CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA Tác Giả: Nguyệt Khê Thiền Sư
__________________________________________________ ______________________________________
CHƯƠNG III - THỈNH ÍCH (HỎI ĐẠO)
Tăng hỏi: Cách dụng công của con là theo kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến
lập tri là căn bản của vô minh, tri kiến vô kiến ấy là Niết bàn”. Con cho rằng
tri kiến lập tri là ấn tượng trong bộ não, đã gieo hạt giống tức là căn bản vô
minh, tri kiến vô kiến là nói cái tâm giống như cái gương trơn, vật gì in vào
cũng không dính, vậy tâm không trụ tức là Niết bàn.
Sư nói: “Tri kiến lập tri tức là căn bản của vô minh” là nói người chưa kiến
tánh tất cả đều do kiến, văn, giác, tri làm chủ, tất cả tri kiến lập ra đều là căn
bản vô minh. “Tri kiến vô kiến ấy tức Niết bàn” là nói người đã kiến tánh rồi
thì Phật tánh làm chủ, tất cả tri kiến đều biến thành Phật tánh, giống như hai
câu Kinh “Kiến vô sở kiến tức chơn kiến, tri vô sở tri tức chơn tri” vậy.
Cách dụng công của ông nói chẳng trụ chẳng chấp trước, cái tâm muốn
chẳng trụ chẳng chấp trước đó tức là trụ, là chấp trước rồi. Sau khi kiến tánh,
trụ và chấp trước đều là Phật tánh, cho nên chấp trước và chẳng chấp trước
chẳng dính dáng với sự thành Phật, ông nên dùng cái niệm chẳng trụ chẳng
chấp trước ấy chuyên tâm nhìn thẳng đi, hễ công phu đến mức, liền thấy
Phật tánh, lúc ấy mới thấu rõ tất cả tri kiến đều là Phật tánh.