Làm thế nào để giảm cholesterol ? NHỮNG PHƯƠNG THỨC TRỊ LIỆU BỔ SUNG
__________________________________________________ ______________________________________
5.
Thử dùng hạt cây lanh.
Hạt cây lanh, để nguyên hay xay thành bột, đã tỏ ra có khả năng như một loại dinh dưỡng trị liệu. Trái với dầu hạt lanh đã được chứng tỏ là có rất ít khả năng làm giảm mức cholesterol, hạt lanh để nguyên hoặc xay bột đã được chứng tỏ trong một số cuộc nghiên cứu quy mô nhỏ là có thể làm giảm mức LDL cholesterol đến gần 15% khi được đưa vào trong chế độ ăn của bệnh nhân.
Mặc dù toàn bộ cơ chế hoạt động của hạt lanh khi đưa vào cơ thể để có thể dẫn đến làm giảm mức cholesterol vẫn chưa được hoàn toàn làm rõ, nhưng người ta cũng đã biết được đôi điều. Hạt lanh là một nguồn có chứa rất nhiều lignan. Lignan là một chất có trong thức ăn với rất nhiều chức năng sinh học, trong đó có chức năng làm giảm cholesterol. Thêm vào đó, hạt lanh là một trong những nguồn thực phẩm giàu acid alpha-linolenic nhất. Loại acid này cũng được biết là làm giảm mức cholesterol. Các nhà khoa học cho rằng sở dĩ hạt lanh để nguyên hoặc xay bột dùng tốt hơn dầu hạt lanh là bởi vì chúng có chứa rất nhiều chất xơ tan trong nước.
Vấn đề tiếp theo cần đặt ra là cần phải dùng bao nhiêu hạt lanh để có thể làm giảm mức cholesterol của bạn. Thật không may là câu trả lời vẫn chưa được rõ ràng. Những cuộc nghiên cứu về vấn đề này đã sử dụng đủ các liều lượng khác nhau từ 25 gram cho đến 38 gram hạt lanh để nguyên hay xay bột. Cũng giống như các loại margarine chứa stanol và sterol thực vật, hạt lanh cung cấp cả chất béo và ca-lo-ri. Một muỗng canh ngang mặt (khoảng 8 gram) cung cấp 39 ca-lo-ri, 2,7 gram chất béo, 2,2 gram chất xơ và 1,5 gram protein. Tôi thường đề nghị bệnh nhân dùng từ 3 đến 4 muỗng canh mỗi ngày. Điều này có nghĩa là đã có đến 160 ca-lo-ri trong ngày chỉ riêng từ nguồn hạt lanh.
Đối với các trường hợp muốn thử điều trị bằng hạt lanh, tôi thường gợi ý dùng từ 3 đến 4 muỗng canh mỗi ngày liên tục trong 3 tháng. Vào cuối giai đoạn này, tôi kiểm tra lại mức cholesterol của bệnh nhân để xác định hiệu quả của việc sử dụng hạt lanh. Sau đó, tùy theo cảm nhận của bệnh nhân về nó, thích hay không thích, dễ hay khó chấp nhận... để quyết định việc có nên khuyến khích người bệnh tiếp tục dùng lâu dài hay không. Cũng giống như bất cứ loại thuốc hay phương thức trị liệu bổ sung nào khác, việc dùng hạt lanh chỉ có hiệu quả nếu bạn tiếp tục sử dụng nó một cách đều đặn và kiên trì.
Điều quan trọng cần biết là, mặc dù rất hiếm hoi nhưng khả năng dị ứng với hạt lanh có thể xảy ra. Cũng giống như trường hợp dị ứng với đậu phộng, không thể biết trước được những người nào là sẽ bị dị ứng với hạt lanh. Nếu bạn chưa từng dùng hạt lanh bao giờ, tốt nhất là nên bắt đầu với một lượng rất nhỏ và phải đảm bảo là có ai đó ở bên cạnh trong những lần đầu tiên dùng hạt lanh. Điều này nghe có vẻ như cẩn thận quá đáng, nhưng dù sao đi nữa thì tốt nhất vẫn là “cẩn tắc vô ưu”. Nếu bạn có tiền sử dị ứng với nhiều thứ, bạn nên thảo luận trước với bác sĩ của mình trước khi bắt đầu dùng hạt lanh.
Hiện nay, những siêu thị lớn đều có bán rất nhiều hạt lanh. Bạn cũng có thể tìm mua ở các hiệu bán thức ăn dinh dưỡng. Hạt lanh để nguyên có thể được bảo quản tốt trong tủ bếp, chỉ cần đựng trong lọ thủy tinh hay nhựa. Tuy nhiên, hạt lanh đã xay thành bột phải được bảo quản trong tủ lạnh, vì nó có thể bị trở mùi. Tốt nhất là nên dùng ngay trong vòng một hoặc hai ngày sau khi được xay ra. Nên mua loại nguyên hạt để dễ bảo quản, vì bạn có thể tự xay lấy dễ dàng ở nhà bằng cối xay cà phê.
Một cuộc nghiên cứu của Arjmandi và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng, ngoài việc làm giảm mức LDL cholesterol, hạt lanh để nguyên cón có tác dụng làm giảm một loại lipid khác trong máu có tên là lipoprotein(a), thường gọi tắt là lp(a).