Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN NHẤT PHẦN THỨ NHẤT: DUYÊN KHỞI
__________________________________________________ ______________________________________


3 - PHẬT BẢO NGÀI VĂN-THÙ ĐEM THẦN CHÚ ĐẾN CỨU HỘ ÔNG A-NAN

Đức Như Lai biết A-nan bị dâm thuật kia gia hại, nên khi thọ trai xong liền về. Vua và Đại thần, Trưởng giả và cư sĩ đều theo Phật mong được nghe pháp yếu.
Khi ấy, trên đảnh đức Thế Tôn phóng hào quang vô úy trăm báu sáng rỡ, trong hào quang hiện ra hoa sen báu ngàn cánh, có hóa thân đức Phật ngồi kiết già, tuyên nói thần chú bảo ngài Văn-thù Sư-lợi đem thần chú đến cứu hộ A-nan, khiến cho ác chú tiêu diệt, rồi dẫn A-nan và Ma-đăng-già đến chỗ Phật.


Đức Như Lai không tự nói chú, mà do trên đảnh Phật phóng quang hóa Phật tuyên nói, là để chỉ cho tất cả thần thông đều từ trí dụng hiện ra, nhưng trong thể vô tướng chưa từng lay động. Chỗ này là ngầm chỉ chúng sinh vì mê nơi sự nên luống chịu dong ruổi mà tự tính vẫn không có được và mất, một phen giác ngộ tức là trở về cái vốn sẵn. Ngài Văn-thù tiêu biểu cho Tứ trí. Do Thành Sở Tác Trí hay hàng phục tà ma ngoại đạo, nên Phật bảo ngài Văn-thù mang thần chú đến cứu hộ.

4 - A-NAN KHÓC LÓC VÀ HỐI HẬN THỈNH PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH

Ông A-nan thấy Phật đảnh lễ rồi buồn thảm rơi lệ hối hận, từ vô thỉ đến nay một bề học rộng nên chưa toàn đạo lực. Ông thiết tha thỉnh Phật dạy cho pháp Sa-ma-tha (chỉ), Tam-ma (quán), Thiền-na (thiền) là phương tiện ban đầu của mười phương các đức Như Lai chứng được đạo quả Giác ngộ. Khi ấy có Hằng sa Bồ-tát và đại A-la-hán, Bích Chi Phật v.v… từ mười phương đến thảy đều mong mỏi được nghe, tất cả lui về chỗ ngồi yên lặng chờ nghe lời Phật chỉ dạy.


Đức Thế Tôn thường thuật lại: “Thời Phật Không Vương, Ta và A-nan đều phát tâm cầu đạo Giác ngộ. Anan thường ưa học rộng, mà Ta lại thích tinh tấn tu hành”. Thế nên phải biết, nghe suông chẳng bằng thật chứng. Sa-ma-tha, Trung hoa dịch là “Tịch tĩnh”. Tamma, Trung Hoa dịch là “Quán chiếu”. Thiền-na, Trung Hoa dịch là “Tịch chiếu bất nhị”.
Tóm lại, Thủ Lăng Nghiêm là nói chung, còn chia ra mà nói là Sa-ma-tha, Tam-ma và Thiền-na.
Bởi do chân tâm thường trụ, thường tịch mà thường chiếu, tịch chiếu không hai tức chỗ kinh Niết-bàn gọi là Định Tuệ bình đẳng vậy. Hàng Thanh văn định nhiều, tuệ ít, nên chẳng thấy Phật tính. Hàng Thập trụ Bồ-tát tuệ nhiều định ít, nên thấy chút ít Phật tính. Do đây mà biết định tuệ bình đẳng (ngang nhau) của Phật tính và tịch chiếu không hai của chân tâm thường trụ chính không hai nẻo vậy.

Ngài Cô Sơn thường dùng Tam quán của tông Thiên Thai để phối hợp. Ngài Giác Phạm cũng đồng với ý này, nhưng có khác chút ít, nên không phù hợp với chân tâm thường trụ ở văn sau. Kinh này chỉ cái mê lầm của căn tính, để trở lại tính giác vốn sẵn tịch chiếu, in tuồng cùng với người thuần dụng công huân tập, nhưng chẳng đồng ban ngày mà nói “ban ngày nói mớ”. Ngài Thiên Như bổ chú y lời giải thích trước, đây chính là lời minh xác vậy.