Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN VI
__________________________________________________ ______________________________________


ĐOẠN VI

CHỈ BA TƯỚNG KẾT QUẢ TIẾP NỐI

CHI 1. KẾT QUẢ TƯỚNG THẾ GIỚI TIẾP NỐI

Cái giác thì sáng suốt, hư không thì mờ tối, đối đãi thành ra dao động, nên có phong luân nắm giữ thế giới.


Trước đã nói nguyên nhân của thế giới, chúng sinh và nghiệp quả, ở đây mới phân chia rõ tướng sinh khởi. Tính giác khi đã thành sở, sở lập thì tính giác bị ẩn, nên hiện ra ngoài thấy có hư không. Bởi do tính minh không theo kịp cái sở, rồi theo cái chiếu mà mất tông chỉ (mất căn bản) nên xem trở lại đồng như mờ tối. Hư không mờ tối không có chủ tể, thì động tịnh cả hai đều ngang nhau, nên đối đãi mà tạo thành dao động. Đây là nguyên do sinh ra phong luân. Thế giới nương nơi hư không, phong luân nắm giữ thế giới đều do tính giác minh bị vọng.

Nhân hư không mà sinh ra dao động kiên cố cái sáng mà thành có ngăn ngại. Các loại kim bảo kia đều do minh giác lập ra tính cứng chắc nên có kim luân giữ gìn cõi nước.

Hư không nhân mê giác tính mà có dao động, tính cứng chắc nhân chấp giữ cái minh mà thành có ngăn ngại. Do dao động chấp giữ mà cái minh giác càng thêm cứng chắc, nên có kim luân ứng ra bên ngoài.

Kiên cố cái giác thì thành có kim bảo, lay động cái minh thì có phong đại hiện ra. Phong đại và kim bảo cọ xát với nhau cho nên có lửa sáng làm thành tính biến hóa.

Lấy hai tính: Phong đại và Kim bảo ở trước là nói lý do của hỏa đại sinh ra “biến hóa” là biến sống làm chín, hóa vật thành tro.

Ánh sáng kim bảo đượm ướt, lửa sáng xông lên, cho nên có thủy luân trùm khắp mười phương cõi nước.

Kim bảo trong thế gian, ánh sáng nó thấu suốt trong ngoài như thủy tinh, vàng, ngọc đều có hơi đượm ướt, thêm vào lửa xông lên liền thành chất lỏng. Nếu ở nơi “sở minh”, tự yêu thích cái sáng suốt của tính minh, dòng yêu thích làm thành chủng tử, ấy là nguyên nhân có thủy đại. Hỏa từ tâm sinh, do giác tâm vọng động làm tăng trưởng dòng sông ái. Đại này không nói giác minh, mà lý chính có đầy đủ, nên phụ thêm để chỉ ra nơi đây.

Lửa bốc lên, nước rơi xuống giao nhau phát hiện mà làm thành tính cứng. Chỗ ướt là biển lớn, chỗ khô là đại lục và cồn đảo. Bởi do nghĩa ấy, nên trong biển lớn có hơi nóng thường bốc lên, trong đại lục và cồn đảo có sông ngòi thường chảy xuống.

Hai thứ giao nhau phát hiện mà lập thành tính cứng. Có nghĩa là dung chứa nhau và bày hiện lẫn nhau. Chỗ ướt làm biển lớn, chỗ khô làm đại lục và cồn đảo, tức là hai tính bày hiện lẫn nhau, không gá mượn lẫn nhau, nên nói là lập thành tính cứng. Đây là từ tính kiên minh mà sinh ra. Trong biển có lửa bốc lên, trong đại lục và cồn đảo sông ngòi thường chảy, lại cũng tức là trong hai tính tương dung lẫn nhau mà thấy hiện bày lẫn nhau, ý cũng là lập thành tính cứng vậy.

“Biển” tức là bốn biển lớn. “Châu” (đại lục) tức là bốn châu lớn và các châu nhỏ. “Cồn” nghĩa là gần nước có cát nổi lên đều có thể ở được.

Bộ Tông Cảnh nói: “Do tâm yêu thích nhiều bèn thành biển lớn. Tâm chấp trước nhiều tức thành đại lục và cồn đảo. Tính gió sinh kiêu mạn, tính lửa sinh giận tức. Đối với sắc khởi tâm yêu thích, nên trong cồn đảo có sông ngòi thường chảy. Trái với yêu thích sinh giận tức, nên trong biển lửa bốc lên. Bốn đại chỉ là tâm có thể thấy quá rõ. Văn sau chia bốn thứ thế lực của tâm có nặng có nhẹ.

Thế nước kém hơn thế lửa thì kết thành núi cao. Vậy nên đá núi đập thì tóe lửa, nấu thì chảy ra nước.

Sân hận nhiều, yêu thích ít nên ứng hiện ra ngoài có núi cao; đập đá thì tóe lửa, nấu thì chảy ra nước. Lấy đây mà nghiệm xét chỗ thành lập ra hai tính vậy.


Thế đất kém hơn thế nước, rút lên làm cỏ cây. Thế nên rừng rậm đốt thì thành đất, vắt ra có nước.

Yêu thích nặng, cố chấp nhẹ nên ở ngoài ứng hiện ra cỏ cây, thành đất, thành nước, cũng thấy hai tính giao xen. Song tứ đại chỉ là tâm, nặng nhẹ thay đổi nhau, nên ứng hiện ra tướng bên ngoài không đồng, đều chỉ rõ chỗ khởi ra các tướng và tứ đại.

Vọng tưởng giao xen phát sinh, lần lượt làm thành chủng tử cho nhau. Do nhân duyên ấy, thế giới tiếp nối.

Kinh Lăng Già nói: “Bốn thứ đại do vọng tưởng phát sinh”, tức là cái giác minh này bị vọng. Hư không mờ tối sinh phong luân. Chấp cái minh sinh ra kim bảo. Phong luân cọ xát kim bảo mà có hỏa luân hiện ra. Lửa xông lên kim bảo mà có thủy luân hiện ra. Do đó mà các tướng lần lượt khởi lên. Núi, gò, cỏ cây, nhẹ, nặng lẫn nhau hiện ra hình tướng. Không có một pháp nào chẳng do tâm hiện. Đây là do mê mà khởi, chẳng phải tự tâm sẵn có. Nên kinh Lăng Già có câu bài xích: “Lưu chú dị nhân”.