Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉQUYỂN 10 PHẦN 1__________________________________________________ ______________________________________
TIẾT D.- CẢNH GIỚI SAI KHÁC CỦA HÀNH ẤM
D1. – HAI THỨ LUẬN VÔ NHÂN
- NÊU CHUNG
A-nan nên biết, các thiện nam tử được sự nhận biết đúng đắn trong Xa-ma-tha đó, chính tâm đứng lặng sáng suốt, mười hai loài Thiên ma không có dịp khuấy phá. Trong lúc nghiên cứu tinh vi cùng tột, cội gốc của các loài chúng sinh. Khi cội gốc sinh diệt bản lai lộ ra, xét cái cội gốc thường chuyển động lăng xăng cùng khắp u ẩn kia, lại móng tâm so đo chấp trước trong tinh viên nguyên thì người ấy rơi vào hai thứ luận vô nhân.
Người tu thiền chưa hết tưởng ấm, theo tưởng mà khởi mê lầm, nên bị trúng trong cảnh giới ma. Nay tưởng ấm đã hết, thì tâm hiểu biết tà chính rõ ràng, ngưng lặng không động, tức dùng tâm này mà nghiên cứu cùng tột đầu mối sinh diệt của mười hai loài chúng sinh, khi cội gốc các loài đã phơi lộ ra, thì xét cái bản lai thường chuyển động lăng xăng kia không có cội gốc. Do không biết vô minh che đậy, mê thức tính chân thật, lầm chấp cái tưởng sinh diệt, nơi đây hoàn toàn sạch không còn có gì, nên khởi ra cái chấp vô nhân.
Xét ra, Như lai tạng do bất giác vọng động mà sinh kiến phần; do kiến phần mà có tướng phần sinh diệt lưu chú, luân chuyển mãi không thôi. Nếu không phá cội gốc của thức ấm cho cùng tột để trở lại Như lai tạng, tức khiến cho hành ấm không tịch, rõ biết nhân trong tam giới, chứng được quả vô học của hàng Nhị thừa, mà vô minh trụ địa chưa từng bị tổn hoại, vẫn chẳng gọi là được chính tri kiến vậy.
- GỐC VỐN KHÔNG NHÂN
Một, là người ấy thấy cái gốc vốn không có nhân. Vì sao? Người ấy đã được cơ sở sinh diệt hoàn toàn lộ ra, nhưng theo tám trăm công đức của nhãn căn mà thấy trong tám muôn kiếp, tất cả chúng sinh đều theo dòng nghiệp báo mà xoay vần, chết nơi đây sinh nơi kia; chỉ thấy chúng sinh luân hồi trong đó, ngoài tám muôn kiếp thì mờ mịt không thấy gì, bèn khởi nhận định rằng, những loài chúng sinh trong mười phương ở thế gian này, từ tám muôn kiếp trở lại đây, không nhân gì mà tự có. Do cái chấp trước, so đo như thế mà bỏ mất Chính Biến Tri, sa lạc vào ngoại đạo, lầm mất tính Bồ-đề.
Đây là thấy cái gốc không có nhân. Do nghiên cứu gốc của sinh loại cùng tột tám muôn kiếp không có chỗ khởi. Đây chính là không biết nhân mê của tám thức, liền khiến cho ngàn muôn kiếp cũng không có cội gốc mối manh, không phải chỗ công đức của nhãn căn không thể bì kịp; cũng không phải chỗ, sức của Thiền định không có thể đến được. Lầm chấp là vô nhân thì trái với chính giác. Kinh Niết-bàn nói: “Thế nào gọi là Chính biến tri?”. “Chính” nghĩa là không điên đảo; “Biến tri” là đối với bốn món điên đảo đều thông đạt. Lại “Chính” nghĩa là gọi trúng với thế giới, “Biến tri” là biết rốt ráo trúng trong việc tu tập chứng được Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Nay đối với việc tu tập bỗng khởi lên vọng chấp, nên nói mất hết tính Bồ-đề.
- NGỌN CŨNG KHÔNG NHÂN VÀ KẾT LUẬN
Hai, là người ấy thấy cái ngọn không có nhân. Vì sao? Người ấy đã thấy được cái cội gốc sinh diệt, biết người sinh ra người, rõ chim sinh ra chim, chim quạ xưa nay là đen, chim hộc xưa nay là trắng; loài người, loài trời, thân vẫn đứng thẳng, các loài súc sinh, thân vẫn nằm ngang; sắc trắng không phải do rửa mà thành, sắc đen không phải do nhuộm mà có, suốt tám muôn kiếp không hề thay đổi, hết đời này tột thân hình này cũng như vậy; từ xưa đến nay không thấy gì là Bồ-đề, làm sao lại còn có việc thành đạo Bồ-đề, rời nhận định tất cả các vật ngày nay đều không có nguyên nhân gì cả.
Đây là do từ cái thấy gốc không có nhân, nên thấy ngọn cũng không có nhân. Bởi do chưa cùng tột được thức tính, chỉ quán hành ấm hiện tiền, cơ sở sinh diệt tất cả hiện thành không có mê ngộ. Trước tám vạn kiếp rốt ráo không thấy Bồ-đề, cuối cùng sau tám vạn kiếp, cũng không có việc thành đạo Bồ-đề. Như ông Xá-lợi-phất xem thân chim bồ câu trước tám vạn kiếp và sau tám vạn kiếp quả báo không thay đổi. Nay ở trong hành ấm đã thấy tướng này, bèn so sánh tất cả khoảng giữa nghiệp quả chuyển biến, trí lực không thể đến kịp, lầm cho là mỗi loài trải qua tám vạn kiếp đều không thể có. Luận nói: Có vị A-la-hán biết một đời, hoặc hai đời, ba đời, mười, trăm, ngàn, muôn kiếp, cho đến tám vạn kiếp, quá ở đây về trước cũng không thể biết, song không khởi tâm so tính, nên không có lỗi này.
Do so đo chấp trước như thế nên bỏ mất Chính Biến Tri, mà sa lạc vào ngoại đạo, làm mất tính Bồ-đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ nhất, lập những luận vô nhân.
Ngài Thanh Lương làm lời sớ: “Mười một vị Luận Sư nói về vô nhân, chấp tất cả vạn vật không nhân, không duyên, là tự nhiên sinh ra, tự nhiên diệt mất. Nên lý tự nhiên đó là thường, là nhân của vạn vật, là nhân của Niết-bàn. Đây là chấp tất cả pháp, không có cái nhân nhiễm tịnh, như gai nhọn thì tự nó nhọn, sắc đen của chim quạ không phải do nhuộm, sắc trắng của chim hộc nó tự trắng”. Du Già Hiển Dương đều nói rằng: “Do như thế, nên khởi ra cái thấy vô nhân, rồi lập cái luận vô nhân ấy vậy”.