Thế Tôn ngày nay vậy".

    Phật bảo vua và cả trong đại chúng rằng: "Giáo pháp cam lồ công kia khó trả, dù cho có người ở trong hằng sa kiếp, tận tâm phụng sự Phật Pháp Tăng áo mặc, ăn uống, đồ nằm, tật bệnh, thuốc thang, thì ý vua nghĩ sao, phước kia nhiều chăng?".

    Vua nói rằng: "Dạ nhiều lắm, không có thể so lường được".

    Phật bảo vua rằng: "Giáo pháp cam lồ đây, tinh diệu khó lường, cứu độ tất cả bất kỳ việc lớn hay nhỏ. Chẳng phải dùng cái sức phước đức cõi Nhơn Thiên mà có thể trả được vậy. Nếu muốn trả chỉ có một việc, có thể trả ơn Phật được".

    Sao là một việc? Nghĩa là thường dùng tâm từ đem cái chỗ của mình hiểu biết tất cả thiện pháp đó, lần lựa khai hóa nhẫn đến một người, cũng làm cho họ tín tâm thành tựu trí huệ. Cứ thế rồi làn đến vô cùng vô tận. Ví như một ngọn đèn, mồi ra không biết bao nhiêu ngọn đèn, người tu như thế mới gọi là học trò trả ơn nặng cho thầy.

    Đại vương phải biết. Muốn trả ơn thầy giải thoát cho mình đó, thì mình lại phải đem trí huệ giải thoát cho chúng sanh, người tu như vậy thời chẳng những cúng dường trả ơn cho thầy mà thôi, mà cũng là cúng dường ba đời chư Phật vậy".

    Vua lại vòng tay bạch Phật rằng: "Thưa Đức Thế Tôn! Con xin tuyên truyền giáo pháp khai ngộ quần sanh, cầu mong đi về con đường chánh kiến tu tập Thánh đạo, thì cái phước đó làm sao? Cúi xin Phật dủ lòng từ thương xót, khai dạy cho con và tất cả chúng sanh".

    Phật bảo vua rằng: "Hoặc có Thiện nam tử, Thiện nữ nhân nào theo thầy nghe pháp một câu, một nghĩa, rồi lần lựa giáo hóa thêm ra, cho đến một người nào chưa tin thì khiến cho họ tin, người nào chưa hiểu khiến cho họ hiểu, cái công đức như đây không lường không ngằn, chẳng phải phàm phu mà có thể biết được".

    Này Đại vương! Giả sử như có người ở trong ngàn năm, dùng thức ăn thuốc uống, y phục quý báu cung kính cúng dường Phật, Pháp và Thánh Tăng, phước đức kia nhiều chăng?"

    Vua nói rằng: "Dạ nhiều lắm, không thể cân lường".

    Phật bảo: "Này Đại vương! Nếu có Thiện nam tử, người Thiện nữ nào, theo thầy nghe thuyết Chánh giáo của Phật, rồi lần lựa giáo hóa thêm ra cho đến một người nào cũng khiến cho họ tin hiểu, thì cái chỗ được phước còn hơn muôn ngàn ức bội, đối với người bố thí không bằng một phần. Vì sao? Vì cái công đức thuyết pháp thật là không lường vậy".

    Khi bấy giờ, Phật bảo ông A Nan: "Này A Nan! Như giáo pháp đây, ông phải tinh cần, tuyền truyền giáo hóa, tất cả nhân dân, thì phước đức không lường.

    Này A Nan! Ngày nay Ta dùng pháp mầu Vô thượng tuyệt đối đây giao phó cho ông. Vậy ông phải tuyên bố, giáo hóa đi độ khắp tất cả chúng sanh, ấy là cúng dường tất cả chư Phật đó vậy".

    Ông A nan lại vòng tay bạch với Đức Thế Tôn rằng: "Phật giao cho con Kinh này, mà không biết tên Kinh này là tên chi?".

