CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA Tác Giả: Nguyệt Khê Thiền Sư
__________________________________________________ ______________________________________
CHƯƠNG III - THỈNH ÍCH (HỎI ĐẠO)
Tăng hỏi: Con dùng hai câu “Diệu hữu chơn không, chơn không diệu hữu”
để dụng công; người Tiểu thừa lọt nơi hữu, Trung thừa lọt nơi không, con
cho rằng Phật tánh nói là hữu cũng là không, nói là không cũng là hữu,
chẳng thể nói là không, cũng chẳng thể nói là hữu, tức là phi không phi hữu
của trung đạo, như thế hợp với lý của Thiền tông chăng?
Sư nói: Ông dụng công như thế muôn kiếp chẳng thể kiến tánh. Không với
hữu là tác dụng kiến, văn, giác, tri của bộ não, cách ông nói là hai bên đều
chẳng cứu cánh, giống như lý “mập mờ nhấp nhoáng, trong đó có tinh” của
Lão Tử nói. Kỳ thật Phật tánh vốn là sẵn sàng, diệu hữu chơn không, chơn
không diệu hữu đối với Phật tánh trọn chẳng dính dáng. Ông cho “không” và
“hữu” tác dụng của kiến, văn, giác, tri là Phật tánh đó là sai, ông nên đem cái
niệm hay nhận diệu hữu chơn không ấy ngay đó nhìn thẳng chỗ hầm sâu đen
tối, khi hầm sâu vô minh phá tan thì tất cả đều là Phật tánh, còn nói chi “diệu
hữu chơn không” nữa!