Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 8 PHẦN 1
__________________________________________________ ______________________________________


CHI 4.- THẬP HẠNH

A-nan, thiện nam tử ấy đã thành Phật tử rồi, đầy đủ vô lượng diệu đức của Như Lai và tùy thuận mười phương, gọi là Hoan Hỷ Hạnh.


“Đầy đủ vô lượng diệu đức của Như Lai”, đây là tóm kết lý trí quyền thật ở trên, tu tập đức của Như Lai đã được đầy đủ viên mãn, từ đây mới khởi hạnh, nên nói tùy thuận theo mười phương. Tùy thuận có hai: 1/- Năng tùy: Bồ-tát đến đây diệu trí phương tiện đức tính đều từ bi và nhu nhuyến hay xả bỏ ý của riêng mình. 2/- Sở tùy: Hết thảy những căn dục chủng tính của chúng sinh, mau chậm, lớn nhỏ, tùy căn cơ, tùy thời tiết không để cho mất, tự sinh pháp lạc, sinh được lợi lạc kia, nên gọi là “Hoan hỷ”.

Khéo làm lợi ích cho chúng sinh, gọi là Nhiêu Ích Hạnh.

Đã hay tùy thuận, tức là được lợi lành, nhổ cái khổ phiền não, cho cái vui Bồ-đề, đều là lợi ích chân thật, nên gọi là Nhiêu Ích Hạnh.

Tự giác và giác tha, được không chống trái, gọi là “Vô Sân Hận Hạnh”.

Ngài Tào Khê nói: “Nếu nghĩ giáo hóa người khác, tự mình phải có phương tiện, chớ khiến họ sinh nghi, tức là tự tính hiện”. Lại nói “Chớ đối trong cửa Đại thừa mà trở lại chấp trí sinh tử. Nếu ngay trong lời nói mà tương ưng, tức chung bàn nghĩa của Phật, nếu thật không tương ưng, nên chắp tay (xá) khiến hoan hỷ”. Như Ngài Tào Khê mới thật có thể nói là tùy thuận sức nhẫn vậy.

Theo chủng loại mà hiện ra sắc thân, tột mé vị lai, ba đời bình đẳng, mười phương đều thông suốt, gọi là Vô Tận Hạnh.

Trên nói tự giác, giác tha được không chống trái, đây mới tùy theo chủng loại, đối hiện sắc thân, mười phương ba đời, ngay một niệm đều viên mãn. Đây là do Bồ-tát đạt sâu được pháp không, phát mười nguyện hạnh rộng lớn không cùng tận, nên gọi là Vô Tận.

Tất cả đều hợp về đồng, trong mỗi mỗi pháp môn được không sai lầm; gọi là Ly Si Loạn Hạnh.

Trong tất cả pháp môn của Như Lai, đều từ trí tuệ chân thật mà sinh ra ngôn thuyết Tam-muội, có thể tùy theo ý mình mà dùng tất cả thí dụ được thật tướng của các pháp, không một mảy sai lầm, Bồ-tát đến chỗ này, thì tất cả đều hợp về đồng, bởi do tu tập tự tính Tam-muôi, đối với tất cả pháp tùy thuận không hai, nên trí tuệ nhiệm mầu đã được cùng với Phật thầm khế hợp vậy.

Ở trong cái đồng, hiện ra các cái khác, nơi mỗi mỗi tướng khác, mỗi mỗi đều thấy là đồng; gọi là Thiện Hiện Hạnh.

Ở trong đồng hiện ra khác, trong cái khác hiện đồng, tức đồng, tức khác, tức khác, tức đồng. Đây là Diệu trí không thể nghĩ nghì, sự lý dung thông, đều là nhất pháp giới tính, tự tại vô ngại, nên gọi là Thiện Hiện Hạnh.

Như vậy, cho đến mười phương hư không đầy khắp vi trần, và trong mỗi mỗi vi trần hiện ra mười phương cõi nước. Hiện vi trần hay hiện cõi nước không ngăn ngại nhau, gọi là Vô Trước Hạnh.

Trên nói về thân thuyết khéo hiện, ở đây nói vi trần và cõi nước dung chứa lẫn nhau, chính là tất cả các pháp không, tất cả các pháp như huyễn, tự tâm không nhiễm trước, nên các pháp đều vô ngại. Đây là do thật chứng, chứ không phải hoàn toàn hiểu suông. Kinh Thất Hạnh nói: “Bồ-tát dùng tâm vô trước, đối với trong mỗi niệm, có thể vào A Tăng Kỳ thế giới, đối với các thế giới, tâm không dính mắc, lại ở đầu một mảy lông hiện khắp cả cõi nước, ở chỗ đầu mảy lông giáo hóa chúng sinh, cùng tột không thể nói, không thể nói các cõi nước, như chỗ đầu một mảy lông, mỗi mỗi đầu mảy lông cũng đều như vậy, cho đến chẳng ở trong khoảng khảy móng tay chấp trước cái tưởng về ngã và ngã sở”.

Các thứ hiện tiền đều là đệ nhất Ba-la-mật-đa, gọi là Tôn Trọng Hạnh.

“Ba-la-mật”, Trung Hoa dịch là “Đáo bỉ ngạn” (đến bờ kia). Thân đồng và khác như vậy, thuyết đồng và khác như vậy, trần năng hiện như vậy, cõi sở hiện như vậy, các thứ mỗi cái đều được tự tướng không phải dùng trí có thể biết, không cho nói năng ấy là đệ nhất Ba-la-mật, vẫn có thể ngay trong nhật dụng hiện tiền mà chứng biết. Đây là pháp yếu tối tôn vô thượng, nên nói là Tôn Trọng Hạnh.

Viên dung như thế, có thể thành khuôn phép của chư Phật trong mười phương, gọi là Thiện Pháp Hạnh.

“Như thế” là nói tổng quát văn trên, tất cả pháp hành đều không ngại. Nhưng nói rằng có thể làm thành khuôn phép của chư Phật trong mười phương, chỗ này mới hướng đến hạnh đại bi để làm lợi ích cho chúng sinh, ấy là đại hạnh. Kinh nói: “Bồ-tát an trụ cảnh giới này, hay làm ao thanh lương cho tất cả chúng sinh, vì có thể tột đến cội nguồn của Phật pháp”.

Mỗi mỗi đều là nhất chân Vô vi thanh tịnh vô lậu, vì tính bản nhiên là như vậy, gọi là Chân Thật Hạnh.

Từ tính khởi hạnh, toàn hạnh là tính. Nên biết tất cả diệu dụng đều qui về chân thật. Đây là vô lậu thanh tịnh không phải là thần thông, cũng không phải là pháp nhĩ (chân lý). Kinh Anh Lạc nói: “Nhị Đế (chân đế, tục đế) không phải chân như, không phải sắc tướng, mà chẳng phải có sắc tướng, gọi là chân thật”. Bồ-tát chứng được chân thật, từ tự tính duyên khởi cảnh giới không thể nghĩ bàn, nhưng không ngoài tự tính mà hiện ra. Lý Trưởng giả nói: “Tất cả tuệ tự tại thần thông, ra vào cửa diệu định đều không rời chân tâm vô tận”. Đến chỗ này không còn bị ngăn ngại vậy.