DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 10/27 ĐầuĐầu ... 8910111220 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 91 tới 100 của 264
  1. #91
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN VI
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN VI

    CHỈ BA TƯỚNG KẾT QUẢ TIẾP NỐI

    CHI 2. TƯỚNG KẾT QUẢ CHÚNG SINH TIẾP NỐI

    Lại nữa Phú-lâu-na! Cái minh vọng không phải gì khác, mà do giác minh hóa ra lầm lỗi, cái sở minh hư vọng đã lập thì cái phạm vi của năng minh không thể vượt khỏi được.


    Cái minh mà cho là vọng, chẳng phải gì khác, nghĩa là cái giác không phải sở minh, mà bị lỗi vì lấy cái giác làm sở minh. Cái sở minh hư vọng đã lập thì cái “minh” bị cái “sở” giới hạn, nên gọi là phạm vi của năng minh không thể vượt khỏi được. Cái thấy nghe hiểu biết ở văn sau chính do đây mà phân chia.

    Do nhân duyên ấy, mà nghe không ngoài tiếng, thấy không ngoài sắc; sáu thứ vọng sắc, hương, vị, xúc vv… thành lập, do đó mà phân chia ra có thấy nghe, hiểu biết.

    Do vô minh vọng động mà có “kiến phần” tức là có tướng phần. Tướng là căn trần lại dẫn dắt kiến phần lấy đó làm chỗ phát huy cho các thức. Tức ngay nơi sáu căn đối với trần vọng sinh phân biệt, khởi hoặc tạo nghiệp, đó gọi là sáu thứ vọng thành lập. Nên cái thấy nghe hiểu biết tuy gồm chỉ cho căn mà cũng đủ cho các thức.

    Đồng nghiệp trói buộc lẫn nhau mà có hợp, có ly, có thành, có hóa.

    Ngài Ôn Lăng nói: “Đồng nghiệp tức là thai noãn (sinh bằng bào thai, sinh bằng trứng), nhân nơi cha, mẹ và mình, ba người đồng nghiệp, nên trói buộc dính mắc lẫn nhau mà có sinh. Hợp ly tức là loài sinh nơi ẩm ướt, và loài do biến hóa sinh ra không do nơi cha mẹ, chỉ do nghiệp riêng của mình. Hoặc hợp với chỗ ẩm ướt mà thành hình, như loài cựa động. Hoặc rời ra khác loài mà thác hóa, như chư thiên và địa ngục”.

    Cái thấy sáng tỏ thì các sắc phát ra, nhận rõ sự thấy thì thành có tư tưởng, ý kiến khác nhau (dị kiến) thành ra ghét, tư tưởng đồng nhau (đồng tưởng) thành ra yêu.

    Cái thấy sáng tỏ là trong khi thấy, trước đã thành phân biệt nhất định, nên hay nhân sắc mà phát ra. Nhận rõ sự thấy thì thành có tư tưởng. Lại nhân cái thấy sáng tỏ cùng với sắc mà khởi tư tưởng hiện hành. Minh tức là ngay khi thấy sáng; kiến tức là ngay khi sắc phát ra. Nếu (thân trung ấm) là nam thì dị kiến gọi là cha, đồng tưởng gọi là mẹ. Trong đó ghét là dị kiến, yêu là đồng tưởng. Song tất cả sự yêu ghét đều từ đây mà sinh vậy.

    Dòng ái lan ra làm thành hạt giống, thu nạp tưởng thành bào thai, giao cấu phát sinh, hấp dẫn đồng nghiệp, nên có nhân duyên sinh yết-la-lam, át-bồ-đàm vv…

    Đồng tưởng nên thành yêu mến, yêu mến do hợp với thân thể khi mới vào thai mà nói, nên gọi là hạt giống. Thu nạp tưởng là do đã vào mà nói. Đã vào thai thì luyến ái không xả, nên tăng trưởng thành thai. Năm câu: giao cấu … đều nương văn trên để chỉ rõ đồng nghiệp kia hấp dẫn. Yết-la-lam, Trung Hoa dịch là “ngưng hoạt” (dáng như mỡ). Át-bồ-đàm, Trung Hoa dịch là “bào trạng” (hình trạng như bong bóng), ở trong bào thai năm, bảy tháng mới thành. Nay chỉ nêu ra hai tháng hoặc bảy tháng là lược bớt. Ba tiết trước đều nói về tứ sinh. Ở đây cùng với tiết trên nói về thai sinh, sau mới tổng kết.

    Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hay hóa sinh, tùy chỗ của các loài ấy mà ứng hiện. Loài noãn chỉ do tưởng mà sinh; loài thai sinh nhân tình mà ứng; loài thấp sinh do hợp mà cảm; loài hóa sinh do phân ly mà hiện.

    Tùy chỗ của các loài ấy mà ứng hiện, chính là gồm cả nghiệp và tình, tưởng, hợp, ly mà nói. Bởi nói tứ sinh thì người và bàng sinh đều đủ. Noãn sinh thì tưởng, thai sinh thì tình, thấp sinh thì hợp, hóa sinh thì ly. Đây là nêu lên chỗ cảm ứng của bốn loài sinh đại khái là như vậy. Trong đó thiện ác mỗi loài đều do nghiệp mà ứng hiện, không thể khắc định.

    Khi tình, khi tưởng, khi hợp, khi ly, thay đổi lẫn nhau, nên các loài thọ nghiệp báo và theo đó mà có thăng trầm. Do nhân duyên ấy mà chúng sinh tiếp nối.

    “Thay đổi lẫn nhau”, tức trước đã nói, người và bàng sinh thì đủ tất cả bốn thứ sinh. Cho đến hoặc trước, hoặc sau, hoặc quyền hiện, hoặc thật báo, đều không thể nhất định; chỗ cảm ứng để chịu nghiệp báo kia đều tùy theo nghiệp thiện ác mà có lên xuống. Do đó mà xả thân này thọ thân khác không thôi dứt, nên gọi là tiếp nối.



  2. #92
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN VI
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN VI

    CHỈ BA TƯỚNG KẾT QUẢ TIẾP NỐI

    CHI 3. TƯỚNG KẾT QUẢ NGHIỆP BÁO TIẾP NỐI

    Phú-lâu-na, tư tưởng yêu thương ràng buộc lẫn nhau, yêu mãi không rời, do đó mà trong thế gian cha mẹ con cháu nương nhau sinh ra tiếp nối không dứt. Những việc như thế là do dục tham làm gốc.


    Dục và tham do tư tưởng thương yêu trói buộc triền miên không xả, nên có cha mẹ con cháu tiếp nối.

    Lòng tham và yêu mến đồng tăng trưởng. Tham mãi không thể dừng, nên trong thế gian các loài noãn sinh, hóa sinh, thấp sinh, thai sinh, tùy sức mạnh yếu ăn nuốt lẫn nhau. Những việc như thế, là do sát tham làm gốc.

    Sát hại cũng do lòng tham, vì yêu mến thân mạng phải nhờ bồi bổ để nuôi dưỡng thân mạng. Do đó mà mạnh yếu khống chế nhau và ăn nuốt lẫn nhau.

    Do người ăn thịt dê, dê chết làm người, người chết làm dê. Như thế cho đến mười loài chúng sinh chết sống, sống chết ăn nuốt lẫn nhau, ác nghiệp cùng sinh ra tột đời vị lai. Những việc như thế là do trộm tham làm gốc.

    Do lòng tham mới có trộm cướp, nên người ăn thịt dê. Tuy là dùng tài vật để cướp đoạt mạng nó, nhưng cũng đồng như không cho mà lấy. Đến khi người chết làm dê, dê chết làm người, sống chết ăn nuốt lẫn nhau, xoay vần không cùng tận. Đây là ước định để nói về nợ phải đền trả. Nhân người đời không biết cái tai họa của sự ăn thịt, nên lấy việc cách đời cho họ hiểu. Sát đạo đều gốc bởi lòng tham, nên phần duyên khởi của bản kinh này, nó rất là thiên trọng. Song chúng sinh do vọng minh sinh sở, sở lại sinh năng, kết làm ngã thể. Do có ngã nên sinh niệm ái trước, tăng trưởng tâm ái mà làm ngăn ngại người để lợi ích cho mình. Sát sinh và trộm cắp đều do lòng tham mà phát khởi, nên phải răn dè vậy.

    Người này mắc nợ thân mạng người kia, người kia trả nợ cũ người này. Do nhân duyên đó mà trải qua trăm ngàn kiếp thường ở trong sinh tử.

    Người này mắc nợ thân mạng người kia, nên nay người kia theo mà lấy trộm. Người kia trả nợ cũ cho người này, nên nay bị người này giết lại. Sát và Đạo hỗ trợ cho nhau, đền trả không thôi dứt. Đây là nêu chung bốn loài, chuyển kết Đạo và Sát.

    Người này yêu tâm người kia, người kia ưa sắc người này. Do nhân duyên ấy trải qua trăm ngàn kiếp thường ở trong vòng ràng buộc.

    Sắc tại nơi người này, nên nói người này yêu tâm người kia; sắc nơi người kia, nên nói người kia ưa sắc của người này. Nhân nơi yêu thích nên thường trói buộc lẫn nhau. Đây là kết lại dục tham, riêng chỉ cho nhân đạo, các loài khác lược bớt, không nên câu nệ và so sánh.

    Duy ba thứ: Sát, Đạo, Dâm là cội gốc. Do nhân duyên ấy mà có nghiệp quả tiếp nối.

    Tổng kết ba thứ, tham là cội gốc của nghiệp quả tiếp nối.



  3. #93
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN VI
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN VI

    CHỈ BA TƯỚNG KẾT QUẢ TIẾP NỐI

    CHI 4. TỔNG KẾT BA THỨ THEO THỨ LỚP ĐỔI DỜI

    Phú-lâu-na, ba thứ điên đảo tiếp nối như thế, đều do tính rõ biết sáng suốt của giác minh, nhân rõ biết mà phát ra tướng. Từ vọng thấy sinh ra núi, sông, đất liền các tướng hữu vi, thứ lớp đổi dời, nhân hư vọng này xoay vần sau rồi lại trước.


    Nguyên nhân của ba thứ tiếp nối này đều do tính rõ biết sáng suốt của giác minh, vốn là Như lai tạng nguyên không riêng có, nhân rõ biết mà phát hiện ra tướng, do đó vọng kiến sinh ra. Đây chính là nguyên do bỗng nhiên sinh ra vậy. Nhân minh mà lập sở, nên nói nhân rõ biết mà phát hiện ra có tướng. Sở đã vọng lập, thì sinh ra vọng năng, nên gọi là từ vọng kiến sinh. Do đây mà từ trong cái không đồng và khác, rõ ràng thành khác. Đây là kết lại cái nhân sinh khởi, để thấy một niệm vọng động nên mới gây ra bỗng sinh đổi dời, đã không tự tính cũng chẳng phải ngoài tâm.

    Chương này có ba điều đáng nghi:

    - Điều nghi thứ nhất: Các kinh có nêu ra ba phần: Do “tự chứng phần”, rồi sau mới có “kiến phần”, sau nữa mới có “tướng phần”. Về tam tế cũng do mê Như lai tạng, vọng có “nghiệp tướng”, rồi sau mới có “chuyển tướng”, sau nữa mới có “hiện tướng” đều là trước “năng” sau mới có “sở”. Nay Kinh này nói cái “sở minh” là trước “sở” sau “năng”. Chẳng biết rằng tính giác diệu minh, tức chính là Như lai tạng vọng làm minh giác, tức chính là vọng động nghiệp tướng. Các nhà sớ giải bỏ sót một câu “vọng làm minh giác” mà lấy nhân minh lập sở, sinh vọng năng kia. Đem so với nghiệp tướng nên ắt khởi cái nghi “trước sở, sau năng” vậy.

    - Xét về sở lập năng sinh, chính thuộc về “chuyển tướng”, mê nơi bản trụ bèn sinh dị kiến (thấy khác). Cái năng này nương sau khi vọng động mới phát ra “hiện tướng” nên có cảnh đồng khác và không đồng không khác, tiếp nối mà sinh ra. Cũng nhân giải đáp câu hỏi ba thứ (thế giới, chúng sinh, nghiệp quả) bỗng sinh ra, nên căn cứ nơi cội gốc mà nói: Nếu y theo duy thức thì khí giới căn thân đều duy nội thức biến in tuồng như có hiện tiền, một thời liền hiện, chẳng phải do thứ lớp tích tụ. Ý này nơi bốn khoa, bảy đại ở trước ẩn hiện lẫn bày, nên người phải tự ngộ, ấy là không thể soi phá vậy.

    - Điều nghi thứ hai: Thế giới đều do vọng tưởng tứ đại chủng sinh, thêm sinh ra vàng ngọc (kim) và cây cỏ (mộc), các nhà sớ giải bèn lấy “ngũ hành” để phối hợp. Xét về ngũ hành thuộc về luận thuyết của thế gian, chẳng phải chỗ Như Lai nói. Ngài Vân Thê cũng nói: “Ngài Ôn Lăng cho rằng: Vạn pháp từ ngũ hành biến hóa”. Đây là xuất xứ từ sách coi ngày, trong Kinh ít thấy nói, mà dùng tứ đại làm chính. Vả lại, kim bảo nhân chấp minh mà sinh ra, nghĩa là giữ cứng cái minh lập thành ngăn ngại, là nhiếp về địa đại. Thế của đất kém hơn nước, nên rút lên làm cỏ cây. Từ thủy đại sinh ra gọi là các tướng. Chỗ này lý có thể thông. Tình cờ có chỗ đồng nhau (các Ngài) liền dẫn luận thuyết của thế gian, đối với trong luận của các nhà sớ giải, tôi (Hàm Thị) thấy không phải ít, các thầy đều có nhận thức cao siêu, mà cố tình tùy theo thế đế, tôi đâu không thể hiểu.

    - Điều nghi thứ ba: Tính giác diệu minh cớ sao lại nói rằng vọng làm minh giác? Trong biển giác, cái gì là mê? Đã nói là tính giác, chẳng lẽ lại khởi ra vọng minh; đã có sở minh, đâu chẳng hay chướng ngại cái minh diệu kia. Cái nghi này so với hai cái nghi trên càng tế nhị hơn, chưa có ai vạch bày được! Tôi chỉ biết mà chẳng thể dùng văn tự ngôn ngữ giải thích thế nào cho rõ, cũng chỉ nói: tính giác vốn là Diệu, vốn là Minh, tự năng tự sở. Thánh nhân biết như thế, nên dùng minh trở lại diệu, diệu vốn tự minh. Phàm phu chẳng biết, theo năng sinh sở, nhân sở lập năng. Tuy nhiên, giác minh không ngại tính giác thường như vậy. Tính giác đâu có tự khác làm thương tổn cho giác minh; tính giác hẳn là minh do vọng làm minh giác. Đức Như Lai đặc biệt vì ông Mãn Từ chỉ ra, khiến tự biết rõ, cho đến ở trong ấy cũng không có thấp cao vậy.




  4. #94
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN VII
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN VII

    THUYẾT MINH GIÁC CHẲNG SINH MÊ

    CHI 1. NGHI NHƯ LAI ĐÃ CHỨNG DIỆU MINH, TẠI SAO THẾ GIỚI VẪN CÒN?

    Ông Phú-lâu-na thưa: “Nếu tính diệu giác bản diệu giác minh này cùng với tâm Như Lai không thêm không bớt, vô cớ bỗng nhiên sinh ra núi, sông, đất liền, các tướng hữu vi. Vậy đức Như Lai hiện nay đã chứng được tính diệu không minh giác, thì đến khi nào lại sinh ra núi, sông, đất liền và các tập lậu hữu vi?”.


    Đây cùng với trong kinh Viên Giác, ngài Kim Cang Tạng Bồ-tát hỏi: “Chúng sinh trong mười phương vốn thành Phật đạo, sau mới khởi vô minh, vậy các đức Như Lai chừng nào lại sinh tất cả phiền não?”. Nghi thì đồng mà ý mỗi chỗ đều có khác. Kinh Viên Giác nghi chúng sinh đã thành Phật đạo, Kinh này nghi thế giới, chúng sinh vẫn còn hiện tiền, nghĩa là chúng sinh hiện nay chẳng phải là Phật, chẳng thể gọi là đã thành; Như Lai đã chứng quả Diệu không minh giác thì thế giới không thể còn tồn tại. Cho nên biết hiện tiền nếu không liễu ngộ vẫn là pháp chấp chưa quên. Xem văn sau chỉ về người lầm phương hướng và người bệnh mắt (thấy hoa đốm trong hư không). Chỉ bỏ cái nhân lầm kia chứ phương hướng không có Nam Bắc. Nếu trị lành bệnh nhặm mắt, hoa đốm đâu phải có hay không. Núi, sông, đất liền là thế giới, hữu vi là chúng sinh, tập lậu là nghiệp quả. Trước sau nói rõ, tuy lược nhưng đều có đủ.

    CHI 2. DỤ NGƯỜI MÊ LẦM PHƯƠNG HƯỚNG KHI NGỘ CHẲNG SINH MÊ

    Phật bảo ông Phú-lâu-na: “Thí như người mê, ở trong một xóm làng, lầm hướng Nam cho là hướng Bắc, cái lầm này là nhân mê mà có hay nhân ngộ mà ra?”

    Ông Phú-lâu-na thưa: “Người mê như thế, không phải nhân mê, cũng không phải nhân ngộ. Vì cớ sao? Mê vốn không cội gốc, làm sao nói nhân mê, ngộ không phải sinh ra mê, làm sao lại nhân ngộ?”.


    Xóm làng là dụ cho Như lai tạng. Phương Nam dụ cho Diệu Minh; phương Bắc dụ cho Minh Giác; lầm là dụ cho Như lai tạng bất giác vọng động mà có nghiệp tướng. Đây là sở do khởi ra minh giác. Nhân mê tức là chỉ ở đây. Nhân ngộ là chỉ cho Như lai tạng. Gạn hỏi hai nghĩa này để hiển bày lời đáp ở sau: Cái vọng của minh giác chẳng nhân nơi Như lai tạng, bởi Như lai tạng chẳng sinh minh giác, nghĩa là “ngộ không sinh ra mê”. Lại cũng chẳng nhân bất giác vọng động, bởi Như lai tạng vốn không tự tính, minh tự sinh sở, sinh tức vô sinh, nghĩa là mê vốn không cội gốc. Lời đáp của ông Mãn Từ chính là hợp với ý Phật ở văn sau vậy.

    Phật bảo: “Người mê kia, chính khi họ đang mê, bỗng có người ngộ chỉ cho khiến họ được ngộ. Phú-lâu-na, ý ông nghĩ sao? Người ấy dẫu cho mê mà đối với xóm làng này lại còn sinh mê nữa chăng?”.

    - Bạch Thế Tôn, không vậy.


    Người chỉ dạy khiến cho ngộ, dụ cho mười phương các đức Như Lai đã chứng Diệu không minh giác. Nên biết, mười phương các đức Như Lai đồng ở trong mê, nhờ sức của thiện hữu trở lại chứng được bản ngộ. “Người ấy dẫu cho mê”, nguyên trước kia dẫu cho in tuồng như có mê, nay chứng được bản ngộ. “Đối với xóm làng ấy lại còn sinh mê nữa chăng?” là dùng để ngầm chỉ ra ở văn sau: Giác chẳng sinh mê vậy.

    - Này Phú-lâu-na, mười phương Như Lai cũng như vậy. Cái mê ấy không có cội gốc, tính rốt ráo không, xưa vốn không mê, mà in tuồng như có mê và giác. Giác ngộ được cái mê, thì mê diệt; giác chẳng sinh mê.

    Cái mê này tức là chỉ cho Như lai tạng bất giác vọng động. “Không có cội gốc” nghĩa là Như lai tạng vốn không tự tính, vọng động tức không, bởi không tự tính nên rốt ráo là không. Tính Như lai tạng rốt ráo không tịch (lặng lẽ) nên nói xưa vốn không mê, do có vọng giác, nên in tuồng như có mê. Do có vọng giác mà được thỉ giác, nên in tuồng có giác. Trí thỉ giác chiếu rõ vọng giác, vọng tức theo đó mà diệt; thỉ giác cũng không có tên, duy một tính giác há lại có cái không rõ ràng trước mắt hay sao? Nên nói rằng giác chẳng sinh mê. Bộ Tông Cảnh nói: “Từ xưa mê cái ngộ tợ có mê, ngày nay ngộ cái mê chẳng phải thật có ngộ”.



  5. #95
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN VII
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3. DỤ HOA ĐỐM BỆNH NHẶM ĐÃ TRỪ HOA CHẲNG SINH LẠI

    Cũng như người bệnh nhặm mắt, thấy hoa đốm trong hư không, mắt nhặm nếu lành hoa đốm trong hư không diệt mất. Bỗng có người ngu đối với chỗ hoa đốm trong hư không diệt mà đợi cho hoa đốm sinh lại. Ông xét người ấy là ngu hay trí?


    Hư không vốn không có hoa đốm, nhân nhặm mắt mà vọng thấy. Nói hoa đốm diệt là nghiệm biết mắt nhặm đã lành. Do vốn không sinh, chẳng nên nói là diệt, diệt còn chẳng nói, đợi hoa đốm sinh lại thì ngu hay trí có thể thấy rõ. Nhặm mắt là dụ cho vọng thấy; hoa đốm dụ cho núi, sông. Bệnh nhặm mắt lành, hoa đốm diệt mất; vọng dứt thì cái thấy cũng không còn.

    Ông Phú-lâu-na thưa: “Hư không nguyên không có hoa đốm, do hư vọng mà thấy có sinh diệt. Thấy hoa đốm diệt mất trong hư không đã là điên đảo rồi, lại còn muốn bảo nó sinh lại, thì thật là điên dại, làm sao còn gọi người điên cuồng như thế là ngu hay trí?”.

    Câu đáp của ông Phú-lâu-na, đồng với ý Phật chỉ dạy. Nghĩa là chỉ ra thấy hoa đốm diệt trong hư không đã là điên đảo, để càng thấy rõ hoa đốm vốn không sinh, nên văn sau đặc biệt cho rằng chỗ hiểu của ông hợp với ý Phật dạy.

    Phật dạy: “Ông đã hiểu như thế, làm sao còn hỏi chư Phật Như Lai đã chứng Diệu Giác minh không, đến lúc nào sẽ sinh ra núi, sông, đất liền nữa?

    Như Lai đã cho lời đáp của ông Phú-lâu-na hiện giờ là đúng, nhưng liền quở trách cái nghi trước của ông. Ông Mãn Từ chưa chứng được quả vị như chư Phật, song cảnh tượng trong gương sáng là có hay không, màu sắc trong ngọc Ma Ni là chân hay là giả, quả vị tuy sai khác mà Pháp mãn tự tròn đủ.

    CHI 4. DỤ VÀNG TRONG KHOÁNG KHÔNG XEN TẠP

    Lại như quặng vàng xen lẫn với vàng ròng một khi vàng đã luyện thành vàng ròng rồi, thì không thành quặng nữa. Cũng như cây đã đốt thành tro thì chẳng thành cây được nữa.


    Chúng sinh in tuồng như có mê, như vàng còn trong quặng, chư Phật chứng được bản giác, như vàng đã luyện thành vàng ròng. Phải biết vàng khi còn ở quặng, nguyên tự không xen lẫn. Đây nói xen lẫn nghĩa là lập lại ý nói ra khỏi quặng vàng sẽ là vàng ròng. Cây là dụ cho hoặc chướng. Nhìn về Bồ-đề, Niết-bàn của chư Phật, hoặc chướng như cây đã đốt thành tro. Hai ví dụ trước là chỉ cho Phật tính còn ở nơi chúng sinh, bản lai thanh tịnh mà vọng thấy có sinh diệt; sinh diệt vốn rỗng không, tính thể tự vắng lặng, núi, sông, đất liền há lại có, không, chỉ phải chứng biết. Hai ví dụ này là chỉ cho Bồ-đề, Niết-bàn nơi chư Phật thanh tịnh không cấu nhiễm; trở lại hợp với diệu minh, tính giác không nhờ tu trì; mới giác ngộ vẫn phải y theo giáo lý để chóng trừ sạch, chúng sinh và đại địa (thế giới) từ trong ấy hiện bày, trọn đến quả vị rốt ráo. Phải hợp với bốn ví dụ này mới gọi là liễu nghĩa.

    Chư Phật Như Lai Bồ-đề, Niết-bàn cũng lại như vậy”.

    “Bồ-đề” là “Trí Đức”, “Niết-bàn” là “Đoạn Đức”, là hiển bày chỗ nhân cùng quả tột. Đây là đáp lại câu hỏi: “Như Lai nay đã chứng được tính Diệu không minh giác, các tướng núi, sông vv… bao giờ sẽ sinh trở lại”, nên cuối cùng dùng hai ví dụ vàng và cây để tóm kết lại ý hỏi.



  6. #96
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VII _ ĐOẠN VIII
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHỈ BÀY CÁC ĐẠI CÓ THỂ DUNG NHAU

    CHI 1. LẬP LẠI CÂU HỎI BAN ĐẦU

    Phú-lâu-na, ông lại hỏi về đất, nước, lửa, gió bản tính viên dung khắp giáp pháp giới, nên nghi sao tính nước, tính lửa không lấn diệt lẫn nhau. Lại nêu ra hư không và các đại địa đều khắp cả pháp giới không dung hợp nhau.


    Kế đây là đáp lại câu hỏi “bốn đại không thể dung nhau”, nên trước lập lại lời hỏi.

    CHI 2. LẤY HƯ KHÔNG ĐỂ THÍ DỤ TÀNG TÍNH DUNG NHAU

    Phú-lâu-na, thí như hư không, thể nó không phải các tướng mà không ngăn ngại các tướng phát huy.


    Hư không là dụ cho Như lai tạng. Các tướng là dụ cho thất đại, Như lai tạng bản nhiên thanh tịnh, vốn không phải thất đại, nhưng không giữ tự tính mà tùy theo duyên biến hiện. Nếu có tự tính ắt ngăn ngại tính khác. Nên nói rằng không ngăn ngại (các tướng phát huy).

    CHI 3. LẤY BẢY VIỆC ĐỂ VÍ DỤ CÁC ĐẠI KHÔNG NGẠI TÀNG TÍNH

    Vì cớ sao? Phú-lâu-na, nơi hư không kia mặt trời chiếu thì sáng, mây tụ thì tối, gió thổi thì động, trời tạnh thì trong, hơi động thì đục, bụi nhóm thành mù, nước đứng thì trong.


    Nêu bảy việc không ngại hư không, để dụ bảy đại không ngại tính Như lai tạng. Bảy việc không thể phân chia từng bảy đại, tức là văn sau nói rõ sắc không, tuy lược nhưng đều đầy đủ, chỉ nhận cái nghĩa của nó chớ câu nệ theo dấu tích. Chữ “đồn” là tụ lại. Gió thổi thì động, do gió thổi in tuồng như hư không động, nhưng hư không chẳng phải thật động. Gió cuốn bụi bay trong hư không nên gọi là mù.

    Ý ông nghĩ sao? Các tướng hữu vi khác chỗ như thế là nhân các cái kia sinh, nhân hư không mà có? Phú-lâu-na, nếu do các cái kia sinh ra, vậy khi mặt trời soi sáng đã là mặt trời sáng thì mười phương thế giới đồng thành sắc của mặt trời, vì sao giữa hư không lại thấy mặt trời tròn? Nếu là hư không sáng, thì hư không phải tự soi sáng, vì sao lúc giữa đêm mây mù không chói sáng? Phải biết cái sáng ấy không phải mặt trời, không phải hư không, cũng không ra ngoài hư không và mặt trời.

    Khác chỗ cũng nói là mỗi chỗ. Các tướng hữu vi tức là chỉ cho ánh sáng vv… Chữ “kia” là chỉ cho mặt trời vv… “Thế giới đồng thành sắc mặt trời”, là ngược lại thấy cũng có cái không đồng với sắc của mặt trời. “Trong hư không lại có mặt trời tròn”, là hiện thấy mặt trời tròn đồng với các tướng, để gạn cùng cái sáng không phải là mặt trời. “Nếu hư không tự sáng thì không nên giữa đêm lại có mây mù” là gạn cùng cái sáng không phải là hư không. Cái sáng không phải là mặt trời, dụ tứ đại nguyên vốn là tạng tính. Cái sáng chẳng phải là hư không, dụ tạng tính chẳng sinh tứ đại. Tạng tính chẳng sinh tứ đại mà tứ đại chỉ do tạng tính hiện ra, nên lại nói chẳng khác với hư không. Tứ đại nguyên vốn là tạng tính, mà tạng tính không cản ngăn các tướng, nên nói không khác với mặt trời.

    CHI 4. DÙNG THÍ DỤ ĐỂ SO VỚI CÁC PHÁP

    Xét về tướng các pháp nguyên là vọng, không thể chỉ bày, cũng như mong hoa đốm giữa hư không kết thành quả hư không, làm sao còn hỏi cái nghĩa lấn diệt lẫn nhau?


    Đây là dùng thí dụ để so với các pháp. “Xét về tướng” tức là xét cái tướng của tứ đại và các pháp cũng vẫn là chẳng phải tứ đại, chẳng phải Như lai tạng, nên nói là vọng. Nơi không thể chỉ bày lại muốn hỏi cái nghĩa lấn diệt lẫn nhau, điều đó giống như mong hoa đốm trong hư không kết thành quả trong hư không vậy.

    Xét về tính các pháp nguyên là chân, chỉ có Tính Giác Diệu Minh. Tính Giác Diệu Minh vốn không phải là thủy đại và hỏa đại, làm sao lại hỏi không dung lẫn nhau.

    Do tướng là vọng nên biết tính là chân, chỉ có Tính Giác Diệu Minh vốn không phải là thủy đại và hỏa đại, cho nên biết thủy đại, hỏa đại không tự tính đều do tâm hiện ra. Chẳng dung nạp lẫn nhau, nghĩa ấy gạn cùng tột ở đây vậy.

    CHI 5. THÍ DỤ TÀNG TÍNH TÙY CÁC TƯỚNG HIỆN

    Tính Giác Diệu Minh chân thật cũng lại như vậy. Nếu ông phát minh ra cái hư không thì có hư không hiện ra; địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại mỗi thứ mỗi phát minh thì mỗi thứ hiện ra; nếu cùng phát minh thì cùng hiện ra.


    Tính giác diệu minh chân thật cũng lại như vậy. Như cái dụ hư không mỗi thứ đều tùy theo tướng mà hiện ra. Nêu ra hư không để nói tất cả các đại. Nghĩa là nếu tâm ông phát minh tướng hư không, thì tạng tính tùy theo đó mà có hư không hiện. Gọi đó là tùy theo tâm của chúng sinh, mà đáp ứng với chỗ hiểu biết suy lường của họ rồi theo nghiệp mà phát hiện. Mỗi mỗi phát minh là do mỗi người mỗi đại để suy ra nhiều người nhiều đại. Nếu đều phát minh, lại do nhiều người nhiều đại, để gồm hết thất đại đại địa. Tàng tính vốn không, thất đại không tự thể, do vọng động mà phát sinh phân biệt, các tướng đều hiện ra. Các tướng không thật có, phân biệt nguyên là rỗng không, chỉ có một tàng tính, hằng không thêm bớt.

    Thế nào là cùng hiện ra? Phú-lâu-na, như trong một ao nước hiện một bóng mặt trời. Hai người đồng xem bóng mặt trời trong ao nước, một người đi qua hướng Đông, một người đi qua hướng Tây, thì hai bên đều có mặt trời đi theo mình, một về phương Đông, một về phương Tây, không có chuẩn đích trước.

    Mặt trời là dụ cho chân tính, bóng mặt trời dưới nước là dụ cho cái lầm về phần “sở tri”. Mỗi người đi mỗi mặt trời đi theo là dụ cho theo nghiệp phát hiện. Duy một tính giác, vọng có sở minh, bèn khởi các tướng: thế gian, chúng sinh, nghiệp quả. Mỗi thứ đều có chỗ cảm mà mỗi thứ đều chẳng biết nhau. Trong đó không có chủ tể thì nương vào đâu để làm chuẩn đích; song đều không rời tự tính mà hiện ra. Đối với chỗ này phải xét kỹ tự khéo hay khế hợp. “Chuẩn” là dây mực. “Đích” là bắn trúng đích.

    Không nên gạn hỏi mặt trời đó chỉ có một, làm sao mỗi cái lại đi theo mỗi người? Mặt trời đã thành hai, làm sao hiện chỉ có một? Hư vọng xoay vần như thế, không thể lấy gì làm bằng cứ.

    Mỗi người đi, mỗi người đều thấy mặt trời, thì không thể nói là một. Hiện vốn là một, thì không thể thấy có hai. Nên biết thấy một thấy hai đều là vọng giác (biết hư vọng), diệu giác minh tâm há rơi vào phân biệt (sở tri), gượng nói phải chẳng phải càng thêm hư vọng.



  7. #97
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 (tt) PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VIII _ ĐOẠN I
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC VIII: CHỈ DIỆU MINH HỢP VỚI TẠNG TÍNH, “PHI” “TỨC” CẢ HAI ĐỀU LY

    ĐOẠN I: CHỈ TRÁI VỚI GIÁC TÍNH HỢP THEO TRẦN TƯỚNG

    Phú-lâu-na, ông xem cái sắc, cái không lấn cướp lẫn nhau nói Như lai tạng, thì Như lai tạng tùy theo ông làm sắc, làm không cùng khắp pháp giới. Thế nên trong ấy gió thì động, hư không thì lặng, mặt trời thì sáng, mây mù thì tối, chúng sinh mê lầm trái với giác tính hợp theo trần tướng nên phát ra trần lao, có các tướng thế gian.


    Tùy theo tính giác minh hiện mà thấy có sắc, có không, thì tính giác minh được quyền mà tạng tâm ẩn thể, nên nói là “lấn cướp”. Do đó mà tạng tâm cũng theo giác minh mà hiện sắc hiện không, vọng lấn ép chân mà cùng khắp. Nên biết gió thì động, hư không thì lặng, mặt trời thì sáng, mây mù thì tối, là tâm biến thành cảnh, cảnh cũng chẳng phải vật nào khác. Theo trần tướng trái với giác tính, mê lầm không tự biết, một khi rơi vào thế gian thì trần lao biết bao giờ thôi dứt.


    ĐOẠN II: CHỈ TÍNH DIỆU MINH HỢP VỚI NHƯ LAI TẠNG

    Tôi do Tính Diệu Minh không sinh không diệt hợp với Như lai tạng, mà Như lai tạng chỉ là Tính Diệu Giác Minh soi khắp cả pháp giới,


    “Tôi do tính diệu minh không sinh không diệt hợp với Như lai tạng”, nghĩa là tính giác diệu minh bất sinh bất diệt này, chính do thỉ giác trở lại hợp với bản giác. Thỉ giác mà gọi là tính diệu minh, tức là trí Bát-nhã sáng soi vốn sẵn nhiệm mầu. Đến chỗ diệu minh thì thường chiếu thường tịch. Đây là chỗ vốn bất sinh bất diệt vậy.

    nên trong ấy một làm vô lượng, vô lượng làm một, trong nhỏ hiện ra lớn, trong lớn hiện ra nhỏ. Chẳng động đạo tràng hiện khắp thế giới mười phương, thân trùm cả mười phương hư không vô tận; trên đầu một sợi lông hiện thành cõi Phật, ngồi trong hạt bụi nhỏ chuyển bánh xe đại pháp.

    Trên là nói “thể” của tính diệu minh. Ở đây là nói “dụng” của tính diệu minh. “Một” nghĩa là “lý pháp giới”, “vô lượng” là “sự pháp giới”. Lý có thể trùm cả sự, nên một là vô lượng; sự đều quy về lý, nên vô lượng là một; lý đều gồm nhiếp nên lớn, sự có giới hạn nên nhỏ. Song sự tức gồm cả lý, nên trong nhỏ hiện ra lớn; lý có thể nhiếp sự, nên trong lớn hiện ra nhỏ. Đây là một, nhiều tự tại, sự lý vô ngại pháp giới. Hai câu “chẳng động …” là hội cái dụng, một, nhiều, nhỏ, lớn ở trên, toàn nhiếp trong thể, để thấy rõ tính giác diệu minh vốn chưa từng lay động, mà khắp hiện cả mười phương. Nên hay ở nơi thân mà hiện ra cõi nước, trong cõi nước mà hiện thân, y báo, chính báo đều không ngại; lớn nhỏ đều dung nhau. Đây lại đối với “dụng” mà càng bày “thể” nhiệm mầu, mới hiển rõ sự sự vô ngại pháp giới.

    Diệt trần tướng hợp với giác tính, nên phát minh Tính Giác Chân Như nhiệm mầu sáng suốt.

    Đây là kết lại cái nhiệm mầu của thể dụng ở trên, do diệt trần tướng hợp với giác tính mà ra. Phải biết tính Như lai tạng vốn tự như nhiên, bởi do giác minh vọng động mà lưu chuyển đến nay, nếu không nhờ bậc Đại Trí chỉ rõ để dứt vọng kiến, quên tình chấp, thì tuy có nguồn chân, nhưng không do đâu hiển phát. Người có chí đối với con đường này không nên mập mờ và lầm lẫn vậy.

    ĐOẠN III: CHỈ NHƯ LAI TẠNG ĐỀU “PHI” TẤT CẢ

    Nhưng Như lai tạng bản diệu viên tâm không phải là tâm, không phải là hư không, đất, nước, gió, lửa.


    Đây là không phải là thất đại. Tâm tức thức đại, cũng nhiếp “danh uẩn” trong ngũ ấm; đất, nước, lửa, gió là “sắc uẩn”.

    Không phải là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không phải sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không phải nhãn thức giới, như thế cho đến không phải là ý thức giới.

    Đây là không phải Sáu nhập, Mười hai xứ, Mười tám giới. Từ đây trở về trước là không phải sáu cõi phàm.

    Không phải là minh, vô minh, là hết minh, hết vô minh; như thế cho đến không phải lão, tử, không phải hết lão tử.

    Đây không phải mười hai nhân duyên lưu chuyển và hoàn diệt, chỉ cảnh giới của Duyên giác.

    Không phải là khổ, tập, diệt, đạo, không phải là trí, không phải là đắc.

    Đây không phải tứ đế năng chứng, sở chứng, chỉ cảnh giới của Thanh văn.

    Không phải là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ và ba-la-mật-đa.

    “Đàn-na”, Trung Hoa dịch là Bố thí. “Thi-la”, Trung Hoa dịch là Trì giới; “Tỳ-lê-da”, Trung Hoa dịch là Tinh tấn; “Sằn-đề”, Trung Hoa dịch là Nhẫn nhục; “Thiền-na”, Trung Hoa dịch là Tịnh lự; “Bát-lặc-nhã”, Trung Hoa dịch là Trí tuệ. Từ đây về trước là sáu độ hay đưa đến thực hành. “Ba-la-mật-đa”, Trung Hoa dịch là Đáo bỉ ngạn (đến bờ kia); một độ này là chỗ đưa đến lý. Hợp cả hai là chỉ cho cảnh giới của Bồ-tát.

    Như thế cho đến không phải là Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri; không phải là Đại Niết-bàn, không phải là bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

    “Đát-thát-a-kiệt”, Trung Hoa dịch là Như Lai; “A-la-ha”, Trung Hoa dịch là Ứng Cúng; “Tam-da-tam-bồ” Trung Hoa dịch là Chính Biến Tri. Nêu lên ba hiệu đã gồm đủ mười hiệu là người hay chứng. “Niết-bàn”, Trung Hoa dịch là không sinh diệt; Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, tức bốn đức Niết-bàn là pháp sở chứng của Như Lai. Đây là chỉ cho cảnh giới của Phật. Từ đây trở về trước là hết bốn quả Thánh.

    Vì đó đều không phải là các pháp thế và xuất thế gian.

    “Thế” là chỉ cho sáu cõi phàm; “Xuất thế” là chỉ cho bốn quả Thánh. Câu tất cả đều phi (không phải) ước về Như lai tạng bản diệu viên tâm, không có mê, ngộ, tuyệt tính lìa tướng không còn có tâm phàm Thánh, thì ai dính mắc vào con đường Phật và chúng sinh. Đã không phải pháp hữu vi, há lại rơi vào pháp vô vi? Nghĩa là tay áo rồng vừa phất càng bày hiện chỗ tượng vương đi. Ở đây toàn thân phóng hạ (buông bỏ) liền có thể thuận tay đem lại (tín thủ niêm lai). Nếu là xem bóng con thần câu(1) vừa thấy là đã lướt qua ngàn dặm.



  8. The Following User Says Thank You to vietlong For This Useful Post:

    hoamacco (01-31-2020)

  9. #98
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 (tt) PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VIII _ ĐOẠN I
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC VIII: CHỈ DIỆU MINH HỢP VỚI TẠNG TÍNH, “PHI” “TỨC” CẢ HAI ĐỀU LY

    ĐOẠN IV: CHỈ NHƯ LAI TẠNG ĐỀU “TỨC” TẤT CẢ

    Tức là Như lai tạng nguyên minh tâm diệu tức là tâm, là không, là địa, thủy, phong, hỏa; tức là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhãn thức giới, như thế cho đến ý thức giới; tức là minh, là vô minh, là hết minh, hết vô minh; như thế cho đến tức là lão, tử, là hết lão tử; tức là khổ, tập, diệt, đạo, là trí, là đắc; tức là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, Thiền định, trí tuệ, là đến bờ kia; như thế cho đến tức là Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri; tức là Đại Niết-bàn, là bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Do đó đều tức là các pháp thế gian và xuất thế gian vậy.


    Câu “Đều là tức tất cả” các nhà sớ giải đều ước cho là “sinh diệt môn”, tôi cho rằng, nương lời Phật dạy ở trên: Tôi do tính diệu minh không sinh không diệt hợp với Như lai tạng. Đây là nhiếp thuộc diệt trần tướng hợp với giác tính, nên sau mới phát chân như diệu giác minh tâm, thì ở đây đều thuộc trên phần của Như Lai, tùy theo các pháp thế gian và xuất thế gian mà hiện ra phàm, hiện ra Thánh, thích ứng với tục, thích ứng với chân, đều là toàn thể diệu dụng, cũng để chỉ bày thế và xuất thế gian. Tức vọng, tức chân, tức là tướng, tức là tính, tức là thật, tức là quyền, là chỉ bày chính ngay niệm của phàm phu quét sạch đường tẽ của Thánh Hiền. Phật chẳng lại là Phật, vô vi há có tạo bày. Vào được pháp môn này không có tướng đổi thay, lại có phân chia không và bất không Như lai tạng, cùng cái hiểu về Tam đế, đối với bản kinh này, in tuồng như vẽ rắn thêm chân.


    ĐOẠN V: CHỈ RA NGOÀI CÁC NGHĨA “PHI”, TỨC” VÀ PHẢI NHỜ ĐẾN NGÓN TAY KHÉO

    CHI 1. RA NGOÀI CÁC NGHĨA “PHI” VÀ “TỨC” LÀ CHỖ NHIỆM MẦU CÙNG TỘT TÂM PHÂN BIỆT

    Tức Như lai tạng diệu minh tâm nguyên ra ngoài các nghĩa “tức” và “phi”, và cũng là tức, là phi tức.


    Ý ở đây nói, lại quét sạch các nghĩa “phi” và “tức” để hiển bày ý chỉ: Phật đóng cửa thất ở Ma-kiệt-đà, ngài Duy-ma-cật ngậm miệng ở thành Tỳ-da-ly. Hợp ba nghĩa này mở rộng không ngăn che. Vừa có người thừa đương là đã đồng như khắc thuyền mò kiếm, phải nên khéo để mắt, chớ rơi vào thời nay.

    Làm sao chúng sinh ở ba cõi trong thế gian và hàng Thanh văn, Duyên giác xuất thế, dùng tâm phân biệt hiểu biết mà đo lường quả Bồ-đề Vô Thượng của đức Như Lai và lấy ngôn ngữ ở thế gian mà vào được tri kiến Phật.

    Đây là đối sau ba nghĩa trên, chỉ bác phàm phu và Tiểu thừa không nên dùng cái phân biệt hiểu biết để đo lường quả Bồ-đề Vô thượng của Như Lai, thì việc từ trước đến đây có thể thầm lãnh hội vậy.

    Ngài Trường Thủy dẫn kinh Viên Giác nói: “Chỉ cảnh giới viên mãn của hàng Thanh văn, thân tâm, ngữ ngôn thảy đều đoạn diệt, mà trọn không thể thân chứng đến quả Niết-bàn của họ, huống chi hay dùng tâm suy nghĩ phân biệt mà đo lường được cảnh giới giác ngộ viên mãn của Phật. Như người lấy lửa đom đóm mà đốt núi Tu Di, trọn không thể được. Dùng tâm luân hồi, sinh cái kiến chấp luân hồi mà muốn vào biển đại tịch diệt của Như Lai, trọn không thể đến”.




  10. The Following User Says Thank You to vietlong For This Useful Post:

    hoamacco (01-31-2020)

  11. #99
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 (tt) PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC VIII _ ĐOẠN I
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC VIII: CHỈ DIỆU MINH HỢP VỚI TẠNG TÍNH, “PHI” “TỨC” CẢ HAI ĐỀU LY

    CHI 2. CHỈ TIẾNG HAY PHẢI NHỜ NGÓN TAY KHÉO

    Thí như những cây đờn cầm, sắt, không hầu, tỳ bà, tuy có tiếng hay, nếu không nhờ ngón tay khéo, trọn không thể phát ra tiếng hay được.


    Những cây đờn cầm, sắt, không hầu, tỳ bà là dụ cho thân chúng sinh; tiếng hay là dụ cho tính Như lai tạng; ngón tay khéo là dụ cho trí Bát-nhã. Bộ Tông Cảnh giải thích rằng: “Thân năm ấm của ta như đờn không hầu; Chân như Phật tính trong thân ta là tiếng đờn; lục độ vạn hạnh là dây đờn; trí tuệ phương tiện khéo léo như người khảy đờn không hầu. Dùng trí tuệ phương tiện khéo léo để tu hành lục độ từ trước đến khi thành Phật, thì một hạt bụi, một mảy lông đều biến khắp cả pháp giới”.

    Ông và chúng sinh lại cũng như vậy, cái Bảo giác chân tâm mỗi người đều đầy đủ. Nhưng khi tôi ấn ngón tay thì Hải ấn phát ra hào quang, còn các ông vừa dấy tâm lên thì trần lao liền nổi dậy.

    Những phần thí dụ văn trên đã rõ. Đây chỉ phải lãnh hội ý kia không cần phải mỗi mỗi chia ra sớ giải. Bởi cho rằng, cái Bảo giác chân tâm mỗi người đều đầy đủ, mà “Như Lai vừa ấn ngón tay thì Hải ấn phát hào quang, còn các ông vừa dấy tâm lên thì trần lao liền nổi dậy”. Đây là diệu trí Có, Không rất là rõ ràng.

    Nên biết Bảo giác chân tâm, vốn có thần thông diệu dụng rộng lớn, phải dùng đại trí tuệ chiếu rõ liền chóng phát diệu quang, tức gọi là “ta do tính bất sinh diệt hợp với Như lai tạng, mà Như lai tạng chỉ là diệu giác minh chiếu khắp cả pháp giới. Còn các ông do sắc không chen lấn và cướp đoạt lẫn nhau trong Như lai tạng, mà Như lai tạng cũng theo đó làm sắc làm không”. “Hải ấn”, trong kinh Hoa Nghiêm, về phẩm Xuất Hiện có bài kệ nói: “Như Hải ấn hiện thân chúng sinh, lấy đây mà gọi là “Đại Hải”. Giác khắp, ấn khắp các tâm hành, thế nên gọi là “Đại Giác”.” Nên biết, Hải ấn là dụ cho biển giác, Như Lai ấn ngón tay liền phát hào quang, chính chẳng phải chỉ để hiển bày thần dụng mà thôi.


    Do chẳng siêng năng cầu đạo Vô thượng, ưa thích Tiểu thừa, được chút ít cho là đủ”.

    Nương văn trên, “ông chỉ dấy tâm, trần lao liền nổi dậy”, đều do an trụ nơi pháp quyền biến của Tiểu thừa; chẳng ham mộ Đại thừa, luống trệ nơi Hóa thành, trọn không phải chỗ rốt ráo.

    Ông Mãn Từ nghi tứ đại đồng khắp giáp pháp giới, sao không lấn diệt lẫn nhau, mà không biết rằng các đại không có tính thật, chỉ do tạng tính hiện. Tạng tính như hư không, nhân minh mà phát hiện ra sắc tướng. Sắc tướng và hư không đồng một tính nhiệm mầu, do cái mờ tối thành duyên mà tướng “sở minh” in tuồng như cứng chắc. Nhân duyên mê vọng vốn mỏng manh giác minh không do tính giác mà chẳng sinh, tính giác há nhân giác minh mà theo đó diệt. Sở dĩ tính giác từ xưa đến nay tự nhiệm mầu, cái giác minh theo bản giác mà sinh sở (phân biệt), lẫn nhau ẩn hiện đều lập ra tướng Có, Không. Có không thật có, bản tính vốn diệu viên. Nó không phải các pháp thế gian và xuất thế gian. Không cũng không thật không, nguyên là tâm tính minh diệu; tức là Phật, tức là chúng sinh; ngộ đương niệm chẳng đổi dời, hối hận từ trước sau không giác ngộ. Tiếng hay đều sẵn đủ, cốt yếu phải nhờ ngón tay khéo của người biết khảy đờn. Hải ấn vẫn lặng yên, tin chắc phát hào quang không phải riêng khác.




  12. The Following User Says Thank You to vietlong For This Useful Post:

    hoamacco (01-31-2020)

  13. #100
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 4 (tt) PHẦN CHÍNH TÔNG _ MỤC IX _ ĐOẠN I
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC IX: CHỈ MÊ VỌNG KHÔNG CÓ NHÂN, HẾT MÊ TỨC LÀ BỒ-ĐỀ

    ĐOẠN I: NGHI TÍNH GIÁC NHÂN ĐÂU CÓ VỌNG

    Ông Phú-lâu-na thưa: “Bảo Giác Viên Minh Chân Diệu Tịnh Tâm của con và của Như Lai viên mãn không hai, mà con trước kia đã bị các vọng tưởng từ vô thỉ đành ở lâu trong luân hồi, nay nương nhờ Phật lực vẫn chưa được rốt ráo. Thế Tôn thì tất cả các vọng đều dứt sạch, chỉ còn Tính Diệu Chân Thường. Xin hỏi đức Như Lai, tất cả chúng sinh nhân đâu có vọng, tự che lấp tính diệu minh mà phải chịu chìm đắm như vậy?”.


    Ông Mãn Từ ban đầu nghi tâm tính bản nhiên thanh tịnh, vì sao bỗng nhiên sinh ra núi, sông, đại địa, Như Lai bèn nói: “Tính giác vốn là minh, do vọng chấp làm minh giác”, thế là đã rõ núi, sông, đại địa đều do minh giác mà sở lập năng sinh, rõ ràng thành ra sai khác.

    Ở đây lại nghi tính giác vốn nhiệm mầu, nhân đâu mà có cái vọng minh này? Chẳng biết rằng nếu có sở nhân thì cái mê là có chỗ ban đầu, tính giác thành lỗi lầm. Tính giác tự nhiệm mầu, do minh (soi sáng) tự sinh ra sở. Tính của không tính, nếu ngộ tức là cố nhiên. Văn sau chỉ rõ không nhân, chỉ nên lắng thần mà khế hội.



    ĐOẠN II: CHỈ MÊ VỐN KHÔNG NHÂN

    CHI 1. DỤ MÊ ĐẦU CUỒNG CHẠY

    Phật bảo ông Phú-lâu-na: “Ông tuy trừ được tâm nghi, nhưng còn những điều lầm sót lại chưa hết. Nay tôi lấy việc hiện tiền trong thế gian để hỏi ông, ông đâu không nghe trong thành Thất-la-phiệt có anh Diễn-nhã-đạt-đa, một buổi sáng lấy gương soi mặt, bỗng yêu thích cái đầu trong gương, lông mày, con mắt có thể thấy rõ, rồi giận trách cái đầu mình sao không thấy được mặt mày, cho là giống yêu quái, không cớ gì phát cuồng bỏ chạy. Ý ông nghĩ sao? Người này vì nguyên nhân gì vô cớ phát cuồng bỏ chạy?”.

    Ông Phú-lâu-na thưa: “Chỉ tâm người ấy cuồng không có cớ gì khác!”.


    “Cái đầu sẵn có” là dụ cho tính giác. “Soi gương” là dụ cho vọng giác. Cái đầu sẵn có tự như vậy đâu có ngại gì chẳng thấy. Đầu trong gương là vọng hiện, nhân soi gương sinh cuồng biết cuồng không manh mối, cái đầu sẵn có nguyên còn đó. Đây là dụ cho cái “minh” tự sinh vọng, vốn không có sở nhân, lời đáp cũng đồng như vậy. “Diễn-nhã-đạt-đa”, Trung Hoa dịch là “Từ Thọ”, nghĩa là đến thần miếu xin nuôi dưỡng.

    CHI 2. CHỈ TÍNH MÊ TỰ CÓ, VỐN KHÔNG SÓT MẤT

    Phật bảo: “Tính Diệu Giác sáng suốt viên mãn bản lai là Diệu Minh cùng khắp, đã gọi là vọng thì làm sao có nhân, nếu có nguyên nhân thì sao gọi là vọng? Tự các vọng tưởng xoay vần, làm nguyên nhân cho nhau, từ mê chứa chấp cái mê trải qua kiếp số như vi trần.


    Đây là nói rõ không có nhân, mới gọi là vọng. Một khi vọng đã phát khởi, thì các vọng làm nhân cho nhau, đều từ minh giác xoay vần không mối manh.

    Tuy Phật đã chỉ rõ ra, vẫn còn không biết trở về. Nguyên nhân cái mê như vậy, là nhân mê tự có. Biết mê không nhân, thì vọng không chỗ tựa, còn không có sinh, lại muốn đem cái gì làm diệt.

    Tuy từng được chỉ rõ ra, còn không biết trở về; đủ thấy tất cả chúng sinh vọng theo cái minh, dong ruổi mãi không biết trở về. Nhân ông Mãn Từ hỏi ở đây mà Phật trách tất cả các cái mê vậy.

    Minh Giác tức là mê, nên gọi rằng tự có, tự mê, tự biết, tự biết tự trở về, dong ruổi đâu có nhân nào khác. Trở về phải nhờ ai? Biết mê không dong ruổi, hết dong ruổi gọi là trở về. Xưa sinh mà không sinh, nay diệt cũng không diệt vậy.


    Người được Bồ-đề, như người khi thức nói việc trong mộng; tâm dẫu sáng suốt nhưng không thể có nhân duyên gì để lấy vật trong mộng, huống nữa cái mê không có nhân, vốn không thật có.

    Lấy người thức làm thí dụ, để chỉ người giác ngộ. Nên biết người mê hiện tiền, cũng như ở trong mộng, thấy các sự vật cho là thật có, cơn mộng bỗng nhiên được thức, vật trong mộng hiện nay ở chỗ nào? “Xưa cũng không từ đâu”, chính chỗ này thật quá rõ ràng, còn không có sinh, muốn đem cái gì làm diệt.


    Như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành kia, đâu có nhân duyên, mà tự sợ đầu mình bỏ chạy; bỗng nhiên hết điên, cái đầu chẳng phải do bên ngoài đưa tới. Dẫu chưa hết cuồng cái đầu cũng không hề mất.

    Phú-lâu-na, tính vọng tưởng là như vậy, làm sao còn có nguyên nhân được.


    Trên nói cuồng không có nguyên nhân, để thí dụ cái giác minh tự vọng. Đây nói, hết cuồng cái đầu vẫn còn, để thí dụ tính giác rõ ràng, ngộ vọng tức là chân, như trở bàn tay, không phải tự bên ngoài đưa tới, làm sao có nguyên nhân được? Đây là lời tóm kết trước nói không có nguyên nhân.



  14. The Following User Says Thank You to vietlong For This Useful Post:

    hoamacco (01-31-2020)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thầy THÍCH THANH TỪ, Thầy cũ của Thích Chân Quang lên tiếng
    Gửi bởi lamebay trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2019, 01:25 PM
  2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm _ Thiền sư Thích Từ Thông giảng!
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 3
    Bài cuối: 09-09-2016, 03:44 PM
  3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 587
    Bài cuối: 03-05-2016, 05:36 PM
  4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Đại sư Pháp Vân giảng)
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 151
    Bài cuối: 09-08-2015, 11:04 AM
  5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Kinh
    Trả lời: 13
    Bài cuối: 06-30-2015, 06:40 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •