GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN
GIỚI THIỆU VÀ CÁC CHUẨN BỊ Phần 2
__________________________________________________ ______________________________________

Hiện tượng được định rõ là đạo đức, không đạo đức, tốt, xấu, v.v.... Mặc dù chúng là huyễn và không thực sự hiện hữu, chúng ta lại chấp vào chúng như có thực hay thực sự hiện hữu. Thế gian này có phải khởi nguyên từ điều gì đó có thật hay không? Không, nó xuất phát từ tính không có thực. Bản tánh đích thực của thực tại là như huyễn; đây không phải là điều gì đó mà chúng ta giả tạo thêm vào trên hiện tượng. Thậm chí dù hiện tượng xuất hiện như thể chúng hiện hữu thực sự, chúng cũng không thực sự hiện hữu trong cách đó. Đúng hơn, chúng giống như hình ảnh trên một màn ảnh truyền hình: mặc dù bạn thấy mọi loại sự vật trên màn hình, cũng không có thực tại tương ứng bên trong máy truyền hình.

Sau đó hãy buộc một gương thật rõ cao khoảng một sải tay (cubit) treo phía trước bạn. Hãy tắm rửa và nhìn vào gương hình dạng của bạn với các đồ trang sức. Hãy tán thưởng nó v.v..., và thấy nếu có một trạng thái tâm thích hay không thích. Nếu có, hãy tự suy nghĩ, “Mỗi lần khởi lên vui thích vì tán thưởng thân này, cũng giống như một phản chiếu trong gương, bạn đã nhầm lẫn. Thân này chỉ là một hình tướng tùy theo sự kết tập liên quan phụ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện, mà trong thực tại nó chưa từng hiện hữu. Tại sao lại bám chấp vào nó như là chính bạn và vui thích trong nó?: hãy thiền định trong một thời gian dài về sự phản chiếu của thân trong gương.

Một cubit là khoảng cách từ khuỷu tay đến đầu ngón tay bạn, nhưng điểm quan trọng ở đây đơn giản là có điều gì đó yểm trợ cho một gương. Vì bạn có thể có nhiều gương khắp nhà, nên hoàn toàn không cần lo về vị trí. Tuy nhiên, nếu không có gương treo tường, thì hãy làm như bản văn đề nghị. Sau khi tắm rửa, dù bạn là nam hay nữ, hãy mặc quần áo sang trọng, lịch sự; trang sức quý giá, v.v... sau đó nhìn bạn phản chiếu trong gương. Hãy cố nhìn những phần đẹp nhất của bạn. Nếu bạn là một đứa bé có thể sẽ tự vui đùa khi làm trò xấu trong gương. Khi quán sát phản ứng của tâm thức bạn, phải nhớ rằng không có nền tảng thích hay không thích vì không có bản chất, hoặc thực tại trong sự phản chiếu này. Nếu thực sự kinh nghiệm một số vui thích khi tự tán thưởng mình, hãy nhận ra bản tánh nhầm lẫn của phản ứng này. Giống như sự phản chiếu trong gương xảy ra đối với một kết tập liên quan phụ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện, do vậy sự thật này có phải là của chính thân chúng ta. Trong trường hợp phản chiếu trong gương, các nguyên nhân và điều kiện liên hệ phụ thuộc này là gì? Trong sự phụ thuộc vào một gương, là vị trí của thân bạn ở trước nó và sự quán sát phản chiếu xuất hiện của gương. Tương tự, có những nguyên nhân và điều kiện mà cũng từ đó thân xuất hiện, và trên nền tảng của thân có sự bám chấp tinh thần vào một cái tôi. Mặc dù chúng ta bám chấp vào bản ngã, trong thực tại lại chẳng có bản ngã.

Nếu thử thực hành điều này một hay hai lần vì tò mò và sau đó quên nó thì không đủ. Để thực hành này được hiệu quả, chúng ta cần thiền định trong một thời gian dài về sự phản chiếu của thân trong gương. Điều này có hiệu lực mạnh mẽ trên sự bám luyến của chúng ta, thân thể chúng ta, v.v... Chẳng hạn, từ lúc chúng ta còn rất bé, nhiều người trong chúng ta trở nên quen thuộc với sự khen thưởng của cha mẹ mình, và chúng ta học tập sự tán thưởng chính mình theo cách tương tự như vậy. Kết quả là chúng ta trở nên thèm khát nhiều tán thưởng, chấp nhận, và khen tặng, và sợ người khác xem thường, không tôn trọng, và phản đối. Bị lưỡng lự giữa hy vọng và sợ hãi liên quan đến sự chấp nhận và phản đối của người khác, chúng ta không e dè làm bất cứ cái gì có thể nhằm có được sự kính trọng của họ. Chúng ta ăn mặc chải chuốt chỉnh tề, cố gắng xuất hiện trong cách thể hiện tốt nhất của chính mình v.v... Trong cách này, chúng ta hoàn toàn tự mình làm mắc bẫy vào tám mối quan tâm thế gian. Sự thèm muốn xảy ra khi chúng ta hy vọng đạt được điều gì đó, và sợ hãi phát sinh với suy nghĩ không có được nó. Hoặc nếu hoàn toàn có nó, chúng ta sợ bị mất và hy vọng có thể giữ được nó. Tất cả mối hy vọng và sợ hãi này, thương và ghét xuất phát từ việc bám chấp vào những gì là vô thường mà cho là vĩnh cửu. Ngoài sự nhầm lẫn đó, chúng ta hy vọng lớn lao vào samsara. Nếu mọi người sống vĩnh cửu như chúng ta quan niệm, thì không có ai chết và thế giới này không đủ lớn để chứa tất cả những người bất tử này. Các đối tượng của bám luyến, sân hận, hy vọng và sợ hãi tất cả đều khởi lên từ ảo tưởng này, có tác dụng trong trạng thái thức và trong giấc mộng.

Sau đó thốt ra những lời lăng mạ và vạch ra nhiều khuyết điểm, nếu thấy có sự bất mãn hãy suy niệm, “Mọi ca tụng và lăng mạ giống như các khuynh hướng tiềm tàng, và vì thân không có bản chất nên thái độ thích hay không thích là nhầm lẫn.” Hãy thiền định một cách rõ ràng về sự phản chiếu trong gương như đối tượng tâm linh của bạn. Thay đổi luân phiên giữa ca tụng, lăng mạ và đánh đồng chúng. Đó là thời công phu thứ nhất.