CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA
Tác Giả: Nguyệt Khê Thiền Sư
__________________________________________________ ______________________________________



Do đó, mà xem Thiền tông chẳng lập văn tự, chỉ chú trọng tham chứng, mà
được tôn là phương thuốc hay của minh tâm kiến tánh, pháp Thiền của
Thiền tông được phổ biến khắp Trung Quốc, đâu phải việc ngẫu nhiên!

---o0o---

5- CÁC LOẠI THIỀN

Thiền là phương pháp tu hành chủ yếu của nhà Phật, các tông Đại, Tiểu thừa
đều có pháp thiền chuyên môn, ngoại đạo tà sư cũng mỗi mỗi kiến lập pháp
thiền của họ, tà chánh lẫn lộn, tên gọi rất nhiều, cho nên người tu tập pháp
thiền của tông môn, trước tiên phải hiểu rõ pháp thiền của các tông và phân
biệt tà, chánh, chơn, ngụy, rồi mới chẳng bị lầm vào lối tẻ, phân biệt được
trắng đen. Người xưa vì đáp sai một chữ, đọa thân chồn năm trăm đời, hành
giả nên cẩn thận! Phàm phá ngã chấp là chánh, chấp ngã là tà; lối tu theo ngã
chấp là ngoại đạo, tu đúng tông chỉ là chơn, không đúng tông chỉ là ngụy,
nay đại khái đưa ra các loại thiền như sau:

1/ Tối Thượng Thừa Thiền:

Hành giả sau khi chứng ngộ, trong tâm thất thông bát đạt, tùy tiện đề ra một
pháp đều là Phật pháp, nói nghịch nói xuôi chẳng lìa chơn như, tất cả từ
chơn tâm mình chảy ra, che thiên ngập địa, từ Thế Tôn niêm hoa thị chúng
cho đến Tổ sư hét gậy, chửi, mắng, đều là trực chỉ chơn như, trọn mâm đem
ra, kẻ hoát nhiên kiến tánh thì chẳng cách tơ hào, nếu còn do dự bèn cách xa
muôn dặm, ấy là Tối thượng thừa thiền.

2/ Như Lai Thiền Với Tổ Sư Thiền:

Như Lai Thiền là Thiền giáo môn, chứng nhập từng bực như: Thập tín, Thập
trụ, cho đến Thập địa, Đẳng giác, còn có thể giải thích; Tổ Sư Thiền thì
không có thứ bậc, thẳng vào bản thể Phật tánh chẳng thể giải thích. Người
xưa có một việc chứng tỏ:

Hương Nghiêm hòa thượng sau khi chứng ngộ, thuyết bài kệ trình ngài Qui Sơn rằng:

Tiếng trúc quên sở tri,
Chẳng cần nhờ tu trì.
Động dung hiển lối xưa,
Chẳng đọa nơi vắng lặng.
Mỗi mỗi chẳng dấu tích,
Thanh sắc ngoài oai nghi.
Người đạt đạo bốn phương,
Đều xưng thượng thượng cơ.

Qui Sơn nghe rồi bảo Ngưỡng Sơn rằng: Ông này đã triệt ngộ.
Sau Ngưỡng Sơn soát lại, Hương Nghiêm thuyết kệ rằng:

Năm xưa nghèo chưa phải nghèo,
Năm nay nghèo mới thật nghèo.
Năm xưa nghèo còn có đất cắm dùi,
Năm nay nghèo dùi cũng không.

Ngưỡng Sơn nói: Như Lai Thiền thì cho sư đệ ngộ, Tổ Sư Thiền thì chưa.
Hương Nghiêm lại nói bài kệ khác:

Ta có một cơ,
Nháy mắt nhìn y.
Nếu còn chẳng ngộ,
Chớ gọi Sa di.

Ngưỡng Sơn bảo với Qui Sơn rằng: Mừng cho Nhàn sư đệ đã ngộ Tổ Sư Thiền.

3/ Thiền Na Thiền và Bát Nhã Thiền:

Thiền Na Thiền là pháp thiền thứ năm trong sáu Ba La Mật, Bát Nhã Thiền
là sau khi đã minh tâm kiến tánh, phát huy đại dụng để độ người, như việc
niêm hoa thị chúng.

4/ Nhất Vị Thiền Và Ngũ Vị Thiền:

Phá tan hầm sâu vô minh, minh tâm kiến tánh, đốn siêu Phật địa, vào cảnh
giới bất nhị, gọi là Nhất Vị Thiền. Ngoại đạo thiền, phàm phu thiền, Tiểu
thừa thiền, Đại thừa thiền, Tối thượng thừa thiền, gọi chung là Ngũ vị thiền.

5/ Ba Thứ Tịnh Quán Thiền:

Tức Sa ma tha, Tam ma bát đề và Thiền na, như kinh Viên Giác có giải thích
kỹ càng về ba thứ thiền quán này.

6/ Khô Mộc Thiền (Thiền Cây Khô):

Những pháp thiền chấp ngồi suốt ngày đêm chẳng nhúc nhích như dựng cây
khô, cho ngồi lâu là cao, gọi là Khô mộc thiền.