DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 23/27 ĐầuĐầu ... 132122232425 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 221 tới 230 của 264
  1. #221
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC V: TU NHÂN RIÊNG BIỆT, THÀNH QUẢ HƯ VỌNG


    ĐOẠN I: NÊU CHUNG

    A-nan, lại có chúng sinh từ loài người không nương theo Chính Giác tu pháp Tam-ma-địa, lại riêng tu theo vọng niệm để tâm củng cố hình hài vào trong rừng núi, chỗ người ta không đến được, thành mười thứ tiên.


    “Chính Giác”, tức là tự tính bản nguyên là chân giác. “Tam-ma-địa”, tức là tự tính Tam-muôi. Bỏ nơi đây, thì đều là riêng tu theo tà kiến vậy. “Vọng niệm”, nghĩa là chấp cái ngã thể trong thân ngũ uẩn, lấy đây làm tính tồn trữ tư tưởng để giữ thân, nương nơi núi rừng chỗ người không đến được. Công phu đã xong thì thành Tiên, lược có mười thứ, văn sau đều nói rõ.


    ĐOẠN II: RIÊNG THÀNH MƯỜI THỨ TIÊN

    A-nan, các chúng sinh kia, kiên cố dùng đồ bổ không dừng nghỉ, khi đạo thực được thành tựu gọi là Địa Hành Tiên.


    Đâm hợp các thứ thuốc làm thành cao bổ. Cao bổ thuộc về ngưng trệ, chỉ có thể kiên cố thân thể được nhiều năm, nhưng không thể nhẹ nhàng bay lên, nên làm Địa Hành.

    Kiên cố dùng cỏ cây không dừng nghỉ, khi đạo thuốc được thành tựu, thì gọi là Phi Hành Tiên.

    Cỏ cây phần nhiều có thể sống nhiều năm, chỉ phải uống lâu ngày mới được thành công. So sánh với uống đồ bổ có phần nhẹ hơn, cho nên được Phi Hành (bay đi).

    Kiên cố dùng kim thạch không dừng nghỉ khi đạo dùng hóa chất được thành tựu, thì gọi là Du Hành Tiên.

    Kim Thạch như nuôi luyện Châu sa, chín lần chuyển thành đại hoàn. Từ đây về trước đều là nhờ vào sức thuốc bên ngoài.

    Kiên cố làm những động tác không dừng nghỉ, khi khí tinh được thành tựu, thì gọi là Không Hành Tiên.

    “Động dừng” (động tác), nghĩa là dẫn đường cho tinh khí, như pháp Hùng Kinh, Điểu thân, từ đây trở xuống đều chấp đủ nơi thân vậy.

    Kiên cố luyện nước bọt không dừng nghỉ, khi nhuận đức được thành tựu, thì gọi là Thiên Hành Tiên.

    “Tân dịch”, tức là pháp Phục tân (uống nước miếng) do nước miếng hóa đá mà mồ hôi tự rút lại, da dẻ đông lại kín chắc. Đây là do âm nhuận tiêu dung tà hỏa mà chân hỏa tự đủ, nên gọi là Nhuận đức.

    Kiên cố hợp thu tinh hoa không dừng nghỉ, khi hấp thụ được thành tựu, thì gọi là Thông Hành Tiên.

    “Tinh sắc”, tức là hấp thụ tinh của mặt trời, hoa của mặt trăng và các thứ thuộc mây, ráng, mù sương. Ở đây tuy nhờ bên ngoài cũng có pháp phù hợp với bên trong. Nếu không như vậy, thì thành bệnh Phong tà. “Thông” nghĩa là cùng với khí âm dương thông với nhau vậy.

    Kiên cố làm thuật phù chú không dừng nghỉ, khi thuật pháp được thành tựu, thì gọi là Đạo Hành Tiên.

    Đây là dùng phù chú để trị bệnh và giải trừ tai ách mà cũng là việc trợ giúp cho gia đạo được mở rộng công đức cứu tế, gồm nhiếp sự giữ gìn tĩnh lặng, cũng là lý thu thần và kết tụ tinh, nên gọi là Pháp Phụng Thành; mà thực thì chỉ giúp cho nội lực, nên gọi là thuật. Do những việc ấy, nó phổ cập sự vật, nên cũng gọi là Đạo.

    Kiên cố chuyên chú tâm niệm không dừng nghỉ, khi chuyên niệm được thành tựu, thì gọi là Chiếu Hành Tiên.

    Đây là dùng tâm niệm ngưng tịch, không khởi tưởng khác lẫn lộn, bèn thường ôm giữ một cái tịnh, đạo gia gọi là kiến tính như mặt trời sáng giữa bầu trời trong; mà chẳng biết ấy đồng là việc suy nghĩ nhớ tưởng vậy.

    Kiên cố về thủy hỏa giao cấu không dừng nghỉ, khi cảm ứng được thành tựu, thì gọi là Tinh Hành Tiên.

    “Giao cấu”, nghĩa là thủy hỏa giao cấu. Chỗ tứ đại tạo ra chỉ là nước lửa giúp nhau, thì đất và gió cũng từ đó mà sinh. Đây là từ vị khảm (cung khảm) mà khởi hỏa thấu thẳng đến thượng quan hóa ra thủy để hội về nơi ly, theo đây mà cảm ứng xoay vần, tự có thể hóa huyết thành tinh, hóa tinh thành khí, cho đến gọi là nam nữ cấu tinh, thì lại là thuyết của Đạo gia.

    Kiên cố về tập luyện biến hóa không dừng nghỉ, khi giác ngộ được thành tựu, thì gọi là Tuyệt Hành Tiên.

    Một thân của con người, nếu có chủ thì biến (thay đổi) không chủ thì hóa. Có biến không hóa thì ngưng trệ nơi hình hài, có hóa không biến thì ngày càng đưa đến tiêu tàn. Ở đây, nếu giác ngộ thì dứt hết chỗ nơi mà đi, thời tiết nếu đến tự hay tùy ý ẩn hiển xa gần mà không để lại dấu vết. Duy có một loài Tiên này cùng với vị thứ tám ở trước là chính truyền của Đạo gia, ngoài ra đều là đường tẻ vậy.




  2. #222
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN III: KẾT LUẬN VỀ TIÊN ĐẠO

    A-nan, những bọn ấy ở trong loài người mà luyện tâm, không tu Chính Giác chỉ riêng được lẽ sống lâu ngàn vạn năm ở ẩn trong núi sâu, hoặc trên đảo giữa biển cả, cách tuyệt chỗ người ở; đó cũng là vọng tưởng luân hồi, lưu chuyển. Nếu không tu pháp Tam-muôi, thì khi quả báo hết, trở lại sinh vào trong lục đạo.


    Tổng kết về Tiên đạo, để trách không tu Chính đạo. Phàm mười loại Tiên này không ra ngoài vọng niệm, trái với Chính tri Kiến, lấy đây mà dụng tâm cùng tột một đời, mười người không thành một, có thành cũng chỉ kéo dài tuổi thọ, dẫu được thần biến dũng do sức của vọng tưởng nắm giữ, sức hết thì phải rơi xuống, chẳng bằng một ngày tu nghiệp vô lậu, dù chưa thành tựu, nhưng đã trồng được chính nhân trọn không luống uổng. Lại tu ngũ giới và Thập thiện thẳng được làm thân trời, lấy cõi trời mà nhìn cõi tiên, cũng như Vua với dân, cõi trời phước báo còn dễ hết, huống là cõi tiên ư? Tâm vốn vô sinh, ban đầu vì trái với tính giác mà chạy theo tâm sinh diệt. Trong đó tính giác vốn tự sẵn có tất nhiên được sự khẳng định không nhọc sức dụng công. Song nếu có sinh thì ắt có diệt. Vô sinh thì không diệt. “Riêng” là lựa ra không phải chính tu vậy.


    MỤC VI: CÁC CÕI TRỜI SAI KHÁC


    ĐOẠN I: DỤC GIỚI

    CHI 1.- TỨ THIÊN VƯƠNG

    A-nan, các người trong thế gian không cầu đạo thường trụ, chưa có thể xả bỏ việc ân ái với vợ của mình, nhưng tâm không buông lung trong việc tà dâm, do tâm đứng lặng sinh ra sáng suốt, sau khi mạng chung ở gần mặt trời mặt trăng, một hạng như vậy, gọi là Tứ Thiên Vương Thiên.