    Phật bảo ông A Nan rằng: "Kinh này tên là Kinh "Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên". Vậy phải cần tu và lưu hành".

    Khi bấy giờ, vua Ba Tư Nặc, Thái tử Kỳ Đà, Phu nhân, Hậu cung, bốn bộ đệ tử Thích, Phạm, Chư Thiên, Bát Bộ, Long Thần, tám mươi muôn người, nghe Phật giảng nói đều rất vui mừng, mỗi người đều phát tâm trước ngôi Tam Bảo, lễ Phật rồi lui về, đúng như pháp mà vâng làm.


  9. #29
    Avatar của vivi
    Tham gia ngày
    Aug 2015
    Bài gửi
    418
    Thanks
    513
    Thanked 231 Times in 140 Posts
    KINH VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN
    Dịch giả: Sa môn Thích Đàm Cảnh
    __________________________________________________ ______________________________________


    LỜI PHỤ


    Kinh này các vị Hiền Thánh hồi xưa cũng thường thọ trì đọc tụng, cũng như Kinh Tam Bảo, Di Đà, Hồng Danh v.v... mà quý vị thiện nam tín nữ đọc tụng bây giờ.

    Theo tiếng gọi Kinh Di Đà Hồng Danh, mà gọi rằng Kinh Tam Bảo không phải là không đúng: nhưng cần phải hiểu rộng, kinh nào mà của Đức Phật nói ra, các vị Hiền Thánh phụng hành, đều gọi là Kinh Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng vậy.

    Quý vị muốn tụng Kinh này, trước cũng "Khai Kinh" như thường, trừ bài giới thiệu và bài tựa tụng thôi.

    Và khi tụng hết quyển, đọc bài kệ thâu Kinh như vầy:

    KỆ THÂU KINH (LỜI CẦU NGUYỆN)

    Trời rồng tám bộ người cùng Thánh,

    Đến nghe giới pháp phát tâm thành;

    Ủng hộ Phật pháp cho miên viễn,

    Đồng cùng tu học pháp Như Lai.

    Bao nhiêu vị đến đây nghe pháp,

    Hoặc ở dưới đất hoặc trên không;

    Đối với thế gian lòng thương xót,

    Đêm ngày nương ở hội pháp tràng.

    Xin cầu thế giới thường an ổn,

    Trí cao phước rộng độ quần sanh;

    Bao nhiêu tội nghiệp tiêu dứt hết,

    Xa lìa khổ não đến Niết Bàn.

    Thường lấy Giới hương thoa dồi thể,

    Hằng gìn áo Định để che thân;

    Hoa mầu Chánh trí khắp trang nghiêm,

    Tùy ở chỗ nào thường an lạc.



    NAM MÔ HỘ PHÁP CHƯ TÔN BỒ TÁT MA HA TÁT



  10. The Following User Says Thank You to vivi For This Useful Post:

    hoatihon (02-09-2022)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Chùa Thầy và truyền thuyết ly kỳ về Từ Đạo Hạnh
    Gửi bởi Tuấn Kiệt trong mục Tin tức Phật giáo , Từ thiện , Hộ niệm
    Trả lời: 2
    Bài cuối: 09-29-2019, 10:20 AM
  2. Những nhà khoa học tìm hiểu về Nhân Quả Báo Ứng.
    Gửi bởi caydendau trong mục Luân hồi - Nhân quả báo ứng
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 01-13-2019, 03:48 PM
  3. Trả lời: 12
    Bài cuối: 10-06-2017, 12:09 PM
  4. Tùy duyên vạn sự tùy duyên
    Gửi bởi sophie trong mục Âm nhạc Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 10-10-2016, 01:22 AM
  5. Kinh Kim Cang Bát Nhã - Thầy Huệ Duyên Tụng
    Gửi bởi Mục đồng trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-16-2015, 08:17 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •