Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 9 PHẦN 1
__________________________________________________ ______________________________________


MỤC VIII: PHÂN BIỆT CÁC ẤM MA


ĐOẠN I: NGUYÊN DO KHỞI RA CÁC MA SỰ

CHI 1.- KHÔNG HỎI MÀ PHẬT TỰ NÓI

Khi bấy giờ gần chấm dứt thời thuyết pháp, từ nơi tòa sư tử, đức Như Lai vịn ghế thất bảo xoay về tử kim sơn, trở lại dựa nơi ghế, bảo khắp đại chúng và ông A-nan rằng:


Gần chấm dứt thời thuyết pháp, Phật quyền khai thị về ngũ ấm ma, khiến cho các người chân tu, tùy theo chỗ chứng mà xét nét. Đây là bậc Nhất Thiết Chủng Trí đã biết cùng khắp, dùng lòng từ bi không duyên cớ để hộ niệm, khuyên gắng sức rửa sạch lòng mình, ân lớn khó đền vậy.

CHI 2.- CHỈ MA SỰ KHÓ BIẾT

“Các ông là hàng Thanh văn, Duyên giác hữu học hôm nay hồi tâm hướng về Vô Thượng Diệu Giác Đại Bồ-đề, và tôi cũng đã chỉ dạy pháp tu chân chính, nhưng ông còn chưa biết những ma sự nhỏ nhiệm trong lúc tu chỉ, tu quán. Nếu cảnh ma hiện ra, ông không biết được, thì sẽ tu tâm không đúng, và lạc vào tà kiến; hoặc là ma ngũ ấm của ông, hoặc bị Thiên ma, hoặc mắc quỉ thần, hoặc gặp loài ly mị, mà trong tâm không rõ, nhận giặc làm con.


Bản giác khéo quán sát không khởi phân biệt, vừa có sở kiến, thì không phải chân chính tu tâm. Nhận giặc làm con, tức là văn sau chấp cho là chứng Thánh vậy. “Ấm Ma”, nghĩa là các ấm huân tập vô lượng tập khí phân biệt, đối trong thể tịch chiếu, bỗng nhiên hiện ra trước, nếu không giác ngộ quán sát, ắt sinh dị kiến. “Thiên Ma”, tức là con của Tha Hóa Tự Tại Thiên; tất cả quỷ thần đều là quyến thuộc của y. Song đều do người tu hành dụng tâm không chân chính, nên ma được dịp thuận tiện, văn sau sẽ nói rõ.

CHI 3.- RĂN NHẮC ĐƯỢC CHÚT ÍT CHO LÀ ĐÃ ĐỦ, KHUYÊN VÂNG NGHE LỜI PHẬT CHỈ DẠY

Lại nữa, trong đó được chút ít cho là đã đủ, như Tỳ-kheo Vô Văn chứng đệ Tứ Thiền, dốt nát nói là chứng Thánh, khi phước báu cõi trời hết, tướng suy hiện ra, liền phỉ báng quả A-la-hán, còn phải thọ sinh đọa vào ngục A-tỳ. Nay các ông hãy nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông phân biệt chín chắn”.


Ông A-nan đứng dậy cùng những hàng hữu học trong hội, vui mừng đảnh lễ kính vâng nghe lời từ bi chỉ dạy của Phật.

Đây là răn nhắc được chút ít cho là đã đủ, nêu lên việc của Tỳ-kheo Vô Văn dùng để làm gương soi cho người sau. Đại vọng ngữ tuy trừ người tăng thượng mạn; song vì quá chấp cái thấy của mình mới sinh háo thắng, thành bệnh tự khi dối không tự biết mình đã tạo nghiệp đọa lạc. Phật vì lòng từ bi thương xót phân biệt kỹ càng, chúng ta phải nên ngưỡng mộ mà thể nhận vậy.


CHI 4.- KHAI THỊ THỂ GIÁC NGỘ KHÔNG HAI DO VỌNG KHỞI MÀ CÓ THẾ GIỚI

Phật bảo ông A-nan và cả Đại chúng: Các ông nên biết, mười hai loại chúng sinh trong thế giới hữu lậu, tâm thể giác viên bản giác diệu minh, cùng thập phương Phật không hai không khác, do ông vọng tưởng mê chân lý thành ra lỗi lầm, si ái phát sinh, sinh mê cùng khắp nên có hư không; hóa mãi cái mê không thôi nên có thế giới sinh ra; các cõi nước như số vi trần trong mười phương trừ cõi vô lậu đều do vọng tưởng mê lầm mà kiến lập.


Đây nguyên là chúng sinh cùng với bản giác minh tâm của Phật đồng một tính diệu viên. Bởi do cái vọng minh trái với chân trí này mà chẳng thấy chân lý, nên phát ra tính không, ấy là nói, “Do mê vọng mà có hư không”. Đã có hư không, quốc độ thì trừ cõi vô lậu, nghĩa là lựa riêng cõi thật báo phương tiện của chư Phật, ngoài ra đều do vọng tưởng kiến lập vậy.

CHI 5.- KHAI THỊ THẾ GIỚI GỐC LÀ GIẢ DỐI, NẾU PHÁT CHÂN THÌ HƯ KHÔNG MẤT

Biết hư không sinh trong tâm ông, ví như mảnh mây điểm trong bầu trời xanh, huống nữa các thế giới sinh trong hư không. Một người các ông phát minh chân lý trở về bản tính, thì mười phương hư không đó, thảy đều tiêu mất, làm sao các cõi nước trong hư không kia lại không rúng động và tan nát.


Nương nơi văn trên, do vọng tưởng mà kiến lập. Vọng tưởng ở nơi tâm, như bụi trên mặt gương. Nên một người mà phát minh được chân lý thì đại địa đều tan nát. Lẽ thật hẳn là như vậy. Nhân mê mà có hư không, nhân hư không mà có thế giới. Ngộ thì hư không đều diệt, thế giới đâu còn. Đây là tại nơi đương nhân phải tự biết, cung ma đổ nát, lý ắt có sự vậy.

CHI 6.- KHAI THỊ TÂM TINH THÔNG ÁM HỢP THIÊN MA KINH SỢ

Các ông tu thiền trau dồi pháp Tam-ma-địa, tâm được thông suốt ám hợp với các vị Bồ-tát và những vị Vô Lậu Đại A-la-hán nơi mười phương, ngay đó vắng lặng, tất cả ma vương và các quỷ thần, trời, phàm phu đều thấy cung điện mình không cớ gì đổ vỡ, đất liền rung động, những loài thủy lục bay nhảy thảy đều kinh sợ, hàng phàm phu tối tăm thì không biết có sự dời đổi. Còn các loài kia đều được năm thứ thần thông trừ lậu tận thông, đương luyến tiếc cảnh trần lao, làm sao lại để cho ông phá hoại chỗ ở? Vậy nên các loài quỉ thần, thiên ma vọng lượng yêu tinh, trong lúc ông tu pháp Tam-muội đều đến khuấy phá ông.


Người tu hành ở trong Tam-muội, cùng với các vị Bồ-tát A-la-hán thấy thể không hai. Đây là hiển bày chỗ trở về nguồn chân thì ngay đó vắng lặng. Ngộ thành ám hợp, mê hiện trái lìa; tất cả ma dục chư Thiên thấy cung điện mình bị đổ vỡ, cũng do mê vọng tự cảnh có khác; hạng quá tối tăm thì theo đó mà dời đổi, bậc hết mê lầm (lậu tận) thì không luyến tiếc, chỉ loài ma dục này, nhân có năm phép thần thông tự sinh kinh sợ, nên đối với pháp Tam-muội đều cùng nhau đến làm não loạn. Vọng lượng yêu quái là kẻ sai khiến của bọn kia vậy.