    Trời Lục Dục do tu Thập thiện được hoàn toàn hay thiếu khuyết, thô hay tế mà có khác nhau. Kinh này không nói về Thập thiện mà chỉ nêu lên về việc đoạn dâm, dùng để so sánh với các điều lành khác, chẳng riêng chỉ một điều lành vậy. Ngoài vợ của mình ra đều gọi là tà dâm, tâm có hạn chế, tức là không buông lung; do không buông lung nên nói là lóng lặng. Đây cũng nói rõ cái lý của loại ít tham dục. Lấy đây để rõ gần mặt trời mặt trăng, nên sinh lên trời Tứ Thiên. Tính giác thường trụ mà không cầu đạo thường trụ, tức là không tu chính giác vậy.

    CHI 2. ĐAO LỢI THIÊN

    Đối với vợ mình, dâm ái ít ỏi, trong lúc tịnh cư không được toàn vị, thì sau khi mạng chung vượt khỏi ánh sáng mặt trời, mặt trăng ở trên chóp nhân gian; một loài như vậy, gọi là Đao Lợi Thiên.


    Dâm ái ít ỏi, tức là không toàn vị. Người này đối với tâm thế gian, so sánh lại siêu vượt hơn, nên sinh lên cõi trời Đao Lợi. “Đao Lợi”, dịch là “Tam Thập Tam”. Cõi trời này ở trên chóp núi Tu-di, bốn góc có ba mươi hai cõi trời vây quanh. Trời Đế Thích làm chủ hai cõi trời trên đây đều nương nơi núi Tu-di, tên là Địa Cư Thiên cách đất 8.400 do tuần.

    CHI 3.- TU DIỆM MA THIÊN

    Gặp cảnh dục tạm theo, qua rồi không nhớ nghĩ ở trong nhân gian động ít tịnh nhiều, thì sau khi mạng chung sáng rỡ ở yên trong cõi hư không, ánh sáng mặt trời mặt trăng không soi đến được, những người thế ấy, tự mình có ánh sáng; một hạng như thế, gọi là Tu Diệm Ma Thiên.


    Gặp dục tạm theo, qua rồi không nhớ nghĩ, thì có thể biết không gặp dục cảnh niệm ắt không sinh, tức là các loại này, tình tưởng đều mỏng, nên động ít mà tịnh nhiều, bèn có ứng hiện ở trên hư không. Chúng sinh tâm dục sâu dày, phần nhiều bị trệ ngại. Trái lại ở đây thì rỗng rang an trụ, vẫn có thể so lường mà biết vậy. “Diệm Ma”, Trung Hoa dịch là “Thời Phần”, dùng hoa sen nở ra khép lại làm ngày đêm.




  3. #223
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 4.- ĐẨU-XUẤT-ĐÀ THIÊN

    Lúc nào cũng tĩnh, nhưng khi có cảm xúc đến bên mình cũng chưa chống đối được, thì sau khi mạng chung lên trên chỗ tinh vi không tiếp với những cảnh nhân Thiên cõi dưới cho đến gặp kiếp hoại, tam tai cũng không đến được; một loài như thế, gọi là Đẩu-xuất-đà Thiên.


    “Đẩu-xuất-đà”, Trung Hoa dịch là “Hỷ Túc” là thân rốt sau của Bồ-tát, ở chỗ đó để giáo hóa phần nhiều tu hạnh Hỷ Túc, được chút ít ý duyệt, gọi là vui; không cầu gì khác gọi là đủ (túc); khi có cảm xúc đến chưa chống đối được, đây chỉ là tùy thuận, nên biết lúc nào cũng tĩnh vậy. Chỗ tinh vi là ước về cõi trời mà nói, cõi trời này là chỗ ở của Bồ-tát một đời bổ xứ phát nguyện rộng lớn mà được sinh chỗ ấy. Do Bồ-tát có sức vô lậu, nên tam tai không đến. Đây là chỉ cho nội viện, nay trong kinh ước nói về chỗ thù thắng.

    CHI 5.- LẠC BIẾN HÓA THIÊN

    Chính mình không có tâm dâm dục chỉ đáp ứng với người khác mà làm, trong lúc phô bày, vô vị như ăn sáp, thì sau khi mạng chung vượt lên, sinh vào cảnh biến hóa; một loài như thế, gọi là Lạc Biến Hóa Thiên.


    Không có tâm dâm dục chỉ đáp ứng với người khác… đồng như ở Đẩu Xuất. Ở trong cảnh dục mà vô vị, lại quá hơn nơi ấy là thình lình phô bày để đáp ứng theo thời gian và hoàn cảnh. Luận Du Già nói: Do chư Thiên kia vì tự mình, nên hóa làm dục trần, chẳng phải với người khác mà làm, chỉ vì tự biến hóa. “Biến” nghĩa là chuyển biến, biến thô làm diệu. “Hóa” nghĩa là hóa hiện từ không mà bỗng nhiên hiện ra có vậy.

    CHI 6.- THA HÓA TỰ TẠI THIÊN

    Không có tâm thế gian, chỉ đồng như thế gian làm việc ngũ dục, trong khi làm việc ấy rõ ràng siêu thoát, thì sau khi mạng chung vượt trên cảnh biến hóa và không biến hóa; một loài như thế, gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên.


    Các cảnh vui về dục không nhọc tự biến hóa mà hiện tại thọ dụng, nên gọi là Tha Hóa. Trước thì chỉ vô vị ở đây đã siêu thoát, sự sai biệt của tâm tự trụ và tâm chẳng trụ biến hóa là chỉ cho cái vui của biến hóa (lạc hóa); không biến hóa là chỉ cho bốn cõi trời ở trước.

    CHI 7.- KẾT LUẬN VỀ DỤC GIỚI

    A-nan, sáu cõi trời như thế, hình thức tuy ra khỏi động, nhưng tâm tích còn có dính dấp; từ các cõi ấy trở xuống, gọi là dục giới.


    Cõi người đối với dục, khi chưa giao tiếp hoặc đã giao tiếp, thân tâm dao động, trời thì tùy cảnh đến, tâm dừng nơi cảnh, nên nói tuy ra khỏi động; tuy nhiên tâm tính vẫn còn dính dấp, thì chẳng phải hoàn toàn không.




  4. #224
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 9 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________

    ĐOẠN II: SẮC GIỚI

    CHI 1.- SƠ THIỀN THIÊN

    A-nan, tất cả người tu tâm trong thế gian, nếu không nhờ Thiền-na, thì không có trí tuệ.


    Thanh Lương Tam Địa Sớ nói: “Thiền-na”, là tiếng Tây Vức, Trung Hoa dịch là “Tĩnh lự”. Tĩnh nghĩa là tịch tĩnh; lự là xét nghĩ. Tĩnh thì hay đoạn kiết sử; lự thì hay chính quán. Các trời vô sắc có tĩnh mà không lự, tuy hay đoạn kiết sử mà không thể chính quán. Dục giới chính giữ gìn có lự mà không tĩnh, tuy hay chính quán mà không thể đoạn kiết sử, nên chỉ có sắc giới mới riêng nhận xứng với tên này. “Tứ Thiền”: ban đầu một là, có “tầm” có “tứ” tĩnh lự, hai là, “không tầm” “không tứ” tĩnh lự; ba là, lìa hỷ tĩnh lự, bốn là lìa lạc tĩnh lự. Nay nói không nhờ Thiền-na, thì không có trí tuệ, chính bảo rằng người thế gian tu tâm phải nhờ Thiền-na mới phát sinh trí tuệ. Sắc giới đây chính là lúc phải nhờ vào Thiền-na. Nên từ quả ban đầu cho đến quả thứ ba đều tạm gọi ngôi vị nơi này, ngỏ hầu chứng đến vô học. Văn sau nói, tuy không phải chân tu Tam-ma-địa, chính do loại này dù ở trong Thiền-na, nhưng chưa phát chân trí, không thể so với Tam-ma-địa, định tuệ bình đẳng vậy.

    Người nào giữ được thân không làm việc dâm dục, hoặc trong lúc đi lúc ngồi cũng không nghĩ nhớ, lòng ái nhiễm không sinh, thì không còn ở trong cõi Dục, người ấy liền đó thân được làm phạm lữ; một loài như thế, gọi là Phạm Chúng Thiên.

    Nghĩ nhớ đều không, ái nhiễm không sinh. Đây là lựa ra không phải Dục giới, cũng để hiển bày thân tâm xa lìa, bắt đầu vào tĩnh lự, nên gọi là Phạm Chúng.

