Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉQUYỂN 5 PHẦN 2__________________________________________________ ______________________________________
ĐOẠN XXIII: DO PHONG ĐẠI CHỨNG VIÊN THÔNG
Ngài Lưu-ly-quang Pháp-vương-tử
Ngài Trường Thủy nói: “Nói đủ là Phệ-lưu-ly”, Trung Hoa dịch là “Viễn Sơn Bảo” do quán sức gió nơi thân tâm chuyển động, quán thành được dụng thân tâm rỗng suốt như ngọc lưu-ly, nên lấy đó mà đặt tên vậy”.
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: “Con nhớ thuở xưa trải qua Hằng sa kiếp có đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh, khai thị tính bản giác diệu minh cho các hàng Bồ-tát và dạy quán thế giới cùng thân chúng sinh này, đều do sức lay động của vọng duyên chuyển biến ra, khi ấy con quán cái không gian an lập, quán thời gian thiên lưu, quán thân thể khi động khi yên, quán thức tâm động niệm; tất cả cái lay động đều như như bình đẳng không sai khác. Khi ấy con giác ngộ các thứ động ấy đều không do đâu, đi không tới đâu; tất cả chúng sinh điên đảo như số vi trần trong mười phương đều đồng một hư vọng. Như thế cho đến tất cả chúng sinh trong một tam thiên đại thiên thế giới cũng như hàng trăm loài muỗi mòng đựng trong một cái đồ đựng, vo vo kêu loạn ở trong gang tấc ồn ào rối rít.
“Giới” là phương hướng vị trí (không gian) nên gọi là “an lập”. “Thế” là đổi dời (thời gian), nên gọi là “khi động”, tức là quá khứ, hiện tại và vị lai. “Khi động khi yên” nghĩa là bốn oai nghi. “Động niệm” nghĩa là sinh diệt. “Khai thị bản giác”, bèn dạy quán thế giới chúng sinh, chính khiến cho đương nhân đạt được căn thân khí giới hiện tiền này đều là vọng duyên vốn không thật có, thì bản giác tự nhiên xuất hiện. Nên hiểu rõ các tính động này, không đi không đến, ngay đó là hư vọng. Chúng sinh trong sa giới như loài muỗi ở trong cái đồ đựng luống tự cuồng loạn ồn ào. Có thể gọi là thâm đạt các pháp vô sinh, chỉ một phen quay lại thân chứng thì mình và chư Phật trong mười phương đồng là một tính vắng lặng viên mãn vậy.
Con gặp Phật chưa bao lâu, được pháp vô sinh nhẫn. Bây giờ tâm con khai mở mới thấy cõi Phật Bất Động, làm vị Pháp Vương Tử, phụng thờ chư Phật trong mười phương, thân tâm phát sáng, thấu suốt không ngăn ngại. Nay Phật hỏi về viên thông, con dùng trí quán sát sức lay động không chỗ nương, ngộ được tâm Bồ-đề, vào Tam-ma-địa, hợp với một diệu tâm mà mười phương chư Phật truyền dạy đó là thứ nhất”.
Câu “Bây giờ tâm con khai mở”, tức là thân chứng bản giác, không bị sức lay động làm lay chuyển. Mê vọng không chủ tể, tùy duyên trôi nổi, gọi là sức lay động cùng với phong đại bên ngoài đồng một thể vọng; gió dừng sóng lặng, biển giác lặng yên, tức là trên khế hợp với chư Phật, dưới giáo hóa chúng sinh không phải hai thứ Diệu tâm, chỉ tranh nhau mê và ngộ vậy.