Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN NHẤT PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÍNH TÔNG
__________________________________________________ ______________________________________


ĐOẠN II

CHẤP TÂM Ở TRONG THÂN

CHI 1. CHÍNH CHẤP TRONG THÂN

A-nan bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Tất cả mười loại dị sinh trong thế gian đồng cho rằng thức tâm ở trong thân. Thiết nghĩ con mắt như hoa sen xanh của đức Như Lai cũng ở trên mặt của Phật. Nay con xem căn thô phù của bốn trần này cũng chỉ trên mặt con, cái thức tâm như thế thật ở trên thân con”.

“Mười hai loài sinh”, trừ không và tán, không có tướng của thân; trừ cây và đất không có tướng của tâm. Phù là thô phù chỉ riêng ra không phải “thắng nghĩa căn”. Năm căn đều có đủ 8 pháp: “Bốn đại năng tạo” là đất, nước, gió, lửa, “bốn trần sở tạo” là sắc, hương, vị, xúc. Đây là chỉ cho sở tạo. “Trần” có nghĩa là ô nhiễm.

CHI 2. NÊU RA HIỆN TIỀN ƯỚC ĐỊNH

Phật bảo A-nan: “Nay ông hiện ngồi trong giảng đường của Như Lai. Ông hãy xem rừng Kỳ-đà ở chỗ nào?”.
- Bạch đức Thế Tôn, giảng đường lớn có nhiều từng thanh tịnh này ở trong vườn ông Cấp Cô Độc, rừng Kỳ-đà nay thật ở ngoài giảng đường.
- A-nan, nay ông ở trong giảng đường, trước hết ông thấy cái gì?
- Bạch đức Thế Tôn, con ở trong giảng đường trước thấy Như Lai, kế thấy Đại chúng, khi nhìn ra ngoài mới trông thấy rừng cây.
- Này A-nan, ông xem thấy rừng cây nhân đâu có thấy?
- Bạch đức Thế Tôn, giảng đường lớn này do cửa mở rộng, con ở trong giảng đường thấy suốt ngoài xa.


Giảng đường ở trong vườn, rừng ở ngoài giảng đường. Đây là muốn ước định cảnh trong ngoài để ngầm chỉ cái thấy có thứ lớp, trước thấy, kế nhìn xem. Lại nêu cái thấy có trước sau để ngầm chỉ tâm ở trong thân, trước phải thấy trong. Câu: “Ông xem vườn cây nhân đâu được thấy”, cũng để cho ông A-nan đáp do “các cửa giảng đường”. Dùng giảng đường dụ cho thân, các cửa giảng đường dụ cho căn. Lời trực giải nói: “Ông A-nan chấp cái thấy do con mắt nên có lời hỏi, nhân đâu được thấy?”. Phần sau văn Kinh nói: “Ông ở trong giảng đường, cửa hay thấy chăng?”, là hàm ý chỉ cho tâm thấy chẳng phải mắt thấy.