    Tập quán ngũ dục đã trừ, tâm ly dục hiện ra, vui vẻ thuận theo luật nghi, thì người ấy liền có thể thực hành phạm đức; một loài người như thế, gọi là Phạm Phụ Thiên.

    Tâm ly dục hiện ra, vui vẻ thuận theo, đây chính là “ly sinh hỷ lạc” vậy. Hay thực hành Phạm đức, lại trợ giúp và tuyên dương công đức giáo hóa, nên gọi là Phạm phụ.

    Thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, oai nghi không thiếu, cấm giới trong sạch, lại có thêm trí sáng, thì người ấy liền thống lãnh phạm chúng, làm Đại Phạm Vương; một loại người như thế, gọi là Đại Phạm Thiên.

    Thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, bởi để chỉ về tâm giới được giải thoát viên mãn, lộ bày khi động khi dừng đều phát ra thắng giải; nên nói là oai nghi không thiếu, lại thêm được trí sáng. Đây chính là chủ trương của Phạm giáo, để hiểu qua các cõi trời trước.

    A-nan, ba loài tốt đó, tất cả khổ não không thể bức bách, tuy không phải chân chính tu Tam-ma-địa của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh tịnh, những lầm lạc của Dục giới không lay động được, nên gọi là Sơ Thiền.

    Khổ não sinh nơi các dục, Sơ Thiền lìa dục vắng lặng, sức giác quán thù thắng, không bị các thứ thô lậu lay động. Ở đây là từ khi chưa đến được chỗ định, phát sinh định này từ ly dục về sau, thân tâm dứt bặt, ngồi, nằm rỗng rang như hư không, có thể sinh Sơ Thiền, nên nói trong tâm thanh tịnh.

    CHI 2.- NHỊ THIỀN THIÊN

    A-nan, thứ nữa là các hàng Phạm Thiên thống lãnh phạm chúng lại tu tập phạm hạnh được viên mãn, tâm đứng lặng không lay động, và do sự đứng lặng ấy mà phát sinh sáng suốt; một loài như thế, gọi là Thiểu Quang Thiên.


    Đây là từ Sơ Thiền, tăng thêm thù thắng bên trong vắng lặng sinh ra sáng suốt, do cái sáng suốt mới phát sinh, nên gọi là Thiểu Quang. Hai thứ tĩnh lự ban đầu cái sáng có khác, một như hạt châu Ma ni, bên ngoài có ánh sáng, bên trong không có ánh sáng; hai, như đèn sáng bên ngoài phát ra ánh sáng, bên trong tự chiếu rõ, hoặc ở trong hoặc ở ngoài đều có ánh sáng.

    Hào quang sáng suốt thêm nhiều, chói sáng không cùng, ánh vào mười phương thế giới đều thành ngọc lưu ly; một loài như thế, gọi là Vô Lượng Quang Thiên.

    Ở đây so với hào quang sáng của cõi trời trước càng vượt bực hơn, như ngọc lưu ly trong sạch ánh ra càng xa. Mười phương là căn cứ nơi thế giới này mà nói, chứ không phải khắp mười phương thế giới.

    Nắm giữ ánh sáng viên mãn tạo thành giáo thể, phát ra sự giáo hóa thanh tịnh, ứng dụng không cùng; một loài như thế, gọi là Quang Âm Thiên.

    Đây là do từ hào quang mà giữ gìn giáo thể, lấy hào quang để tuyên dương giáo hóa. “Ứng dụng” là chỉ cho cơ dụng phát ra để chỉ bày không cùng. Ngài Trường Thủy cho chỗ Nhị thiền là năm thức trước không phân biệt vì ở trong định. Do phàm phu, ngoại đạo và Nhị thừa khi ở trong Định, thì năm thức trước không khởi, để phân biệt cảnh. Thế giới chỉ nói: Đức Quán Âm dùng hào quang làm tiếng, thì chư Thiên các cõi trên đối với các oai nghi, động tĩnh đều là ngôn giáo vậy.

    A-nan, ba loài tốt đó, tất cả lo buồn xa xôi không bức bách được, tuy không phải chân chính tu Tam-ma-địa của Phật, nhưng trong tâm thanh tịnh; những lầm lạc thô động đã dẹp xuống, nên gọi là Nhị Thiền.

    Nhị Thiền do định mà sinh hỷ lạc, gọi chỗ vui cùng tột, nên không có lo buồn. Sơ Thiền thì những lầm lạc về thô không còn động, cõi trời này đã hàng phục được cái thô ấy. Tam Địa Sớ nói: “Nơi định mà sinh hỷ lạc đó là vì cái vui của Sơ Thiền đã trái với dục ác, nên gọi là ly sinh, nay vui vì tâm giác quán dứt nên gọi là định sinh, như gương sạch nước đứng lặng nên thân tâm được vui thích. Dục ác như bùn, định của Sơ Thiền như nước đọng để đứng yên. Nay không có dục ác, lại diệt các giác quán như nước đã đứng yên. Ấy là Sơ Thiền kia thì vui vì đã ly. Đây là cái vui đã sở đắc, vì được quên cái chiếu vậy”.



    Lần sửa cuối bởi vietlong; 07-12-2020 lúc 05:13 PM

  5. #225
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 9 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3.- TAM THIỀN THIÊN

    A-nan, loài trời như thế khi dùng hào quang viên mãn để làm âm thanh giáo hóa, do âm thanh giáo hóa càng lộ rõ lẽ nhiệm mầu, phát ra hạnh tinh tiến thông với cái vui yên lặng; một loài như thế, gọi là Thiểu Tịnh Thiên.


    Nương hào quang thành tựu pháp âm ở trên, dùng hào quang này để bày lý, lý và hạnh phù hợp nhau, nên phát ra cái vui yên lặng, diệt tâm hỷ ở trước, thuần hiện bày tịch tịnh. Ban đầu phát ra nói là thông, cũng gọi là Thiểu Tịnh.

    Cảnh thanh tịnh rỗng rang hiện tiền dẫn phát không có bờ bến, thân tâm khinh an thành tựu được cái vui vắng lặng; một loài như thế, gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên.

    Tướng tịnh không tướng tịnh, nên được định. Định tức là không có bờ mé, thành tựu được cái vui vắng lặng, vì thân tâm vắng lặng nên gọi là khinh an, cái vui ấy đâu có hạn lượng.

    Thế giới và thân tâm tất cả đều thanh tịnh viên mãn, công đức thanh tịnh thành tựu, cảnh giới thù thắng gá nơi hiện tiền, trở về với cái vui tịch diệt; một loài như thế, gọi là Biến Tịnh Thiên.

    Cái vui ở trước không lường, chỉ ở nơi thân tâm, nay thì khắp cả thế giới đều rỗng rang lặng lẽ, trong ngoài đều vắng bặt, thành tựu được chỗ an trụ, nên gọi cảnh giới thù thắng gá nơi hiện tiền. Trở về tức là trở về nơi đây vậy.

    A-nan, ba loại tốt đó đầy đủ công hạnh đại tùy thuận, thân tâm yên lặng được cái vui không lường, tuy không phải chân chính được pháp Tam-ma-địa của Phật, nhưng trong tâm an ổn hoan hỷ đầy đủ, gọi là Tam Thiền.

    Tam Thiền lìa cái hỷ được cái diệu lạc. Hỷ cùng với Ưu đối nhau, chỗ này thì lìa cái hỷ, khắp thân thể đầy đủ, cái vui không có lỗi, nên nói đầy đủ đại tùy thuận. Vui tột thì rời cả cái mừng (hỷ) mà nói rằng hoan hỷ đầy đủ là trong tâm an ổn, khác hơn cái mừng thô động, cũng nói là được cái vui đầy đủ vậy. Luận Trí Độ nói: Vui có ba: “Thượng, Trung và Hạ”. Hạ là Sơ Thiền, trung là Nhị Thiền, thượng là Tam Thiền. Sơ Thiền có lạc căn và hỷ căn. Năm thức trước tương ưng với lạc căn, ý thức tương ưng với hỷ căn. Trong Nhị Thiền ý thức tương ưng với hỷ căn. Trong Tam Thiền ý thức tương ưng với lạc căn. Năm thức trước không thể phân biệt, chẳng biết được tướng danh tự. Nhãn thức sinh, như chỉ trong khoảng khảy móng tay ý thức đã sinh; thế nên năm thức trước tương ưng với lạc căn, cái vui không thể đầy đủ, ý thức tương ưng lạc căn, cái vui mới hay đầy đủ.

    CHI 4.- TỨ THIỀN THIÊN

    A-nan, lại nữa loài trời đó thân tâm không bị bức bách, nguyên nhân của khổ đã hết, lại xét cái vui không được thường trụ, lâu cũng phải tiêu tan, nên cả hai tâm khổ vui đồng thời đều buông bỏ, những tướng thô trọng đã diệt, thì phước thanh tịnh sinh ra; một loài như thế, gọi là Phước Sinh Thiên.


    Câu “Thân tâm không bị bức bách, nhân khổ đã hết”, là kết lại ban đầu, khi được Nhị Thiền. Câu “xét lại cái vui không được thường trụ, lâu rồi cũng phải tiêu tan”, là kết lại khi được Tam Thiền. Câu “Cả hai tâm khổ vui đồng thời đều buông bỏ”, chính là chỉ cho Tứ Thiền này. Ba ngôi thiền trước còn niệm chán khổ, ưa vui đều là tướng thô trọng, đến cái vui cũng đều không thọ, xả niệm thanh tịnh, ấy là Phước Thanh Tịnh vậy.

    Tâm buông bỏ được viên mãn, sự nhận hiểu cao xa càng thanh tịnh, trong cái phước không gì trở ngại đó, được sự tùy thuận nhiệm mầu cùng tột mé vị lai; một loài như thế, gọi là Phước Ái Thiên.

    Tâm buông bỏ được viên mãn, nghĩa là không trụ nơi tâm xả, trở lại hay huân phát ra trí vô lậu. Do các bậc Thánh nhân đều nương nơi đây mà tu hành trí tuệ và nguyện lực Vô Tránh Tam-muội, nên nói: “Được sự tùy thuận nhiệm mầu”. Cùng tột mé vị lai, tức là cùng tột vị lai của chỗ này. Lại nếu hay huân phát trí vô lậu, thì thông cả ba đời không có hạn lượng vậy. Chỗ phước xả cái vui này lần lần thêm thù thắng, đối với thế gian không có hai, riêng đáng ưa thích vậy.

    A-nan, từ cõi trời đó có hai con đường tẽ; nếu dùng cái tâm sáng suốt thanh tịnh vô lượng trước kia mà tu chứng thì an trụ nơi phúc đức viên mãn sáng suốt; một loài như thế, gọi là Quảng Quả Thiên.

    Ở trong cõi trời Phước Ái có chia hai đường tẽ. Do Tứ Thiền, tâm xả quá thiên lệch; nếu từ trong cõi trời Vô Lượng Quang trợ giúp phát khởi tứ vô lượng tâm, thẳng đến cõi Trời Quảng Quả, thì cùng với Trời Ngũ Tịnh đồng phần chung ở để phát minh trí tuệ, hoặc chứng quả A-la-hán, hoặc vào hàng Bồ-tát; nếu một bề trụ nơi xả tức vào cõi trời Vô Tưởng; gọi là ngoại đạo vậy. Vô Lượng Tịnh Quang, là Tam thiền chưa vào ngôi vị xả, tâm này hiện ra viên mãn, vốn là nguyên nhân đặc biệt ở đây, “Quảng Quả”, ngài Thanh Lương nói, đối với quả lành trong loại dị sinh thì ở đây rất rộng lớn, chỗ có các công đức thù thắng hơn quả Nhị Thiền và Tam Thiền ở dưới vậy.

    Nếu đối với tâm trước kia nhàm chán cả cái khổ cái vui, tinh cần nghiên cứu tâm buông bỏ tương tục không gián đoạn, đi đến cùng tột sự buông bỏ, thân tâm đều diệt, ý nghĩ bặt mất trải qua năm trăm kiếp. Song người ấy đã lấy cái sinh diệt làm nhân, thì không thể phát minh tính bất sinh bất diệt, nên nửa kiếp ban đầu diệt, nửa kiếp sau lại sinh; một loài như thế, gọi là Vô Tưởng Thiên.

    Tự tính bản giác không có sinh diệt, cũng không thủ xả. Bởi chúng sinh không thể ngay đó phát minh, hẳn là do pháp tĩnh lự mà ly dục, chấp tướng tịnh xả cái mừng, ưa cái vui, tột nơi cái khổ và cái vui đều bỏ. Cái xả này tuy vi tế, nhưng hay làm chướng ngại con mắt trí tuệ, bèn thành không biết xoay trở lại. Nửa kiếp ban đầu diệt là do nắm giữ tâm diệt, nên không phải chân tịch diệt; diệt rồi lại sinh, ấy là lấy sinh diệt làm nhân vậy.

    A-nan, bốn loại tốt đó, tất cả các cảnh khổ vui trong thế gian không thể làm lay động được. Tuy không phải là chỗ chân thật bất động của đạo vô vi, song nơi tâm có sở đắc, công dụng đã thuần thục, nên gọi là Tứ Thiền.

    Luận Du Già nói: “Từ tịnh lự ban đầu, thì tất cả tai hoạn của địa dưới đã đoạn, nghĩa là tầm tứ hỷ lạc, xuất tức (thở ra), nhập tức (thở vào). Thế nên, ở trong niệm xả này được thanh tịnh rõ ràng. Do đó thiền này trụ tâm không động, nên gọi là tâm có sở đắc, công dụng thuần thục. Thiền này nói đủ có bốn chi: Chi một: không khổ, không vui. Khi xả Tam Thiền mỗi mỗi đều quở trách cái vui, cái vui đã diệt hết, thì cái định bất động và cái xả đều phát sinh; nên ở trong tâm vắng lặng, không khổ, không vui. Chi hai: xả, đã chứng được chân định bất động của Tứ thiền, thì xả được cái vui của Tam Thiền khó xả, không sanh tâm ăn năn. Chi ba: niệm thanh tịnh, đã được chân định của Tứ Thiền, thì ngay đương niệm đã qua, chỗ địa dưới, lại suy nghĩ là công đức của tự mình phương tiện đem nuôi dưỡng, khiến không lui sụt tiến lên vào phẩm thù thắng. Chi bốn: nhất tâm, đã được định của Tứ Thiền, dùng hai chi xả niệm ở trước đem ủng hộ. Nhất tâm trong định, cũng như gương sáng nước đứng yên, vắng lặng mà thường chiếu soi vậy”.



    Lần sửa cuối bởi vietlong; 07-12-2020 lúc 05:12 PM

  6. #226
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 9 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 5.- NGŨ TỊNH CƯ THIÊN

    A-nan, trong đây lại có năm tầng Bất Hoàn Thiên, các vị này đã diệt hết tập khí chín phẩm trong cõi dưới, khổ vui đều hết, ở bên dưới không có chỗ ở nên an lập chỗ ở nơi chúng đồng phần của tâm buông bỏ.


    Tập khí chín phẩm, tức là Dục giới Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền đều có chín phẩm. Nhị thừa đoạn cửu địa tư hoặc trong tam giới chín lần chín là tám mươi mốt phẩm thành A-la-hán. Quả thứ ba A-na-hàm đều đã đoạn Dục giới, Tam Thiền, Tứ Thiền mỗi địa đều có chín phẩm hoặc. Đoạn chín phẩm của một địa trong Dục giới thì khổ đã hết không có chỗ ở trong Dục giới. Đoạn ba địa trên, mỗi chỗ có chín phẩm thì cái vui hết, không có chỗ ở trong Sắc giới. Đây là Ngũ Tịnh Cư Thiên, từ Tứ Thiền mà lập riêng, tên phổ thông là xả niệm thanh tịnh. Nên gọi là chúng đồng phần của tâm buông bỏ. Trong kinh Niết-bàn phẩm Ca-diếp nói: “Trong Tứ Thiền lại có hai hạng: 1/- Vui trong Thiền định; 2/- Vui trong Trí tuệ”. Hạng vui trong Trí tuệ thì vào Ngũ Tịnh Cư, vui trong Thiền định thì vào Vô Sắc giới. Hai người như thế, một là tu Tứ Thiền có năm giai cấp sai biệt; hai là không tu. Thế nào là năm giai cấp? – Hạ, trung, thượng, thượng trung, thượng thượng. Người tu thượng thượng ở Vô Tiểu Thiên; người tu thượng trung ở Thiện Kiến Thiên; người tu Thượng phẩm ở chỗ Thiện Khả Kiến Thiên; người tu trung phẩm ở chỗ Vô Nhiệt Thiên; người tu hạ phẩm ở chỗ Tiểu Quảng Thiên. Lại có hai thứ: 1/- Người tu chú trọng về Thiền định vào Ngũ Tịnh Cư Thiên. 2/- Người tu không chú trọng về Thiền định sanh Vô Sắc Giới, khi thọ mạng đã hết vào Bát Niết-bàn; ấy gọi là thượng lưu Bát Niết-bàn. Nếu người muốn vào Vô Sắc Giới thì không thể tu năm thứ lớp sai biệt của Tứ Thiền; nếu tu năm thứ lớp sai biệt thì hay chê trách cái định Vô Sắc giới.

    A-nan, khổ vui cả hai đều diệt, không còn tâm niệm đấu tranh; một loài như thế, gọi là Vô Phiền Thiên.

    Khổ vui cả hai đều diệt, thì hai tâm ưa ghét không còn đối đãi nhau, nên nói là không còn tâm niệm đấu tranh. Tứ Thiền đã xa lìa khổ vui mà không gọi là Vô Phiền; nghĩa là phàm phu tạm thời hàng phục chứ chưa phải diệt được rốt ráo.

    Tự tại buông xả, không còn năng xả, sở xả; một loài như thế gọi là Vô Nhiệt Thiên.

    “Cơ” là cái bẫy nỏ, “Quát” chót đầu mũi tên, chui vào dây cung. Người độc hành là nói nơi tay buông thõng, chỉ có đương niệm, lại không có chỗ giao tiếp. Bởi do năng xả, sở xả gọi là chỗ giao tiếp, không giao tiếp, thì tuệ dụng viên mãn siêu thoát vậy. Ít nóng gọi là nhiệt, không nóng so sánh vi tế hơn.

    Khéo thấy mười phương thế giới thảy đều đứng yên, lại không còn tất cả những cấu nhiễm trầm trọng của trần cảnh; một loài như thế gọi là Thiện Kiến Thiên.

    Trời Ngũ Tịnh Cư đều vui nơi trí tuệ. Cái thấy nhiệm mầu nầy, chính là do xả tột cùng mà phát trí tuệ. Ở trong tuệ tâm, thấy khắp cả mười phương bên ngoài không có các hình tượng của tiền trần, bên trong tâm không có cấu nhiễm vậy.

    Tri kiến thanh tịnh hiện tiền, nhồi nắn hun đúc không ngại; một loài như thế, gọi là Thiện Hiện Thiên.

    Đây tức là cái thấy khéo léo ở trước, nói tri kiến thanh tịnh là do cái dụng của trí tuệ được giữ lại tự tại đứng lặng hiện bày cùng tột sự biến hóa, như dùng nước lửa đã nhồi nắn hun đúc làm thành được tất cả đồ dùng.

    Quán sát rốt ráo các cực vi cùng tột tính của sắc pháp vào tính không bờ bến; một loài như thế, gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên.

    Quán sắc đến cực vi, gọi là ky (cơ). Tột sắc tướng thì tính hiện bày, ấy là cùng tột tính của sắc pháp. Tính của sắc pháp này, không có bờ bến, chính là chỗ của ba quả vị Thánh phát tâm trở về nguồn chân vậy. Nên biết, cõi Ngũ Bất Hoàn Thiên này, chính là nương nơi tu tập đồng phần, tức là đối với chỗ này, chê trách cái định Vô Sắc Giới. Đoạn tư hoặc của bốn địa trên, không thể cho là vào tính không bờ bến được; nghĩa là đại khái đều vào Tứ không, văn sau tự rõ.

    A-nan, những bậc Bất Hoàn Thiên đó, bốn vị Tứ Thiên Vương Tứ Thiền chỉ được kính nghe, nhưng không thể thấy biết. Như hiện nay có các đạo tràng của chư Thánh nơi rừng sâu đồng rộng ở thế gian đều là nơi trụ trì của các vị A-la-hán, nhưng những người thô thiển ở thế gian không thể thấy được.


    Kinh Nhân Vương nói: “Hàng Thập địa Bồ-tát làm Tứ Thiền Thiên Đại Tịnh Thiên Vương, được Tam-muội tột lý, đồng hành xứ với chư Phật, tột nguồn Tam giới giáo hóa chúng sinh”. Đây chính là Bồ-tát vì chư Thánh thị hiện dấu vết kỳ đặc khiến phát trí tuệ nên được kính nghe gồm dụ cho Tứ Thiền, khiến cho ra khỏi thế gian vậy.

    CHI 6.- KẾT LUẬN VỀ SẮC GIỚI

    A-nan, mười tám cõi trời đó tâm thường ở trong định, không dính dáng với trần cảnh, song chưa hết cái lụy của hình hài. Song từ đây trở lại gọi là sắc giới.


    Nói chung mười tám cõi trời, nghĩa là đã vượt khỏi cảnh của ngũ dục, nên gọi là tâm ở trong Thiền định, không dính dáng với Trần cảnh. Đồng một sắc chất làm chướng ngại, nên gọi là chưa hết cái lụy của hình hài.



    Lần sửa cuối bởi vietlong; 07-12-2020 lúc 05:11 PM

  7. #227
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 9 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN III: VÔ SẮC GIỚI


    CHI 1. KHÔNG XỨ- TRƯỚC LỰA CHỖ HỒI TÂM

    Lại nữa, A-nan! Từ trong bờ mé sắc của trời Hữu Đảnh lại có hai đường tẽ. Nếu nơi tâm buông bỏ phát minh trí tuệ, trí tuệ sáng suốt được viên thông bèn ra khỏi cõi trần, thành A-la-hán vào Bồ-tát thừa; một loài như thế, gọi là Hồi Tâm Đại A-la-hán.


    “Hữu” tức là sắc. “Đảnh” là cứu cánh. “Bờ mé sắc”, nghĩa là chỗ hạn cuộc của sắc giới. “Tứ thiền có hai đường tẽ”: Một, do ưa tu Tam-muội nên sinh thẳng về Tứ Không. Hai, do ưa tu trí tuệ bèn vào cõi Ngũ Tịnh Cư Thiên. Đây chính là lối thường. Đã vào Ngũ Tịnh Cư, tự sẽ phát minh hết sạch các trần lụy, thành A-la-hán. “Vào Bồ-tát Thừa”, nghĩa là do A-la-hán vào Bồ-tát thừa, nên nói rằng hồi tâm, ấy là do từ quả thứ ba thành A-la-hán rồi sau mới vào vậy.

    Nếu nơi tâm buông bỏ thành tựu được sự chán bỏ rồi lại cảm thấy cái thân là ngại, và tiêu cái ngăn ngại vào hư không; một loài như thế, gọi là Không Xứ.

    Đây là khái quát chỉ về Tứ Thiền. Nếu ở Ngũ Tịnh Cư Thiên làm A-na-hàm, thì chính khi chứng Tu-đà-hoàn, cái kiến chấp về thân đã diệt, đâu còn cảm thấy cái thân làm ngại! Song Niết-bàn cũng có phàm phu và ngoại đạo, người chẳng do Tu-đà-hoàn mà chứng Nhị quả, Tam quả, hoặc tức là loài này.

    CHI 2. THỨC XỨ

    Các chất ngại đã tiêu trừ, nhưng không diệt được cái không ngại, trong ấy chỉ còn lại thức A-lại-da và còn nguyên vẹn phân nửa vi tế của thức Mạt-na; một loài như thế gọi là Thức Xứ.


    Các chất ngại, tức là thân làm ngăn ngại ở trước. Cái ngăn ngại về thân, nếu không tiêu trừ, thì tất cả các thứ ngăn ngại khác không thể diệt được. Nói các chất ngại tiêu, thì cái ngăn ngại y thân cũng tiêu vậy. Đây chẳng những các chất ngại tiêu, mà tâm diệt các chất ngại cũng tiêu. Ở đây chẳng biết, thì chỉ y theo thức A-lại-da và nguyên vẹn nơi thức Mạt-na vậy. Thức A-lại-da khi mê, thì mê nơi thức Mạt-na. Nên nói rằng, nguyên vẹn phân nửa vi tế của thức Mạt-na; tức là chỗ thức Mạt-na duyên bởi phân nửa vi tế của thức thứ sáu. Thức Mạt-na không thể duyên với ngoại cảnh, chỉ duyên theo cái phân biệt của thức thứ sáu mà phân biệt. Phân nửa vi tế ở đây khi chứng A-la-hán mới đoạn được. Song đã đoạn phân nửa vi tế thì sáu thức hoàn toàn đoạn. Kinh Lăng Già nói: “Ta nói thức phân biệt diệt, gọi là Niết-bàn”. Cũng cho là Niết-bàn của Nhị thừa đồng với Niết-bàn của Như Lai chăng? Xét về thức phân biệt diệt, gọi là Niết-bàn. Ở đây từ người tàng thức đã biết rõ ràng mà nói. Hàng Nhị thừa không biết thức thứ tám mà chỉ diệt được sở duyên của thức thứ sáu, bởi tiền trần của năm thức trước thì phân nửa bên ngoài không khởi hiện hành, phân nửa bên trong sở duyên của thức Mạt-na cũng diệt. Phân nửa này diệt thì chứng được nhân vô ngã, mà sở duyên căn bản của thức Mạt-na duyên với thức thứ tám chưa diệt, ấy gọi là bị pháp chấp làm chướng ngại vậy.

