DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 264
  1. #1
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN THỨ NHẤT: DUYÊN KHỞI
    __________________________________________________ ______________________________________


    3 - PHẬT BẢO NGÀI VĂN-THÙ ĐEM THẦN CHÚ ĐẾN CỨU HỘ ÔNG A-NAN

    Đức Như Lai biết A-nan bị dâm thuật kia gia hại, nên khi thọ trai xong liền về. Vua và Đại thần, Trưởng giả và cư sĩ đều theo Phật mong được nghe pháp yếu.
    Khi ấy, trên đảnh đức Thế Tôn phóng hào quang vô úy trăm báu sáng rỡ, trong hào quang hiện ra hoa sen báu ngàn cánh, có hóa thân đức Phật ngồi kiết già, tuyên nói thần chú bảo ngài Văn-thù Sư-lợi đem thần chú đến cứu hộ A-nan, khiến cho ác chú tiêu diệt, rồi dẫn A-nan và Ma-đăng-già đến chỗ Phật.


    Đức Như Lai không tự nói chú, mà do trên đảnh Phật phóng quang hóa Phật tuyên nói, là để chỉ cho tất cả thần thông đều từ trí dụng hiện ra, nhưng trong thể vô tướng chưa từng lay động. Chỗ này là ngầm chỉ chúng sinh vì mê nơi sự nên luống chịu dong ruổi mà tự tính vẫn không có được và mất, một phen giác ngộ tức là trở về cái vốn sẵn. Ngài Văn-thù tiêu biểu cho Tứ trí. Do Thành Sở Tác Trí hay hàng phục tà ma ngoại đạo, nên Phật bảo ngài Văn-thù mang thần chú đến cứu hộ.

    4 - A-NAN KHÓC LÓC VÀ HỐI HẬN THỈNH PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH

    Ông A-nan thấy Phật đảnh lễ rồi buồn thảm rơi lệ hối hận, từ vô thỉ đến nay một bề học rộng nên chưa toàn đạo lực. Ông thiết tha thỉnh Phật dạy cho pháp Sa-ma-tha (chỉ), Tam-ma (quán), Thiền-na (thiền) là phương tiện ban đầu của mười phương các đức Như Lai chứng được đạo quả Giác ngộ. Khi ấy có Hằng sa Bồ-tát và đại A-la-hán, Bích Chi Phật v.v… từ mười phương đến thảy đều mong mỏi được nghe, tất cả lui về chỗ ngồi yên lặng chờ nghe lời Phật chỉ dạy.


    Đức Thế Tôn thường thuật lại: “Thời Phật Không Vương, Ta và A-nan đều phát tâm cầu đạo Giác ngộ. Anan thường ưa học rộng, mà Ta lại thích tinh tấn tu hành”. Thế nên phải biết, nghe suông chẳng bằng thật chứng. Sa-ma-tha, Trung hoa dịch là “Tịch tĩnh”. Tamma, Trung Hoa dịch là “Quán chiếu”. Thiền-na, Trung Hoa dịch là “Tịch chiếu bất nhị”.
    Tóm lại, Thủ Lăng Nghiêm là nói chung, còn chia ra mà nói là Sa-ma-tha, Tam-ma và Thiền-na.
    Bởi do chân tâm thường trụ, thường tịch mà thường chiếu, tịch chiếu không hai tức chỗ kinh Niết-bàn gọi là Định Tuệ bình đẳng vậy. Hàng Thanh văn định nhiều, tuệ ít, nên chẳng thấy Phật tính. Hàng Thập trụ Bồ-tát tuệ nhiều định ít, nên thấy chút ít Phật tính. Do đây mà biết định tuệ bình đẳng (ngang nhau) của Phật tính và tịch chiếu không hai của chân tâm thường trụ chính không hai nẻo vậy.

