Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉQUYỂN 9 PHẦN 2__________________________________________________ ______________________________________
C4 – THAM CẦU PHÂN BIỆT CHIA CHẺ
Lại thiện nam tử thọ ấm hư diệu, không bị các tà lự, tính viên định phát minh, trong Tam-ma-địa, tâm ưa biết cội gốc, nơi sự vật chuyển hóa, muốn xét biết cùng tột gốc ngọn trước sau, thúc đẩy cái tâm sáng suốt thêm, tham cầu nhận biết chia chẻ. Khi bấy giờ Thiên ma chờ được dịp, cho tinh thần bay gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, cũng tự bảo đã được Vô Thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu cội gốc kia, trải tòa thuyết pháp. Người đó thân có oai thần làm cho những người cầu pháp kính phục, khiến cho thính chúng dưới pháp tòa, tuy chưa nghe pháp, tự nhiên tâm đã kính phục. Tất cả bọn ấy đều cho rằng Niết-bàn, Bồ-đề, Pháp thân của Phật, tức là cái xác thân thịt hiện tiền của ta đây, cha con sinh nhau đời này đến đời khác, tức là pháp thân thường trụ không mất, đều chỉ hiện tại tức là cõi Phật, không riêng có cõi tịnh cư và thân kim sắc nào khác. Người tu hành tin nhận những điều đó, bỏ mất tâm trước, đem hết thân mạng mà quy y, cho là được việc chưa từng có. Người đó ngu mê lầm cho là Bồ-tát, suy xét cái tâm như thế, phá hủy luật nghi của Phật; lén làm việc tham dục. Miệng ma thường nói: mắt, tai, mũi, lưỡi đều là tịnh độ, hai căn của nam nữ là chỗ chân thật Bồ-đề Niết-bàn. Bọn người không biết kia đều tin lời nói nhơ bẩn đó. Đây gọi là giống quỷ Cổ độc ác thắng quỷ, tuổi già thành ma phá khuấy người tu hành. Khi tâm ma nhàm chán, rời bỏ thân người không gá nữa, thì đệ tử và thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nếu giác ngộ trước thì không bị luân hồi, nếu mê lầm không biết, sẽ rơi vào địa ngục Vô gián.
Người tu Thiền muốn phân tách cùng tột cội gốc sinh hóa của muôn vật, mà bị ma gá vào người, dạy người ta nơi thân thịt hiện tiền, cha con sinh nhau, đời này đến đời khác, tức là pháp thân thường trụ không mất. Cái thấy như thế là trái nhau, mà thật thầm hợp với nhau, thấy là lời nói thô, mà tưởng thật, thì in tuồng như bàn đến chỗ sâu kín. Bởi do, ngay đó không có người thứ hai và cũng không có pháp thứ hai; tịnh nhiễm đều không, tính tướng không hai (vô nhị). Sở dĩ cho nên người tu Thiền ở đây bị làm mê hoặc. Gần đây những hạng cuồng loạn, lời nói kia tuy có thay đổi, mà ý không vượt ngoài nghĩa này. Cũng khá thương xót vậy.
C5 – THAM CẦU THẦM CẢM
Lại thiện nam tử thọ ấm hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh, trong Tam-ma-địa tâm ưa biết các việc trước sau, chính xét cùng khắp, tham cầu thầm cảm. Khi ấy Thiên ma chờ có dịp cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó thật không biết ma gá vào, cũng nói tự được Vô Thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu cảm ứng kia, trải tòa thuyết pháp, có thể khiến cho Thánh chúng tạm thấy thân mình như đã trăm ngàn tuổi, tâm sinh ái nhiễm, không thể xả lìa; đem thân làm nô bộc, bốn việc cúng dường không biết mỏi mệt. Ma lại khiến cho mỗi người dưới pháp tòa, tâm biết đó là vị tiên sư, là vị thiện tri thức, riêng sinh lòng pháp ái dính như keo sơn, được cái chưa từng có. Người tu hành ngu mê, lầm cho là Bồ-tát, gần gũi tâm ma, phá hủy luật nghi của Phật, lén làm việc tham dục. Miệng ma ưa nói, ta ở kiếp trước trong đời nọ, trước độ người nọ, lúc đó là thê thiếp anh em của ta, nên nay lại đến độ nhau, ta sẽ cùng các người theo nhau về cảnh giới nọ, cúng dường đức Phật nọ; hoặc nói có cõi trời Đại Quang Minh riêng biệt, Phật ở trong ấy và là chỗ nghỉ ngơi của tất cả các đức Như Lai. Trọn không biết kia đều là tin những lời phỉnh gạt đó, bỏ mất tâm trước. Đây gọi là giống Lệ quỷ tuổi già thành ma khuấy rối người tu hành. Khi tâm ma khuấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá vào nữa, thì học trò và thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nếu giác ngộ trước, thì không bị luân hồi, nếu mê lầm không biết, sẽ đọa vào địa ngục Vô gián.
Giống Lệ quỷ hay vào tâm người, khiến đều tạm thấy, tâm sinh ái nhiễm, khiến đều tự biết, tâm sinh pháp ái. Đến như đời trước làm thê thiếp, anh em… Đây đều là việc xa ứng thầm hợp. Nếu trước không có tâm này, thì cũng không từ đâu mà vào. Nên biết người tu Tam-ma-địa thường phải xét rõ.
C6 – THAM CẦU TĨNH LẶNG
Lại thiện nam tử thọ ấm hư diệu, không bị các tà lự, tính viên định phát minh, trong Tam-ma-địa, tâm ưa thích đi sâu vào khắc khổ, siêng năng, thích ở chỗ vắng vẻ tham cầu sự yên lặng. Khi ấy Thiên ma chờ được dịp cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người ấy thật không biết bị ma gá vào, cũng nói tự được Vô Thượng Niết-bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu chỗ vắng vẻ kia, trải tòa thuyết pháp, khiến người nghe, mỗi người đều biết nghiệp cũ của mình, hoặc ở nơi đó, bảo một người rằng: “Ngươi nay chưa chết đã làm súc sinh”, rồi bảo một người ở sau đạp lên đuôi, tức liền làm cho người kia đứng dậy không được. Lúc bấy giờ cả chúng đều hết lòng kính phục, có một người móng tâm lên thì nó đã biết ý; ngoài luật nghi của Phật, nó lại càng thêm khắc khổ, chê bai Tỳ-kheo, mắng nhiếc đồ chúng, phơi bày việc của người khác, không tránh việc chê trách. Miệng ma ưa nói việc họa phước khi chưa đến và khi đã đến rồi thì mảy may không sai. Đây là giống Đại lực quỷ, tuổi già thành ma, khuấy rối người tu hành, khi ma khuấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì học trò và thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên giác ngộ trước thì không vào luân hồi, nếu mê lầm không biết, sẽ đọa vào ngục Vô gián.
Ưa thích chỗ vắng vẻ, tham cầu sự yên lặng. Đây là do sự mong muốn yên lặng cùng tột mà phát ra thông suốt, nên ma có dịp gá vào các người ấy, khiến những việc chưa đến không mảy may sai lầm, đó là thần thông của quỷ này có. Song vì nó là cái nhân tà, dối gạt, mê lầm chúng sinh, nên rốt cuộc phải trầm luân.