    CHI 3.- VÔ SỞ HỮU XỨ

    Sắc và không đã hết, thức tâm đã diệt trừ, mười phương vắng lặng không còn gì nữa; một loài như thế, gọi là Vô Sở Hữu Xứ.


    Sắc và không đã hết, tiếp theo cõi trời trước thức tâm đều diệt, tức là diệt phân nửa phần vi tế. Phân nửa phần này diệt, sao không chứng được Niết-bàn của Nhị thừa? Bởi do định lực nắm giữ nép phục mà chưa đoạn, nghĩa là chưa từng chứng được thật tính vô ngã. Kinh Niết-bàn gọi là hàng Thanh văn, Duyên giác, còn chẳng được thật tính vô ngã, hà huống thật tính có ngã. Nói là không được, nghĩa là từ vô ngã đối với hữu ngã mà nói, chẳng phải thật chẳng được; được cũng không có chỗ để ngã chứng. “Lại không còn gì” tự diệt phần thức phân biệt nơi cảnh giới đồng với minh đế vậy.

    CHI 4.- PHI PHI TƯỞNG XỨ

    Thức tính vốn không lay động, lại dùng cái diệt mà diệt đến cùng, trong chỗ không thể hết mà phát minh nhận cho là hết, nên hình như còn mà chẳng phải còn, hình như hết mà chẳng phải hết; một loài như thế, gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.


    Đây tức là thức tính đã diệt ở trước, thấy cái thực kia chưa từng diệt, do định lực nghiên cứu cùng tột, song ở trong cái không thể hết mà phát minh tính hết, nên nói hình như còn mà chẳng phải còn, hình như hết mà chẳng phải hết. Thức này khi chưa trải qua phát minh thật tính, trọn không thể hiểu, luống nghiên cứu tột nơi cái không hoàn toàn là vọng tưởng, không hay tự giác, nên gọi là Phi Phi Tưởng.

    CHI 5.- KẾT LUẬN VỀ TỨ KHÔNG VÀ NÓI RÕ ĐƯỜNG TẼ

    Những loài này đã xét cùng tột cái không nhưng không tột lý không; nếu từ Thánh đạo cõi trời Bất Hoàn mà xét cùng thì một loài như thế, gọi là Bất Hồi Tâm Độn A-la-hán. Nếu từ cõi trời vô tưởng và ngoại đạo mà xét cùng tột cái không, không biết trở về, mê lầm không nghe chính pháp thì sẽ vào đường trầm luân.


    Trừ ra từ Thánh đạo cõi Tịnh Cư xét cùng, gọi là độn A-la-hán không vào luân hồi. Bởi cho rằng từng trải qua kiến đế, không có phần bị luân hồi, chỉ do đắm mê trong thú vị của Thiền định, nên làm chướng ngại chỗ thấy đạo, gần gũi phàm phu, ngoại đạo, huống chi không chỗ thấy mà chỉ cam chịu tịch diệt, thì ít ai mà chẳng sai lầm; nghĩa là xét cùng cái không mà không biết trở về. Trái lại nếu biết trở về thì không lỗi vậy.

    CHI 6.- KẾT LUẬN CHUNG VỀ CHƯ THIÊN

    A-nan, các cõi trời ấy mỗi mỗi đều là những phàm phu hưởng sự báo đáp của nghiệp quả, và khi sự báo đáp hết thì trở vào trong luân hồi. Thiên vương các cõi kia thường là Bồ-tát dùng pháp Tam-ma-đề lần lượt tiến lên hồi hướng về đường tu hành của Phật đạo.


    “Các cõi trời”, là kết chung về các cõi trời Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dùng hoa để trang nghiêm gá vào báo thân, không đề cập đến Tứ không. Lại trước kết về các cõi trời, sau kết về Tứ không, cũng là một điều để chứng biết vậy. Tiêu chỉ nói: “Hàng Thập địa Bồ-tát, nương nơi báo thân làm mười vị Thiên Vương: Sơ địa làm Diêm Phù Vương, Nhị địa làm Tứ Thiên Vương, Tam địa làm Đao Lợi Vương, Tứ địa làm Dạ Ma Vương, Ngũ địa làm Tri Túc Vương, Lục địa làm Hóa Lạc Vương, Thất địa làm Tha Hóa Vương, Bát địa làm Nhị Thiền Vương, Cửu địa làm Tam Thiền Vương, Thập địa làm Tứ Thiền Vương, tức là Ma-hê-thủ-la. Bồ-tát tấn tu không thị hiện làm Sơ thiền, vì còn mang những kiến chấp khác”. Ở đây đều lấy quyền mà dẫn đến thật, ở trong cõi trời, hóa các thật báo của trời, khiến thoát khỏi nghiệp trời nên được gọi là Vua.


    A-nan, những cõi trời Tứ Không ấy, thân tâm diệt hết, định tính hiện tiền, không có sắc pháp của nghiệp quả; từ đây đến cuối cùng, gọi là Vô Sắc Giới.

    Định tính hiện tiền, nghĩa là có sắc pháp của định quả hiển bày không sắc pháp của nghiệp quả. Cõi trời này thân sắc đều hết, mà tâm không diệt, do định lực nghiền ngẫm, nên in tuồng như có mà chẳng phải có nên nói là “diệt”. Kinh Niết-bàn nói: “Trời Vô Sắc Giới xoay quanh, cúi ngước, không phải hàng Thanh văn, Duyên giác thấy được”, thì thân hẳn cũng không phải diệt, chỉ vì không có chỗ để thấy vậy.

    Những cõi ấy đều do không rõ Diệu Giác Minh Tâm, tích chứa cái vọng, giả dối phát sinh ra ba cõi, trong đó giả dối theo bảy loài mà chìm đắm và có thể thụ sinh cũng theo từng loại.

    Kết chung về trời Lục Dục đến trời Phi Phi Tưởng đều do không rõ Diệu Giác Minh Tâm, từ minh sinh ra mà vọng có ba cõi. “Trong đó” là chỉ cho các cõi trời, dụng công một cách lãng phí rốt cuộc cũng giả dối theo bảy thú khởi hoặc tạo nghiệp, đều đưa đến kết quả theo từng loại vậy. Trong luận Du Già có tám loại chấp ngã mà loài thứ sáu gọi là “Bổ-đặc-già-la” nghĩa là “sổ thủ chư thú” (thường nắm giữ các thú) hoặc sinh nơi kia, hoặc sinh nơi đây. Chính cái hay sinh đó, tức là chấp ngã. Sáu đường, bốn loài, đều nơi đây mà xoay vần mãi không thôi.




  8. #228
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 9 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN IV: NÓI THÊM CHẲNG PHẢI TRỜI BỐN LOÀI A-TU-LA

    Lại nữa, A-nan! Trong tam giới đó, lại có bốn loài A-tu-la:

    Nếu từ loài quỉ do sức bảo hộ chính pháp được thần thông vào hư không thì giống A-tu-la này từ trứng sinh ra thuộc về loài quỉ.


    Kinh Pháp Hoa văn cú nói: “Đây thuộc về loài quỷ thường ở nơi bờ biển lớn, quy y Phật, bảo hộ chính pháp, lấy oai lực bảo hộ chính pháp, do đó tự có thần thông nên vào hư không đến để bảo hộ Phật pháp”.

    Nếu từ trong loài trời, do đức kém sa đọa chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng; loài A-tu-la này từ thai sinh ra, thuộc về loài người.

    Kinh Khởi Thế nói: “Bên mặt phía Đông núi Tu-di, qua một ngàn do tuần có thiết lập cung thành Ma-bà-đế, bảy lớp vách thành, làm bằng thất bảo. Ba mặt phía Nam, phía Tây, và phía Bắc đều có cung điện của vua A-tu-la tốt đẹp cũng tương tợ, nhưng thấp hơn trời Địa Cư một cấp”.

    Có vua A-tu-la nắm giữ thế giới sức mạnh đến chỗ không phải sợ ai, hay tranh quyền cùng với Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương. Giống A-tu-la này nhân biến hóa mà có thuộc về loài trời.

    Kinh Quán Phật Tam-muội nói: “Vợ của Chất-đa A-tu-la là Hương Sơn Nhạc Thần nữ, mang thai 8.000 năm sinh một người con gái, tên là Xá-chi. Kiều-thi-ca hỏi cô gái ấy làm vợ, gọi tên là Duyệt Ý. Đế Thích đến vườn hoan hỷ, các Thái nữ vào ao dạo chơi, cô gái sinh ghen ghét, sai Ngũ Dạ Xoa đến thưa với phụ vương. Vua liền đem bốn binh đến đánh Đế Thích, làm cho nước biển lớn, ngồi xổm trên đảnh núi Tu-di, 999 cái đầu đồng thời hiện, lung lay thành Thiện Kiến, rung rinh núi Tu-di, nước bốn biển lớn đồng thời dậy sóng.

    Đế Thích sợ hãi, ngồi trên Thiện Pháp Đường đốt các thứ danh hương, phát nguyện rộng lớn, tụng Bát-nhã Ba-la-mật Đại Minh Chú, bỗng giữa hư không, bánh xe đao kiếm (đao luân) tự nhiên rơi xuống, ngay trên Tu-la khiến tai, mũi, tay chân A-tu-la đồng thời đều rơi rụng và làm cho nước biển lớn đỏ như ngọc trai, Tu La không chỗ chạy trốn phải chun vào trong ống tơ, ngó sen.


    A-nan, riêng có một số A-tu-la thấp kém sinh trong lòng biển lớn, lặn dưới cửa thủy huyệt, ban ngày dạo chơi trên hư không, tối về ngủ dưới nước; giống A-tu-la này nhân thấp khí sinh ra, thuộc về loài súc sinh.

    Kinh Chính Pháp Niệm nói: “Tỳ-ma-chất-đa-la”, Trung Hoa dịch là Hưởng Cao, cũng gọi là Huyệt Cư, nghĩa là dưới đáy biển cả phát ra tiếng lớn thấu suốt ngoài biển, nên gọi là Huyệt Cư. Lại nói có A-tu-la ở dưới đáy biển một bên núi Tu-di, đối trong Dục giới tùy ý hay hóa thân hoặc lớn, hoặc nhỏ ở tại thành Quang Minh. Chung cả bốn loài, trên quả báo tuy có hơn kém, mà thế lực thọ dụng đều tự tại. Như thế xét về nhân, phần nhiều ở trong Tam bảo ôm ấp tâm nghi ngờ và đố kỵ, thường muốn hơn người khác, tăng trưởng giận tức, nên tuy có phước như trời, mà không bằng trời, tuy có phước như người nhưng thường bị chướng ngại trong việc tiến đạo, tuy ở trong loài quỷ, súc, mà hay nhẹ nhàng xa đến. Nên biết, người tu hành phải thận trọng trong việc tu nhân, chớ khiến vào đường tẽ vậy.




  9. #229
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 9 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC VII:

    KHAI THỊ CHỖ HƯ VỌNG CỦA BẢY LOÀI, ĐỂ KHUYẾN TU THEO CHÍNH PHÁP

    ĐOẠN I: KHAI THỊ CHỖ HƯ VỌNG

    A-nan, xét rõ bảy loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, thần tiên và trời cho đến A-tu-la như thế, đều là những tướng hữu vi tối tăm giả dối vọng tưởng thọ sinh, giả dối vọng tưởng theo nghiệp; đối với Diệu Viên Minh Bản Lai không năng tác sở tác, đều như hoa đốm giữa hư không vốn không dính dáng; chỉ một cái hư vọng chứ không cội gốc manh mối gì.


    Tổng kết bảy loài giả dối, tinh nghiên, là xét kỹ. Nói xét kỹ các tướng hữu vi trong bảy loài, đều do mê lầm, nên chiêu cảm có quả báo thọ sinh, đều tùy theo nhân của nghiệp, hoặc, nghiệp và khổ, cả ba đối với tâm tính Diệu Minh vốn không đến nhau, ví như hoa đốm giữa hư không, lại không có cội gốc mối manh gì. Xét về nhân để so biết quả không sai lầm một mảy may, ngược vọng về chân thì đều thành mộng huyễn.


    ĐOẠN II: KHAI THỊ VỀ NGHIỆP NHÂN

    A-nan, những chúng sinh đó không nhận được tâm tính bản lai nên chịu luân hồi, như thế trải qua vô lượng kiếp mà không chứng được chân tính thanh tịnh đó đều do chúng thuận theo những nghiệp sát, đạo, dâm hoặc ngược lại ba cái này thì lại sinh ra không sát, không đạo, không dâm; có thì gọi là loài quỷ, không thì gọi là loài trời, có không thay nhau phát khởi ra tính luân hồi.


    Trên nói tất cả các loài, đối với tâm tính diệu minh vốn không có gì. Ở đây nói không biết bản tâm thuận theo đường nghiệp, thì nhân quả rõ ràng. Có tức là sát, đạo, dâm; không, tức là không sát, không đạo, không dâm nên gọi là có không thay nhau khởi ra tính luân hồi. Bản diệu minh tâm vốn tự vắng lặng viên mãn, có không đều dứt, tự ủy thác (giao phó) cho đương nhân.


    ĐOẠN III: CHỈ RÕ SỰ TU HÀNH CHÂN CHÍNH

    Nếu người khéo tu tập, phát huy pháp Tam-ma-đề, thì bản tính thường diệu thường tịch, cái có, cái không đều không, hai cái không vừa nêu trên cũng diệt. Còn không có gì là chẳng sát, chẳng đạo, chẳng dâm. Làm sao lại thuận theo việc sát, đạo, dâm.


    Lại nói phát minh bản tâm, thì bản tâm tự diệu, “còn không có chẳng sát, chẳng đạo, chẳng dâm, làm sao lại có ngay đó viên thành pháp Tam-ma-bát-đề (chỉ quán)”. Lại còn không phải Nhị thừa thì đâu có thể đồng với phàm phu và ngoại đạo vậy.


    ĐOẠN IV: TỔNG KẾT VỀ QUẢ BÁO ĐỒNG PHẦN

    A-nan, không đoạn được ba nghiệp thì mỗi mỗi chúng sinh đều có phận riêng, nhân những cái riêng ấy mà quả báo đồng phần chung của cái riêng, chẳng phải là không có chỗ nhất định, đó là do vọng kiến của tự mình phát sinh; hư vọng phát sinh vốn không có nhân, không thể tìm xét nguồn gốc được.


    Đây là đáp lại các cái riêng đồng phận, chẳng phải không có chỗ nhất định, mà lại nói, “hư vọng phát sinh vốn không có nhân, không thể tìm xét nguồn gốc được”, để càng biết tất cả căn thân khí giới do vọng kiến tạo thành, nếu một niệm tỏ sáng thì hiện tiền đâu có hình trạng gì? Tầm xét nguồn gốc thật không thể chỉ bày và chú thích vậy.

    ĐOẠN V: KHUYÊN ĐOẠN TRỪ

    Ông khuyên người tu hành muốn được đạo Bồ-đề, cần yếu phải đoạn trừ ba thứ mê lầm; ba thứ mê lầm nếu không hết dù có được thần thông đều là những dụng công hữu vi của thế gian. Tập khí mê lầm nếu không dứt trừ phải lạc vào đường ma; tuy muốn trừ vọng lại càng tăng thêm giả dối, Như Lai bảo là rất đáng thương xót. Như thế đều do vọng kiến tự mình tạo ra chứ không phải lỗi của tính Bồ-đề.


    Tất cả pháp thế gian đều do tâm tạo, từ tâm sinh ra không chỗ nào chẳng hiện, nên nói: “Dù được thần thông đều là pháp hữu vi”. Nên biết, tâm vốn không sinh, sinh ắt về diệt, khi tạo ra nghiệp hoặc, chỗ tạo trọn không mất. Tâm không biết nghiệp, nghiệp không biết tâm, nhân quả trước sau, tự thành luân chuyển, chẳng phải chỗ của tâm thọ vậy.

    Người nói như thế ấy, tức là lời nói chân chính; nếu nói khác đi tức là lời của ma vương.

    Phật lại vì đời mạt pháp càng thêm đinh ninh chỉ dạy, để phòng tà thuyết xen lẫn với người chân thật tu hành. Lòng từ bi của Phật rất thắm thiết người tu hành phải tự xét kỹ!




  10. #230
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 9 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC VIII: PHÂN BIỆT CÁC ẤM MA


    ĐOẠN I: NGUYÊN DO KHỞI RA CÁC MA SỰ

    CHI 1.- KHÔNG HỎI MÀ PHẬT TỰ NÓI

    Khi bấy giờ gần chấm dứt thời thuyết pháp, từ nơi tòa sư tử, đức Như Lai vịn ghế thất bảo xoay về tử kim sơn, trở lại dựa nơi ghế, bảo khắp đại chúng và ông A-nan rằng:


    Gần chấm dứt thời thuyết pháp, Phật quyền khai thị về ngũ ấm ma, khiến cho các người chân tu, tùy theo chỗ chứng mà xét nét. Đây là bậc Nhất Thiết Chủng Trí đã biết cùng khắp, dùng lòng từ bi không duyên cớ để hộ niệm, khuyên gắng sức rửa sạch lòng mình, ân lớn khó đền vậy.

    CHI 2.- CHỈ MA SỰ KHÓ BIẾT

    “Các ông là hàng Thanh văn, Duyên giác hữu học hôm nay hồi tâm hướng về Vô Thượng Diệu Giác Đại Bồ-đề, và tôi cũng đã chỉ dạy pháp tu chân chính, nhưng ông còn chưa biết những ma sự nhỏ nhiệm trong lúc tu chỉ, tu quán. Nếu cảnh ma hiện ra, ông không biết được, thì sẽ tu tâm không đúng, và lạc vào tà kiến; hoặc là ma ngũ ấm của ông, hoặc bị Thiên ma, hoặc mắc quỉ thần, hoặc gặp loài ly mị, mà trong tâm không rõ, nhận giặc làm con.


    Bản giác khéo quán sát không khởi phân biệt, vừa có sở kiến, thì không phải chân chính tu tâm. Nhận giặc làm con, tức là văn sau chấp cho là chứng Thánh vậy. “Ấm Ma”, nghĩa là các ấm huân tập vô lượng tập khí phân biệt, đối trong thể tịch chiếu, bỗng nhiên hiện ra trước, nếu không giác ngộ quán sát, ắt sinh dị kiến. “Thiên Ma”, tức là con của Tha Hóa Tự Tại Thiên; tất cả quỷ thần đều là quyến thuộc của y. Song đều do người tu hành dụng tâm không chân chính, nên ma được dịp thuận tiện, văn sau sẽ nói rõ.

    CHI 3.- RĂN NHẮC ĐƯỢC CHÚT ÍT CHO LÀ ĐÃ ĐỦ, KHUYÊN VÂNG NGHE LỜI PHẬT CHỈ DẠY

    Lại nữa, trong đó được chút ít cho là đã đủ, như Tỳ-kheo Vô Văn chứng đệ Tứ Thiền, dốt nát nói là chứng Thánh, khi phước báu cõi trời hết, tướng suy hiện ra, liền phỉ báng quả A-la-hán, còn phải thọ sinh đọa vào ngục A-tỳ. Nay các ông hãy nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông phân biệt chín chắn”.


    Ông A-nan đứng dậy cùng những hàng hữu học trong hội, vui mừng đảnh lễ kính vâng nghe lời từ bi chỉ dạy của Phật.

    Đây là răn nhắc được chút ít cho là đã đủ, nêu lên việc của Tỳ-kheo Vô Văn dùng để làm gương soi cho người sau. Đại vọng ngữ tuy trừ người tăng thượng mạn; song vì quá chấp cái thấy của mình mới sinh háo thắng, thành bệnh tự khi dối không tự biết mình đã tạo nghiệp đọa lạc. Phật vì lòng từ bi thương xót phân biệt kỹ càng, chúng ta phải nên ngưỡng mộ mà thể nhận vậy.


    CHI 4.- KHAI THỊ THỂ GIÁC NGỘ KHÔNG HAI DO VỌNG KHỞI MÀ CÓ THẾ GIỚI

    Phật bảo ông A-nan và cả Đại chúng: Các ông nên biết, mười hai loại chúng sinh trong thế giới hữu lậu, tâm thể giác viên bản giác diệu minh, cùng thập phương Phật không hai không khác, do ông vọng tưởng mê chân lý thành ra lỗi lầm, si ái phát sinh, sinh mê cùng khắp nên có hư không; hóa mãi cái mê không thôi nên có thế giới sinh ra; các cõi nước như số vi trần trong mười phương trừ cõi vô lậu đều do vọng tưởng mê lầm mà kiến lập.


    Đây nguyên là chúng sinh cùng với bản giác minh tâm của Phật đồng một tính diệu viên. Bởi do cái vọng minh trái với chân trí này mà chẳng thấy chân lý, nên phát ra tính không, ấy là nói, “Do mê vọng mà có hư không”. Đã có hư không, quốc độ thì trừ cõi vô lậu, nghĩa là lựa riêng cõi thật báo phương tiện của chư Phật, ngoài ra đều do vọng tưởng kiến lập vậy.

    CHI 5.- KHAI THỊ THẾ GIỚI GỐC LÀ GIẢ DỐI, NẾU PHÁT CHÂN THÌ HƯ KHÔNG MẤT

    Biết hư không sinh trong tâm ông, ví như mảnh mây điểm trong bầu trời xanh, huống nữa các thế giới sinh trong hư không. Một người các ông phát minh chân lý trở về bản tính, thì mười phương hư không đó, thảy đều tiêu mất, làm sao các cõi nước trong hư không kia lại không rúng động và tan nát.


    Nương nơi văn trên, do vọng tưởng mà kiến lập. Vọng tưởng ở nơi tâm, như bụi trên mặt gương. Nên một người mà phát minh được chân lý thì đại địa đều tan nát. Lẽ thật hẳn là như vậy. Nhân mê mà có hư không, nhân hư không mà có thế giới. Ngộ thì hư không đều diệt, thế giới đâu còn. Đây là tại nơi đương nhân phải tự biết, cung ma đổ nát, lý ắt có sự vậy.

    CHI 6.- KHAI THỊ TÂM TINH THÔNG ÁM HỢP THIÊN MA KINH SỢ

    Các ông tu thiền trau dồi pháp Tam-ma-địa, tâm được thông suốt ám hợp với các vị Bồ-tát và những vị Vô Lậu Đại A-la-hán nơi mười phương, ngay đó vắng lặng, tất cả ma vương và các quỷ thần, trời, phàm phu đều thấy cung điện mình không cớ gì đổ vỡ, đất liền rung động, những loài thủy lục bay nhảy thảy đều kinh sợ, hàng phàm phu tối tăm thì không biết có sự dời đổi. Còn các loài kia đều được năm thứ thần thông trừ lậu tận thông, đương luyến tiếc cảnh trần lao, làm sao lại để cho ông phá hoại chỗ ở? Vậy nên các loài quỉ thần, thiên ma vọng lượng yêu tinh, trong lúc ông tu pháp Tam-muội đều đến khuấy phá ông.


    Người tu hành ở trong Tam-muội, cùng với các vị Bồ-tát A-la-hán thấy thể không hai. Đây là hiển bày chỗ trở về nguồn chân thì ngay đó vắng lặng. Ngộ thành ám hợp, mê hiện trái lìa; tất cả ma dục chư Thiên thấy cung điện mình bị đổ vỡ, cũng do mê vọng tự cảnh có khác; hạng quá tối tăm thì theo đó mà dời đổi, bậc hết mê lầm (lậu tận) thì không luyến tiếc, chỉ loài ma dục này, nhân có năm phép thần thông tự sinh kinh sợ, nên đối với pháp Tam-muội đều cùng nhau đến làm não loạn. Vọng lượng yêu quái là kẻ sai khiến của bọn kia vậy.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thầy THÍCH THANH TỪ, Thầy cũ của Thích Chân Quang lên tiếng
    Gửi bởi lamebay trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2019, 01:25 PM
  2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm _ Thiền sư Thích Từ Thông giảng!
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 3
    Bài cuối: 09-09-2016, 03:44 PM
  3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 587
    Bài cuối: 03-05-2016, 05:36 PM
  4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Đại sư Pháp Vân giảng)
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 151
    Bài cuối: 09-08-2015, 11:04 AM
  5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Kinh
    Trả lời: 13
    Bài cuối: 06-30-2015, 06:40 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •