Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN I
__________________________________________________ ______________________________________
CHỈ RÕ VỌNG SINH TIẾP NỐI VÀ CÁC ĐẠI KHÔNG NGẠI NHAU
ĐOẠN II: THIẾT LẬP HAI ĐIỀU NẠN VẤN
CHI 1. HỎI VỀ CHÂN TÂM THANH TỊNH BỖNG SINH …
Bạch Thế Tôn, lại nếu tất cả các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới vv… trong thế gian đều là Như Lai Tạng Bản Nhiên Thanh Tịnh, cớ sao bỗng sinh ra núi, sông, đất liền và các tướng hữu vi thứ lớp đổi dời, cuối cùng rồi trở lại chỗ bắt đầu?
Ban đầu là nhắc lại chỗ được nghe, sau mới nói cái nghĩa khởi nghi. Ngài Ôn Lăng nói: “Thanh tịnh thì nên không có các tướng, sẵn có thì nên không đổi dời”. Đây là chỉ cho nghiệp dụng. Bảo rằng đều là tính Như lai tạng thanh tịnh bản nhiên, thì phải không có nghiệp dụng này. Núi, sông, đất liền là khí thế gian. Hữu vi là chúng sinh thế gian. Bỗng sinh ra (hốt sinh) là nghi ban đầu mới sinh ra. Dời đổi (thiên lưu) là nghi tiếp nối không dứt.
CHI 2. HỎI VỀ CÁC ĐẠI KHÔNG TRÙM KHẮP
Lại nữa, đức Như Lai nói đất, nước, lửa, gió bản tính viên dung khắp giáp cả pháp giới vắng lặng thường trụ. Bạch Thế Tôn, nếu tính đất trùm khắp, thì làm sao dung chứa được nước? Nếu tính nước trùm khắp thì lửa không thể sinh, lại làm sao chứng tỏ hai tính nước và lửa đều khắp giáp cả hư không, mà chẳng lấn diệt lẫn nhau? Bạch Thế Tôn, tính đất thì chướng ngại, hư không thì rỗng suốt, làm sao cả hai đều trùm khắp pháp giới?
Đây là nghi tứ đại mỗi cái đều có tự tính, không thể dung chứa lẫn nhau. Chẳng biết Như Lai tạng diệu chân như tính vốn khắp giáp cả pháp giới, tứ đại y đó mà khởi. Tứ đại không thật thể chỉ do tâm hiện ra, nên căn cứ tứ đại mà trông về Như lai tạng, thì gọi là bản tính viên dung, đây là điều Như Lai nói. Nay ông Mãn Từ căn cứ nơi tính tứ đại mà nói, nên mới có cái nghi này.
Nay con không biết nghĩa ấy thế nào, cúi mong đức Như Lai mở lòng đại từ vén mây mê mờ cho con và tất cả Đại chúng. Nói lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, kính mong lời dạy từ bi vô thượng của đức Như Lai.
Nghĩa ấy tức hai nghĩa “vốn không” và “trùm khắp”. Như Lai nói vốn không, mà đất liền, núi, sông trước mắt rõ vậy. Như Lai nói trùm khắp, mà đất, nước, gió, lửa tính tướng trái nhau.