GIẢI THOÁT TỰ NHIÊN
GIỚI THIỆU VÀ CÁC CHUẨN BỊ
__________________________________________________ ______________________________________


THIỀN ĐỊNH VỀ CÁI CHẾT VÀ VÔ THƯỜNG

Nếu bạn không suy nghĩ về cái chết và vô thường, sự nhận thức rằng không có thời gian để lãng phí sẽ không sinh khởi trong dòng tâm thức bạn. Nếu nhận thức không để thời gian lãng phí không phát sinh trong dòng tâm thức, bạn sẽ không chống nổi sự lười biếng và uể oải, và bạn sẽ không suy nghĩ về Giáo Pháp. Bạn sẽ tự mình thích nghi với cuộc sống này, và sẽ cho phép mình lười biếng và tự mãn. Nếu chết đột ngột với thái độ thông thường này, cuộc sống làm người quý báu của bạn sẽ bị lãng phí; vậy thiền định về cái chết và vô thường là rất quan trọng. Một khi sự nhận biết vô thường sinh khởi trong dòng tâm thức, bạn sẽ không có thời gian để tự mãn. Mang cái chết trong tâm một cách nghiêm chỉnh, Giáo Pháp sẽ tự động phát sinh; do vậy, hãy thiền định về vô thường.

Mặt khác, có thể nói tất cả chúng ta đều biết rằng mình đang đi đến cái chết. Điều đó không phải là tin thời sự. Tuy nhiên chúng ta chưa nhận ra rằng thời điểm cái chết của chúng ta là hoàn toàn không thể biết trước. Chúng ta chưa thực sự tìm hiểu thực tế cái chết của chính mình. Lấy một ví dụ của một người thật sự hiểu được ý nghĩa của cái chết, nhớ lại chuyện kể về một thiền giả thực hành trong hang động mà gần cửa động có một bụi gai nhỏ. Có một ngày ông đi lấy nước, trên đường ra bụi gai cào ông, và ông nghĩ, “Ồ, tôi cần phải đốn bụi gai này để mỗi lần ra, vào không bị cào.” Ngay khi tư tưởng đó khởi lên, ông ta nghĩ, “À, nhưng nếu dùng thời gian của mình để làm việc này, có thể tôi chết trước chăng? Tôi nghĩ rằng mình không có thì giờ để làm việc đó.” Dần dần, bụi gai mọc càng ngày càng lớn hơn, và mỗi lần ra ngoài nó lại cào ông. Một lần nữa ông nghĩ, “Ồ, tôi cần phải đốn nó,” và sau đó tư tưởng ông lại khởi lên, “Nhưng tôi không có thời gian.” Điều này lại tiếp diễn, và cuối cùng thiền giả này trở thành một thành tựu giả, và bụi gai trở thành một bụi gai rất, rất lớn. Cho nên cả hai cùng phát triển đến trưởng thành. Từ một viễn cảnh, bạn có thể nói rằng bụi gai hoạt động như một chướng ngại. Nó là một cản trở cho sự tiện nghi của ông ta. mặt khác, nó hoạt động để khơi dậy sự tỉnh thức về vô thường của ông và nhờ đó giúp ông trong thực hành.

Câu chuyện đó giữ vững quan điểm trái ngược với thái độ suy nghĩ phổ biến ngày nay, “Việc thực hành Giáo Pháp là rất quan trọng, nhưng tôi có nhiều việc khác phải làm.” Thái độ này là một biểu hiện chúng ta vẫn chưa tìm hiểu thực tại của đau khổ. Chúng ta vẫn chưa thiền định đủ về ý nghĩa của một cuộc sống làm người với nhàn rỗi và thuận lợi, và chúng ta chưa thể nhập thực tại của vô thường. Ngoài ra, với loại tinh thần này chúng ta bám chấp vào những gì vô thường như trường cửu và những gì không ổn định như bền vững. Như một kết quả của thái độ không để ý này, chúng ta lẩn tránh thực hành Giáo Pháp; và, như một kết quả của điều đó, chúng ta không đạt được giải thoát. Trong thời gian đó, bất kể Giáo Pháp nào chúng ta thực hành cuối cùng đều là giả tạo.

Khi người ta chấp nhận thái độ này, sau một thời gian họ thấy không có tiến bộ trong thực hành tâm linh như họ đã hy vọng. Do vậy việc họ kết luận như sau là phổ biến, “Ồ, thế đấy, Phật giáo không thực sự hiệu quả.” Vấn đề không phải là Phật Pháp không hiệu quả mà là cách thực hành của chúng ta không hiệu quả. Nếu bạn không biết cách dùng thuốc hoặc hoàn toàn không uống thuốc, thì không cách nào bạn có thể kết luận hiệu lực của thuốc không hoạt động. Vấn đề là người ta không biết làm thế nào để nhận lấy tinh yếu của Giáo Pháp, và vấn đề phụ là người ta là chủ thể để kiêu mạn và chấp ngã. Khi trạng thái tinh thần này chiếm ưu thế, giống như chúng ta tưởng tượng chính mình đang ở một nơi rất cao từ đó chúng ta nhìn xuống Giáo Pháp. Nếu có thể chuyển ngược lại và đặt bản ngã chúng ta ở dưới Giáo Pháp, thì tự nhiên chúng ta có được kết quả tốt.

Quan điểm của thực hành là để điều phục dòng tâm thức chúng ta. Nói chung, và nhất là ở phương Tây, đa số mọi người nghĩ rằng ngay khi bạn trở thành một Phật tử, bằng cách này hay cách khác sẽ đem lại một chuyển hóa phi thường giống như việc trở thành bồ tát trong một đêm. Điều này không đúng cho bất cứ việc nào khác trong thế gian. Ví dụ, khi đi học bạn không thể đột ngột trở thành tiến sĩ hay bất cứ học vị khác. Điều này chỉ xảy ra một cách dần dần. Tuy nhiên, không nhận thức được điều này, thỉnh thoảng người ta chỉ vào một người và nói, “Ồ, người này đã là một Phật tử trong nhiều năm. Làm sao họ có thể làm như vậy?” Toàn bộ công việc của “nhiều năm” này không có gì là ghê gớm lắm, chúng ta đã củng cố các phiền não trong tâm thức rất nhiều kiếp. Chúng ta đang đối phó với một đại dương thật sự của phiền não tinh thần. Thực hành Giáo Pháp trong nhiều năm hoàn toàn rất tốt, nhưng đừng mong đợi chuyển hóa triệt để, phi thường, ngay cả bạn đã thực hành trong một thời gian dài. Sự chuyển hóa xảy ra từng chút một. Thật sai lầm khi mong đợi rằng sự chuyển hóa kỳ lạ sẽ xảy ra nếu bạn trở thành một Phật tử và chỉ thực hành Giáo Pháp trong một thời gian ngắn.