Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VI
__________________________________________________ ______________________________________


MỤC II _ ĐOẠN VI

HIỂN BÀY TÍNH THẤY CHẲNG PHẢI MẮT

CHI 1. TRÁCH NGHE NHIỀU

Bấy giờ ông A-nan và Đại chúng im lặng ngơ ngác. Phật bảo ông A-nan: “Tất cả người tu hành trong thế gian, hiện tiền tuy được “Cửu Thứ Đệ Định” (Chín bậc định), mà chẳng được Lậu tận thành A-la-hán, đều do chấp vọng tưởng sinh tử này lầm cho là chân thật. Thế nên, nay ông tuy được học rộng nghe nhiều mà chẳng thành Thánh quả”.

Cửu Thứ Đệ Định tức là Tứ thiền và Tứ không cộng thêm Diệt thọ tưởng. Tám thứ thiền trước thuộc của phàm phu và ngoại đạo. Thiền thứ chín của quả vị Thánh vô lậu. Ở đây nói chẳng được vô lậu thành A-la-hán, vì quả A-la-hán của hàng Nhị thừa còn thuộc về Quyền dụ, tức trong kinh Pháp Hoa nói chẳng phải chân thật Niết-bàn. Xét ở đây chính là chỉ cho Đại thừa, quả vị A-la-hán trong Đại thừa chính là hàng Thập địa về sau. Nên biết biến dịch của Nhị thừa cũng gọi là sinh tử, tôi gọi là sở tri (phiền não). Chưa thấy được sơ tâm đều gọi là vọng tưởng, đâu thể đến được chỗ chân thật. Song kẻ phàm phu ngay đó phát minh tự tính hầu như chẳng phải duyên nhỏ, lại lầm cho là gánh vác (Chính pháp của Phật). Lỗi này đâu thể nói hết!

CHI 2. BÀY CHƯỚNG CẦU CHỈ DẠY

Ông A-nan nghe xong lại buồn tủi khóc lóc, năm vóc gieo xuống đất, quì gối chắp tay bạch Phật rằng: “Con từ khi phát tâm xuất gia theo Phật, chỉ ỷ lại vào oai thần của Phật, thường tự suy nghĩ, con không phải nhọc nhằn tu tập, mà cho rằng Như Lai sẽ ban cho con Chính Định. Nhưng chẳng biết thân tâm vốn chẳng thay nhau, mất đi bản tâm của con, tuy thân xuất gia mà tâm chẳng vào đạo, thí như chàng cùng tử bỏ cha trốn đi. Ngày nay mới biết, tuy được nghe nhiều học rộng, nếu chẳng tu tập thì cũng đồng như người chưa nghe không khác, giống như người nói ăn, trọn chẳng no bụng.
Bạch đức Thế Tôn, nay chúng con bị hai thứ chướng trói buộc, do chẳng biết tâm tính vắng lặng thường hằng. Cúi mong đức Như Lai thương xót kẻ nghèo khổ này phát khởi tâm nhiệm mầu sáng suốt để mở bày con mắt đạo cho chúng con.


Hai chướng là Phiền não chướng và Sở tri chướng. Phiền não chướng có chia ra hai thứ: Kiến hoặc và Tư hoặc. Do thấy lầm (kiến hoặc) mới tác ý phân biệt, tức là sáu món kiết sử sau: nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Do tư hoặc ( lầm) mới mặc tình tham ái, tức là bốn món kiết sử trước là tham, sân, si, mạn.

Sở tri chướng cũng chia có chấp cảnh (thủ cảnh) và ái pháp (pháp ái). Do chấp cảnh nên chẳng đạt được ngoài cảnh chỉ có tâm, thấy ngoài tâm có pháp. Do ái pháp nên chấp chỗ tu chứng, chẳng đạt được tính không, mà sinh ra yêu thích đều hay chướng ngại chân tâm mình không được thường trụ. Không tài sản gọi là “cùng”. Không vật che kín gọi là “lộ”. Vật chẳng hay ngại gọi là “diệu”. Vật chẳng xen tạp gọi là “minh”. Diệu minh gọi là bản giác, đạo nhãn là thỉ giác, có nghĩa là quyết định và giản trạch vậy.