DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 4/27 ĐầuĐầu ... 2345614 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 31 tới 40 của 264
  1. #31
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN V
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC II _ ĐOẠN V

    CHỈ CÁI HAY SUY NGHĨ CÓ THẬT THỂ
    ........

    CHI 3. CHÍNH CHỈ TOÀN TÍNH


    Bấy giờ đức Thế Tôn muốn chỉ dạy ông A-nan và Đại chúng, khiến cho tâm vào Vô Sinh Pháp Nhẫn, nên ở trên tòa sư tử xoa đầu ông A-nan mà bảo rằng: “Như Lai thường nói: Các pháp sinh ra chỉ từ tâm hiện. Tất cả nhân quả thế giới vi trần, nhân nơi Tâm mà thành Thể. Này A-nan, như tất cả sự vật có ra trên thế giới, trong ấy từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây và cái gút, tìm nguồn cội của nó đều có thể tính, dầu cho hư không cũng có tên gọi và tướng mạo, huống chi Tâm Thanh Tịnh Sáng Suốt Nhiệm Mầu này là Tâm Tính của tất cả mà tự không Thể Tính hay sao?


    Vô sinh pháp nhẫn, phẩm Thập Nhẫn trong Kinh Hoa Nghiêm tụng rằng: “Quán sát tất cả pháp thảy đều từ nhân duyên khởi, không sinh nên không diệt, không diệt nên không cùng tận. Pháp nhẫn này rất là cao tột. Hiểu rõ các pháp không cùng tận, nên Bồ-tát an trụ trong pháp nhẫn này, thấy khắp các đức Như Lai đồng thời thọ ký cho. Đây gọi là xứng với chức vị Phật. Sư tử tên của tòa ngồi. Phàm là chỗ ngồi của đức Như Lai hoặc giường, hoặc đất đều gọi là tòa sư tử. Thanh tịnh diệu tịnh minh tâm, ngài Định Lâm nói: “Lìa nhơ được sạch, nên gọi là thanh tịnh, ngay nơi nhơ mà được sạch gọi là diệu tịnh. Cũng ngay nơi nhơ, cũng rời nơi nhơ, nên gọi là thanh tịnh diệu tịnh minh tâm”. Ngài Thanh Lương nói: “Tâm Tính là một, vì là tính của tâm nên là Như lai tạng, vì tâm tức tính nên là tự tính thanh tịnh tâm”. Ngài Ôn Lăng nói: “Tất cả nhân quả là chỉ cho “chính báo” trong mười cõi (tứ thánh, lục phàm). Thế giới vi trần là chỉ cho “y báo” trong mười cõi. Y báo và chính báo đều nhân nơi tâm thành thể, đối với các loài người há lại không tâm, đồng như cây đất hay sao?”. Ý nói ở Kinh này vốn đã đáp ở văn trước. Riêng tôi (Hàm Thị) cho là thật chỉ ra tất cả phân biệt tiền trần đều không tự tính, chỉ do tâm hiện, nên gọi là nhân tâm mà thành thể. Chỗ hiện ra (sở hiện) chỉ do tâm, nên nói đều có thể tính. Tính này vắng lặng thường trụ là chỗ phải nên tự nhận, chẳng nên mê tiền trần, vọng đồng với sinh diệt. Dùng ý để ngầm chỉ ở văn sau: “Rời trần có tính tức thật là tâm ông, rời trần không tính ấy là việc của bóng dáng vậy”.

    Nếu ông chấp chặt cái phân biệt hiểu biết quyết cho là Tâm, thì Tâm này khi rời tất cả các trần sắc thinh hương vị xúc riêng có toàn tính. Như nay ông nương nơi nghe Pháp của tôi, đây ắt nhân nơi tiếng mà có phân biệt. Dầu cho dứt hết tất cả thấy nghe hiểu biết, giữ cái thầm thầm lặng lẽ bên trong vẫn còn là việc phân biệt bóng dáng của pháp trần.

    Chữ lẫn là chẳng bỏ. Cái phân biệt hiểu biết (giác quán liễu tri) tức là tâm hay suy nghĩ (năng suy). Các món sắc, hương vv… hay dẫn dắt nội tâm thành nghiệp dụng. Trước khi chưa dẫn dắt, sau khi đã dẫn dắt và trong khi đang dẫn dắt, như mây và hư không, mây thì có qua có lại, hư không vẫn thường trụ, gọi đó là toàn tính. Nhân nơi tiếng mà có phân biệt, cũng lại tùy theo tiếng mà thành có thành không. Chỉ vì chưa phát minh trước tiếng và sau tiếng nên chẳng được an trụ. Tức khi diệt hết thấy nghe hiểu biết phân biệt, mà giữ cái thầm lặng bên trong, gọi là duyên khác (biệt duyên), cũng đồng là phân biệt đều thuộc về bóng dáng (ảnh sự) chớ chẳng được toàn tính.

    Chẳng phải tôi bảo ông chấp là chẳng phải Tâm, nhưng ông đối với Tâm này phải chín chắn xét cho kỹ. Nếu rời tiền trần mà có Tính phân biệt, tức thật là Tâm ông. Nếu Tính phân biệt rời tiền trần không có Thật Thể thì đó là việc bóng dáng phân biệt của tiền trần. Trần thì chẳng phải thường trụ, nếu khi nó biến diệt thì Tâm này đồng với lông rùa sừng thỏ, ắt Pháp thân của ông cũng đồng với đoạn diệt. Vậy ông lấy cái gì để tu chứng Vô Sinh Pháp nhẫn?”.

    Lông rùa, sừng thỏ là nói hoàn toàn không có. Chữ đồng giống chữ như. Xét về trần do nương nơi tâm nên khó trụ thì tâm duyên theo trần bị mờ mịt, tức cái mờ mịt này liền đồng với sừng thỏ. Do lấy chỗ không căn cứ làm chỗ tu chứng nên đồng với đoạn diệt mà chẳng phải thật đoạn diệt. Các thầy chỉ cái tâm phân biệt cho là cùng với trần đều diệt, chỉ căn cứ chỉ chỗ gọi là toàn tính kia, bỏ phân biệt mà lại riêng có. Chẳng biết rằng chỗ gọi là phân biệt, xả toàn tính ắt là không. Mê ngộ tạm chia đường, chân vọng đồng thể dù cho Phật có trở lại cũng không đổi lời tôi vậy.

    Ở đây đức Như Lai chỉ cho người đối trong sắc, hương, vị, xúc mà nhận biết cái toàn tính đã nói kia. Chữ “ly” là lựa riêng ra, nghĩa là đối với vật và ngã hiện tiền lựa riêng ra mà được đó, chẳng phải xa lìa tiền trần mà dứt hết phân biệt. Mê toàn tính là gá với phân biệt mà tạm thấy, cái phân biệt đồng với trần, rồi do cái đồng kia diệt đi thì cái gọi là toàn tính kia cũng bị mờ mịt ở chỗ không hiểu biết mà thôi. Vì thế bên Tây Vực (Ấn Độ) có thuyết cho là minh sơ. Cõi này (Trung Hoa) cho là Thái cực, chẳng thể nói đối với việc kiến tính chẳng lựa riêng vật ngã mà được. Tự cho rằng diệt phân biệt là phải rời tiền trần, mà chẳng biết bên trong vẫn chấp giữ cái thầm lặng kia thì cái phân biệt tiền trần lại càng sâu kín. Theo ở trước tôi gọi là “luân chuyển há thuộc tiền trần, biết trở về đâu luận đường sá”. Chính là do có cái thấy này. Ở đây quí là chỗ riêng có toàn tính vậy.





  2. #32
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VI
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC II _ ĐOẠN VI

    HIỂN BÀY TÍNH THẤY CHẲNG PHẢI MẮT

    CHI 1. TRÁCH NGHE NHIỀU

    Bấy giờ ông A-nan và Đại chúng im lặng ngơ ngác. Phật bảo ông A-nan: “Tất cả người tu hành trong thế gian, hiện tiền tuy được “Cửu Thứ Đệ Định” (Chín bậc định), mà chẳng được Lậu tận thành A-la-hán, đều do chấp vọng tưởng sinh tử này lầm cho là chân thật. Thế nên, nay ông tuy được học rộng nghe nhiều mà chẳng thành Thánh quả”.

    Cửu Thứ Đệ Định tức là Tứ thiền và Tứ không cộng thêm Diệt thọ tưởng. Tám thứ thiền trước thuộc của phàm phu và ngoại đạo. Thiền thứ chín của quả vị Thánh vô lậu. Ở đây nói chẳng được vô lậu thành A-la-hán, vì quả A-la-hán của hàng Nhị thừa còn thuộc về Quyền dụ, tức trong kinh Pháp Hoa nói chẳng phải chân thật Niết-bàn. Xét ở đây chính là chỉ cho Đại thừa, quả vị A-la-hán trong Đại thừa chính là hàng Thập địa về sau. Nên biết biến dịch của Nhị thừa cũng gọi là sinh tử, tôi gọi là sở tri (phiền não). Chưa thấy được sơ tâm đều gọi là vọng tưởng, đâu thể đến được chỗ chân thật. Song kẻ phàm phu ngay đó phát minh tự tính hầu như chẳng phải duyên nhỏ, lại lầm cho là gánh vác (Chính pháp của Phật). Lỗi này đâu thể nói hết!

    CHI 2. BÀY CHƯỚNG CẦU CHỈ DẠY

    Ông A-nan nghe xong lại buồn tủi khóc lóc, năm vóc gieo xuống đất, quì gối chắp tay bạch Phật rằng: “Con từ khi phát tâm xuất gia theo Phật, chỉ ỷ lại vào oai thần của Phật, thường tự suy nghĩ, con không phải nhọc nhằn tu tập, mà cho rằng Như Lai sẽ ban cho con Chính Định. Nhưng chẳng biết thân tâm vốn chẳng thay nhau, mất đi bản tâm của con, tuy thân xuất gia mà tâm chẳng vào đạo, thí như chàng cùng tử bỏ cha trốn đi. Ngày nay mới biết, tuy được nghe nhiều học rộng, nếu chẳng tu tập thì cũng đồng như người chưa nghe không khác, giống như người nói ăn, trọn chẳng no bụng.
    Bạch đức Thế Tôn, nay chúng con bị hai thứ chướng trói buộc, do chẳng biết tâm tính vắng lặng thường hằng. Cúi mong đức Như Lai thương xót kẻ nghèo khổ này phát khởi tâm nhiệm mầu sáng suốt để mở bày con mắt đạo cho chúng con.


    Hai chướng là Phiền não chướng và Sở tri chướng. Phiền não chướng có chia ra hai thứ: Kiến hoặc và Tư hoặc. Do thấy lầm (kiến hoặc) mới tác ý phân biệt, tức là sáu món kiết sử sau: nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Do tư hoặc ( lầm) mới mặc tình tham ái, tức là bốn món kiết sử trước là tham, sân, si, mạn.

    Sở tri chướng cũng chia có chấp cảnh (thủ cảnh) và ái pháp (pháp ái). Do chấp cảnh nên chẳng đạt được ngoài cảnh chỉ có tâm, thấy ngoài tâm có pháp. Do ái pháp nên chấp chỗ tu chứng, chẳng đạt được tính không, mà sinh ra yêu thích đều hay chướng ngại chân tâm mình không được thường trụ. Không tài sản gọi là “cùng”. Không vật che kín gọi là “lộ”. Vật chẳng hay ngại gọi là “diệu”. Vật chẳng xen tạp gọi là “minh”. Diệu minh gọi là bản giác, đạo nhãn là thỉ giác, có nghĩa là quyết định và giản trạch vậy.





  3. #33
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VI
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3. PHÓNG QUANG TIÊU BIỂU NÓI PHÁP

    Khi ấy từ chữ vạn trên ngực của đức Như Lai phóng ra hào quang báu, hào quang ấy rực rỡ có trăm ngàn màu sắc sáng khắp một lúc cả mười phương thế giới của Phật như số vi trần, (hào quang) rót khắp trên đảnh của các đức Như Lai ở các cõi nước trong mười phương và xoay về soi đến ông A-nan và cả Đại chúng, rồi Phật bảo ông A-nan rằng: “Nay tôi vì ông dựng lập pháp tràng lớn, cũng khiến cho tất cả chúng sinh trong mười phương được tâm tính nhiệm mầu sâu kín trong sạch sáng suốt và con mắt đạo thanh tịnh.


    Phẩm Tướng Hải trong kinh Hoa Nghiêm nói: Trước ngực Như Lai có tướng Đại nhân, hình chữ vạn (卐 ), tên là “Kiết Tường Hải Vân”. Trí đức rộng lớn như biển, che vật như mây. Khi phóng hào quang ấy thì sẽ phát ra tiếng nhiệm mầu (diệu âm) để tuyên dương biển pháp. Hào quang soi khắp cõi Phật là tiêu biểu cho tâm Như lai tạng lưu xuất. Rót khắp trên đảnh các đức Như Lai là tiêu biểu chân lý của mỗi đức Phật đều đồng, xoay trở lại đến ông A-nan và Đại chúng là tiêu biểu mỗi tính đều bình đẳng. Ngài Thanh Lương nói: Chữ tràng (cờ) có năm nghĩa: 1/Cao xuất: Tiêu biểu cho quả vị cao tột của Tam hiền và Thập Thánh. 2/Kiến lập: Kiến đại bi, đại trí lập chúng sinh và Bồ-đề. 3/Qui hướng: Đại bi nhiếp hóa chúng sinh, trí nguyện nhiếp thiện quy hướng Bồ-đề và mé thật. 4/Tồi điển (xô dẹp): Như cờ của vị tướng mạnh hay hàng phục tất cả ma quân. 5/Diệt bố úy (dứt sợ sệt): Như cờ của trời Đế Thích, chẳng sợ hoặc, nghiệp. “Bản giác diệu minh”, chữ “Diệu” này chẳng phải hàng Thập địa có thể thấy nên gọi là “Vi”. Chỉ có Phật mới nghiên cứu cùng tận, nên gọi là “Mật”. Sáng suốt (minh) hay tự giữ gìn, chẳng theo vật loại nên gọi là “Tịnh”. Tâm đã phát minh tự mình giản trạch các pháp đầy đủ, nên gọi “Thanh tịnh nhãn” (con mắt trong sạch). Đây là đáp lại lời thưa hỏi trước.

    CHI 4. CHÍNH CHỈ CÁI THẤY LÀ TÂM

    TIẾT A. LẤY NẮM TAY LỆ CHO CÁI THẤY

    A-nan, trước ông đã trả lời với tôi là thấy được nắm tay sáng chói, vậy nắm tay này nhân đâu mà có? Vì sao thành nắm tay? Ông đem cái gì thấy?”. Ông A-nan thưa: “Do toàn thân của Phật như vàng Diêm Phù Đàn chói ngời dường núi báu, từ thanh tịnh sinh ra nên có hào quang sáng chói. Con thật dùng mắt xem thấy năm ngón tay (của Phật) co lại đưa cho người xem nên có tướng nắm tay”.


    Trước gạn tướng của nắm tay, ý nói nhân nơi tay dùng để ngầm so sánh ắt nhân con mắt. Do đó Phật mới hỏi: “Ông đem cái gì để thấy?”. Trước sau không ngoài chỉ thẳng, mà ông A-nan vẫn nói: “Con thật dùng mắt xem thấy”, vẫn còn cho cái thấy thuộc về mắt. Diêm Phù là tên một thứ cây. Đàn là tên của một châu. Châu này có sông, dưới đáy sông sinh cát vàng sắc đỏ tía, để so sánh sắc vàng của thân Phật hơn loại vàng thường.

    Phật bảo A-nan: “Hôm nay Như Lai thật bảo ông: Những người có trí cốt yếu phải dùng thí dụ mà được khai ngộ. A-nan, thí như nắm tay của tôi, nếu không có bàn tay tôi thì chẳng thành nắm tay. Nếu không có con mắt của ông thì không thành cái thấy của ông. Lấy con mắt của ông so sánh với nắm tay của tôi, nghĩa ấy có đồng chăng?”.
    A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy. Nếu không có con mắt của con, thì cái thấy của con không thành. Lấy con mắt của con đem so sánh với nắm tay của đức Như Lai nghĩa ấy đồng nhau”.


    Ở đây lấy cái tay để so sánh với con mắt, lấy nắm tay để so sánh với cái thấy. Bởi vì ý muốn xoay lại để chỉ ra không bàn tay thì không có nắm tay, không con mắt vẫn có cái thấy.


    Lần sửa cuối bởi vietlong; 12-01-2019 lúc 09:25 AM

  4. #34
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VI
    __________________________________________________ ______________________________________


    TIẾT B. CHỈ CÁI THẤY TỐI KHÔNG PHẢI KHÔNG CÓ CÁI THẤY

    Phật bảo A-nan: “Ông nói đồng nhau, nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Như người không bàn tay thì nắm tay hẳn là không, còn người không con mắt chẳng phải họ hoàn toàn không có cái thấy. Bởi tại sao? Ông thử ra đường hỏi những người mù mắt: Anh có thấy gì chăng? Các người mù kia ắt sẽ đáp với ông: Nay đối trước mắt, tôi chỉ thấy tối đen, lại không thấy gì khác. Dùng nghĩa ấy để quán xét, thì tiền trần tự tối chứ cái thấy đâu có thiếu kém”.


    Ở đây thật chỉ bày không bàn tay thì nắm tay chẳng có, còn không con mắt, cái thấy chẳng phải không. Thế nên lấy người mù mắt thấy tối làm thí dụ là để chỉ rõ cái thấy chẳng phải nhân nơi con mắt.

    TIẾT C. DÙNG ĐÈN SO SÁNH VỚI CON MẮT ĐỂ HIỂN BÀY CÁI THẤY

    C1. NGHI THẤY TỐI CHẲNG PHẢI LÀ THẤY

    Ông A-nan thưa: “Những người mù trước mắt chỉ thấy tối đen, đâu thể gọi là thấy?”.


    Ông A-nan chẳng biết cái tối cũng là tiền trần. Nếu không “cái thấy”, cái gì biết là tối?

    C2. DỤ TỐI SÁNG KHÔNG KHÁC, CHỈ CÁI THẤY LÀ TÂM

    Phật bảo A-nan: “Những người mù không mắt chỉ thấy tối đen, cùng với người có mắt sáng ở trong nhà tối, hai cái tối đó có khác nhau hay không khác?”. - Bạch Thế Tôn, đúng vậy! Người mắt sáng ở trong chỗ tối cùng với người mù mắt (thấy tối) hai cái tối đó so sánh từng không khác. - A-nan, nếu người mù mắt thấy phía trước hoàn toàn tối đen, bỗng nhiên được sáng mắt lại, đối với tiền trần thấy các sắc tướng gọi là mắt thấy. Người sáng mắt ở trong nhà tối, toàn thấy tối ở trước, bỗng được đèn sáng, cũng đối với tiền trần thấy các sắc tướng, lý ưng gọi là đèn thấy?


    Có mắt, không mắt thấy cái tối nguyên đồng thì mở mắt, đèn hiện thấy sắc đâu có khác. Bởi muốn lấy đèn dụ cho con mắt chỉ hay hiển sắc, mà thấy tối, thấy sáng là tâm chẳng phải mắt, văn sau tự rõ.

    Nếu đèn thấy thì đèn hay có cái thấy, tự chẳng gọi là đèn. Lại nữa, nếu đèn thấy thì đâu quan hệ gì đến việc của ông? Thế nên phải biết đèn hay hiển sắc còn cái thấy là mắt chẳng phải đèn. Mắt hay hiển sắc, như thế tính thấy là tâm chẳng phải mắt.

    Ông A-nan và Đại chúng tuy được nghe lời ấy mà miệng vẫn lặng thinh, tâm chưa khai ngộ, còn mong đức Như Lai dùng từ âm (lời lành) chỉ dạy thêm, nên chắp tay lắng lòng trông chờ Phật thương xót dạy bảo.


    Đây chỉ thẳng tính thấy tức là tâm, để biết tất cả căn trần đâu từng hạn cuộc và cách ngại. Phá Sắc Tâm Luận nói: “Như người trong mộng, ở chỗ không sắc lại thấy có sắc, ở chỗ có sắc lại thấy không”, nên càng tin tất cả căn trần đều từ tâm hiện. Núi xanh, nước biếc xem đâu phải khác, đêm tối ngày sáng là cảnh giới của người nào? Thánh phàm không khác, sự lý toàn bày mà cái thấy vẫn chia hiển chân phá vọng, dần dần phát minh cứu xét để chỉ dạy, sợ e chẳng hợp với ý Phật.

    Hào quang từ trên ngực phóng ra, rót trên đảnh các đức Như Lai là chỉ cho mỗi mỗi đức Phật đều đồng một tâm Pháp. Xoay trở lại đến ông A-nan và cả Đại chúng là chỉ cho Thánh phàm không hai tâm pháp. Người đồng một tâm này, tâm đồng một cái thấy này, cái thấy đồng con mắt này. Con mắt đồng với tiền trần, trần có sáng tối, con mắt có thiếu khuyết hay đầy đủ. Sở dĩ hiển bày cái thấy chẳng phải tạm không, nên càng biết, tâm vốn thường trụ vậy. Tóm lại mà nói, tâm thấu suốt nơi cái thấy, cái thấy nương nơi con mắt, con mắt hiển bày tiền trần, người ngộ thì trong ngoài đều viên thoát, kẻ mê thì căn cảnh dính khằng (giao niêm). Do dính khằng rồi sau mới viên thoát, nên gọi rằng từ mê mới khởi ngộ. Từ viên thoát rồi sau mới biết là dính khằng nên nói rằng do ngộ mà đạt được mê.

    Đức Như Lai dùng pháp dụ rõ ràng, như đếm đậu trắng đậu đen, nếu chẳng phải bậc chí thần trong thiên hạ thì đâu dự được điều này.




  5. #35
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VII
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN VII

    GẠN HAI NGHĨA KHÁCH TRẦN,

    ĐỂ CHỈ ÔNG CHỦ VÀ HƯ KHÔNG,

    HIỂN BÀY TÍNH THẤY


    CHI 1. NHƯ LAI HỎI NHÂN DO ĐƯỢC NGỘ

    Khi ấy, đức Thế Tôn duỗi cánh tay Đẩu-la-miên sáng ngời xòe năm ngón tay, bảo ông A-nan và cả Đại chúng rằng: “Khi tôi mới thành đạo ở trong Lộc Viên vì ông A-nhã-đa, năm vị Tỳ-kheo vv… và bốn chúng nói: Tất cả chúng sinh chẳng thành Bồ-đề và A-la-hán đều do khách trần phiền não làm lành. Các ông khi ấy nhân đâu được ngộ, nay thành tựu chứng quả Thánh?”.

    Khi Phật mới xuất gia Vua cha sai năm người tìm theo hầu hạ. Ba người theo họ cha: 1/A-bệ: Trung Hoa dịch là Mã Thắng. 2/Bạt-đề: Trung Hoa dịch là Tiểu Hiền. 3/Câu-lợi: Tức Ma-ha-nam, cũng gọi là Trưởng giả. Hai người theo họ mẹ: 1/A-nhã-đa dịch là Giải Bản Tế, tức là Kiều-trần-na, dịch là Hỏa Khí, trước kia ông thờ lửa nên lấy đó làm họ. Ông hiểu được Phật pháp trước nhất nên gọi là Nhã-đa. 2/Ca-diếp, dịch là Ẩm Quang. Sau khi Phật thành đạo ở trong Lộc Viên, ba lần chuyển pháp luân nói pháp tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo. Khách trần tức là chỉ cho Tập Đế. Phân biệt phiền não thô động như khách. Câu sinh vi tế như trần, đều là phiền não chướng. Đây chính là lời nói vào thời ấy. Nay nói khách trần là chỉ cho thân và cảnh. Song thân tức là căn thân, cảnh tức là khí giới. Xét biết căn thân, khí giới nhất như thì khách trần phiền não sở tri đồng thời dứt sạch. Mượn nhỏ để soi lớn, chẳng thể câu chấp. Văn sau, (có câu) “Lấy động làm thân, lấy động làm cảnh” chính là ý này. Bởi chỉ thẳng “Chủ” và “hư không” dùng để bác từ trước đã sót mất chân tính, nhận vật làm mình lại không phải riêng có vậy.

    CHI 2. THUẬT HAI NGHĨA NGỘ ĐƯỢC KHÁCH TRẦN

    TIẾT A. THUẬT LẠI NGHĨA KHÁCH

    Khi ấy ông Kiều-trần-na đứng dậy bạch Phật: “Nay con là hàng Trưởng lão, đối với trong Đại chúng riêng được tên là Hiểu (giải) do con ngộ hai chữ “Khách trần” mà được thành Thánh quả. Bạch đức Thế Tôn, ví như người khách đi đường, vào nghỉ nhờ một quán trọ, hoặc ngủ, hoặc ăn. Ăn ngủ xong sửa sang hành lý lên đường, chẳng ở lại nữa. Nếu thật là người chủ thì tự không đi đâu. Như thế mà suy xét, chẳng dừng trụ gọi là khách, dừng trụ là chủ. Do cái chẳng dừng trụ nên có nghĩa là “khách”.


    Đức lớn, lạp cao nên gọi là Trưởng lão. Ban đầu khi nghe pháp, Phật hỏi hiểu chăng? Kiều-trần-na nói đã hiểu, nên nói riêng được tên là “Hiểu”. “Thúc” là làm, là động. “Trang” là gói hay là bó. Thân cảnh biến dời từ sát-na không dừng trụ, thật như người khách trôi nổi qua lại không dừng. Vậy ai là người chủ cam chịu sự lưu chuyển? Xem sự đổi thay mà biết trở về thì ngồi yên lặng lẽ…

    TIẾT B. THUẬT LẠI NGHĨA TRẦN

    Lại như mưa mới tạnh mặt trời lên trong trẻo, ánh sáng soi vào kẽ hở, trong hư không hiện rõ các tướng bụi bặm. Tính chất của bụi thì diêu động, còn hư không thường lặng lẽ. Như thế, nên con suy nghĩ: Lắng lặng gọi là hư không, diêu động gọi là bụi bặm. Do cái diêu động đó nên có nghĩa là “trần”. Phật nói: “Đúng thế!”.


    Tễ là trong tạnh. Dương là mặt trời. Ánh sáng soi qua kẽ hở chiếu trong hư không, nên tướng bụi bặm dễ thấy. Bụi khắp cả pháp giới mà hư không chẳng lay động. Tâm ở nơi căn cảnh do vọng động mà thấy có lăng xăng, nhưng cái thấy được vọng thì không lăng xăng, tính không vẫn tự nhiên vậy.




  6. #36
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VII
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3. LẤY CÁI ĐỘNG TỊNH ĐỂ HIỂN BÀY CÁI THẤY

    TIẾT A. TAY XÒE NẮM ĐỂ GẠN CÁI THẤY THƯỜNG CÒN

    Khi ấy đức Như Lai ở trong Đại chúng, co năm ngón tay lại xòe nắm, xòe nắm và hỏi ông A-nan rằng: “Nay ông thấy cái gì?”.
    Ông A-nan thưa: “Con thấy bàn tay trăm báu của đức Như Lai ở trong chúng xòe ra nắm lại”. Phật bảo A-nan: “Ông thấy cái tay của tôi ở trong chúng xòe nắm, là cái tay tôi có xòe có nắm hay là cái thấy của ông có xòe có nắm?”. Ông A-nan bạch Phật: “Tay báu của đức Thế Tôn ở trong chúng có xòe nắm, con thấy tay của Như Lai tự có xòe có nắm, chứ chẳng phải tính thấy của con có xòe nắm”. Phật nói: “Cái nào động cái nào tịnh?”. Ông A-nan thưa: “Tay của Phật không dừng, tính thấy của con còn không tịnh, thì đâu có gì là động”. Phật nói: “Đúng như vậy!”.


    Dùng bàn tay có xòe nắm để phản ảnh cái thấy không xòe nắm. Dùng bàn tay có động tịnh để phản ảnh tính thấy không động tịnh. Xòe, nắm, động, tịnh để dụ cho cảnh.

    TIẾT B. PHÓNG QUANG ĐỂ GẠN HỎI CÁI THẤY KHÔNG ĐỘNG

    Bấy giờ trong lòng bàn tay của đức Như Lai phóng một luồng hào quang báu soi đến vai bên phải ông A-nan, liền khi ấy ông A-nan xoay đầu ngó qua bên phải. Phật lại phóng hào quang qua bên vai trái của ông A-nan, ông Anan lại xoay đầu ngó về bên trái. Phật bảo A-nan: “Đầu ông hôm nay nhân gì lại dao động?”. A-nan thưa: “Con thấy Như Lai phóng hào quang báu đến vai bên phải bên trái của con, con nhìn qua hai bên để xem, nên đầu con tự dao động”. - A-nan, ông nhìn xem hào quang của Phật, đầu ông xoay qua hai bên vai (phải trái), vậy đầu ông động hay cái thấy ông động? - Bạch Thế Tôn, đầu con tự động, mà tính thấy của con còn không có dừng, huống là có động. Phật nói: “Đúng như vậy”.


    Lấy cái đầu tự động để phản ảnh tính thấy không động. Đây chính là chỉ cho thân, nên sau có lời quở trách “Lấy động làm thân, lấy động làm cảnh”.




  7. #37
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHẤT PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VII
    __________________________________________________ ______________________________________


    TIẾT C. CHÍNH CHỈ TÍNH THẤY KHÔNG CÓ ĐỘNG TỊNH CO MỞ

    Khi ấy đức Như Lai bảo khắp Đại chúng: “Nếu lại có chúng sinh cho cái dao động gọi đó là “trần”, cái chẳng dừng gọi đó là “khách”. Các ông xem đầu ông A-nan tự dao động, mà tính thấy không dao động. Lại các ông xem tay tôi có co mở, mà tính thấy không có co mở.


    Đây là nhân chỉ rõ cho ông A-nan và Đại chúng: Nếu lại có chúng sinh xét biết cái dao động là trần, cái chẳng dừng trụ là khách, thì biết tại thân, tại cảnh, cả hai đều không điên đảo. Lại lấy cái đầu và tay hiện tiền phát minh khiến cho không nghi lầm, rồi sau trách chung cái lỗi bỏ sót mất (chân tính), văn sau tự rõ. Tại sao nay các ông lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, từ thỉ chí chung niệm niệm sinh diệt sót mất Chân tính, làm việc điên đảo, tâm tính mất chân, nhận vật làm mình, luân hồi ở trong ấy, tự nhận sự lưu chuyển. Tự thể là không lặng chẳng hay tự thấy, mà lầm nhận tứ đại, ấy là lấy động làm thân. Trâu có sừng, thỏ không sừng, đều không phải pháp tính; thật tướng hiện tiền, mà trái lại thêm nhiều vọng chấp, ấy là lấy động làm cảnh. Cái chấp ngã của phàm phu này thật khó phá. Hàng Nhị thừa pháp chấp vẫn còn, bị niệm niệm sinh diệt. Thường mà chấp vô thường, bất giác mất chân, vô thường chấp thường, trọn thành nhận vật. Nên đức Thế Tôn quở chung là bỏ sót mất chân tính làm việc điên đảo, luân hồi trong ấy, mà tự chịu lưu chuyển.

    Chương trước lấy trần để hiển bày cái thấy, lấy cái thấy để hiển rõ tâm. Nay mới nói cái thấy này vốn thường trụ; cái thấy này nguyên chẳng động. Chúng sinh hằng ngày cùng tất cả cảnh lăng xăng qua lại mà chẳng hay an trụ, chẳng phải tâm ta vốn không an trụ. Tâm chẳng phải là khách, tâm chẳng phải là trần, từ xưa đã lâu rồi vậy. Tâm mê nơi khách, tâm mê nơi trần cũng từ xưa đã lâu vậy. Mê thì chẳng hay tự nhận; khách đi cùng đi, trần động cùng động, niệm niệm sinh diệt cam đồng sự lưu chuyển, nên gọi là lấy động làm thân, lấy động làm cảnh; mà chẳng biết trong khách có chủ, trong động chẳng lay, từng không một niệm xoay lại quán sát mà tự được. Lại đâu không làm việc điên đảo, trọn đời mà chẳng tự giác vậy ư?




  8. #38
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHÌ PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VIII
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN VIII

    KHAI THỊ TÍNH THẤY CHẲNG DIỆT

    CHI 1. CẦU CHỈ CÁI SINH DIỆT VÀ CHẲNG SINH DIỆT

    Khi ấy ông A-nan và cả Đại chúng nghe Phật chỉ dạy thân tâm thơ thới, nghĩ từ vô thỉ đến nay bỏ mất bản tâm, vọng nhận bóng dáng duyên trần phân biệt. Hôm nay được khai ngộ, như đứa hài nhi khát sữa bỗng gặp mẹ hiền. Ông chắp tay lễ Phật nguyện nghe đức Như Lai chỉ ra nơi thân tâm cái nào chân, vọng, hư, thật và hiện tiền phát minh hai tính sinh diệt cùng chẳng sinh diệt.

    Ông A-nan tuy ngộ rời trần có tính mà chưa xét rõ cội nguồn tính thể chân vọng, thì động dụng hư thật trước mắt khó phân. Đây là tâm sinh diệt hiện tại xoay vần, mà tính chẳng sinh diệt vẫn còn trôi nổi quanh co. Bởi do khi mới biết trở về, thức trí chưa phân, nên đức Như Lai lại từ nơi căn chỉ ra khiến biết được rõ ràng không có yêu ghét, chẳng nhờ suy nghĩ thì toàn cơ chẳng sinh diệt (chân tâm) tức ngay nơi đương niệm. Văn sau sẽ rõ nguyên do khi nói về cái thấy lúc xem sông Hằng.

    CHI 2. VUA BA-TƯ-NẶC KHẢI THỈNH

    Khi ấy vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: “Xưa khi con chưa được Phật chỉ dạy, nghe bọn Ca-chiên-diên và Tỳ-la-chi-tử đều nói thân này sau khi chết sẽ đoạn diệt (mất hẳn) gọi là Niết-bàn. Con tuy gặp Phật nhưng nay vẫn còn hồ nghi, làm thế nào bày tỏ để chứng biết tính không sinh diệt nơi tâm này. Nay những hàng hữu lậu trong Đại chúng đây, đều mong mỏi được nghe điều ấy.

    Ca-chiên-diên nói đủ là “Ca-la-cưu-đà-ca-chiên-diên”, Trung Hoa dịch là “Tiễn phát”. Ngoại đạo này nói: “Giết hại tất cả chúng sinh, nếu không hổ thẹn thì chẳng đọa địa ngục, cũng như hư không chẳng nhận bụi và nước”. Tỳ-la-chi cũng gọi “San-xà-dạ-tỳ-la-chi-tử”. "San-xà-dạ”, Trung Hoa dịch là “Chính thắng”, là tên vậy. “Tỳ-la-chi” Trung Hoa dịch là “Bất tác”, là tên của mẹ, nói gọn là Tỳ-la-chi-tử. Thuyết của ngoại đạo này nói: Đạo chẳng cần phải cầu, sinh tử nhiều kiếp nếu khi khổ hết tự nhiên đắc đạo. Như cuộn chỉ trên núi cao lăn xuống, hết chỉ tự nhiên dừng. Đây đều là đoạn kiến bác không nhân quả, là hai phái trong nhóm Lục Sư (ngoại đạo). Quả Niết-bàn của hàng Thanh văn chưa cho là kiến tính thì chỗ thấy còn thiên chân (nghiêng về một bên chân), thuộc về thất thức (thức thứ bảy), chưa được thường trụ đều gọi là hữu lậu, nên chẳng thể không nghi.




  9. #39
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHÌ PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VIII
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3. GẠN HỎI SỰ BIẾN ĐỔI TRONG NHỤC THÂN

    Phật bảo: “Đại vương, thân ông hiện đang sống đó, nay tôi lại hỏi ông: Thân thịt này của ông là đồng như kim cang thường còn hay biến hoại?”. - Bạch Thế Tôn, thân con hiện nay đây, rốt cuộc cũng thay đổi và hoại diệt. Phật bảo: “Đại vương, thân ông chưa từng hoại diệt, làm sao biết phải diệt?”. - Bạch Thế Tôn, cái thân vô thường biến hoại này của con đây tuy chưa từng diệt, nhưng con xem hiện tiền mỗi niệm dời đổi mãi mãi không dừng, như lửa thành tro lần lần tiêu mất, vì dứt mất không dừng, nên con biết thân quyết định phải theo đó mà diệt mất! - Phật nói: “Đúng vậy”.


    Đem nhục thân biến diệt để chỉ ra trong đó có cái chưa từng biến diệt. Thân ông chưa từng diệt làm sao biết nó diệt? Chính là để tác động cho vua Ba-tư-nặc tự biết, mỗi niệm mỗi niệm đổi dời, một phen xét biết, quán trở lại thì chẳng xa.

    CHI 4. SO SÁNH NHAN SẮC LÚC TRẺ VÀ GIÀ

    - Đại vương, nay ông tuổi đã già yếu, nhan mạo so với lúc còn bé như thế nào? - Bạch Thế Tôn, xưa kia khi con còn bé thì da dẻ hồng hào, đến tuổi trưởng thành khí huyết đầy đủ, nay tuổi già hình sắc cũng theo đó mà già yếu khô gầy, tinh thần tối tăm, tóc bạc mặt nhăn, sắp chết chẳng còn bao lâu. Như thế, đâu thể so sánh với khi còn trẻ mạnh.


    Lấy hình sắc của tuổi trẻ để so sánh lúc già nua. Bởi căn cứ nơi thân biến diệt để chỉ rõ trong thân có cái không hề biến diệt. Mới sinh gọi là “hài”. Mới biết đi gọi là “nhụ”. Da ngoài gọi là “phu”. Da trong gọi là “thấu”, “linh” là tuổi. Tuổi đã sáu mươi gọi là “đồi”. Đồi là suy yếu khô gầy. Tám mươi gọi là “mạo”, nói sự ép ngặt đến gần vậy.

    CHI 5. XÉT SỰ THẦM THẦM THAY ĐỔI

    Phật bảo: “Đại vương, thân thể của ông đâu phải già liền?”. Vua thưa: “Bạch Thế Tôn, nó biến hóa thầm thầm thay đổi, con thật chẳng biết, lạnh nóng đổi dời, lần lần cho đến ngày nay. Vì sao? Vì lúc con hai mươi tuổi, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng nhan sắc đã già hơn khi lên mười, đến ba mươi tuổi lại già hơn năm hai mươi tuổi; đến nay sáu mươi hai tuổi so với lúc năm mươi tuổi, rõ ràng khi năm mươi tuổi sức lực còn cường tráng hơn. Bạch Thế Tôn, con thấy nó thầm thầm dời đổi, tuy cái già nua này thay đổi giới hạn trong mười năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong khoảng mười năm, hai mươi năm mà thực nó thay đổi từng năm; chẳng những nó thay đổi từng năm, mà nó thay đổi từng tháng; chẳng những nó thay đổi từng tháng, mà nó thay đổi từng ngày; chẳng những nó thay đổi từng ngày mà xét cho cùng nghĩ cho kỹ thì nó thay đổi từng sát-na, trong khoảng một niệm không dừng. Thế nên con biết thân này trọn theo sự biến đổi và hoại diệt”.


    Trước hỏi thân biến đổi, ở đây hỏi tuổi biến đổi cho đến sự biến đổi từng sát-na, tức là gần với bản tế (mé chân), nhiên hậu mới dùng một câu chỉ ra cái bất diệt trong thân này. Người đời vì nông cạn (thô quáng) chẳng thấy được lẽ này, nên sau mới căn cứ căn tính để chỉ cho nhau. Bốn câu: “Thầm thầm dời đổi…”, là than chung cho sự đổi thay chuyển biến, nó thầm thầm dời đổi mà chẳng hay biết, chìm đắm tột bực trong mê muội. Kinh Niết-bàn nói: “Sắc trẻ không dừng cũng như ngựa chạy, mạng người vô thường qua mau như thác đổ. Vậy mà đứa trẻ vẫn vui đùa trong nhà lửa. Thật khá thương xót!”. Trước dùng con số vài mươi năm để kỳ hạn thời gian mười năm, lại dùng mười năm để kỳ hạn thời gian một năm; dùng một năm để kỳ hạn thời gian khoảng một tháng; dùng thời gian một tháng để kỳ hạn thời gian một ngày, cho đến từng sát-na niệm niệm chẳng dừng, điều này mà chẳng hay biết thật là bất giác vậy.

    CHI 6. CHÍNH CHỈ TÍNH KHÔNG SINH, KHÔNG DIỆT

    TIẾT A. HỎI TRONG THÂN CÁI GÌ CHẲNG SINH DIỆT

    Phật bảo: “Đại vương, ông thấy sự biến hóa đổi thay không dừng, nên ngộ biết thân ông hoại diệt, vậy chính khi hoại diệt, ông có biết trong thân có cái gì chẳng hoại diệt chăng?”. Vua Ba Tư Nặc chắp tay bạch Phật: “Thật con chẳng biết”.


    Tuổi thay đổi, thân cũng đổi thay, đến trong khoảng một sát-na niệm niệm không dừng, thoạt vậy phản quán há đồng với cây đất. Đối với việc này nếu không tỉnh giác, lại phiền đức Như Lai sinh lòng thương xót chỉ dạy.





  10. #40
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN NHÌ PHẦN CHÍNH TÔNG _MỤC II _ ĐOẠN VIII
    __________________________________________________ ______________________________________


    TIẾT B. HỎI THẤY NƯỚC ĐỒNG VÀ KHÁC, ĐỂ NÊU RA TÍNH KHÔNG SINH DIỆT

    B1. GẠN HỎI KHI THẤY NƯỚC

    Phật bảo: “Nay tôi chỉ cho ông tính chẳng sinh diệt. Đại vương, khi ông được bao nhiêu tuổi thì thấy nước sông Hằng?”. Vua thưa: “Con được ba tuổi, mẹ con dẫn đến lễ ra mắt Thần Kỳ-bà Thiên, đi ngang qua dòng sông này, khi ấy con được thấy nước sông Hằng”.


    “Kỳ-bà” Trung Hoa dịch là “Trường Thọ Thiên”. Bên Tây Vực khi sinh con, phải đến yết kiến thần Trường Thọ. Việc đã trải qua nhiều năm, hồi tưởng lại (phản quán) đồng như việc hôm qua vừa thấy liền biết không đợi suy lường.

    B2. GẠN HỎI THẤY NƯỚC ĐỒNG KHÁC

    Phật bảo: “Đại vương, như ông đã nói: Khi hai mươi tuổi đã già hơn lúc mười tuổi, cho đến sáu mươi tuổi, năm tháng ngày giờ, niệm niệm dời đổi. Vậy khi ông ba tuổi thấy sông Hằng này, đến mười ba tuổi cái thấy nước sông ấy thế nào?”. Vua thưa: “Như khi ba tuổi rõ ràng không khác, và đến nay con sáu mươi hai tuổi, cái thấy vẫn không khác”.


    Lấy thời gian thay đổi trong một năm để nói kỳ hạn thời gian trong khoảng mười năm, mà gạn hỏi cái thấy sông Hằng đối với trong khoảng mười năm, dường như đâu có đồng và khác. Bởi muốn cho tự giác, tức gọi là chẳng đóng kín cửa ngộ vậy. Hai chữ “rõ ràng” (uyển nhiên) có thể gọi rằng “gối đầu bên phẩn bỗng nhiên được ngọc, chưa dễ gì nói được cho người”.

    B3. RIÊNG GẠN HỎI CÁI THẤY ĐỒNG KHÁC

    Phật bảo: “Nay ông tự cảm thương tóc bạc mặt nhăn, mặt ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy của ông hiện nay xem thấy sông Hằng, cùng với khi xưa còn trẻ xem thấy sông Hằng, cái thấy đó có già có trẻ chăng?”. Vua thưa: “Bạch Thế Tôn, không vậy”.


    “Rõ ràng không khác” là đã hiểu tự giác. Đây lại khám xét cái già trẻ sai khác kia, có thể gọi là cặn kẽ đôi ba phen vậy.

    B4. CHỈ TÍNH THẤY KHÔNG BIẾN ĐỔI

    Phật bảo: “Đại vương, mặt ông tuy nhăn, mà tính thấy này chưa từng bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi, còn cái chẳng bị nhăn thì không biến đổi. Cái biến đổi thì phải chịu hoại diệt, cái chẳng biến đổi kia vốn không sinh diệt, làm sao trong ấy lại nhận chịu cái sinh tử của ông, mà ông còn dẫn lời của bọn Mạt-già-lê kia bảo rằng, thân này sau khi chết hoàn toàn mất hẳn?”.


    Vua nghe lời ấy, tin biết thân này sau khi chết sẽ sinh thân khác, nên cùng với Đại chúng vui mừng nhảy nhót,
    được việc chưa từng có. Đây chính là phát minh trong thân sinh diệt có tính chẳng sinh diệt. Hiện tiền sinh diệt như kia, cái chẳng sinh diệt như đây. Chân tại tron vọng, thật tại trong hư, phân biệt tùy duyên, biết bóng ngựa đâu phải vật khác. Tính thấy không dời đổi, nếu ngộ thì lỗ mũi trâu tại nơi tay. Mạt-già-lê, Trung Hoa dịch là “bất kiến đạo” (chẳng thấy đạo) đều là đoạn kiến ngoại đạo. Chữ "đẳng" (v.v…) đều là chỉ chung cho ngoại đạo Lục sư. Đoạn diệt và chẳng đoạn diệt chính là chia đường pháp ta cùng với ngoại đạo. Chỗ ông A-nan thưa thỉnh, phải chăng vì làm gương soi cho hậu thế? Trước đã nói cái thấy không thiếu khuyết, cái thấy không dao động. Xét biết căn tính chẳng theo tiền trần biến đổi, mà còn nghi sau khi chết đoạn diệt. Đây là bệnh chung của chúng sinh, nên liền chỉ chỗ từng thấy qua từ trẻ đến già để dễ chứng biết (cái thấy không khác) mà còn phải nhờ lời Phật khen chê mới tự nhận. Nên biết vô thượng bí mật chỉ tại trước mắt, mà bất giác đổi dời trôi nổi trong nhiều kiếp. Xét về con mắt, nhất định có cái thấy, lỗ tai nhất định có cái nghe, một người phản quán, thì ngàn Thánh đồng một con đường, liền đó tự tin thì mười đời chẳng đổi, há lại đợi bỏ thân đời này sinh đời sau rồi mới biết cái chẳng sinh chẳng diệt kia ư? Vua Ba-tư-nặc nói: “Trong khoảng sát na, niệm niệm chẳng dừng trụ, nên biết thân con trọn theo sự biến đổi và hoại diệt”. Xét về niệm niệm chẳng dừng thì đâu chẳng phải là tâm sinh diệt ư? Tâm mê lầm thân tâm và thế giới thì theo đó trôi nổi chẳng an trụ. Chính khi ấy nếu gặp mặt theo nhau (ngộ được) tự chẳng phải túc trí (trí tuệ sẵn có) chưa dễ gì rõ biết. Nhưng Thế Tôn vẫn hỏi: “Ngày nay ông xem sông cùng với lúc nhỏ xem thấy sông Hằng có trẻ có già chăng?”. Chân tính đã bày, chẳng rơi vào suy nghĩ, tùy thấy, tùy biết nay xưa đâu khác. Đây là đức Như Lai vì chúng sinh ở trong mê, mà lựa ra cái thấy không mê, một chỗ tự giác thì toàn thể đều rõ. Cho nên nói: Hiện lượng của năm căn, cùng với thức thứ tám đồng công, thường tại trước mắt mà chẳng tự biết, một phen gặp được “liễu duyên” liền đồng cái sẵn được (bản đắc).





Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thầy THÍCH THANH TỪ, Thầy cũ của Thích Chân Quang lên tiếng
    Gửi bởi lamebay trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2019, 01:25 PM
  2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm _ Thiền sư Thích Từ Thông giảng!
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 3
    Bài cuối: 09-09-2016, 03:44 PM
  3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 587
    Bài cuối: 03-05-2016, 05:36 PM
  4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Đại sư Pháp Vân giảng)
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 151
    Bài cuối: 09-08-2015, 11:04 AM
  5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Kinh
    Trả lời: 13
    Bài cuối: 06-30-2015, 06:40 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •