DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 15/27 ĐầuĐầu ... 5131415161725 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 141 tới 150 của 264
  1. #141
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 5 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN XXIV: DO KHÔNG ĐẠI CHỨNG VIÊN THÔNG

    Ngài Hư Không Tạng Bồ-tát


    Ngài Thanh Lương nói: “Không ngại trụ nơi bố thí, đồng như hư không tức là Bồ-tát Kim Cang Bảo, cũng là tên khác của Bồ-tát Hư Không Tạng”.

    Bộ Tông Cảnh nói: “Trong hội đại tập khi Bồ-tát Hư Không Tạng đến, thuần hiện tướng hư không bảo ngài A-nan rằng: “Tôi dùng tự thân chứng biết, thế nên như chỗ chứng biết hay nói như vậy. Vì sao? Vì thân tôi tức là hư không, lấy hư không mà chứng biết tất cả pháp, vì hư không là năng ấn mà ấn đó”. Khi ấy, năm trăm vị Đại Thanh văn đều tự lấy y Uất-đà-la-tăng đang mặc dâng cúng Bồ-tát Hư Không Tạng. Dâng cúng Thượng Y xong, liền đồng thanh nói rằng: “Nếu có chúng sinh phát tâm Bồ-đề sâu xa chóng được lợi ích lớn. Ở trong pháp tạng trí lớn như thế chẳng rơi vào ngoại đạo. Các y trên liền đó biến mất. Các vị Thanh văn hỏi: “Y đến chỗ nào?”. Hư Không Tạng đáp: “Vào trong kho của tôi”. Lại nữa Bồ-tát Hư Không, lấy hư không làm kho tàng, mưa rưới các thứ bảo vật, y phục, ẩm thực khắp cả mười phương không lường A Tăng Kỳ thế giới, nên có kệ rằng:

    Hư không không phải cao,

    Nên cũng chẳng phải thấp,

    Các pháp cũng như vậy,

    Tính ấy không cao thấp.

    (Hư không vô cao cố

    Hạ diệc bất khả đắc

    Chư pháp diệc như thị

    Kỳ tính vô cao hạ.)

    Bồ-tát Hư Không Tạng, được kho tàng như hư không làm no ấm đầy đủ cho các loài hữu tình, cái biết này cũng vô cùng tận.


    liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: “Con cùng đức Như Lai đến chỗ Phật Định Quang, chứng được thân vô biên. Khi ấy tay con cầm bốn hạt châu báu lớn, chiếu sáng các cõi Phật trong mười phương như số vi trần hóa thành hư không. Lại ở nơi tự tâm hiện ra trí đại viên kính, trong ấy phóng ra mười thứ hào quang vi diệu quí báu soi khắp các cõi Phù Tràng Vương cùng tột hư không trong mười phương đều vào trong viên kính ấy, nhập với thân con, và thân con đồng với hư không, không ngăn ngại lẫn nhau. Thân con lại khéo vào các cõi nước như vi trần rộng làm các Phật sự được đại tùy thuận.

    Định Quang tức là Phật Nhiên Đăng. Ngài Cô Sơn nói: “Pháp thân như hư không, khắp tất cả chỗ ấy gọi là vô biên”. Ở đây do ngộ sâu pháp thân đồng ở nơi sắc và tâm như lưới châu của trời Đế Thích giao xen lẫn nhau. Hạt châu là tiêu biểu cho sắc mà hay chiếu sáng mười phương vi trần cõi Phật. “Hóa thành hư không” nghĩa là toàn thể sắc tức là tâm, không phân chủ bạn. “Kính” là tiêu biểu cho tâm mà hay soi khắp cõi Phù Tràng Vương. “Lại hiện vào trong viên kính ấy và nhập vào thân con”, nghĩa là toàn tâm là sắc mà chẳng rời bản tế. Đây là do thần lực tiêu biểu cho pháp, nhiên hậu mới thật chỉ thân hay khéo vào vi trần cõi nước rộng làm Phật sự được đại tùy thuận. Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

    Thân Phật đầy khắp trong pháp giới,

    Khắp hiện tất cả trước quần sinh.

    Tùy duyên cảm ứng đều hiện đủ,

    Mà thường ở nơi tòa Bồ-đề.

    (Phật thân sung mãn ư pháp giới,

    Phổ hiện nhất thiết quần sinh tiền.

    Tùy duyên phó cảm mị bất châu,

    Nhi hằng xử thử Bồ-đề tọa).

    Tòa Bồ-đề đó thường ứng hiện mười phương mà chưa hề lay động.


    Thần lực lớn đó là do con quán kỹ tứ đại không chỗ nương, do vọng tưởng mà có sinh diệt, hư không không có hai, và cõi Phật vốn đồng, do phát minh được tính đồng mà chứng được vô sinh nhẫn. Nay Phật hỏi về viên thông, do con quán xét hư không không bờ bến, vào Tam-ma-địa, sức nhiệm mầu được viên mãn sáng suốt, đó là thứ nhất”.

    Tứ đại chủng do vọng tưởng sinh, vọng tưởng không thật tính, chỉ do tâm biến hiện. Một phen ngộ được lý duy tâm thì tứ đại sắc không vốn không phải vật khác. Nên nói nếu đồng phát minh, đây tức vào Tam-ma-địa; được Đại Tổng Trì viên mãn sáng suốt trùm khắp vậy.




  2. #142
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 5 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN XXV: DO THỨC ĐẠI CHỨNG VIÊN THÔNG

    Ngài Di-lặc Bồ-tát


    Di-lặc, nói đủ là “Mai-đát-lợi-duệ-na”, Trung Hoa dịch là “Từ Thị”. Kinh Pháp Hoa phẩm Tựa nói: “Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh có tám người đệ tử đều học với Ngài Diệu Quang, vị rốt sau thành Phật hiệu là “Nhiên Đăng”. Trong tám trăm người đệ tử của Ngài có một người tên là “Cầu Danh”, tham ưa lợi dưỡng, tuy có đọc tụng các kinh mà không thông thuộc, phần nhiều hay thiếu sót, nên gọi là Cầu Danh. Trong bài kệ nói: “Diệu Quang Pháp sư ấy có một người đệ tử, tâm thường hay giải đãi, tham đắm nơi danh lợi, cầu danh lợi không chán, hay đến nhà sang quí, bỏ các việc tụng tập lãng quên không thông suốt. Do bởi nhân duyên ấy nên gọi là Cầu Danh. Ông cũng hành các nghiệp lành, được thấy vô số Phật, cúng dường các đức Phật, tùy thuận hành Đại Đạo đủ sáu pháp Ba-la-mật. Nay thấy đức Thích Tôn, sau ông sẽ thành Phật, được hiệu là “Di-lặc”, rộng độ các chúng sinh, số ấy không thể lường”.

    liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: “Con nhớ trải qua vi trần kiếp về trước, có Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Con được theo đức Phật kia xuất gia, nhưng tâm nặng nề danh lợi ở thế gian, ưa giao du với các người quyền quí. Lúc ấy đức Thế Tôn dạy con tu tập “Định Duy Tâm Thức”, con được vào Tam-ma-địa. Trải qua nhiều kiếp đến nay, do pháp Tam-muội này mà phụng thờ hằng sa chư Phật. Tâm cầu danh lợi thế gian đã diệt hết không còn.

    Tất cả muôn pháp đều do nội thức biến ra, in tuồng như trước mắt. Thức cũng hư vọng, chỉ là nhất tâm. Một Như-lai-tạng tâm này, tức là Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội, là Đại Tổng Trì hay thu nhiếp tất cả các Tam-muội, tiêu diệt tất cả hư vọng như nước nóng làm cho băng tiêu. Nên gọi là tâm cầu hư danh trong thế gian diệt hết không còn. Đây chính là căn bản đại trí, sau đều là do sai biệt trí mà được thành tựu.

    Đến khi đức Phật Nhiên Đăng ra đời, con mới thành tựu được chính định Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm cho đến tất cả cõi nước Như Lai nào tịnh, uế, có không tột bờ mé hư không, đều do tâm con biến hóa hiện ra.

    Đây là do trí sai biệt mà viên mãn, gồm các việc nhơ sạch, có không, diệt các thứ phân biệt được đại tùy thuận. Nên nói là: “Chính định Vô thượng Diệu viên thức tâm”. Thức tâm này là chỉ cho chân duy thức, vào tính chân duy thức thì tự thành Chính Định.

    Bạch Thế Tôn, do con rõ được duy tâm thức như thế, nên nơi thức tính lưu xuất vô lượng Như Lai, và hiện nay con được Phật thọ ký, sau đây sẽ bổ xứ thành Phật nơi cõi này.

    Trước hợp các việc nhơ sạch, có không đồng là tính diệu viên. Ở đây từ tính Diệu viên lưu xuất tất cả các đức Như Lai đồng một tính giác minh sinh khởi; thế giới chúng sinh lẫn nhau kiến lập, mê ngộ tự phân, ngộ mê không khác vậy.

    Nay Phật hỏi về viên thông, con do quán sát mười phương đều duy thức, thức tâm được viên mãn sáng suốt, chứng nhập tính “viên thành thật” xa lìa tính “y tha khởi” và tính “biến kế chấp” được pháp vô sinh nhẫn, đó là thứ nhất”.

    Quan sát kỹ mười phương đều duy thức, nghĩa là các tướng trong mười phương đều do nơi nội thức biến hiện. Nhân tướng mà đạt tính, tính vốn viên minh, chứng vào tính viên mãn sáng suốt thì tất cả danh tướng nhân duyên rõ ràng không thể có, là lìa “tính y tha khởi”. Chứng vào tính viên mãn sáng suốt, thì tất cả ngã, pháp phân biệt nói năng đều hết, là lìa được “tính biến kế chấp”, cả hai đều xa lìa, chỉ một tính viên thành bảo giác, ấy gọi là pháp vô sinh nhẫn.




  3. #143
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 5 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN XXVI: DO KIẾN ĐẠI CHỨNG VIÊN THÔNG

    Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử


    Kinh Pháp Hoa Văn Cú nói: “Đại Thế Chí là người có thế lực lớn”. Kinh Tư Ích nói: “Chỗ tôi bước chân, chấn động ba ngàn Đại thiên thế giới, và các cung điện của Ma, nên gọi là Đại Thế Chí”. Trong Quán Kinh nói: “Dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp tất cả khiến cho xa rời nơi tam đồ, được sức vô thượng. Thế nên Bồ-tát ấy hiệu là Đại Thế Chí”.

    Cùng với năm mươi hai vị Bồ-tát đồng tu một pháp môn liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật và bạch Phật rằng: “Con nhớ hằng sa kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Lúc ấy mười hai đức Như Lai tiếp tục ra đời trong một kiếp. Đức Phật rốt sau hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang.

    Đức Phật kia dạy con tu pháp: “Niệm Phật tam-muội”. Thí như có hai người, một đàng chuyên nhớ, một đàng chuyên quên, thì hai người ấy dù gặp cũng là không gặp, dù thấy cũng là không thấy.


    Chuyên nhớ, dụ như Phật nhớ chúng sinh. Chuyên quên, dụ như chúng sinh không nhớ Phật. “Dù gặp cũng không gặp, dù thấy cũng không thấy” nghĩa là người ấy ở nơi Phật mà nhất định không gặp Phật; còn nói dù có gặp Phật, bởi do Phật thường nhớ chúng sinh vậy.

    Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ khắc sâu vào tâm niệm, thì đồng nhau như hình với bóng, cho đến từ đời nay sang đời khác, không bao giờ cách xa nhau.

    “Đồng như hình với bóng, không bao giờ cách xa nhau”, do thấy chúng sinh và Phật đồng nguồn, tuy nhớ nghĩ có xa cách mà niệm tướng vẫn thông lưu, khí phần tự hợp.

    Mười phương Như Lai thương tưởng chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn tránh thì tuy có nhớ nào có ích gì. Nếu con nhớ mẹ, như khi mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con không cách xa nhau. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật, tưởng Phật, thì hiện nay hoặc về sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa thì không cần phương tiện, tự tâm được khai ngộ”.

    Tâm ngộ, tâm mê cũng như mẹ với con. Bản ngộ (tính sẵn có) như mẹ, chưa ngộ như con. Nếu huân tập bản ngộ thì mỗi niệm đều bày hiện tính giác, như mẹ nhớ con. Trái tính giác hợp với trần lao, niệm niệm vọng dời, như con trốn tránh mẹ. Nếu vọng niệm (tình) không sinh, quản quán tự tâm thì tự chứng được bản giác, như con nhớ mẹ, vừa thấy thì đã thầm hợp. Hiện tiền thấy Phật ai là người khéo thừa đương? Tương lai thấy Phật lầm qua không phải ít! Nên nói là cách Phật không xa, chẳng cần phương tiện chỉ bày cho người niệm Phật. Ý chỉ lời này rất thấm thiết vậy.

    Như người ướp hương thì thân thể có mùi thơm. Đây gọi là hương quang trang nghiêm.

    Đây là dụ cho niệm Phật cách Phật không xa, như lấy “năng niệm” trang nghiêm “sở niệm”. Bản hương do huân tập mà phát sinh, nên gọi là Hương Quang.

    Căn bản tu nhân của con là dùng tâm niệm Phật, mà vào pháp vô sinh nhẫn. Nay ở cõi này (Ta-bà) tiếp dẫn người niệm Phật về cõi Tịnh Độ.

    Dùng tâm niệm Phật, niệm Phật tự tâm, tâm Phật đều quên, đồng pháp giới tính. Đây là pháp vô sinh nhẫn. Một người đã như vậy, cả thế giới đều như vậy, đồng một pháp thân lẫn nhau tiếp lấy. So nhân mà biết quả. Pháp nhĩ là như thế.

    Nay Phật hỏi về viên thông, con không lựa chọn chỉ thu nhiếp sáu căn tịnh niệm liên tục được vào Tam-ma-địa, đó là thứ nhất”.

    Nhất niệm gồm thu nhiếp sáu căn, gồm thu nhiếp sáu căn đều chung về một niệm. Niệm niệm liên tục không có niệm khác, tức là vào Tam-ma-địa. Chính là ở tại đương nhân tự biết tự nhận. Khuôn mẫu và phép tắc của Phật xưa, nếu nhận thì không xa vậy.

    Khắp xem chỗ nói về nhập Tam-ma-địa của chư Thánh, há chẳng phải là ba thứ căn, trần, thức mà chính tột cả mười tám giới đều thành Tam-ma-địa. Trong hai lăm vị Thánh, không phân Đại thừa, Tiểu thừa, Quyền giáo, Thật giáo đồng nhất chứng ngộ, thì Đại thừa, Tiểu thừa, Quyền giáo, Thật giáo, đều vào Tam-ma-địa. Nên biết, mê thì mười tám giới sờ sờ, Đại thừa, Tiểu thừa, Quyền giáo, Thật giáo đều rõ ràng, ngộ thì pháp pháp đều viên thông, người người đều viên mãn. Kinh Lăng Nghiêm Phật vì hàng Thanh văn mà mở bày chỉ dạy, người biết thì dẫn “quyền” vào “thật” dẫn “biệt” về “viên”, mà chẳng biết rằng ngầm gởi cái “thật” nơi “quyền”, chỉ cái “viên” nơi “biệt”, ý chỉ lại càng sâu xa và huyền diệu. Như nói “Cái thấy và cảnh vật bị thấy (kiến dữ kiến duyên) đều là tướng của vọng tưởng, như hoa đốm hư không, vốn không thật có. Cái thấy và cảnh vật bị thấy đó, nguyên là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, làm sao trong ấy lại có cái phải và chẳng phải”. Đây là nghĩa dẫn “quyền” vào “thật”, dẫn “biệt” về “viên”. Đến chỗ lựa căn viên thông thì rõ ràng là xả viên dung (Đốn ngộ) mà riêng nói về hành bố (Tiệm tu). Chính là chân tục lẫn bày, đồng khác đều thấy rõ.

    Tôi lấy làm lạ, xưa nay các nhà sớ giải vẫn chia riêng nơi chư Thánh, ắt thẩm xét chỗ chư Thánh từ đâu đến để tiến tu, mà khư khư hạn cuộc nơi vị trí ấy; cũng như người đến nước Tần mà xoay mặt (đầu) về nước Việt. Xin chờ bậc thức giả xác định sẽ phán đoán việc ấy thế nào vậy.





  4. #144
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN XXVII: DO NHĨ CĂN CHỨNG VIÊN THÔNG

    CHI 1: THUẬT LẠI NHÂN TU


    TIẾT A: GẶP PHẬT VÂNG LỜI CHỈ DẠY

    Khi ấy Bồ-tát Quán Thế Âm.


    Tiếng Phạn là “A-na-bà-lâu-kiết-để-luân", Trung Hoa dịch là “Quán Thế Âm”. Trong kinh Pháp Hoa Đức Như Lai giải thích rằng: “Nếu có chúng sinh bị khổ não, nhứt tâm xưng danh hiệu, Quán Thế Âm Bồ-tát quán nghe âm thanh kia tức liền được giải thoát”. Đây là tỏ bày do lòng Đại bi mà thành tựu, nên hay nhất tâm xưng danh hiệu, Bồ-tát liền nghe, nghe tức liền giải thoát, cảm ứng tự nhiên, không quan hệ nơi tâm niệm. Bản kinh (Phổ Môn) Bồ-tát tự giải thích rằng: "Do tính nghe của tôi tròn sáng cả khắp mười phương, nên cái tên Quán Thế Âm khắp cả mười phương cõi nước. Lại do nhân tu của tôi, tại trong tính nghe phát ra bản tính Diệu Minh, viên chiếu cả mười phương”. Chữ “nghe” mà gọi là “quán” là bởi vì theo cái nghe mà thoát ra ngoài nhĩ căn, ngưng tụ nơi tâm và mắt, nên đối với quả môn cũng hay quán xét âm thanh của chúng sinh; căn môn đều lẫn dùng vậy.

    liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, con nhớ vô số hằng hà sa kiếp về trước có Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm, từ đức Phật kia con phát tâm Bồ-đề. Đức Phật kia dạy con do từ nghe (văn) suy nghĩ (tư) và tu mà vào Tam-ma-địa”.

    “Văn”, sánh ngang với bậc Thập tín trong kinh Hoa Nghiêm; “Tư" sánh ngang bậc Thập trụ; “Tu” sánh ngang với bậc Thập hồi hướng, Thập hạnh và Thập địa. Bởi do Thập tín gốc từ nghe mà hiểu, thành tựu được tín tâm đầy đủ mới bắt đầu vào Thập trụ. Trụ thì an trụ tự tâm phát tuệ căn bản rồi sau mới khởi Thập hạnh, Thập hồi hướng và Thập địa cho đến Kim Cang Tam-muội, ấy là Tam-ma-địa vậy.

    TIẾT B. – VÂNG LỜI DẠY MÀ THÀNH TỰU CHỨNG NGỘ

    Ban đầu ở trong tính nghe, vào được dòng liền quên tướng bị nghe. Trần tướng đã vắng lặng thì hai tướng động và tịnh rõ thật không sinh.


    Câu “ban đầu ở trong tính nghe”, tức là chỉ cho tính nghe. Ban đầu quán tính nghe, chính là vào được dòng Viên Thông. Bởi do sáu căn dong ruổi theo sáu trần, đó là không theo dòng, mà quán trở lại căn tính, nên gọi vào được dòng Viên Thông. Khi được vào dòng Viên Thông liền xa lìa trần cảnh, nên gọi là không còn tướng bị nghe nữa. Động, tức là theo trần cảnh; tịnh, tức là khi được vào dòng Viên Thông. Sợ e xen dính với tướng tịnh mà ở đây chính là hiện bày đạt sâu vào căn tính thì hai tướng động và tịnh rõ thật không dính líu nhau vậy.

    Như vậy dần dần tăng tiến thêm, các tướng năng văn, sở văn đều hết.

    Trên là dẹp cảnh, do động tịnh hai tướng đều thuộc về cảnh. Động tịnh không dính, chỉ một căn tính chân thật. Đây chính là dẹp căn, hội về tạng tâm của Như Lai thì năng sở đều hết vậy.

    Không dừng lại chỗ dứt hết năng văn, sở văn mà tiến lên nữa, thì năng giác sở giác đều không.

    Gốc cái nghe đã tột, nhưng sợ e trụ nơi tuệ giác nên nói, không dừng lại chỗ dứt hết năng văn sở văn, chứ chẳng phải chẳng trụ ở nơi dứt hết cái nghe. Xét về nếu có “năng giác”, tức là có “sở giác”. Cái giác đó sở dĩ không thể thường diệu nên Bồ-tát đối với việc này tự biết chuyển ngôi vị. Nên nói: “Năng giác sở giác đều không”.

    Không giác tột bực viên mãn nên các tướng năng không, sở không đều diệt.

    Cái không ở trước là tuệ giác. Bởi để bày rõ cơ duyên thay đổi ngôi vị, hiển ra bản giác tột bực chân không viên mãn nhiệm mầu. Ở đây lại nói: “Các tướng năng không sở không đều diệt”, chính là nói rõ ý chỉ này, chẳng phải có các tướng năng không sở không mà có thể diệt vậy.

    Sinh diệt đã diệt thì bản tính tịch diệt hiện tiền.

    Xét về tướng động tịnh hết, cái nghe cũng không còn. Cái tuệ giác không tướng, không diệt, là tướng sinh diệt đã diệt, thì tính chân tịch diệt Như Lai tàng rõ ràng thường trụ. Nên nói rằng: “Bản tính tịch diệt hiện tiền”, là Niết-bàn diệu tâm. Bồ-tát y nơi đây mà vào Tam-ma-địa, mười phương Như Lai y nơi đây mà chứng Đại Niết-bàn, nên không có đường tẻ vậy.

    Ở đây, ban đầu ở trong tính nghe, cho đến bản tính tịch diệt hiện tiền, ngài Trường Thủy và ngài Cô Sơn đều phân chia và phối hợp với tam tuệ: Văn, Tư và Tu; đối với lý thì không ngại, bởi do Bồ-tát nêu chung, do văn, tư và tu mà vào Tam-ma-địa, xét về văn có thể rõ. Song riêng tôi (Hàm Thị) cho rằng chẳng cần phải phân chia như vậy. Nghĩa là do căn tính phát minh, ban đầu quán sở văn mà rõ căn tính để hiển bày tính nghe sáng suốt và thấu triệt, kế ắt phải hết cái giác và dẹp trừ cái không để hiển tột bực tính giác nhiệm mầu viên mãn. Đây là tri kiến Phật, nhân tức gồm trong quả; cái ban đầu hẳn thấu triệt cái rốt sau. Nếu tiến tu mau hay chậm phải có thời tiết, nhưng pháp thì vốn viên thông; căn cơ không phải khắc định hoặc tiệm, hoặc đốn, hoặc lẫn thấy có trước sau, hoặc đồng thời khắp xem, vẫn chưa có thể một phen so sánh được. Vả lại Bồ-tát tự trình bày ra, cũng chính vì đương thời đã trải qua, hoặc như đối với căn cơ ngày nay, hẳn ước định trước phải được nhân không rồi sau mới dẹp trừ pháp chấp, chỉ khiến cho phân rõ văn trên, in tuồng như không phải chọn lựa pháp tu. Tôi tạm nêu ra để trông chờ kẻ tri âm vậy.


    Lần sửa cuối bởi vietlong; 03-28-2020 lúc 11:26 AM

  5. #145
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN XXVII: DO NHĨ CĂN CHỨNG VIÊN THÔNG


    CHI 2. – TRÌNH BÀY KẾT QUẢ TU ĐỨC

    TIẾT A.- ĐƯỢC QUẢ ĐỨC

    Bỗng nhiên siêu vượt thế và xuất thế gian, mười phương tròn sáng được hai pháp thù thắng. Một là trên hợp với Bản Giác Diệu Tâm của Phật, cùng với Phật Như Lai đồng một từ lực; hai là dưới hợp với tất cả lục đạo chúng sinh trong mười phương, cùng với các chúng sinh đồng một bi ngưỡng.


    Đoạn trên đã viên mãn tính giác, đoạn này mới từ tính giác mà khởi dụng. Lại nói, “hợp với bản giác diệu tâm”, chẳng phải nói lúc này mới hợp, mà bản giác Diệu tâm đó nguyên chúng sinh cùng với Phật đồng một thể. Nay cùng với chư Phật đồng một thể, nên hay đồng một từ lực. Tức cùng chúng sinh đồng một thể, nên hay đồng một bi ngưỡng. Bi ngưỡng nghĩa là chúng sinh bi ngưỡng cũng do giác tâm huân tập, tự sinh bi ngưỡng và cũng do sức từ chiêu cảm, khiến sinh bi ngưỡng, chỉ đồng một bi ngưỡng cũng hiển bày sức từ vậy.

    TIẾT B. – HIỂN BÀY DIỆU DỤNG

    TIẾT B1 – BA MƯƠI HAI ỨNG THÂN

    - NÊU CHUNG

    Bạch đức Thế Tôn, do con cúng dường đức Quán Thế Âm Như Lai, nhờ ngài truyền thọ cho con Chính Định Kim Cang như huyễn, văn huân, văn tu mà được cùng với Như Lai đồng một từ lực, nên làm cho thân con thành ba mươi hai ứng thân vào các cõi nước.


    Thông đạt được tất cả các pháp như huyễn, nên hay dứt hết các duyên trở lại căn tính. Do nghe suy nghĩ và tu mà thành tựu được như huyễn Kim Cang Tam-muội, cũng nói là như huyễn Tam-muội. Như huyễn Kim Cang Tam-muội này, là chỗ hàng Thập địa về sau chứng được. Chẳng ngoài trí tuệ giác ngộ chính chơn, dụ như Kim Cang không thể phá hoại mà hay phá hoại tất cả phiền não, trang nghiêm mình và mọi người, khởi dụng như huyễn, biến hóa cõi nước, chẳng động đạo tràng, tùy cảm mà ứng. Nên ba mươi hai ứng thân đều do chỗ cảm của chúng sinh tự nhiên mà ứng hiện, chẳng phải thật có thân vào.



  6. #146
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    HIỆN THÂN CÁC BẬC THÁNH

    + HIỆN THÂN PHẬT

    Bạch Thế Tôn, nếu các Bồ-tát vào Tam-ma-địa tấn tu vô lậu, thắng giải hiện đã viên mãn, con hiện thân Phật mà vì họ thuyết pháp, khiến cho được giải thoát.


    Đã vào Tam-ma-địa, vẫn phải nhờ sự tấn tu, thì vẫn còn trệ nơi thắng giải. Đây chính là nói tột cái mê lầm về phần phân biệt vi tế, nên Bồ-tát vì họ hiện thân Phật khiến cho được giải thoát. Bồ-tát Quán Thế Âm là Cổ Phật thuở quá khứ. Vì lòng đại bi nên lui địa vị Phật mà quyền hiện Bồ-tát. Đây tuy thuật lại cái nhân đã qua, mà đâu chẳng phải là đương thời nhất sinh bổ xứ? Ngài Trường Thủy vẫn nói, lên hàng Thập trụ đã lâu nên hay hiện quả vị trên. Cho đến các nhà sớ giải thích lăng xăng cũng là việc khá lạ lùng vậy.

    + HIỆN THÂN ĐỘC GIÁC.

    Nếu các hàng hữu học được pháp diệu minh vắng lặng, chỗ thắng diệu đã viên mãn, con ở trước người ấy hiện thân Độc giác vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được giải thoát.


    Độc giác, chán chỗ ồn náo ưa chỗ vắng lặng, cầu trí tuệ tự nhiên. Nên nói rằng tính Diệu Minh vắng lặng. Hiện thân Độc giác ở đây là vì thị hiện đồng sự mà thật ra dùng Phật thừa để thầm khiến cho được giải thoát. Bồ-tát bí mật ở bên trong (nội bí) phần nhiều xuất hiện ở đây vậy.

    + HIỆN THÂN DUYÊN GIÁC.

    Nếu các hàng hữu học đoạn mười hai nhân duyên, do các nhân duyên đã đoạn mà phát ra thắng tính và thắng tính đó hiện viên mãn, con ở trước người ấy hiện thân Duyên giác vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được giải thoát.


    Bích Chi, nói đủ là “Bích-chi-ca-la”, Trung Hoa dịch là “Độc giác”, cũng dịch là “Duyên giác”. Ngài Trường Thủy nói: “Vị trước (Bích-chi) chỉ mình tự ngộ đạo, vị này (Duyên giác) nương nơi giáo lý mới được ngộ, là do quán mười hai nhân duyên theo hai chiều lưu chuyển và hoàn diệt; do hai pháp quán mà đoạn được các duyên, thắng tính hiện bày. Nghĩa là thắng tính do đoạn các duyên mà hiện ra vậy”.

    + HIỆN THÂN THANH VĂN.

    Nếu các hàng hữu học được pháp không của Tứ đế, tu đạo và diệt đế thắng tịnh hiện ra viên mãn, con ở trước người kia, hiện thân Thanh văn mà vì họ thuyết pháp khiến cho được giải thoát.


    Biết khổ, đoạn tập, tu đạo, chứng diệt. Đây là pháp tu của hàng Thanh văn, nhưng Đại thừa đều có. Pháp Tứ đế của hàng địa thượng trong kinh Hoa Nghiêm là thuộc về Viên giáo. Kinh Niết-bàn vì hàng Nhị thừa nói pháp Tứ đế gồm chỉ lý chân thật. Ở đây khiến được giải thoát là cũng nhân nơi tập quán cũ mà riêng ngụ ý đã được viên dung, chẳng phải vì để thành tựu cho hàng Thanh văn. Do ở trước nói hiện bày viên mãn, đều là tự chỗ kỳ hẹn của họ. Bởi khi sắp chứng, là chỉ cho chưa chứng, nên gọi là hữu học.



  7. #147
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    - HIỆN THÂN LỚN

    + HIỆN THÂN PHẠM VƯƠNG

    Nếu các chúng sinh muốn tâm được tỏ ngộ, không phạm vào cảnh ngũ dục và muốn cho thân được thanh tịnh, con ở trước người kia hiện thân Phạm Vương mà vì họ nói pháp, khiến cho được giải thoát.


    “Đại Phạm” là cõi trời thứ ba trong quả Sơ thiền. Kinh Kim Quang Minh nói: “Đại Phạm Thiên Vương” là rút ra ở trong Dục Luận. Hiện thân Phạm Vương, ở đây là thị hiện ở cõi phương tiện. Bởi căn cứ nơi tâm tham muốn ngũ dục được tỏ ngộ, khuyến dụ tiến lên liền trở về lý chân thật. Nếu thật báo thân của Phạm Vương thì ra khỏi ngũ dục chỉ thành pháp tịnh.

    + HIỆN THÂN ĐẾ THÍCH

    Nếu các chúng sinh muốn làm Thiên chủ thống lãnh chư Thiên, con ở trước người kia hiện thân Đế Thích mà vì họ thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.


    Đây là do chúng sinh tu mười điều lành mà hiện làm thân Đế Thích, vì họ nói sự cao thượng và nhiệm mầu của pháp Thập thiện để thành tựu được chính nhân, chứ không phải chỉ thành tựu được báo thân cõi trời. “Đế Thích” là cõi trời thứ hai trong Dục giới. “Thích”, Trung Hoa dịch là “Năng” (hay). Do hay hàng phục được A-tu-la. “Đế”, là chúa trong ba mươi hai cõi trời. Đế Thích là gồm cả tiếng Trung Hoa và tiếng Phạn vậy.

    + HIỆN THÂN TRỜI TỰ TẠI

    Nếu các chúng sinh muốn thân được tự tại, dạo đi khắp mười phương, con ở trước người kia hiện thân trời Tự Tại mà vì họ thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.


    “Trời Tự Tại” tức là ở trên đảnh cõi trời Dục giới. Tiếng Phạn là “Đề-bà-bạt-đề”, Trung Hoa dịch là “Tha Hóa Tự Tại Thiên”. Nhờ người khác làm để tạo thành cái vui cho mình, tức là Ma vương. Hoặc nói trên Lục Dục Thiên, riêng có cung ma cũng nhiếp thuộc về Tự Tại Thiên.

    + HIỆN THÂN TRỜI ĐẠI TỰ TẠI

    Nếu các chúng sinh muốn thân tự tại, bay đi trong hư không, con ở trước người kia hiện thân trời Đại Tự Tại mà vì họ thuyết pháp khiến cho được thành tựu.


    Trong Biệt Hành nói: “Đại Tự Tại tức là Ma Hê Thủ La Thiên trên đảnh cõi trời sắc giới”. Kinh Hoa Nghiêm gọi “Sắc Cứu Cánh Thiên”. Luận Trí Độ nói: “Qua cõi Tịnh Cư Thiên, có Bồ-tát Thập trụ hiệu là Đại Tự Tại”. Kinh Thập Trụ nói: “Trời Đại Tự Tại có hào quang sáng thù thắng hơn tất cả chúng sinh". Kinh Niết-bàn hiến cúng trời Đại Tự Tại là tối thắng. Ngài Thanh Lương nói: “Trong ba thừa lập đây là cõi tịnh, là chỗ ở của báo thân. Ước về thật thì hàng Thập địa Bồ-tát nhiếp thuộc kết quả của báo thân, phần nhiều làm chúa cõi kia vậy”.

    + HIỆN THÂN THIÊN ĐẠI TƯỚNG QUÂN

    Nếu các chúng sinh ưa thống lãnh quỉ thần, cứu hộ cõi nước, con ở trước người kia hiện thân Thiên Đại Tướng Quân mà vì họ thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.


    “Thiên Đại tướng Quân" tức là tướng thần của trời Đế Thích. Lại Tứ Thiên Vương mỗi vị đều riêng có tám vị tướng mà Vi Đà là thượng thủ. “Cõi nước” tức là cõi nước trong bốn châu.

    + HIỆN THÂN TRỜI TỨ THIÊN VƯƠNG

    Nếu các chúng sinh ưa thống lãnh thế giới bảo hộ chúng sinh, con ở trước người kia hiện thân Tứ Thiên Vương mà vì họ thuyết pháp khiến cho được thành tựu.


    Tứ Thiên Vương là cõi trời thứ nhất trong Dục giới, nơi núi Tu-di, mỗi vị đều ở một bên. Kinh Kim Quang Minh nói: Tứ Thiên Vương bạch Phật rằng: “Tứ Thiên Vương chúng con, hai mươi tám bộ và trăm ngàn quỉ thần dùng thiên nhãn thanh tịnh thường quán xét để ủng hộ cõi Diêm-phù-đề này, thế nên chúng con có tên là Chủ hộ thế”.

    + HIỆN THÂN THÁI TỬ TỨ THIÊN VƯƠNG

    Nếu các chúng sinh ưa sinh thiên cung để sai khiến quỉ thần, con ở trước người kia hiện thân thái tử con của Tứ Thiên Vương vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.


    Kinh Đại Kiết Nghĩa nói: “Tứ Thiên Vương hộ thế, mỗi vị đều có chín mươi mốt người con, nhan mạo đoan chính có thế lực lớn đều gọi là vua. Bốn vị Thiên Vương hợp lại có ba trăm sáu mươi bốn người con, hay ủng hộ mười phương”.



  8. #148
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    HIỆN THÂN NGƯỜI

    + HIỆN THÂN NHÂN VƯƠNG

    Nếu các chúng sinh ưa làm Vua trong cõi người, con ở trước người kia hiện thân Vua, vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.

    Vua trong cõi người có năm dòng là bốn vị Chuyển Luân Vương và một vị “Túc Tán”, nghĩa là như nhiều hạt lúa mà đem rải ra. Kim Luân Vương có bốn thiên hạ, Ngân Luân Vương có ba thiên hạ, Đồng Luân Vương có hai thiên hạ, Thiết Luân Vương có một thiên hạ. Túc Tán tức là trong tứ thiên hạ, mỗi vị đều phân ra bang thổ để giáo dục nhân dân. Năm vị vua đều do tu pháp “Thập Thiện”, có sâu cạn mà nghiệp báo cũng có trọng cũng có khinh. Cũng có các vị Bồ-tát thị hiện để hộ trì chính pháp dẫn dụ sách tấn thiên hạ, đối với chính trị của nước ấy có thể nghiệm biết.


    Kinh Đại Tập nói: "Vị quốc vương hộ pháp làm tăng trưởng ba thứ tịnh khí: 1/Địa tinh khí, nghĩa là năm giống lúa (ngũ cốc) sung túc. 2/ Chúng sinh tinh khí, nghĩa là dung mạo đoan nghiêm, không có các bệnh tật. 3/Thiện khí tinh khí, nghĩa là tu giới, tu thí, tu tín v.v…

    + HIỆN THÂN TRƯỞNG GIẢ

    Nếu các chúng sinh thích làm chủ trong gia đình danh tiếng, người đời kính nhường, con đối trước người kia hiện thân Trưởng giả vì họ mà thuyết pháp khiến được thành tựu.


    Kinh Pháp Hoa văn cú nói: “Trưởng giả có mười đức: 1/ Dòng họ cao quí: con cháu thời Tam Hoàng Ngũ Đế gia đình quyền quí. 2/ Vị cao: làm chức phụ bật Thừa Tướng, Diêm Mai, A Hoành. 3/ Giàu lớn: có những thứ đồng lăng, kim cốc, giàu có xa xỉ. 4/ Nhiều uy quyền: có uy quyền thì “nghiêm sương giáng trọng” việc không sửa sang mà vẫn thành. 5/ Trí sâu: trí tuệ đầy hông, như Võ Khố, quyền lạ siêu vượt. 6/ Nhiều tuổi: tóc bạc mà oai phong, vật nghi nép phục. 7/Hạnh trong sạch: hạnh như ngọc trắng không dấu vết, việc làm như lời nói. 8/Lễ đầy đủ: lễ thì tiết độ, chừng mực, đủ để cho người đời chiêm ngưỡng. 9/Trên khen: làm người bậc trên thì được mọi người kính mến. 10/Dưới hướng về: làm kẻ dưới thì bốn biển đều hướng về. Trong hợp với mười món công đức của Như Lai.

    + HIỆN THÂN CƯ SĨ

    Nếu có chúng sinh thích đàm luận những lời hay, giữ mình trong sạch, con ở trước người kia hiện thân Cư sĩ, vì họ mà thuyết pháp khiến cho thành tựu.


    Kinh Tịnh Danh nói: “Nếu còn làm Cư sĩ, là kẻ tôn quí trong hàng cư sĩ, đoạn sạch lòng tham nhiễm”. Ngài La Thập nói: “Làm người bạch y ở nước ngoài có nhiều tài sản giàu có an vui gọi là Cư sĩ, như ông Tu-đạt, ông Duy-ma- cật đều là hàng Trưởng giả làm Cư sĩ ở Tây Vực. Như ở phương này (Trung Quốc) có ông Bàng Uẩn.

    + HIỆN THÂN TỂ QUAN

    Nếu các chúng sinh ưa trị cõi nước, chia đoán các bang, các ấp, con ở trước người kia hiện làm thân Tể Quan vì họ mà thuyết pháp khiến cho thành tựu.


    Trong Biệt Hành nói: “Tể có nghĩa là chủ; Quan nghĩa là công năng. Ba vị quan do công năng giúp việc chính trị cho nhà vua nên gọi là Tể Quan. Quận Ấp cũng gọi là Tể Quan, sửa đổi nhân dân”. Kinh Tịnh Danh nói: “Nếu ở trong bậc đại thần là người tôn quí trong hàng đại thần, dùng chính pháp để giáo hóa”.



  9. #149
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    + HIỆN THÂN BÀ LA MÔN

    Nếu các chúng sinh thích các số thuật (coi bói) tự mình nhiếp tâm giữ thân, con ở trước người kia hiện thân Bà-la-môn vì họ mà thuyết pháp, khiến cho thành tựu.


    “Bà-la-môn”, Trung Hoa dịch là “Tịnh Hạnh”. Kinh Tịnh Danh nói: “Nếu ở trong dòng Bà-la-môn là hàng tôn quí trong dòng Bà-la-môn để trừ bệnh ngã mạn cho họ”. Ngài La Thập nói: “Học vấn nhiều, cầu tà đạo, tự ỷ có trí tuệ, kiêu mạn tự tại, nên gọi là Bà-la-môn”. Triệu Pháp sư nói: “Lời nói của người nước Tần ngoài ý, chủng tộc của họ riêng có kinh sách truyền nhau đời đời, lấy Đạo học làm sự nghiệp”. “Số thuật”, chẳng những bói toán coi ngày coi giờ mà tất cả nói về huyền, bàn về lý chẳng hợp với Chính đạo đều gọi là số thuật. Nên phàm bàn dẫn chấp giữ kiên cố để thành tựu lý thuyết kia đều nói là nhiếp giữ, cũng không phải Chính phương pháp điều dưỡng vậy.

    - HIỆN THÂN HAI CHÚNG XUẤT GIA

    + HIỆN THÂN TỲ KHEO

    Nếu có người nam ưa hạnh xuất gia, giữ các giới luật, con ở trước người kia hiện thân Tỳ-kheo vì họ mà thuyết pháp khiến cho thành tựu.


    Tiếng Phạn “Thi-la”, Trung Hoa dịch là “Giới”. Tiếng Phạn “Tỳ Ni”, Trung Hoa dịch là “Luật”. Giới của Tỳ-kheo, gồm có hai trăm năm mươi điều.

    + HIỆN THÂN TỲ KHEO NI

    Nếu có người nữ ưa theo hạnh xuất gia, giữ gìn các giới cấm, con ở trước người kia hiện thân Tỳ-kheo Ni vì họ mà thuyết pháp khiến cho thành tựu.


    Giới của Tỳ-kheo Ni có cả thảy năm trăm điều. “Ni”, Trung Hoa dịch là “Nữ”, tức là người nữ làm Tỳ-kheo vậy.



  10. #150
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 6 PHẦN 1
    __________________________________________________ ______________________________________


    - HIỆN THÂN HAI CHÚNG TẠI GIA

    + HIỆN THÂN ƯU BÀ TẮC

    Nếu có người nam ưa giữ năm giới, con ở trước người kia hiện thân Ưu-bà-tắc vì họ mà thuyết pháp khiến cho thành tựu.


    Năm giới nghĩa là: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. “Ưu-bà-tắc”, Trung Hoa dịch là “Cận-sự-nam”.

    + HIỆN THÂN ƯU BÀ DI

    Nếu có người nữ tự giữ gìn năm giới, con ở trước người kia hiện thân Ưu-bà-di vì họ mà thuyết pháp, khiến cho thành tựu.


    “Ưu-bà-di”, Trung Hoa dịch là “Cận-sự-nữ”. Chung cả người nam ở trên gọi là hai chúng tại gia, mới kham gần gũi Đại Tăng. Kinh Tịnh Danh Sớ nói: “Phương này (Trung Hoa) gọi là Thanh Tịnh Sĩ, Thanh Tịnh Nữ”.

    - HIỆN THÂN NỮ CHÚA

    Nếu có người nữ, lập thân trong nội chính để tu sửa nhà nước, con ở trước người kia hiện thân Nữ Chúa, hay thân Quốc phu nhân, Mệnh phụ, Đại cô vì họ mà thuyết pháp khiến cho thành tựu.


    “Nội chính”, như Hậu Phi của vua Văn Vương có đức lớn giáo hóa người. “Nữ chúa”, tức chỉ cho hậu phi của vua. Vợ của bậc chư hầu gọi là “Quốc Phu Nhân”. Vợ của Đại phu nhận lãnh mệnh lệnh của nước nên gọi là “Mệnh Phụ”. “Đại Cô”, như vợ của Tào Thế Thúc. Hoàng hậu, Quí nhân đều là những người có tài đức, nên gọi là “Đại Cô”.

    - HIỆN ĐỒNG THÂN

    + HIỆN THÂN ĐỒNG NAM

    Nếu có chúng sinh không phá nam căn, con ở trước người kia hiện thân đồng nam vì họ mà thuyết pháp khiến cho được thành tựu.


    Không phá nam căn, nghĩa là từ nhỏ đến lớn không phạm dâm dục. Đây cũng chính là người phát tâm tu phạm hạnh, hồi hướng về pháp xuất thế.

    + HIỆN THÂN ĐỒNG NỮ

    Nếu có người nữ trinh bạch (Xử Nữ) ưa thích thân trinh bạch, không cầu xâm phạm, con ở trước người kia hiện thân đồng nữ vì họ mà thuyết pháp, khiến cho được thành tựu.


    “Xử Nữ” tức là người nữ ở trong khuê các, cũng là tên gọi của người phụ nữ chưa có chồng, ưa thích thân xử nữ, nguyện suốt đời không lấy chồng, không theo sự xâm bạo. Đây đều là người có ý chí vì đạo, đối với trong giáo pháp của Phật gọi là Đồng Chân vào đạo.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thầy THÍCH THANH TỪ, Thầy cũ của Thích Chân Quang lên tiếng
    Gửi bởi lamebay trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2019, 01:25 PM
  2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm _ Thiền sư Thích Từ Thông giảng!
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 3
    Bài cuối: 09-09-2016, 03:44 PM
  3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 587
    Bài cuối: 03-05-2016, 05:36 PM
  4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Đại sư Pháp Vân giảng)
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 151
    Bài cuối: 09-08-2015, 11:04 AM
  5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Kinh
    Trả lời: 13
    Bài cuối: 06-30-2015, 06:40 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •