Lời Nói Đầu



Có người cho rằng Đạo Phật là đạo chán đời. Bao nhiêu nỗi khổ như sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ buộc ràng nhân loại từ hạng nghèo hèn cho đến bậc tôn quý giàu sang, không ai tránh được cái luẩn quẩn ấy. Và cũng bởi cái vòng sinh, lão, bệnh, tử luân chuyển vô cùng kia, đức Thích Ca đã bỏ thân thế, đoạn thân ái hẹp hòi để đi tìm chân lý giải thoát. Khi đã thành đạo Bồ đề, trải 49 năm chu du thuyết pháp, Ngài đã tùy căn cơ của chúng sinh, khi Quyền, khi Thật nói ra vô lượng pháp môn để cứu độ muôn loài thoát khổ, được vui. Như vậy, đức Phật Tổ của chúng ta vì chán đời để tìm phương cứu đời, thì sự chán đời ấy khác hẳn với cái chán đời của phàm phu chỉ có biết cách quyên sinh để trốn đời mà không khi nào trốn đời.

Có người cho rằng đạo Phật là một đạo chết, không làm ích lợi gì cho ai. Phải, đạo Phật là đạo chết đối với những ai có một tấm lòng chết, nghĩa là không chịu nương theo ánh sáng Trí tuệ, Từ bi của chư Phật để tìm con đường sống đấy thôi.

Phật đã nói gì với chúng ta? Tất cả nỗi vui, khổ đều do tâm niệm tạo nên. Có tâm niệm ác sẽ gây nghiệp ác và chịu quả báo ác; có tâm niệm lành sẽ gây nghiệp lành và được hưởng quả an vui.

Cảnh giới tịch tịnh an vui và cảnh giới địa ngục khổ não chỉ ở trước mắt chúng ta. Thế là nhân loại dường như không để ý đến nền giáo pháp nhiệm mầu ấy, lại cứ đi tìm hạnh phúc và xây lâu đài hạnh phúc trên cát mộng đâu đâu.

Chúng ta công nhận loài người thông minh quá, tài trí quá, nhưng cố những tật đố: tham, sân, si, sát, đạo, dâm, vọng thì dẫu thông minh tài trí đến đâu cũng không thể làm cho thế giới an vui được.

Thật vậy, lịch sử thế giới đã chứng kiến biết bao cuộc cải cách vĩ đại và nền khoa học thực nghiệm đã tiến đến một trình độ quá cao, thế mà nhân loại chưa bao giờ hưởng được hạnh phúc hoàn toàn.

Đạo Phật dạy người tu tập cho minh tâm, kiến tánh, thông hiểu mọi sự, mọi vật trong vũ trụ, thêm vào đó những đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả làm cho người đời thuần thục, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, không xâm lấn nhau chung sống trong cảnh hòa vui êm đẹp.

Trong bộ kinh này, đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu cho chúng ta cái thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư cùng những công hạnh và nguyện lực của Ngài. Phải chăng đó là những phương thức tối diệu để chỉ cách cho ta tự tạo lấy một cảnh giới huy hoàng mà trong đó chúng ta tìm được niềm vui bất diệt? Huống chi trong pháp tạng nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, nghĩa là cả ba cỗi đều do tâm tạo ra, muôn pháp đều do nơi thức mà có. Như thế, thì có thể tự mình thay đổi thế giới đang say cuồng này trở thành thế giới Tịnh Lưu Ly cũng được chớ khó chi.

Vì lẽ ấy, chúng tôi nghĩ nên cho ra đời bản dịch cuốn Kinh Dược Sư, một cánh hoa tươi đẹp của trong rừng tam tạng kinh điển. Chúng tôi mong sao, các tín đồ đọc xong cuốn dịch nghĩa này đều khởi lòng vững chắc, tin lời nói của Như Lai, làm theo phương pháp của Như Lai.

Trong việc dịch Kinh này, chúng tôi xin cầu nguyện Tam bảo chứng minh lòng chân thành của chúng tôi và trông mong ở lượng khoan hồng của các bậc cao minh miễn thứ và bổ chính cho những chỗ sai lầm.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


Trường Phật Học Mai Sơn

Mùa Hạ Năm Kỷ Sửu (1949)

Thích Huyền Dung