    Ngài Cô Sơn thường dùng Tam quán của tông Thiên Thai để phối hợp. Ngài Giác Phạm cũng đồng với ý này, nhưng có khác chút ít, nên không phù hợp với chân tâm thường trụ ở văn sau. Kinh này chỉ cái mê lầm của căn tính, để trở lại tính giác vốn sẵn tịch chiếu, in tuồng cùng với người thuần dụng công huân tập, nhưng chẳng đồng ban ngày mà nói “ban ngày nói mớ”. Ngài Thiên Như bổ chú y lời giải thích trước, đây chính là lời minh xác vậy.





  2. #2
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÍNH TÔNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÍNH TÔNG

    CHƯƠNG MỘT

    CHỈ NGAY CHỖ VIÊN NGỘ

    MỤC I: GẠN HỎI CÁI TÂM

    ĐOẠN I

    NÊU NGUYÊN DO LƯU CHUYỂN VÀ THƯỜNG TRỤ



    CHI 1. GẠN CHỖ PHÁT TÂM

    Phật bảo ông A-nan: “Ông với tôi là anh em đồng một dòng họ. Khi mới phát tâm đối với giáo pháp của tôi, ông do thấy tướng thù thắng gì mà bỏ ái ân sâu nặng thế gian để xuất gia?”.

    A-nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, do con thấy 32 tướng tốt của đức Thế Tôn thù thắng tuyệt vời, hình thể sáng chói như ngọc lưu ly, con thường tự suy nghĩ, tướng tốt này không phải do ái dục mà sinh. Tại sao? Vì thứ dâm dục thô trược, giao cấu nhơ bẩn, tinh huyết lẫn lộn, chẳng thể phát sinh thân thể thù thắng trong sạch sáng ngời như khối vàng tía này, do đó mà con khát ngưỡng cạo tóc theo Phật xuất gia”.


    Phật là con vua Tịnh Phạn, ngài A-nan là con vua Hộc Phạn, vua Tịnh Phạn và Hộc Phạn đồng một cha mẹ sinh, nên cũng gọi là đồng một dòng họ. Anh em gọi là thiên luân. Gạn hỏi tâm và cái thấy để trưng bày nghiệm xét ở văn sau. Con thấy đức Như Lai có 32 tướng là đáp “cái thấy”. Thường tự suy nghĩ là đáp “Tâm”. Tướng tốt của Như Lai từ bàn chân bằng phẳng cho đến đảnh tướng, cộng có 32 tướng.




  3. #3
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÍNH TÔNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 2. PHÂN CHIA CHÂN VỌNG

    Phật bảo: “Lành thay, A-nan! Các ông phải biết: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, sinh tử tiếp nối đều do chẳng biết Chân Tâm thường trụ tính thể trong sạch sáng suốt mà nhận các vọng tưởng, các tưởng này không phải chân thật, nên bị luân chuyển.


    Tính hay rõ biết hay gọi là tâm, tâm này trong lặng tròn đủ gọi là tính. Chẳng biết là tâm tính không có thật thể, thuận theo bất giác. Đây là duyên có mê chân. Mê thì theo cảnh phân biệt mà chẳng tự biết, nên có luân chuyển, đây gọi là vọng. Lược nói nguyên do chân vọng, bởi muốn chỉ chỗ chân tâm hiển lộ chỉ do căn, vọng tâm tương tục chỉ do thức, nên văn sau gạn tâm, thì trước gạn cùng tột vọng niệm phân biệt, sau mới chỉ tính thấy chân thật. Nếu từ tính thấy mà ngộ được tạng tâm vô phân biệt, mới biết phân biệt toàn chân, luân chuyển chẳng phải vọng vậy.

    Mê chân tâm thường trụ mà nhận vọng tưởng nên trọn ngày ở trong vọng tưởng mà chẳng biết chân tâm thường trụ. Kinh Niết-bàn gọi là Phật tính luân chuyển trong năm đường. Hiện nay ở trong luân chuyển mà nhận lầm vọng tưởng cho là chân tâm, nên nương đâu mà quán sinh tử tương tục? Kinh Viên Giác nói: “Chưa ra khỏi luân hồi mà bàn đến Viên Giác thì tính Viên Giác kia đồng với lưu chuyển”. Ngài Tào Khê nói: “Trước niệm chẳng sinh là tâm, sau niệm chẳng diệt là Phật”, nên biết niệm niệm sinh diệt chẳng phải Phật, tâm; còn trong luân hồi chẳng phải là Viên Giác, vọng tưởng thành có tính. Lại phải biết: Chân trí thì không thể, một phen quyết liễu vẫn chưa thể liền đó được chân thường.





