Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 8 PHẦN 1
__________________________________________________ ______________________________________


CHI 4. TRÁI VỚI HIỆN NGHIỆP

TIẾT A. SÁU CĂN TRỞ VỀ NGUỒN

Thế nào gọi là hiện nghiệp? A-nan, người trì giới thanh tịnh như vậy, tâm không tham dâm, thì đối với sáu trần bên ngoài không hay dong ruổi, nhân không dong ruổi, nên tự xoay trở về tính bản nguyên. Trần đã không duyên theo, thì căn không ngẫu hợp nơi đâu nữa. Trở ngược dòng về chỗ toàn nhất, sáu cái dụng không khởi hiện hạnh, cõi nước mười phương sáng suốt trong sạch, thí như trong ngọc lưu ly có treo mặt trăng sáng.


Trên đã nói, người thanh tịnh tu Tam-ma-địa, không cần thiên nhãn, tự nhiên xem thấy mười phương, thấy Phật, nghe pháp, mà ở đây lại nói: Nếu tâm không tham dâm, thì đối với sáu trần bên ngoài không hay dong ruổi. Bởi do lúc đầu giữ gìn giới cấm, nên gọi là nhân không dong ruổi, tự xoay trở lại tính bản nguyên. Bên ngoài rời động tịnh, bên trong giải thoát căn văn, ấy là tự xoay trở lại tính bản nguyên; nghĩa là một căn đã trở về tính bản nguyên, thì sáu căn đồng giải thoát. Do đó mười phương sáng suốt, như trong ngọc lưu ly có mặt trăng sáng. Đây tức là thân chứng không giác, không đồng với văn trước do giới định phát ra được vị tương tợ vậy.

TIẾT B. CHỨNG NGỘ PHÁP VÔ SINH

Thân tâm khoan khoái tính diệu viên bình đẳng, được đại an ổn; tất cả mật viên thanh tịnh nhiệm mầu của Như Lai đều hiện trong đó; người ấy tức chứng được Pháp Vô Sinh Nhẫn. Từ đó lần lượt tu tập tùy theo các hạnh phát ra mà an lập Thánh vị, đó gọi là tiệm thứ tu hành tăng tiến thứ ba.


Văn trên nói, mười phương sáng suốt như ngọc lưu ly trong sạch, là do phát minh được không giác, nên hay tiêu dung căn thân khí giới. Thân tâm khoan khoái tự ở trong đương niệm mà được bình đẳng nhiệm mầu, thấy được biển quả Viên giác của Như Lai chóng hiện trong nhân, tùy thuận không hai. Đó là Vô sinh nhẫn bèn đã thành tựu được thể của Càn tuệ, sau mới nên chỉ ra tên ấy.