Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 8 PHẦN 2
__________________________________________________ ______________________________________


MỤC III:

KHAI THỊ PHẦN TRONG, PHẦN NGOÀI CỦA CHÚNG SINH


ĐOẠN I: NÊU CHUNG

Phật bảo A-nan: “Hay thay, lời hỏi đó, khiến cho các chúng sinh chẳng mắc vào tà kiến, nay ông hãy nghe kỹ, tôi sẽ vì ông nói”.


Tà kiến là chỉ cho Bảo Liên Hương, Thiện Tinh bác không nhân quả. Lưu Ly thấy giảng đường của Phật dám lên ngồi trước, nghe nói không biết ăn năn, trái lại còn sinh sân hận, tức là Nhất-xiển-đề, cũng gọi là tà kiến.

A-nan, tất cả chúng sinh thật vốn là chân tính thanh tịnh, nhân những vọng kiến kia mà có tập khí hư vọng sinh ra, vì thế mà chia ra có phần trong và phần ngoài.

Chân tính vốn tịnh, do vọng kiến mà khởi ra mê lầm (hoặc) nhân mê lầm mà tạo nghiệp, bèn có tập khí hư vọng. Hoặc nghiệp làm nhân, nên làm phần trong; trái lại đây là phần ngoài, văn sau sẽ tự rõ.


ĐOẠN II: PHẦN TRONG

A-nan, phần trong tức là trong phần của chúng sinh. Nhân các thứ ái nhiễm phát khởi ra vọng tình, vọng tình tích chứa mãi không thôi, nên hay sinh ra nước ái. Thế cho nên, trong tâm của chúng sinh nghĩ nhớ đến thức ăn ngon, thì trong miệng chảy nước bọt; trong tâm nghĩ đến người trước hoặc thương, hoặc giận thì nước mắt trào ra; tham cầu của báu, thì tâm phát ra nước ái trên thân đều trong sáng; tâm đắm trước hành dâm, thì hai căn của nam nữ tự nhiên dịch khí chảy ra. A-nan, các thứ ái tuy có khác, nhưng kết quả chảy nước là đồng, thấm ướt không bay lên được thì tự nhiên theo đó mà rơi xuống, ấy gọi là phần trong.


Chúng sinh từ vô minh vọng kiến mà kết làm ngã thể, liền có trái và thuận. Thuận theo ngã thì yêu thích, làm hư tổn cái ta yêu thích thì sinh sân hận, sân hận cũng do từ yêu thích, nên yêu thích là gốc của vọng tình, do đó mà gọi là phần trong; nghĩa là nó có ở trong phần của chúng sinh vậy. Cội gốc của vọng tình ngưng tụ thì nặng, lý ắt theo đó mà rơi xuống, như nước lúc nào cũng chảy xuống, việc ấy rất dễ hiểu. Tình ái nếu không đoạn trừ giống như dòng nước chảy cuốn hút mình như tự bị trói cột vậy.


ĐOẠN III: PHẦN NGOÀI

A-nan, phần ngoài tức là ngoài phần của chúng sinh. Nhân cái lòng khát ngưỡng mà phát ra những hư tưởng, tưởng chất chứa mãi không thôi, có thể sinh ra các thắng khí. Thế nên, trong tâm chúng sinh, nếu trì giới cấm, thì toàn thân đều nhẹ nhàng thanh tịnh; tâm trì ấn chú, thì mắt nhìn hùng dũng, nghiêm nghị; tâm muốn sinh lên cõi trời, thì chiêm bao thấy bay lên; để tâm nơi cõi Phật, thì cảnh Phật thầm hiện; phụng thờ thiện tri thức, thì tự xem thường thân mạng. A-nan, các tưởng đó tuy khác nhưng nhẹ nhàng cất lên thì đồng nhau, cất bay không chìm xuống tự nhiên vượt lên ấy là phần ngoài.


Chúng sinh chấp ngã, động niệm theo tình, ở đây không theo tình, ngoài sinh khát ngưỡng, nên nói là phần ngoài. Tưởng ắt theo lý, đối với tình chất gọi đó là hư; khí do lý thắng, nên sinh ra thắng khí. Nhẹ nhàng, thanh tịnh, hùng dũng, nghiêm nghị, bay lên, thầm hiện, xem thường thân mạng đều nghiệm biết đó là thắng khí của tư tưởng vậy.