  4. #4
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÍNH TÔNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3. DẠY TRỰC TÂM

    Nay ông muốn nghiên cứu quả Vô thượng Bồ-đề, phát minh Chân tính, nên phải trực tâm đáp lời tôi hỏi.
    Mười phương các đức Như Lai được ra khỏi sinh tử đều bởi một con đường trực tâm. Tâm và lời nói đều ngay thẳng, như thể trải qua các địa vị trước sau, trong khoảng giữa vẫn không tướng cong vạy.


    Vô thượng Bồ-đề, tức Vô thượng Chính đẳng Chính giác của mười phương Như Lai, đều do phát minh chân tính mà được thành tựu, nên trước nêu ra đây.
    Ngài Triệu Công nói: “Trực tâm nghĩa là trong tâm chân trực, ngoài không giả dối”. Ngài Hiền Thủ nói: “Tâm hướng về lý, không chia đường tẽ. Phát tâm là đầu, đến quả cứu cánh là cuối, trong khoảng giữa tuyệt nhiên không có đường tẽ”. Sự sống hàng ngày của chúng sinh, toàn thân là vọng. Vì thế nên đức Như Lai đối với việc trước mắt, đặc biệt nêu ra chỗ trực tâm, cốt yếu là trong chỗ đối đáp thổ lộ rõ ràng, nên văn sau được nguyên do “Mắt xem thấy, tâm sinh ái trước”. Phật dùng bảy chỗ gạn tâm, đến chỗ tột cùng khô trí kiệt, nhiên hậu ông Anan trở lại chấp “cái suy nghĩ làm tâm”, trước mắt tuy tình chưa rốt ráo cũng có thể nhân cái sáng kia để thông cái tối vậy. Người thời nay xem chỗ này trọn cho cái hay suy nghĩ chẳng phải là tâm của ta, rời trần còn có toàn tính. Họ chẳng biết cái tâm âm thầm riêng chiếu đó, vẫn còn giữ cái thầm thầm lặng lặng ở trong, trái thời liền mất, nó vẫn là rời trần không có thật thể. Nếu chấp chỗ thấy của mình, do nương hiểu lời nói của Phật mà tâm và lời nói kia chẳng ngay thẳng, há có thể cho là lời thù thắng hay sao? Nên biết, lời cân nhắc kỹ càng ban đầu của đức Như Lai chẳng phải không có ý chỉ vậy.


    CHI 4. GẠN HỎI TÂM VÀ MẮT

    Này A-nan, nay tôi hỏi ông, chính khi ông phát tâm, do nơi ông thấy 32 tướng tốt của Như Lai. Vậy ông đem cái gì thấy và lấy cái gì ưa thích?”.
    A-nan bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, sự yêu thích như thế là do tâm và mắt của con. Do mắt thấy tướng tốt của Như Lai, tâm sinh ưa thích, nên con phát tâm nguyện xả sinh tử”.
    Phật bảo A-nan: “Như ông đã nói, thật chỗ ưa thích là do tâm và mắt, nếu chẳng biết tâm và mắt ở chỗ nào thì không thể hàng phục được trần lao. Ví như vị Quốc vương bị giặc đến xâm chiếm, muốn đem binh trừ dẹp, binh ấy cần phải biết chỗ giặc ở mới có thể dẹp trừ. Cái khiến cho ông lưu chuyển chính là lỗi ở tâm và mắt. Vậy nay tôi hỏi tâm và mắt hiện ở chỗ nào?”.


    Đem cái gì thấy là gạn xét cái thấy, Lấy cái gì ưa thích là gạn hỏi tâm. Yêu thích như thế là do tâm mắt của con là đáp chung tâm và mắt. Do mắt xem thấy tâm sinh ưa thích là chia ra để đáp tâm và mắt. Trần là sáu trần. Lao là sáu trần quấy nhiễu. Tâm là chỗ nương gá của trần lao, như chủ dung chứa giặc. Mắt làm mai mối cho trần lao, cũng như kẻ dẫn đường cho giặc. Đây là gạn cội nguồn của hư vọng.
    Các nhà sớ giải đều chia tâm thuộc về thức, mắt thuộc về căn, nên phá tâm, phá mắt có khác. Theo ngu ý của tôi thì chỉ phá cái mê, chớ chẳng phải phá tâm và mắt. Văn Kinh sau đây có nói: “Chính là tâm chẳng phải mắt” thì lại dùng cái gì lựa riêng ra để phá?
    Phật sắp chỉ bày chân tâm, nhân nơi căn mà hiển tính, mới bảo cốt phải biết chỗ của giặc ở. Khiến cho ông lưu chuyển, lỗi tại tâm và mắt. Tại sao? Phải biết giặc vốn là con trong nhà, con trong nhà không biết, lầm nhận là giặc. Tâm và mắt cũng như vậy, chân giác không tính, bởi mê nơi sở minh nên có chia ra căn và cảnh, trôi nổi xoay vần, nhân đó mà mắc phải tội lỗi. Bệnh nhặm nếu hết, tức“bốn trần” này gọi là mắt trong sáng. Tâm tính phân biệt đâu khác tính diệu quan. Đối mặt theo nhau, giặc vốn là con ta, cũng còn là đối trị, chẳng phải đổi người vậy.




  5. #5
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÍNH TÔNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN II

    CHẤP TÂM Ở TRONG THÂN

    CHI 1. CHÍNH CHẤP TRONG THÂN

    A-nan bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Tất cả mười loại dị sinh trong thế gian đồng cho rằng thức tâm ở trong thân. Thiết nghĩ con mắt như hoa sen xanh của đức Như Lai cũng ở trên mặt của Phật. Nay con xem căn thô phù của bốn trần này cũng chỉ trên mặt con, cái thức tâm như thế thật ở trên thân con”.

    “Mười hai loài sinh”, trừ không và tán, không có tướng của thân; trừ cây và đất không có tướng của tâm. Phù là thô phù chỉ riêng ra không phải “thắng nghĩa căn”. Năm căn đều có đủ 8 pháp: “Bốn đại năng tạo” là đất, nước, gió, lửa, “bốn trần sở tạo” là sắc, hương, vị, xúc. Đây là chỉ cho sở tạo. “Trần” có nghĩa là ô nhiễm.

    CHI 2. NÊU RA HIỆN TIỀN ƯỚC ĐỊNH

    Phật bảo A-nan: “Nay ông hiện ngồi trong giảng đường của Như Lai. Ông hãy xem rừng Kỳ-đà ở chỗ nào?”.
    - Bạch đức Thế Tôn, giảng đường lớn có nhiều từng thanh tịnh này ở trong vườn ông Cấp Cô Độc, rừng Kỳ-đà nay thật ở ngoài giảng đường.
    - A-nan, nay ông ở trong giảng đường, trước hết ông thấy cái gì?
    - Bạch đức Thế Tôn, con ở trong giảng đường trước thấy Như Lai, kế thấy Đại chúng, khi nhìn ra ngoài mới trông thấy rừng cây.
    - Này A-nan, ông xem thấy rừng cây nhân đâu có thấy?
    - Bạch đức Thế Tôn, giảng đường lớn này do cửa mở rộng, con ở trong giảng đường thấy suốt ngoài xa.


    Giảng đường ở trong vườn, rừng ở ngoài giảng đường. Đây là muốn ước định cảnh trong ngoài để ngầm chỉ cái thấy có thứ lớp, trước thấy, kế nhìn xem. Lại nêu cái thấy có trước sau để ngầm chỉ tâm ở trong thân, trước phải thấy trong. Câu: “Ông xem vườn cây nhân đâu được thấy”, cũng để cho ông A-nan đáp do “các cửa giảng đường”. Dùng giảng đường dụ cho thân, các cửa giảng đường dụ cho căn. Lời trực giải nói: “Ông A-nan chấp cái thấy do con mắt nên có lời hỏi, nhân đâu được thấy?”. Phần sau văn Kinh nói: “Ông ở trong giảng đường, cửa hay thấy chăng?”, là hàm ý chỉ cho tâm thấy chẳng phải mắt thấy.



