Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN III
__________________________________________________ ______________________________________
CHI 2. GẠN HỎI TÍNH MINH LÀM VỌNG
Phật hỏi: “Ông bảo cái giác minh, là vì bản tính nó là minh, nên gọi là giác, hay là vì cái giác chẳng minh mà gọi là minh giác?”.
Ý Phật gạn hỏi: “Ông cho tính giác vốn là minh, hay tự chẳng nhân nơi minh mà gọi là giác. Hoặc do tính giác chẳng minh, thì ắt phải nhờ minh rồi sau mới gọi là giác?”. Trong kinh Giải Thâm Mật, đức Như Lai vì hàng Bồ-tát mới phát tâm chẳng hay nhận được thức thứ tám, cho rằng thức thứ tám có hai nghĩa: minh và chẳng minh (chân và vọng), nên riêng lập thức thứ chín (bạch tịnh thức), lấy phần Bạch tịnh Thiên Chân (nghiêng về chân) kia, cũng tùy phương tiện mà nói, cùng với nghĩa này giống nhau.
Ông Phú-lâu-na thưa: “Nếu cái chẳng minh đó gọi là giác, thì không có sở minh”.
Nghĩa là nếu chẳng do minh mà gọi rằng giác thì cái giác đó không có sở minh. Chẳng biết rằng tự thể chân như vốn thường chiếu, thường tịch, chỉ vì lấy phân nửa tức cái minh mà làm tính giác, thì cái minh ắt có sở (sở minh); sở đã lập thì năng sinh, năng sở rõ ràng bèn thành hư vọng. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Không thấy tức thấy, mới hay thấy tất cả pháp”. Triệu Luận nói: “Trí Bát-nhã không biết, nhưng không chỗ nào chẳng biết”, cũng có thể thấy đại khái vậy.
Phật dạy: “Nếu không có sở minh là không có minh giác, còn có sở minh thì không phải là giác; không sở thì không phải minh, không minh lại chẳng phải tính giác trạm minh. Tính giác hẳn là minh, do vọng làm thành minh giác”.
Hai câu trên suy ra ý ông Mãn Từ: Nếu không có sở minh, thì không có minh giác. Nghĩa là nếu không minh thì cố nhiên không đủ thấy được thể của tính giác. Hai câu: “Có sở …” là chính phá, nghĩa là tính giác vốn là minh, không nhân nơi sở mới có. Sở lập thì thể giác bị mất, nên gọi có sở thì không phải giác. Nếu vì tất cả không có chỗ chiếu soi rõ ràng, lại chẳng phải bản giác minh diệu, nên nói rằng: “Không sở thì chẳng phải là minh”. Đến câu “không minh …” là chuyển lại nói rộng thêm chính để chỉ ra hai điều nói ở văn sau, nghĩa là tính giác vốn tự diệu minh, nếu riêng dùng cái minh làm giác, thì cái minh ắt có vọng động. Đây là nghiệp tướng vậy.
Thể giác vốn là minh, do không giữ được tự tính nên có nghiệp tướng. Có nghiệp thì có sự chuyển biến nên sinh ra sở. Đức Thế Tôn sợ người đối với cái minh mà nhận làm tính giác, trở lại rơi vào vọng duyên, nên trước đặc biệt gạn hỏi: “Ông cho tính giác là minh hay chẳng minh?”. Mà quả thật ông Mãn Từ cho tính giác là sở minh, chính là ước theo ý Phật nói: “Ông bảo rằng nếu không có sở minh thì không minh giác”. Ấy là chỉ rõ cái khuyết điểm kia nên nói: “Phàm có sở thì chẳng phải giác, không sở thì chẳng phải minh, không minh lại cũng chẳng phải là tính giác trạm minh”. Sau đó mới nói thẳng rằng: “Tính giác hẳn là minh mà vọng làm minh giác”. Nghĩa là tính giác vốn là diệu minh, song tính minh này chẳng hay tự giữ nên chuyển đổi sinh ra sở. Hoặc lấy minh làm giác, là lấy nghiệp tướng làm tự thể của tính giác, mất đi cái bản diệu nên nói là vọng vậy.
HỎI: Đức Thế Tôn hỏi ông Mãn Từ “ông dùng tính minh mà gọi là giác”, ý này dễ hiểu. Nhưng nói là cái giác chẳng minh mà gọi là minh giác, phải chăng đức Thế Tôn cố tình thăm dò ý ngài Mãn Từ, hay riêng có ý chỉ nào khác? Tại sao do chẳng minh mà gọi là minh giác?
ĐÁP: Trong Như lai tạng thật có hai nghĩa: minh và chẳng minh. “Minh” là giác thể vốn là minh, “Không minh” là thể tính giác là vô tính. Do tính giác rất Chân nên không phân biệt, trong cái không phân biệt lại vắng lặng thường trụ, đó là “Diệu”; trong cái vô phân biệt mà mờ mịt bất giác, đó là “vô minh”. Song, giác thể vốn là minh, do vô phân biệt bất giác vọng động mới có kiến phần, tướng phần, đó là “sở minh”. Chỗ này đức Thế Tôn hỏi: “Ông cho rằng tính giác vốn là minh, mà gọi là giác, hay giác thể cũng có cái chẳng minh, mà chỉ lấy minh cho là giác?”. Chẳng biết rằng cái chẳng minh của tính giác, cái không tự tính của tính giác, cái vô phân biệt của tính giác gọi là chỗ rất chân rất diệu. Nếu bỏ cái diệu này mà chẳng hay an trụ, chỉ lấy cái minh kia làm giác, thì cái minh ấy không tự tính, không hay tự giữ mà có vọng sinh phân biệt. Thế nên lấy riêng cái không minh làm giác, tức là chẳng phải tính giác trạm minh. Nếu lấy riêng cái minh làm giác thì cái minh ắt sinh sở. Đây nói là vọng vậy.
Ngài Phó Đại Sĩ nói: “An trụ chỗ minh chiếu của vô minh, liễu đạt chỗ vô minh của minh chiếu, đây là cái minh chiếu của vô minh quí ở an trụ, cái vô minh của minh chiếu quí ở liễu đạt. Cả hai đều cần cho nhau, nếu nghiêng dùng một bên thì chưa thấy được chỗ nhiệm mầu (diệu)”. Song ở đây vì người hành đạo mà nói, nếu ở nơi tính giác thì tính giác vốn là diệu, vốn là minh, không xưa không nay; tại thánh nhân thì che trùm minh, trùm diệu, không chung không thỉ; tại chúng sinh thế giới thì do giác có minh, do minh sinh sở, do sở lập năng, đồng và khác rõ ràng, nhưng không ngại tính giác vẫn là bản nhiên thường thanh tịnh.
Giác không phải là sở minh, nhân minh mà lập sở, sở đã vọng lập liền sinh cái vọng năng nơi ông.
Tính giác vốn là minh, không rơi vào năng sở, nên nói giác không phải là sở minh. Nguyên tính giác không có năng sở, do nhận cái giác minh làm vọng. Xét về cái chân thật sáng suốt (chân minh) không tự tính, chẳng hay tự giữ mà vọng có “sở giác”, nên gọi là nhân nơi minh mà lập sở. Ấy là nguyên do khởi ra của giác minh, để thấy rằng sở lập thì năng ắt phải sinh. Đây chính là chuyển tướng. Bởi do sở minh vẫn là cái chân thật sáng suốt không tự tính, do vọng mà có tướng động. Nay nhân cái vọng động này, vọng tự làm chủ tể nên mới chuyển sở làm năng vậy.