Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN 4 (tt) PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC IX _ ĐOẠN III
__________________________________________________ ______________________________________


ĐOẠN III: CHỈ DỨT CÁC DUYÊN THÌ HẾT CUỒNG, TÍNH GIÁC TRÙM KHẮP


CHI 1. CHỈ DỨT CÁC DUYÊN

Ông chỉ không theo phân biệt ba thứ tương tục: thế gian, nghiệp quả và chúng sinh. Do ba duyên đã đoạn, ba nhân không sinh, thì tính cuồng của Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm ông tự hết.


“Không theo phân biệt ba thứ tương tục: thế gian, nghiệp quả, chúng sinh”, thì ba duyên tự đoạn. Ba thứ tương tục là duyên bởi tham, sân, si. Do có phân biệt bèn duyên với ba thứ hiện hành, khởi chủng tử nơi ý nghiệp. Nay không theo phân biệt thì duyên ý nghiệp đã đoạn, mà nhân của thân nghiệp chẳng sinh. Thân nghiệp hay chuốc lấy cái khổ ràng buộc, thế nên nói là nhân để hay làm quả ở vị lai. Phân biệt từ giác minh sinh, thuộc về thức; nên giác minh là phát nghiệp vô minh, phân biệt là nhuận sinh vô minh.

CHI 2. CHỈ TÍNH TRÙM KHẮP

Hết cuồng là Bồ-đề thắng tịnh minh tâm, vốn trùm khắp cả pháp giới, chẳng phải từ người khác đưa đến, đâu nhờ siêng năng khó nhọc tu chứng.


Hết tức là không theo phân biệt. Kinh Lăng Già cho thức phân biệt diệt hết, gọi là Niết-bàn. Luận Khởi Tín nói: “Nói về nghĩa giác, tức là tâm thể ly niệm, tướng ly niệm là đồng với cõi hư không, khắp tất cả chỗ”. Thức diệt niệm ly, tức là ở đây nói không theo phân biệt. Niết-bàn và Giác tức ở đây nói tâm tính trong sạch sáng suốt (thắng tịnh minh tâm). Tâm này, giác này xưa nay vốn đầy đủ, nên nói không phải từ người khác đưa đến. Khoảng giữa xương và thịt gọi là “khẳng”, chỗ gân và thịt kết lại gọi là “khính” tức là ý nói siêng năng khó nhọc tu chứng. Có thể thấy nơi văn sau trong Kinh này nói, chỗ cùng tột tu chứng đều không phải từ thô đến tế và thật có cái mê lầm chấp trước có thể trừ, chỉ hay “không theo phân biệt” thì chân tính rõ ràng là quả cùng tột của Niết-bàn. Nói rằng thức diệt, thì sơ tâm và cứu cánh đều từ nhanh chóng nhận thẳng. Viên phục phiền não, hay vĩnh đoạn phiền não chỉ là tên suông. Kinh Viên Giác cũng nói: “Chỉ có người chóng giác ngộ (đốn giác), thì không tùy thuận cùng với pháp”. Đây đều không thể chấp là pháp thật.

CHI 3. THÍ DỤ ĐỂ TÓM KẾT

Thí như có người tự trong chéo áo có buộc hạt châu Như ý, nhưng không tự hay biết, đành chịu nghèo khổ rách rưới dong ruổi đến phương xa xin ăn. Tuy thật nghèo khổ nhưng hạt châu chưa từng mất. Bỗng có người trí chỉ cho hạt châu ấy, thì chỗ mong cầu đều toại nguyện mà trở nên rất giàu có. Mới biết hạt châu quí báu ấy không phải từ bên ngoài đưa đến”.


Hạt châu Như ý buộc trong chéo áo mình, là dụ cho trong thân ngũ uẩn của chúng sinh có đủ tính giác diệu minh, vì bị vọng giác lôi cuốn không hay tự giữ, phải đợi có nhân duyên mới liễu ngộ, nên nói chẳng tự hiểu biết. Nghèo khổ rách rưới xin ăn, là dụ cho Phật tính xoay vần trong năm đường. Tuy ở trong lưu chuyển mà Phật tính vẫn y nhiên, nên nói tuy thật nghèo cùng mà hạt châu chưa từng mất. Người trí dụ cho Như Lai, chỉ cho hạt châu ấy thì chỗ mong cầu đều toại nguyện mà trở nên rất giàu có. Càng thấy rõ, thể nhiệm mầu đã bày, thần thông diệu dụng đầy đủ chẳng phải bên ngoài đưa đến, mà bản tính là như vậy.

Phật nói: “Tính diệu giác sáng suốt viên mãn bản lai là diệu minh cùng khắp, đã gọi là vọng thì làm sao có nhân”. Lại nói: “Cái mê nhân như thế, nhân mê tự có, biết mê không nhân, vọng không chỗ nương tựa. Còn không có sinh, muốn lấy cái gì làm diệt”. Lại nói: “Ông chỉ chẳng theo phân biệt ba thứ tương tục: thế gian, nghiệp quả và chúng sinh”. Lại nói: “Hết tức là Bồ-đề, tâm tính trong sạch, sáng suốt vốn khắp pháp giới, chẳng phải từ người khác đưa đến”. Lại nói: “Từ trong chéo áo có buộc hạt châu Như ý mà không tự biết”. Lại nói: “Mới nhận được hạt châu quí báu, không phải từ bên ngoài đưa đến”. Dùng những câu này để chứng biết tính giác vốn là minh, đâu từng có vọng. Chỉ vì cái minh không tự giữ, nên vọng có sở giác. Minh giác tức là vọng, đó gọi là nhân mê tự có. Tự có cái mê, toàn chân tức vọng, vẫn không có sinh. Biết vọng không nhân, toàn vọng tức chân, muốn lấy cái gì làm diệt. Do đó minh giác tự mê, từ vô thỉ đến nay không tự hiểu biết, khởi làm thế gian, chúng sinh và nghiệp quả. Theo đây mê lầm tự sinh phân biệt, khởi mê (hoặc) tạo nghiệp, không tự dứt hết, một phen gặp liễu duyên hoát nhiên tự giác. Lại do cái giác tự có, giác tự có mê như người nằm mộng được thức, vẫn là người cũ. Chỗ thấy hiện tiền rõ ràng như giấc mộng đêm rồi, muốn đem nhân duyên gì để lấy vật trong mộng. Đây gọi là không theo phân biệt ba thứ tương tục. Xưa theo phân biệt nên toàn chân tức vọng, phân biệt nếu hết thì toàn vọng tức chân. Đó là chỗ nói “Mới nhận được hạt châu quí báu chẳng từ bên ngoài đưa đến”.

Xét về ông Mãn Từ chỉ được nhân không, vẫn còn pháp chấp. Phân biệt, câu sinh cả hai đều chưa quên. Căn cứ theo Đại thừa viên chứng, chỉ nhận cho hàng Bát địa đoạn dứt phân biệt, song phần “sở tri” nhỏ nhiệm phải đợi đến Diệu giác, mà ở đây chỉ dạy, chỉ nói: “Hết tức là Bồ-đề, tâm tính trong sạch sáng suốt, vốn trùm khắp pháp giới chẳng phải từ người khác đưa đến”. Nên biết lý thì đốn ngộ, nương nơi ngộ tất cả đều tiêu, nhưng sự phải tiệm trừ, nhân thứ lớp mà dứt, còn là phương tiện. Nếu không phải là bậc thượng căn, chưa dễ gì thần hội.