  6. #6
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÍNH TÔNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3. PHẬT AN ỦI VÀ GIẢNG RỘNG

    Khi ấy đức Thế Tôn ở trong Đại chúng duỗi cánh tay sắc vàng xoa trên đầu ông A-nan rồi bảo A-nan và cả Đại chúng: “Ta có pháp Tam-ma-đề (Chính định) gọi là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương đầy đủ muôn hạnh, là một cửa siêu xuất của mười phương các đức Như Lai tiến lên quả vị nhiệm mầu, nay ông phải nghe kỹ”. Anan đảnh lễ kính nhận lời Phật dạy.


    Trước đã ước định đợi sau mới gạn lại. Đây là trước đã an ủi vỗ về để rộng nêu ra pháp môn tu hành… Tam-ma-đề, trong Đại Bát Nhã nói: “Đức Thế Tôn vào Đẳng Trì Vương Diệu Tam-ma-địa, các Tam-ma-địa đều thâu nhiếp vào Tam-ma-địa này, tức môn Tam-ma-đề đây, nên gọi là “Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương” đầy đủ cả muôn hạnh, do xứng tính mà phát khởi. Phước tuệ cả hai đều trang nghiêm, lại trang nghiêm bản tính, nên gọi “Diệu trang nghiêm”. Một cửa siêu xuất là không có đường tẽ, cũng không có gì sánh bằng (tuyệt đối). Tam-ma-đề có chỗ gọi “Tam-muội tổng trì”. Tam-muội tổng trì này đầy đủ căn bản và sai biệt như vậy. Thể lớn, dụng lớn, mười phương các đức Như Lai đều từ con đường này mà được diệu trang nghiêm. Ngài Giác Phạm giải Tam-ma-đề là chỉ giúp cho biến hóa thân, mà diệu trang nghiêm chỉ cho phương tiện. Ông dẫn vua Diệu Trang Nghiêm trong kinh Pháp Hoa cũng lấy thân làm “dị đạo”, dùng để chỉ rõ ý chỉ phương tiện. Lý dẫu sâu xa huyền diệu, nhưng dường như chẳng phải điều thiết yếu của bản Kinh.

    CHI 4. GẠN CÙNG Ở TRONG THÂN

    Phật bảo A-nan: “Như ông vừa nói, thân ở trong giảng đường do cửa mở rộng nhìn xa thấy vườn rừng. Lại có người ở trong giảng đường này chẳng thấy Như Lai mà thấy vật bên ngoài chăng?”.
    A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn, ở trong giảng đường chẳng thấy Như Lai mà thấy rừng suối (bên ngoài) là không có lý”.
    - Này A-nan, ông cũng như vậy, tâm linh của ông tất cả đều sáng suốt rõ ràng. Nếu tâm sáng suốt rõ ràng, hiện tiền thật ở trong thân ông, thì trước phải biết trong thân ông. Vả lại có chúng sinh (người) nào trước thấy trong thân sau mới xem thấy cảnh vật bên ngoài chăng? Dầu chẳng thấy tim, gan, tỳ, vị, nhưng móng tay ra, tóc dài, gân chuyển, mạch động lẽ ra phải biết, vì sao chẳng biết? Đã không biết trong thân, làm sao biết vật ngoài thân? Thế nên phải biết ông nói tâm hay hiểu biết này ở trong thân ông thật không có lẽ phải vậy.


    Đây là gạn cùng tâm chẳng phải ở trong thân, nên dùng thân trong giảng đường để dụ tâm trong thân. Thân ở trong giảng đường trước thấy Như Lai, mà tâm ở trong thân lại chẳng thấy vật bên trong. Do đây mà biết tâm chẳng phải trong thân. Câu “Lại có…” là lời đặt ra để nói nó quyết định không. Câu “Vả lại có…” cũng nhân lời nói trước thấy rồi sau mới xem kia thì đáng lẽ phải chỉ ra được, mà trọn không thể chỉ được. Dẫu không thể thấy tim, gan, tỳ, vị, mà móng tay ra, tóc dài, gân chuyển, mạch nhảy, quyết định phải biết rõ. Đây là chuyển lời nạn vấn. Tóm lại, để chỉ rõ cái thấy kia ắt chẳng hay thấy trong thân vậy.




  7. #7
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÍNH TÔNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN III

    CHẤP TÂM Ở NGOÀI THÂN

    CHI 1. CHẤP TÂM Ở NGOÀI THÂN

    Ông A-nan cúi đầu đảnh lễ và bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn, con nghe pháp âm của đức Như Lai như thế nên hiểu biết tâm con thật ở ngoài thân. Tại sao? Thí như ngọn đèn sáng, nếu đốt ở trong nhà, thì đèn trước ắt phải chiếu trong nhà, rồi theo cửa ánh sáng mới chiếu ra ngoài sân. Tất cả chúng sinh sở dĩ chẳng thấy ở trong thân mà chỉ thấy ngoài thân cũng như ngọn đèn sáng để ngoài nhà, nên không soi sáng trong nhà. Nghĩa này hẳn đã rõ ràng không lầm, chưa biết có đúng với nghĩa lý rốt ráo của Phật nói hay không?”


    Đã gạn cùng cái thấy ở trong thân, nên nghi ngoài thân, in tuồng như không có lý. Song, chúng sinh vì mê cảnh vật theo duyên trôi nổi, chẳng hay tự chủ, so với cái chấp ở trong thân đây cũng không hơn không kém.

    CHI 2. GẠN CÙNG CHẲNG PHẢI NGOÀI THÂN

    Phật bảo A-nan: “Vừa rồi các thầy Tỳ-kheo theo tôi khất thực trong thành Thất-la-phiệt, nay đã trở về rừng Kỳ-đà. Tôi thọ trai xong, ông xem các thầy Tỳ-kheo, khi một người ăn, các người khác có no chăng?”.
    A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn, không vậy. Tại sao? Các vị Tỳ-kheo đây tuy đã chứng quả A-la-hán, nhưng thân mạng không đồng, làm sao một người ăn mà tất cả đều no được!”.
    Phật bảo A-nan: “Nếu tâm thấy nghe hiểu biết thật ở ngoài thân ông, thì thân tâm phải rời nhau tự không liên hệ với nhau. Vậy cái gì tâm biết, ắt thân không biết, cái gì thân biết, thì tâm đâu thể biết. Nay tôi đưa cánh tay Đẩu-la-miên của tôi cho ông xem, khi mắt ông thấy, tâm có phân biệt chăng?”.
    Ông A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn, đúng thế”.
    Phật bảo: “A-nan, nếu thân tâm biết nhau, tại sao ông nói tâm ở ngoài thân? Thế nên phải biết, ông nói tâm thấy nghe hiểu biết ở ngoài thân, thật không có lý vậy”.


    Một người ăn không thể nhiều người no, dụ cho thân tâm cách nhau, thì chẳng biết nhau, nhưng nay đã biết nhau, thì trọn chẳng phải ngoài thân. Đoàn thực, tức là đoạn thực, nghĩa là hình đoạn có thể bóc lấy. Túc: dự.
    Ngài Ôn Lăng nói: “Khất thực về rừng thọ trai, chính là nêu lên chúng hiện tiền mới ăn”. Nên nói Tôi (Phật) đã dự trai. Đẩu-la, nói đủ là “Đẩu-sa-la”, Trung Hoa dịch là “Sương”. Cánh tay Phật mềm mại như Đẩu-la-miên (lụa mịn).




  8. The Following User Says Thank You to vietlong For This Useful Post:

    lavinhcuong (01-25-2020)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •