DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 22/27 ĐầuĐầu ... 122021222324 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 211 tới 220 của 264
  1. #211
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC III:

    KHAI THỊ PHẦN TRONG, PHẦN NGOÀI CỦA CHÚNG SINH


    ĐOẠN I: NÊU CHUNG

    Phật bảo A-nan: “Hay thay, lời hỏi đó, khiến cho các chúng sinh chẳng mắc vào tà kiến, nay ông hãy nghe kỹ, tôi sẽ vì ông nói”.


    Tà kiến là chỉ cho Bảo Liên Hương, Thiện Tinh bác không nhân quả. Lưu Ly thấy giảng đường của Phật dám lên ngồi trước, nghe nói không biết ăn năn, trái lại còn sinh sân hận, tức là Nhất-xiển-đề, cũng gọi là tà kiến.

    A-nan, tất cả chúng sinh thật vốn là chân tính thanh tịnh, nhân những vọng kiến kia mà có tập khí hư vọng sinh ra, vì thế mà chia ra có phần trong và phần ngoài.

    Chân tính vốn tịnh, do vọng kiến mà khởi ra mê lầm (hoặc) nhân mê lầm mà tạo nghiệp, bèn có tập khí hư vọng. Hoặc nghiệp làm nhân, nên làm phần trong; trái lại đây là phần ngoài, văn sau sẽ tự rõ.


    ĐOẠN II: PHẦN TRONG

    A-nan, phần trong tức là trong phần của chúng sinh. Nhân các thứ ái nhiễm phát khởi ra vọng tình, vọng tình tích chứa mãi không thôi, nên hay sinh ra nước ái. Thế cho nên, trong tâm của chúng sinh nghĩ nhớ đến thức ăn ngon, thì trong miệng chảy nước bọt; trong tâm nghĩ đến người trước hoặc thương, hoặc giận thì nước mắt trào ra; tham cầu của báu, thì tâm phát ra nước ái trên thân đều trong sáng; tâm đắm trước hành dâm, thì hai căn của nam nữ tự nhiên dịch khí chảy ra. A-nan, các thứ ái tuy có khác, nhưng kết quả chảy nước là đồng, thấm ướt không bay lên được thì tự nhiên theo đó mà rơi xuống, ấy gọi là phần trong.


    Chúng sinh từ vô minh vọng kiến mà kết làm ngã thể, liền có trái và thuận. Thuận theo ngã thì yêu thích, làm hư tổn cái ta yêu thích thì sinh sân hận, sân hận cũng do từ yêu thích, nên yêu thích là gốc của vọng tình, do đó mà gọi là phần trong; nghĩa là nó có ở trong phần của chúng sinh vậy. Cội gốc của vọng tình ngưng tụ thì nặng, lý ắt theo đó mà rơi xuống, như nước lúc nào cũng chảy xuống, việc ấy rất dễ hiểu. Tình ái nếu không đoạn trừ giống như dòng nước chảy cuốn hút mình như tự bị trói cột vậy.


    ĐOẠN III: PHẦN NGOÀI

    A-nan, phần ngoài tức là ngoài phần của chúng sinh. Nhân cái lòng khát ngưỡng mà phát ra những hư tưởng, tưởng chất chứa mãi không thôi, có thể sinh ra các thắng khí. Thế nên, trong tâm chúng sinh, nếu trì giới cấm, thì toàn thân đều nhẹ nhàng thanh tịnh; tâm trì ấn chú, thì mắt nhìn hùng dũng, nghiêm nghị; tâm muốn sinh lên cõi trời, thì chiêm bao thấy bay lên; để tâm nơi cõi Phật, thì cảnh Phật thầm hiện; phụng thờ thiện tri thức, thì tự xem thường thân mạng. A-nan, các tưởng đó tuy khác nhưng nhẹ nhàng cất lên thì đồng nhau, cất bay không chìm xuống tự nhiên vượt lên ấy là phần ngoài.


    Chúng sinh chấp ngã, động niệm theo tình, ở đây không theo tình, ngoài sinh khát ngưỡng, nên nói là phần ngoài. Tưởng ắt theo lý, đối với tình chất gọi đó là hư; khí do lý thắng, nên sinh ra thắng khí. Nhẹ nhàng, thanh tịnh, hùng dũng, nghiêm nghị, bay lên, thầm hiện, xem thường thân mạng đều nghiệm biết đó là thắng khí của tư tưởng vậy.





  2. #212
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN IV: PHÂN BIỆT TÌNH, TƯỞNG, NẶNG NHẸ

    CHI 1.- THUẦN TƯỞNG

    A-nan, tất cả thế gian sống chết tiếp nối nhau, là do thuận theo tập quán, chết thì đổi sang dòng khác; khi gần mạng chung chưa hết hơi nóng, việc lành việc dữ trong một đời đồng thời hiện đủ. Cái nghịch của chết cái thuận của sống, hai tập khí giao xen lẫn nhau.


    Chúng sinh chấp ngã, cho là thân ta và tâm của ta. Đây là thói quen hằng ngày, nên sống là thuận. Chết là biến đổi, nghĩa là trái ngược với thói quen, nên là đổi sang dòng khác. Chưa xả hơi nóng, tức là thân hiện ấm rốt sau, khi bắt đầu chuyển sang thân trung ấm, và hậu ấm. “Hai tập khí” là thức trước là tập khí cũ, thức sau là tập khí mới. Chính đương khi ấy, những việc thiện việc ác tạo tác của hiện đời, cùng với chỗ cảm đến đời sau bay lên hay chìm xuống thoạt vậy hiện tiền, như cái biết khi nằm mộng, thấy việc trong mộng vậy.

    Thuần là tưởng thì bay lên, ắt sinh trên các cõi trời. Nếu khi bay lên mà trong tâm gồm có đủ phước đức trí tuệ và nguyện thanh tịnh, thì tự nhiên tâm được khai ngộ, thấy tất cả Tịnh Độ mười phương Chư Phật theo nguyện mà vãng sinh.

    Thuần là tưởng thì sinh lên cõi trời, đây là việc thường. Nay Phật khai thị, nếu thuần là tưởng mà gồm có đủ cả phước đức trí tuệ, nguyện sinh cõi Phật là phải biết, tuy có phước đức trí tuệ đầy đủ, nhưng nếu chưa có đủ nguyện lực cũng chưa đủ điều kiện để sinh về cõi Phật. Bởi vì chúng sinh do nghiệp sinh ra. Bồ-tát do nguyện lực mà sinh, thì nguyện cũng không thể thiếu vậy.

    CHI 2.- TÌNH ÍT TƯỞNG NHIỀU

    Tình ít tưởng nhiều thì cất lên không xa, liền làm phi tiên, đại lực quỉ vương, phi hành dạ-xoa, địa hành la-sát, đi khắp bốn cõi trời không bị ngăn ngại. Trong những vị ấy, nếu có tâm tốt, nguyện lành, ủng hộ Phật pháp, hoặc ủng hộ giới cấm theo người trì giới, hoặc ủng hộ thần chú theo người trì chú, hoặc ủng hộ thiền định giữ yên pháp nhẫn, thì các hạng đó chính mình được ở dưới pháp tòa của Như Lai.


    Tình ít, tưởng nhiều thì bay lên không xa, đây là nêu lên việc thông thường, nhưng trong ấy có một, hai, ba, bốn trường hợp sai khác. Phật riêng khai thị “nếu có tâm tốt nguyện lành”, thì ở trong đây chẳng phải có ít nhiều so sánh vậy.

    CHI 3.- TÌNH TƯỞNG ĐỒNG NHAU

    Tình tưởng đồng nhau, không bay lên cũng không rơi xuống, thì sinh ở cõi người, tưởng sáng suốt nên thông minh, tình tối tăm nên ngu độn.


    Sáng suốt nên thông minh, tối tăm nên ngu độn, đều là căn cứ trên phần tình và tưởng mà phân chia. Như đồng một nghĩ tưởng, đây lấy sự mà thắng, kia lấy lý mà thắng, thì cái sáng suốt vào lý ắt giúp cho trí tuệ thông minh. Nếu đồng là một thứ tình, đây đam mê ân ái, kia chuyên chú âm thầm hiểm độc, thì cái tối tăm độc hiểm gian trá ắt cảm đến mờ tối ngu độn.

    CHI 4.- TÌNH NHIỀU TƯỞNG ÍT

    Tình nhiều tưởng ít, thì trôi vào các loài hoành sinh; nặng thì làm loài có lông, nhẹ thì làm loài có cánh.


    Những loài có lông, những giống có cánh đồng là lục tình. Nói có nặng nhẹ, cũng tức là ở trong lục tình mà so sánh xét lường. Như trong cái tình và tưởng bằng nhau ở trên, cũng đều có thông minh ngu độn khác nhau vậy.

    CHI 5.- BẢY PHẦN TÌNH BA PHẦN TƯỞNG

    Bảy phần tình, ba phần tưởng, thì chìm xuống dưới thủy luân, sinh nơi mé hỏa luân chịu khí phần của lửa mạnh, thân làm ngạ quỉ, thường bị đốt cháy, vì nước có thể hại mình, nên trải qua trăm ngàn kiếp không ăn không uống.


    “Chìm xuống dưới thủy luân, sinh nơi mé hỏa luân”, nghĩa là dưới thủy luân có mé của hỏa luân, gần nơi địa ngục. Loại này thuộc quyền thống lãnh của Diêm La, chịu khí phần của lửa mà sinh, thân nương tựa trong lửa thường bị lửa thiêu đốt, dù được uống nước, nước hóa thành lửa, nên gọi là thủy hại.

    CHI 6.- CHÍN PHẦN TÌNH MỘT PHẦN TƯỞNG

    Chín phần tình một phần tưởng, chìm xuống thấu qua hỏa luân, và giữa giao với phong luân và hỏa luân, nhẹ thì sinh vào địa ngục hữu gián, nặng thì sinh vào địa ngục vô gián.


    Giữa giao với phong luân và hỏa luân, tức ngục nóng thứ bảy. Vô gián ở đây là đối với Hữu gián mà nói, sự thọ khổ có phần hơi nặng mà không phải như dưới địa ngục A tỳ vậy.

    CHI 7.- THUẦN TÌNH VÀ HỦY BÁNG V.V…

    Thuần tình thì chìm sâu vào địa ngục A tỳ. Nếu trong tâm chìm sâu đó lại có chê bai Đại thừa, phá cấm giới của Phật, cuồng vọng thuyết pháp để tham cầu của tín thí, lạm nhận lòng cung kính của người, hoặc phạm ngũ nghịch thập trọng, thì lại sinh vào địa ngục A tỳ trong mười phương.


    Đây là con đường thông thường nơi địa ngục A tỳ riêng mở ra bốn lỗi: - Bài báng Phật pháp, phạm cấm giới, nói vọng, lạm nhận của tín thí. Riêng nương gá trong mười phương không hạn cuộc một phương nào. Nghĩa là kiếp số thành hoại mỗi phương đều khác, rất lâu dài khó ra khỏi vậy.

    CHI 8.- KẾT LẠI ĐỒNG PHẬN NHƯNG ĐỀU CHIA RIÊNG

    Theo nghiệp ác gây ra, tuy tự chuốc lấy quả báo, nhưng trong chúng đồng phận, vẫn có chỗ sẵn.


    Gây tạo các nghiệp chỉ mỗi người đều tự tạo riêng, chịu thì sẽ đồng phận. Đây là đáp lại quả báo có chỗ nhất định. “Chỗ sẵn”, tức là nguyên địa vậy.

    HỎI: Tình tưởng đều do tâm, tại sao gọi là trong ngoài? Nếu cho tình là phận trong của chúng sinh, thì tưởng ắt cũng cố gắng như vậy, tất cả những hành động thiện của thế gian không do bản tâm, nhân đã không chân, thì quả đâu thể đến?

    ĐÁP: Đây là do vọng kiến của chúng sinh mà thấy có ngã. Từ vọng thấy có ngã nên thấy có tâm ta, thấy có thân ta, theo cái thân tâm hư vọng đó, một ý nghĩ, một hành động đều vì mình, nên chúng sinh tạo dữ, ấy thật là dữ. Chúng sinh làm việc lành chưa thật là lành, bởi vì dữ tức là theo việc riêng tư tùy thuận với vọng ngã, thế nên nó thật làm. Lành chính là theo việc chung (với mọi người) không cùng với việc riêng để gần với ngụy. Thánh hiền ở thế gian nếu không do phát minh bản tính, nhận được chân tâm sẵn có, từ chân tâm sẵn có sinh ra nghiệp lành, mà quán về lý do kia, thì chưa dễ gì gạn cùng, nên có gắng sức tiến tu còn hơi dính mắc nơi danh tự của cái ngã vẫn là khéo làm theo sự biến hiện của vọng ngã. Vì sao? Vì chân tính không có ngã, nếu phát minh thì y tính khởi dụng, nếu có đề cập đến việc người, thì thấy thấu triệt là một thể, lại không có ý nghĩ gần đến cái danh. Nên biết, tình của chúng sinh là chân tình, vì do vọng ngã mà sinh, đều thuận với ngã tưởng là nhân hâm mộ việc lành, vì đều làm tổn thương cho ngã. Nếu hay lấy cái tưởng tổn thương cho ngã, mà ngược lại cái tình thuận với ngã tăng một phần tổn, tức là diệt một phần thuận. Tưởng tổn ngã càng sáng suốt, thì tình thuận theo ngã càng kém, mới do sức cố gắng lần lần cho đến tự nhiên. Do đây mà trông về nơi nghiệp thuận tính, bản nguyên tuy có khác, mà cái động dụng in tuồng như đồng. Sở dĩ chư Thiên được cái thuần tưởng này, nên hào quang sáng suốt không cùng tột vậy. Khi phước cùng tột thì tuệ sinh, hoặc được tâm khai ngộ, thấy mười phương chư Phật, hoặc gặp Thiện hữu dùng phương tiện tỏ ngộ, lại theo tưởng mà phát minh cái chân thật, thì ai lại nói là giả dối vậy.





  3. #213
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    MỤC IV: CHỈ RA MƯỜI TẬP NHÂN, SÁU ĐƯỜNG GIAO BÁO


    ĐOẠN I: NÊU CHUNG DANH MỤC

    A-nan, những điều như thế đều do nghiệp báo, các chúng sinh kia tự chiêu cảm lấy, như gây mười tập nhân thì chịu sáu giao báo.


    “Những điều như thế” là nương nơi văn trên tình tưởng nhiều ít mà có sai khác, đều do tự nghiệp của chúng sinh chiêu cảm, chẳng phải ngoài tâm riêng thật có chỗ để thọ quả báo. Mười tập nhân, sáu giao báo, chính là căn cứ nơi nghiệp dữ để chỉ chung và riêng vậy.


    ĐOẠN II: CHÍNH CHỈ MƯỜI TẬP NHÂN

    CHI 1.- TẬP NHÂN VỀ DÂM

    Thế nào là mười tập nhân?


    Khổ ràng buộc sinh ra hoặc nghiệp, gọi nó là “nhân”. Nhân cùng tột có mười là để tột cái quả dữ của mười nhân, chỉ có dâm là thân nghiệp, ngoài ra đều là ý và khẩu.

    A-nan, một là tập quán dâm dục cùng giao tiếp nhau phát sinh cọ xát lẫn nhau, cọ xát mãi không thôi; như thế, nên trong ấy có ngọn lửa hồng lớn nổi lên, như người lấy hai bàn tay cọ xát với nhau, thì có cảm giác nóng hiện ra.

    Đây là dùng căn và cảnh cọ xát lẫn nhau, làm nhân phát nghiệp. “Giao tiếp”, tức là chỉ cho chỗ căn cọ xát sinh ra lửa, do tâm động mà ứng hiện nơi thân, dùng cái thí dụ tự nơi tay mình cọ xát mà cảm giác có tướng nóng là rất dễ thấy.

    Hai cái tập khí đốt nhau, nên có những việc giường sắt, trụ đồng.

    Tức là do hai tập khí đốt nhau, được cái lý tất nhiên có làm có chịu, thân xúc chạm cột đồng, giường sắt là căn; chỗ cột đồng giường sắt xúc chạm thân là cảnh. Căn cảnh không hai, nhân quả y nhiên.

    Thế nên, tất cả mười phương các Như Lai, nhận xét dâm dục đồng gọi là lửa dục. Bồ-tát đối với dâm dục tránh xa như tránh hầm lửa.

    “Sắc mục”, nhân sắc mà gọi là mục, nhân mục mà gọi là sắc; nên gọi là nhận xét (sắc mục) dâm dục, đồng gọi là lửa dục. Phải biết căn cảnh của Như Lai, không có tướng căn cảnh, văn sau đều so sánh việc này. Bồ-tát biết sâu nguyên nhân của dâm dục, lại vì người tu hành trì cấm giới, nên thị hiện để làm gương soi khiến xa lìa.

    CHI 2.- TẬP QUÁN VỀ THAM DỤC

    Hai là tập quán tham lam so đo hơn thiệt, phát sinh hấp thụ lẫn nhau, hấp thụ ôm ấp mãi không thôi, vì thế nên tích tụ hơi lạnh bên trong thành băng cứng làm cho nứt nẻ; ví như có người hút hơi gió vào thì sinh ra cảm giác lạnh. Hai tập lấn át nhau, nên có những sự tra tra, ba ba, la la, thanh liên, xích liên, bạch liên, hàn băng v.v… thế nên, mười phương Như Lai nhận xét, tham cầu quá nhiều, đồng gọi là nước tham. Bồ-tát đối với lòng tham, tránh như tránh biển độc.


    Dâm ở trong tham riêng chỉ ra, dùng để chỉ nó rất là nặng, nên cái tham này là chuyên chỉ tiền của và vật dụng vậy. Chữ “kế” là tính toán, tính toán tìm cầu, có nghĩa là hấp thụ cảnh trước. Chấp chặt tâm này như nước cứng thành băng. So sánh nhân mà biết quả, mới có tám địa ngục lạnh. Hai tập khí lấn nhau đều không phải là việc khác.




  4. #214
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3.- TẬP QUÁN VỀ NGÃ MẠN

    Ba, tập quán ngã mạn lấn lướt lẫn nhau, phát sinh ỷ thế với nhau. Dong ruổi mãi không dừng, vì thế nên có bôn ba, sôi nổi, chứa sóng lại thành nước, ví như có người miệng lưỡi tự chép làm cho nước bọt chảy ra. Hai tập khí chọi nhau, nên có các việc: sông máu, sông tro, cát nóng, biển độc, bắt uống nước đồng chảy v.v… Thế nên, tất cả Như Lai ở mười phương nhận xét, lòng ngã mạn gọi là uống nước si mê. Bồ-tát đối với tâm ngã mạn, như tránh vực thẳm.


    “Lấn lướt” là khinh rẻ, xem thường người khác. Phát ra ở nơi tâm ỷ thị, như ỷ có thế lực, ỷ có danh dự đều hiện ra trạng thái phóng túng lao chao. Đây tức là chiêu cảm có sông máu v.v… Trong bản văn thí dụ như miệng lưỡi tự chép (làm cho nước bọt chảy ra). Chính là cái cao cử tự đắc bèn thành dòng nước đầy tràn cùng khắp, nên phải cảnh tỉnh vậy.

    CHI 4.- TẬP QUÁN VỀ NÓNG GIẬN

    Bốn, tập quán nóng giận xung đột lẫn nhau, phát sinh chống đối lẫn nhau, chống đối mãi không thôi, tâm nổi nóng phát ra lửa, nên cái khí đúc thành kim thuộc. Vì thế nên có núi đao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe gươm, búa, rìu thương, cưa. Ví như người bị hàm oan thì sát khí nổi lên. Hai tập khí chống chọi nhau, nên có các việc thiến, cắt, chém, chặt, dùi, đâm, đập, đánh. Thế nên tất cả các đức Như Lai mười phương nhận xét sự nóng giận gọi là dao gươm bén, Bồ-tát đối với lòng nóng giận, tránh như tránh chém giết.


    Nhân nơi chống đối mà kết nghiệp, tâm kết tụ thành kim thuộc. Hai tập khí trong người giao cảm với nhau mà phát ra, gốc ở chỗ tự mình làm, trở lại tự mình chịu vậy.

    CHI 5.- TẬP QUÁN VỀ GIẢ DỐI

    Năm, tập quán về giả dối dụ dỗ theo nhau phát sinh lôi kéo lẫn nhau, dẫn dắt mãi không thôi; như vậy, nên có dây, cây, thòng lọng, căng nọc, ví như nước thấm vào ruộng, cỏ cây sinh trưởng. Hai tập khí kéo dài với nhau, nên có các việc gông, cùm, xiềng xích, roi gậy, qua bảng. Vậy nên tất cả các đức Như Lai mười phương nhận xét giả dối đồng là sàm tặc. Bồ-tát thấy giả dối sợ như beo sói.


    Dụ dỗ theo nhau có sức lôi kéo, dẫn dắt, bó buộc nhau, nên chỗ của người kia thọ báo đều do chỗ của người kia làm ra vậy. “Như nước thấm vào ruộng, thì cỏ cây sinh trưởng”. Cũng để hình dung người nói lời giả dối bợ đỡ, dụng tâm tình nẩy nở dây dưa của chúng sinh, đủ thấy cùng tột ở nơi đây vậy.

    CHI 6.- TẬP QUÁN VỀ DỐI GẠT

    Sáu, tập quán về lừa gạt lường dối với nhau, phát sinh phỉnh gạt lẫn nhau. Phỉnh gạt mãi không thôi, phóng tâm tạo những điều gian dối như vậy, cho nên có đất bụi, đại tiện, tiểu tiện, các đồ nhơ nhớp không sạch, như bụi theo gió mỗi cái không thấy lẫn nhau. Hai tập khí dìm hại lẫn nhau, nên có các việc chìm đắm, nhảy ném, bay rơi, trôi lăn. Thế nên tất cả các đức Như Lai mười phương nhận xét sự lừa gạt đồng gọi là cướp giết. Bồ-tát đối với sự dối gạt như đạp nhằm rắn rết.


    Lừa gạt thuộc lừa dối và phỉnh gạt, tâm phỉnh gạt phần nhiều có các tạp nhạp lẫn lộn, thay đổi nổi chìm như nước bị gió làm chuyển động, do đây mà có nghiệp cảm gây ra những việc chìm đắm, bay rơi. Tâm bay theo gió, trạng thái ấy rất đầy đủ. Mỗi cái đều không chỗ thấy, thì dối gạt người tức là tự dối gạt mình, chính tại nơi tâm bất giác vậy.




  5. #215
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 7.- TẬP KHÍ VỀ OÁN THÙ

    Bảy, tập khí thù oán hiềm khích lẫn nhau, phát sinh ôm lòng giận hờn, như thế cho nên có quăng đá, ném gạch, hộp nhốt, xe cũi, bình đựng, đãy bọc, như người hiểm độc ôm ấp điều dữ. Hai tập khí nuốt nhau nên có những sự ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, gieo ôm. Vậy nên tất cả các các đức Như Lai thập phương nhận xét sự thù oán gọi là quỉ Vi Hại. Bồ-tát đối với sự thù oán như uống rượu độc.


    Thù oán thành ôm lòng giận hờn, thì tất cả cái ôm ấp gây sự nguy hiểm cho người không đâu chẳng đủ. Tai họa gây cùng tột cho người kia, các việc như quăng đá, xe cũi v.v… ném, quăng, nắm bắt đều là chỗ muốn gây đến cho người khác, trái lại thì ở trước mắt mình. Chúng sinh đối với việc này sẽ không tự ăn năn sao? Quỉ Vi Hại thường rình bắt người. “Chẩm” là tên chim cưu, lông cánh nó thấm vào rượu có thể giết người.

    CHI 8.- TẬP QUÁN VỀ ÁC KIẾN

    Tám, tập quán ác kiến tranh cãi với nhau như ngã kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và các nghiệp tà ngộ, phát sinh ra chống trái lẫn nhau, như thế nên có sứ vua chủ lại nắm giữ giấy tờ làm chứng, như người đi đường qua lại gặp nhau. Hai tập khí giao nhau, nên có các việc khám hỏi mưu mẹo, khảo tấn, hạch hỏi, gạn xét cứu tra soi sáng và những đồng tử thiện ác, tay cầm sổ sách biện bạch cãi vã. Thế nên tất cả các đức Như Lai mười phương nhận xét ác kiến đồng gọi là hầm kiến chấp. Bồ-tát đối với các thứ thiên chấp hư dối như đến bên hố độc.


    “Kiến” là ác kiến. Ác kiến có năm: 1/ Thân kiến: chấp ngã và ngã sở. 2/ Biên kiến: chấp thường chấp đoạn. 3/ Tà kiến: nhận xét tà mị hiểu biết sai lầm, bác không nhân quả. 4/ Kiến thủ: Tất cả các kiến chấp chẳng phải nhân chấp là nhân, chẳng phải quả chấp là quả, chấp làm tối thắng, hay đoạn dứt trí tuệ. 5/ Giới thủ: Chấp cố định giới mình đã giữ, hoặc chấp cố định giới tà cho đó là tối thắng. Phàm các thứ kiến chấp đó chỉ thấy có mình không người, thế nên mới có việc chống trái lẫn nhau, bèn có tất cả các việc cảm ứng khám hỏi khảo tấn.

    CHI 9.- TẬP QUÁN VỀ VU VẠ

    Chín, là tập quán về vu vạ, làm hại lẫn nhau, phát sinh vu báng. Như thế nên có núi ép, đá ép cối xay, cối nghiền, cày bừa, ví như kẻ sàm tặc áp bức vu oan cho người lành. Hai tập khí ấy bài xích lẫn nhau, nên có các việc áp giải, đè đập, ép huyết tuốt mình. Thế nên tất cả các đức Như Lai mười phương nhận xét việc vu vạ đồng gọi là sàm hổ. Bồ-tát đối với vu vạ như bị sấm sét.


    Vu báng làm việc oan ức, nghĩa là việc ấy vốn không, vì kẻ sàm tặc ép bức vu oan cho người hiền. Các cảnh núi ép, đá ép đều do việc áp bức vu oan cảm ứng hiện ra và mới thấy các việc áp giải như vậy. “Xúc bộc” (ép huyết) nghĩa là để trên bàn ép, ép cho máu chảy ra. “Hoành đạc”, như trong cái lỗ chật hẹp mà đo đạc thân người kia vậy. “Sàm hổ” sàm là hay làm hại người, độc hại như loài cọp vậy.

    CHI 10.- TẬP QUÁN VỀ KIỆN THƯA

    Mười, tập quán kiện thưa cãi vã lẫn nhau phát sinh sự che đậy. Như thế nên có gương soi, đuốc chiếu, như ở giữa ban ngày không thể giấu bóng được. Hai tập khí phô bày lẫn nhau, nên có các việc bạn ác gương nghiệp hỏa châu phơi bày nghiệp xưa để đối nghiệm. Thế nên tất cả các đức Như Lai mười phương nhận xét sự che đậy đồng gọi là giặc ngầm. Bồ-tát đối với sự che đậy như đội núi cao, lội trong biển lớn.


    Tập quán thưa kiện gốc nơi che đậy, song tâm mình nếu không mê muội ắt sinh nghi hối. Nó vốn đã dụng gương soi, đuốc chiếu nên có quả bạn ác, gương nghiệp. Không dám tự phát ra, nên gọi là giặc ngầm. Đội núi, lội trong biển vừa đủ để tự nhàm chán vậy.



    Lần sửa cuối bởi vietlong; 06-25-2020 lúc 09:33 AM

  6. #216
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN III: TÓM NÊU SÁU GIAO BÁO

    Thế nào gọi là sáu giao báo? A-nan, tất cả chúng sinh do sáu thức tạo nghiệp, nên chiêu cảm ác báo, đều từ sáu căn mà ra.


    Gốc của nghiệp từ thức tạo, ban đầu từ sáu căn tạo ra, trở lại từ sáu căn mà thọ nhận, nên gọi là báo. Một căn tạo nghiệp, sáu căn đồng thọ quả báo. Đây tạo, kia thọ, kia tạo, đây thọ, nên gọi là giao. Nghiệp do tâm, quả báo phần nhiều ước về sắc. Song chỗ sắc thọ tâm đâu không biết. Lại sắc hiện đời và sắc đời sau khác nhau, cốt yếu là thức biến, nên biết toàn sắc là tâm vậy.


    ĐOẠN IV: KHAI THỊ VỀ SÁU GIAO BÁO

    CHI 1.- GIAO BÁO VỀ THẤY

    Các báo dữ từ sáu căn như thế nào? Một, là giao báo về thấy, chiêu cảm quả báo dữ. Khi nghiệp thấy ấy giao báo, thì khi lâm chung, trước hết thấy lửa dữ đầy cả mười phương, thần thức người chết bay rơi theo khói vào địa ngục vô gián, phát ra hai tướng: 1/ Thấy sáng: khắp thấy các vật dữ sinh ra khiếp sợ không lường. 2/ Thấy tối: lặng im không thấy gì sinh ra hoảng hốt vô hạn. Lửa thấy như thế, nó đốt cái nghe có thể làm vạc dầu sôi, làm nước đồng chảy. Đốt hơi thở, thì hay làm khói đen, lửa đỏ; đốt cái nếm, thì hay làm viên tròn hung đỏ, làm cơm sắt; đốt cảm xúc, thì hay làm tro nóng, lò than; đốt tâm ý, thì hay sinh ra sao lửa rưới khắp làm rung động cả cõi hư không.


    Nghiệp đều do thức từ con mắt dẫn đến bèn làm nghiệp thấy, nên có chiêu cảm lửa thấy. Khi lâm chung, in tuồng như con mắt giữ sắc làm nhân, tức là con mắt thấy lửa hồng làm báo. Do con mắt chiêu cảm quả báo khắp tất cả năm căn. Cũng do một căn xoay về nguồn, thì sáu căn được thanh tịnh. Ngộ mê, chân vọng chính không có hai đường. Sáng tối đều thuộc về cảnh bị thấy, nghiệp thấy khi đã mãn, thấy cùng tột cảnh giới đều bị cái khổ ràng buộc. Do đó mà đốt cái nghe, đốt hơi thở, đốt nếm vị, đốt cảm xúc, đốt tâm ý. Ban đầu do một căn tạo ra, năm căn đồng thọ cái vui giả dối. Nay do một căn chuốc lấy nghiệp báo, thì năm căn đồng thọ cái khổ giả dối. Khổ hay vui đều là giả dối cốt yếu là không chỗ trốn vậy.

    CHI 2.- GIAO BÁO VỀ NGHE

    Hai là giao báo về nghe, chiêu cảm quả dữ. Khi nghiệp nghe này giao báo thì khi lâm chung trước thấy sóng cuộn chìm ngập trời đất, thần thức người chết sa xuống theo dòng nước vào ngục vô gián, phát ra hai tướng: một là nghe rõ, nghe tất cả các thứ ồn náo, tinh thần rối loạn; hai là lại điếc hẳn lặng lẽ không nghe gì, thần thức chìm lịm. Sóng nghe như thế rót vào cái nghe, thì hay làm trách làm hỏi; rót vào cái thấy, thì hay làm sấm, làm rống, làm hơi độc dữ; rót vào hơi thở, thì hay làm mưa làm mù, rưới các sâu độc đầy khắp cả thân thể; rót vào vị, thì hay làm mủ làm máu, các thứ nhơ bẩn; rót vào cảm xúc, thì hay làm súc, làm quỉ, làm phân, làm nước tiểu; rót vào ý nghĩ, thì hay làm chớp, làm mưa đá đập nát tâm thức.


    Tiếng sóng rất là mênh mông, nên quả báo chiêu cảm trước thấy nhận chìm. Ngài Ôn Lăng nói: “Quán sát xoay tiếng trở lại tự tâm, thì nước không thể nhận chìm, y chỗ tạo nghiệp hay chiêu cảm sóng mòi cũng một phen khéo hợp”. Tiếng sấm, tiếng rống, hơi độc đều không phải cảnh thấy được, cũng như trạng thái khi sợ (con mắt lộ vẻ sợ sệt) không thể quá câu nệ vậy. Mưa, mù, trùng độc chính là sóng nghe bốc hơi nóng lên biến ra đều có hơi độc, cùng với lỗ mũi tương ưng. Loài súc sinh, loài quỉ là âm loại cùng với chớp, mưa đá, sấm, mưa thảy đều là hình tướng tối tăm của sóng lớn. Chỗ nghiệp nghe cảm đến chẳng phải ra ngoài loại này.

    CHI 3.- GIAO BÁO VỀ NGỬI

    Ba, là giao báo về ngửi chiêu cảm quả dữ, nghiệp ngửi ấy giao báo, thì khi lâm chung trước thấy hơi độc đầy dẫy xa gần, thần thức người chết từ dưới đất vọt lên, vào ngục vô gián, phát ra hai tướng: một là ngửi thông, bị các hơi độc xông tột bực làm cho tâm rối loạn; hai là ngạt mũi, hơi ngạt không thông nằm chết giấc dưới đất. Hơi ngửi như thế xông vào hơi thở, thì làm thông làm ngạt; xông vào cái thấy, thì có thể làm lửa làm đuốc; xông vào cái nghe, thì có thể làm chìm ngập làm chết đuối, làm nước lớn, làm nước sôi; xông vào vị, thì có thể làm đói, làm ngấy; xông vào cảm xúc, thì có thể làm xấu làm nát, làm núi thịt lớn có trăm ngàn con mắt ăn hút không lường; xông vào ý, thì có thể làm tro, làm chướng khí, làm gạch, cát, đá bay lên đánh nát thân thể.


    Từ dưới đất vọt lên, vì hơi từ dưới bay lên. Chữ “chất” là ngại. Chữ “lý” là thông, tức là hai tướng ngửi thông và ngạt mũi ở trên. Thấy thuộc về lửa, thì xông vào làm lửa, làm đuốc; nghe thuộc về nước thì xông vào làm chìm ngập làm chết đuối; vị tùy theo hơi mà biến hóa, thì làm đói, làm ngấy; thân thể chịu hơi huân vào, thì làm xấu, làm nát; ý nhân bị khí che, thì làm tro, làm chướng khí, làm cát bay. Tóm lại, chỉ một căn chiêu cảm ác báo, thì năm căn rối loạn tùy theo mỗi loài đều hiện.




  7. #217
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 4.- GIAO BÁO VỀ VỊ

    Giao báo về vị chiêu cảm quả dữ. Khi nghiệp vị đó giao báo, thì lúc lâm chung trước thấy lưới sắt nung đỏ, che khắp cả thế giới; thần thức của người chết từ dưới tung lên, mắc lưới treo đầu lộn ngược xuống vào ngục vô gián, phát ra hai tướng: một là hớp hơi vào kết thành giá lạnh, thịt trong thân bị nứt nẻ; hai là phun hơi bay ra làm lửa hồng, đốt cháy rụi xương tủy. Vị nếm như thế qua cái nếm, thì có thể làm nhận làm chịu; qua cái thấy, thì có thể làm các thứ kim thạch đốt cháy; qua cái nghe, thì có thể làm binh khí sắc bén; qua hơi thở, thì có thể làm lồng sắt lớn che trùm cõi nước; qua cái cảm xúc, thì có thể làm cung, làm tên, làm nỏ, làm bắn; qua cái ý, thì có thể làm sắt nóng bay từ trên không rưới xuống.


    Tham vị thì lưới đốt phủ tất cả cánh lông vảy. Có làm nhân kia như thế, nên kết quả phải chịu, không một mảy may sai lầm. “Thừa” là nhận. “Nhẫn” là thọ vậy. Chỗ vật bị nhẫn thọ nơi ta, thì nay đến nhận lãnh. Khắp trải qua các căn đều do việc tham vị chấp lấy sự vật, quả báo đâu thể khéo nói ư?

    CHI 5.- GIAO BÁO VỀ XÚC

    Năm, là giao báo về xúc chiêu cảm quả dữ. Khi nghiệp xúc đó giao báo, thì lúc lâm chung trước thấy núi lớn bốn mặt đến hợp lại không còn đường ra, thần thức người chết thấy thành sắt lớn, rắn lửa, chó lửa, cọp, sói, sư tử, ngục tốt đầu trâu, la-sát đầu ngựa, tay cầm cây thương, xóc, lùa vào cửa thành, hướng về ngục vô gián, phát ra hai tướng: một là hợp xúc, thì núi ép kẹp mình xương thịt nát ra máu; hai là ly xúc, thì dao gươm chạm vào mình, tim gan cắt xẻ. Xúc báo như vậy, qua cái xúc, thì có thể làm đạo, làm quán, làm sảnh, làm án; qua cái thấy, thì có thể làm đốt, làm nung; qua cái nghe, thì có thể làm đập, làm đánh, làm đâm, làm bắn; qua hơi thở, thì làm trùm làm đẫy, làm tra làm trói; qua cái nếm vị, thì có thể làm cày, làm kềm, làm chém, làm chặt; qua cái ý, thì có thể làm rơi, làm bay, làm nấu, làm nướng.


    Xúc có hai tướng là ly và hợp. Hợp thì xúc hợp lại ép vào mình. Ly thì xúc chia tách thân mình. “Đạo” là con đường xua đuổi tội nhân đến địa ngục. “Quán” chủ địa ngục giữ cửa cùng với sảnh và án đều là chỗ trị tội. Ngoài ra ước nơi văn kinh có thể hiểu. Luận Trí Độ nói: “Xúc này chính là kết sinh ra nhân duyên lớn, là căn bản trói cột tự tâm”. Vì sao? Vì bốn tình kia đều có chỗ phân chia. Riêng xúc thì chỗ sinh ra nó rất rộng lớn, cùng khắp cả thân và thức, nên xúc phần nhiều hay sinh nhiễm trước, vì nó khó xả, nên có thể tạo nhiều tội nặng, hoặc đọa vào địa ngục, thì có hai nơi: Một là hàn băng, hai là viêm hỏa. Trong hai nơi này đều do thân xúc thọ mà thành tội, khổ độc muôn mối. Vì thế xúc này gọi là chỗ rất tối tăm là con đường gian nan nguy hiểm vậy.

    CHI 6.- GIAO BÁO VỀ Ý NGHĨ

    Sáu, là giao báo về suy nghĩ chiêu cảm quả dữ. Khi nghiệp ý giao báo, thì lúc lâm chung trước thấy gió dữ thổi tiêu hoại cõi nước, thần thức của người chết bị gió thổi bay trên không, xoay rơi trên gió, sa xuống địa ngục vô gián, phát ra hai tướng: một là không biết mê muội cùng tột, hoang mang bỏ chạy không thôi; hai là không mê, tỉnh biết thì khổ bị thiêu đốt không cùng đau đớn thống thiết khó nhẫn chịu. Như thế kết vào ý nghĩ, thì có thể làm phương, làm sở; kết vào cái thấy, thì có thể làm gương soi, làm chứng cớ; kết vào cái nghe, thì có thể làm đại hợp thạch, làm giá, làm sương, làm đất, làm mù; kết vào hơi thở, thì có thể làm xe lửa lớn, làm thuyền lửa, làm cũi lửa; kết vào cái nếm vị, thì có thể làm kêu la to, làm hối hận, làm khóc lóc; kết vào xúc, thì có thể làm lớn, nhỏ, làm cho một ngày muôn lần sống, muôn lần chết, làm nghiêng làm ngửa.


    Ý nghĩ sinh diệt, nhân nơi thân hoại mà thấy cõi nước ngửa nghiêng. Lại ý lo nghĩ thoạt nhanh như gió, khi xả hơi nóng, gió nghiệp thổi mạnh, ý nghĩ trước biết, chẳng biết thì hoang mang không căn cứ, biết thì các thứ khổ giao nhau công phá. Chúng sinh không biết tự tâm tùy ý nghĩ mà lưu chuyển, nghiệp thức mênh mang, khi chưa có quả báo lại không tự chủ, huống chi đương chịu quả báo rồi đến chỗ là nơi thọ tội. Ngài Ôn Lăng nói: “Kết vào cái nghe mà làm đại hợp, đồng như đất nước giao cảm vậy”. Xe, thuyền, cũi chính là hơi thở rơi vào chỗ tâm ý rối loạn mà biến ra. “Nếm vị” tức là thiệt căn mà cũng là chỗ phát ra âm thanh. Từ lớn nhỏ trở xuống đều là nói về thân, bởi do ý loạn động mà thấy có nghiệp cảm xúc. Cùng tột những việc đó đều do huyễn hóa mà hiện ra vậy.




  8. The Following User Says Thank You to vietlong For This Useful Post:

    votam (06-28-2020)

  9. #218
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐOẠN V: KẾT LUẬN VỀ TẬP NHÂN GIAO BÁO, KHI HOÀN TOÀN KHI THIẾU KHUYẾT VÀ ĐÁP LẠI NGHIỆP RIÊNG MÀ CÓ ĐỒNG PHẦN CHUNG

    A-nan, ấy gọi là mười nhân và sáu quả của địa ngục đều do chúng sinh mê vọng mà tạo ra.


    Xét một câu: “Bởi mê vọng mà tạo ra” đã cùng tột nguyên nhân và quả báo đều không thật có. Mê bản tâm mình, nên vọng thấy có tiền cảnh mà khởi hoặc, tạo nghiệp, ví như khi nằm mộng liền đó tự biết; như cơn mộng đã tỉnh đối với sự vật hiện tiền, thì thật giống hệt vật đã vứt bỏ vậy.

    Nếu các chúng sinh sáu căn đồng tạo nghiệp dữ, thì vào ngục A tỳ chịu khổ không lường, trải qua vô lượng kiếp. Nếu từng mỗi căn tạo ra và nghiệp dữ đã làm, gồm cả cảnh và căn, thì người ấy vào tám địa ngục vô gián.

    Mười nhân và sáu quả báo gồm cả căn và cảnh, nghĩa là đồng tạo nghiệp. Cái khổ của địa ngục A tỳ và kiếp số đều gọi là không lường, nên cùng với ngục vô gián có khác nhau. Từng mỗi căn tạo riêng, thời gian vẫn không đồng, nhân cũng có gián đoạn, tuy là gồm cả căn cảnh vào nơi ngục vô gián, nhưng kiếp khổ đều giảm bớt.

    Nếu cả thân, khẩu, ý làm việc sát, đạo, dâm, thì người ấy vào mười tám địa ngục; không đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý, hoặc trong ấy chỉ làm việc sát, hoặc việc đạo, thì người ấy vào ba mươi sáu địa ngục. Chỉ có một căn riêng làm một việc, thì người ấy vào một trăm lẻ tám địa ngục.

    Thân, khẩu, ý thì ba nghiệp đều đủ; Sát, đạo, dâm, thì thân nghiệp đều phạm; do đấy mà vào mười tám địa ngục. Nếu biết ba nghiệp không đủ, hoặc như thân nghiệp chỉ có hai, thì vào ba mươi sáu ngục. Nếu chỉ có một căn riêng phạm là một trong ba nghiệp (thân, khẩu, ý). Riêng phạm một nghiệp là một trong ba tội sát, đạo, dâm, sẽ vào một trăm lẻ tám địa ngục.

    Do những chúng sinh ấy riêng gây ra nghiệp, nên vào chỗ đồng phần ấy, đó đều do vọng tưởng phát sinh chẳng phải bản lai tự có.

    “Riêng gây ra nghiệp” là mỗi mỗi đều có chỗ riêng. “Vào chỗ đồng phần” là các cái riêng chung lại thành chỗ đồng phần. Đây chính là kết luận để đáp câu hỏi: “Lại là tự nhiên hay có chỗ nhất định”, tức như văn trước đã nói, trong các cái đồng phần gồm có chỗ sẵn vậy. Lại nói, “do vọng tưởng phát sinh, không phải bản lai tự có”. Nên biết, các cái riêng nếu có, thì đồng phần là nghiễm nhiên. Như ở trong mộng khi thức rồi thì đâu có gì quyết định, nháy mắt thì đã theo đầu vậy.


    ĐOẠN VI: KHAI THỊ CÁC DƯ BÁO

    CHI 1.- NÊU CHUNG VỀ QUỶ BÁO

    Lại nữa, A-nan! Các chúng sinh ấy chê bai phá hoại luật nghi, phạm giới cấm Bồ-tát, hủy báng Niết-bàn của Phật và các nghiệp phức tạp khác, sau khi bị đốt cháy trải qua nhiều kiếp đền tội hết rồi thì chịu các hình quỷ.


    Ở đây nói về dư nghiệp, nêu lên ba tội rất nặng, dùng để lệ cho những tội khác đều do ở trong địa ngục thọ tội xong lại thọ làm thân quỷ để chỉ cùng tột các dư báo. Câu “Chê bai phá hoại luật nghi”, nghĩa là phá mà lại chê bai nói không luật nghi. Trí tuệ của Bồ-tát, Niết-bàn của Như Lai đều là tuệ mạng của chúng sinh, một phen phạm, một phen hủy, nên nói là rất nặng.

    CHI 2.- MƯỜI THỨ QUỶ

    Nếu ở nơi bản nhân do tham vật mà làm ra tội, người ấy đền tội xong gặp vật thành hình, tên là Quái quỷ; do tham sắc mà làm ra tội, người ấy đền tội xong gặp gió thành hình gọi là Bạt quỷ; tham mê hoặc dối trá mà làm ra tội, người ấy đền tội xong, gặp giống súc thành hình gọi là Mỵ quỷ; do tham nóng giận mà làm ra tội, người ấy chịu tội xong, gặp con sâu thành hình gọi là Cổ độc quỷ; do tham thù oán mà làm ra tội, người ấy đền tội xong gặp vận suy thành hình, gọi là Lệ quỷ; do tham ngã mạn mà làm ra tội, người ấy đền tội xong, gặp khí thành hình, gọi là Ngạ quỷ; do tham lừa gạt làm ra tội, người ấy chịu tội xong, gặp u ẩn thành hình, gọi là Áp quỷ; do tham ác kiến làm ra tội, người ấy khi đền tội xong, gặp tinh hoa thành hình gọi là Võng lượng quỷ; do tham vu vạ làm ra tội, người ấy khi đền tội xong, gặp linh hiển thành hình, gọi là Dịch sử quỷ; do tham bè phái che giấu làm ra tội, người ấy khi đền tội xong, gặp con người thành hình gọi là Truyền tống quỷ.


    Đối với vật sinh ra tham, nên có dư báo sinh cõi quỷ. Nhưng vẫn nương gá vào vật, thường tất cả đều nương vào cỏ gá vào cây, để làm yêu quái, đó là chủng loại của nó. Con đực con cái dụ dỗ nhau, gọi là gió, bởi dư báo của tập khí dâm, nên nương nơi gió mà thành hình. Bạt nữ quỷ, cũng gọi là nữ yêu, loài này do cảm sự dâm dật mà thọ nhận vậy. “Mê hoặc”, tức là nhân của dối trá, nương cái hư dối mà làm mê lầm người chân chính, như loài hồ ly hay hiện thân kẻ nam nữ đẹp. Đây là loại quỷ làm cho người tối tăm mê lầm, nên gọi là Mỵ. Giận là nhân của oán thù, dư báo của sự oán thù bị làm cổ độc, nên thường là loài Cổ độc đều bị quỷ nương gá. Ôm ấp sự giận tức không thôi, ôm ấp tích tụ trở thành ghi nhớ; thừa lúc vận mệnh người suy yếu nhập vào thân làm tật bệnh, gọi đó là Lệ quỷ. Thái độ cao cử lấn hiếp người gá vào hơi làm thân thể, vì không thật có, nên thường tự đói khát. Đây là dư báo tâm kiêu mạn vậy. Hư dối, lừa gạt dùng để dối gạt người không biết, làm cho tâm họ u ẩn, nên gặp u ẩn thì thành yểm; yểm là lầm lẫn mê muội vậy. Tà kiến chấp theo dị kiến của ngoại đạo, cùng với chính kiến trái nhau. Cái dư báo kia có thể nương nơi mặt trời, mặt trăng, ánh sáng, hoa cỏ, núi sông, linh khí dùng để tự thành hình, gọi là võng lượng. “Thành” là nhân của sự vu vạ, đè ép vu vạ để thành chứng cớ. Dư báo đó ắt nương sự minh hiển dùng để cung phụng và sai sử gọi là Dịch sử quỷ. Như thuộc hạ của sứ giả trong linh miếu, dẫn bè đảng tự che giấu, như loài quỷ gá vào người, nay làm đồng cốt cúng tế, là chỗ quỷ nương tựa, để truyền tống việc kiết hung. Đây là dư báo của tập khí về kiện tụng vậy.




  10. #219
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 3.- KẾT LUẬN VỀ QUỶ BÁO

    A-nan, những người ấy đều do thuần tình phải đọa lạc, bị lửa nghiệp đốt khô, thì lên làm quỷ. Những loài như thế là từ nghiệp vọng tưởng mà chiêu cảm. Nếu chứng ngộ Bồ-đề, thì tính Diệu viên minh vốn không thật có.


    Đây là tổng kết mười nhân dư báo mà nói. Nếu ngộ Bồ-đề, thì tính Diệu viên minh vốn không có gì. Phải biết tính Diệu viên minh hiện ở địa ngục tam đồ mà thường không gián cách. Nghĩa là Phật tính lưu chuyển trong ngũ đạo vậy. Bồ-tát tùy loại hiện thân đều vì lý do này. Thế nên phải biết, chúng sinh không có căn lành mà ở trong chỗ khổ cùng tột, ngay đó phát minh, huống là người mà có thể tự bỏ hay sao? Quả báo về tình đã hết, nên nói nghiệp hỏa cháy khô.

    CHI 4.- NÊU CHUNG VỀ SÚC SINH BÁO

    Lại nữa A-nan, khi nghiệp quỷ đã hết thì tình và tưởng cả hai đều thành không, mới ở thế gian cùng với những người mình đã thiếu nợ cũ oán đối gặp nhau, thân làm súc sinh để trả nợ trước.


    Tưởng ở đây đều gồm thu nhiếp trong tình, chớ không phải tình rơi xuống, tưởng bay lên ở trên. Đã nói rằng tình tưởng đều không, thì riêng làm súc sinh để đền trả nợ trước. Song do tập khí dư thừa tăng thượng, nên cũng đều có tùy loại, văn sau tự rõ.

    CHI 5.- MƯỜI CHỦNG LOẠI SÚC SINH

    Quái quỷ theo vật, vật tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chim kiêu. Quỷ theo gió, gió tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm các loài kỳ dị (báo điềm xấu). Mỵ quỷ theo súc, súc chết báo hết, sinh nơi thế gian phần nhiều làm loài chồn. Cổ quỷ theo sâu, sâu diệt báo hết, phần nhiều sinh nơi thế gian làm loài có độc. Lệ quỷ theo vận suy, suy tột báo hết sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài giun. Ngạ quỷ theo khí, khí tiêu báo hết, sinh nơi thế gian làm loài cung cấp thịt ăn. Áp quỷ theo u ẩn, u ẩn tiêu báo đã hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài đồ mặc. Võng lượng quỷ theo tinh hoa, tinh hoa báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cảm ứng. Dịch sử quỷ theo sự linh hiển, linh hiển diệt báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm tất cả loài hưu trưng (báo điềm tốt). Truyền tống quỷ theo người, người chết báo hết, sinh nơi thế gian phần nhiều làm các loài quấn quít bên người.


    Gá vào vật làm quái quỷ, ôm khối đất làm loài chim kiêu. Đây là do dư tập tham vật thực mà hiện. “Cửu trưng” như bầy chuột, chim sẻ, báo điềm hoang phế, thiếu kém thương dương, thủy tai, chim hạc múa ứng điềm hạn hán. Dối làm loài mê hoặc người, còn thừa lại sinh làm thân chồn, trước làm quỷ gá vào thân súc sinh. Ở đây chính làm thân súc sinh. Loài độc là loài rắn rết, loài giun, tức là loài giun sán. Trước làm Lệ quỷ nương vận thịnh suy, ở đây làm loài giun nhỏ ở trong bụng người. Loài để làm đồ ăn uống, là tất cả loài có sinh mạng có thể làm đồ ăn uống. Xưa làm quỷ đói, nay cung cấp cho người no bụng. Loài để làm y phục, nay như tơ tằm, lông thú đều có thể làm y phục. Loài cảm ứng như Đỗ yến, Tân hồng đều ứng theo thời tiết mà đến. Ở đây để thấy còn cảm ứng cái tập khí tinh diệu. Quỷ gá vào sự linh hiển, khi ở loài súc sinh làm loài hưu trưng như con Lân, con Phụng làm điềm tốt cho người, chẳng phải chúng có thể đem đến. Quỷ nương gá theo người khi làm thân súc sinh vẫn còn nương tựa theo người, như loài mèo loài chó ở thế gian. Phàm những loài súc sinh này tuy đền nợ cũ, thảy đều do tập khí dư thừa, nên mỗi loài do nghiệp cảm mà đến vậy.




  11. #220
    Avatar của vietlong
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    464
    Thanks
    115
    Thanked 72 Times in 61 Posts
    Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM trực chỉ
    QUYỂN 8 PHẦN 2 (tt)
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHI 6.- KẾT LUẬN SÚC SINH BÁO

    A-nan, bọn ấy đều do lửa nghiệp đốt khô sinh ra loài súc đền trả nợ trước. Như thế, đều do vọng nghiệp của tự mình chuốc lấy. Nếu ngộ tính Bồ-đề, thì vọng duyên đó vốn không thật có.


    Trên là kết về quỷ thú nói “tính Diệu viên minh vốn không thật có”. Đây là kết về súc sinh báo, lại nói “các vọng duyên này vốn không thật có”, thì biết Diệu tính không nhiễm, hư vọng vốn không, lại ba lần nêu ra phải nên tự phản tỉnh vậy.

    CHI 7.- PHẬT LẶP LẠI CÂU HỎI TRƯỚC, ĐỂ LẶP LẠI LỜI CHỈ DẠY

    Như lời ông nói, bọn Bảo Liên Hương, vua Lưu Ly, Tỳ-kheo Thiện Tinh đều vốn tự tạo nghiệp dữ như thế. Nghiệp ấy không phải từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất vọt lên, cũng không phải người khác đưa tới, mà chính do vọng tưởng của tự mình gây ra rồi trở lại tự mình thọ quả báo, đối với tâm Bồ-đề đó chỉ là sự kết đọng của vọng tưởng giả dối.


    Trong tâm Bồ-đề vốn không có tất cả nghiệp quả. Nên từ tâm Bồ-đề mà quán nghiệp hệ đó là hư dối, không có việc thật. Song do vọng tưởng của chúng sinh kết đọng lại, hiện tiền ở trong mê, thì không thể nói là không, nghĩa là không có ngã, không tạo tác, không người thọ, nhưng nghiệp quả tạo ra đều không mất; tâm giác ngộ, thì nghiệp không , cảnh giới tự khác, không thể đồng như ban ngày mà nói mớ vậy.

    CHI 8.- ĐỀN TRẢ LẠI NỢ CÒN THỪA

    Lại nữa, A-nan! Từ các súc sinh ấy đã đền trả nợ trước, nếu trong lúc trả nợ mà trả quá nợ cũ, thì các chúng sinh này trở lại làm người đòi lại chỗ thừa kia. Nếu như người ấy có thế lực, lại có cả phước đức, thì ở trong loài người, không xả thân người mà hoàn lại chỗ thừa đó; còn nếu không có phước đức thì phải làm súc sinh để trả nợ đền lại chỗ thừa.


    Trả quá nợ cũ, nghĩa là chỗ trả nhiều hơn nợ đã thiếu. Ở đây hoặc người nhận nợ đã trả lại muốn giết để đòi quá nhiều, thì loài súc sinh này trở lại làm người, hầu đòi lại chỗ nợ còn dư đó, như dê chết làm người, người chết làm dê vậy. “Có thế lực”, nghĩa là có sức có thể không mất thân người, như đời trước làm hộ pháp, thọ giới không sát sinh, đều là nhân của trường thọ. “Phước đức” cũng do đời trước làm tất cả việc phước đức đối với Tam bảo, đời này chưa hết, nên hiện đời đền trả không đợi đến đời sau. So sánh mà biết người giàu có lại ngẫu nhiên làm người thiếu nợ, phải khởi tưởng này, mới không đền cái nợ đã khởi ra ở trên.

    CHI 9.- TÌM NHAU ĐỀN TRẢ NGHIỆP BÁO

    A-nan! Phải biết, nếu dùng tiền của hoặc sai sử sức của chúng, đền đủ thì xong, còn như trong ấy có giết thân mạng hoặc ăn thịt của chúng, như thế cho đến ăn nhau giết nhau trải qua nhiều kiếp như số vi trần cũng như bánh xe xoay vần thay đổi bên cao bên thấp không có dừng nghỉ, trừ người được pháp thiền định, hoặc Phật ra đời, thì không thể dừng được.


    Đây là nói tiền của, sức lực, sai sử đền đủ tức là xong. Nếu giết thân mạng, thì ôm ấp oán hận không cùng. Đời nay làm súc đền nợ, đời sau lại sinh làm người đòi lại làm thiếu nợ, thiếu nợ lại làm người đòi không có ngày xong; trừ khi người ấy đốn ngộ tự tính, được chân Tam-muội, thì nghiệp và hoặc cả hai đều không; hoặc gặp Phật ra đời đều được giải thoát, mới có thể thôi dứt. Giới sát sinh phải giữ cho nghiêm trang đồng như giới dâm rất nên ghi sâu vậy.

    CHI 10.- DƯ CẢM TRONG NHÂN ĐẠO.

    Nay ông nên biết, loài chim kiêu kia khi đền nợ đủ trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, xen hợp với hàng ngoan cố. Giống cửu trưng kia, khi đền nợ đủ, trở lại thân người, sinh trong nhân đạo xen hợp với hạng quái dị. Những loài hồ kia, khi đền nợ đủ trở lại thân người sinh trong nhân đạo xen hợp với hạng ngu dại. Những loài có độc kia, khi đền nợ đủ, trở lại thân người, sinh trong nhân đạo xen hợp với hạng nham hiểm. Những loài giun kia, khi đền trả nợ đủ, trở lại thân người sinh trong nhân đạo xen hợp với hạng nhỏ nhoi. Những loài cung cấp thịt ăn kia, khi đền trả nợ đủ, trở lại thân người sinh trong nhân đạo xen hợp với hạng nhu nhược. Những loài cung cấp đồ mặc kia, khi đền trả nợ đủ, trở lại thân người sinh trong nhân đạo xen hợp với hạng lao lụy. Những loài chim mùa kia, (cảm ứng) khi đền trả nợ đủ, trở lại thân người sinh trong nhân đạo xen hợp với hạng văn hoa. Những loài hưu trưng kia, khi đền trả nợ đủ, trở lại thân người sinh trong nhân đạo xen hợp với hạng thông minh. Những loài quấn quít theo người kia, khi đền trả nợ đủ, trở lại thân người sinh trong nhân đạo xen hợp với hạng thông đạt.


    Nhân đạo lấy năm giới làm chính nhân. Nay từ súc sinh trở lại làm người, nên nói là xen hợp. Nhân tham của cải, nên đọa trong loài quỷ, gá vào vật làm việc quái lạ, ở trong loài súc sinh ôm khối đất, làm chim kiêu, trở lại làm người, làm hạng ngoan cố. Nên biết tâm nếu gá vào vật, thì không linh vậy. Tham dục do mê, nên làm loài Bạt, loài Cửu, được trở lại thân người thành các hạng khác lạ không thể nói cho cùng. Dâm dục làm tiêu mất tính bén nhạy linh hiển của người, như loài hồ (chồn) này làm hôn tối mê hoặc tan mất sự liêm sỉ gần với sự ngu độn, tuy trở lại làm người nhưng ngu muội rất nặng. Những loài có độc nguyên ở loài quỷ làm loài cổ, trong loài người làm hạng hung ác tập khí khó thay đổi, cách đời vẫn còn. Loài giun chui rút trong bụng người, tâm chí hạ liệt, cơ hàn bần tiện đều do nhân của đời trước. Các loài cung cấp thịt để ăn, trải qua chịu dao cắt chày đập, tập khí còn dư, tính tình nhu nhược không thể phấn chấn được, dù ở trong loài người cũng như vậy. Những loài làm đồ dùng để mặc phần nhiều lấy ra từ da và lông, do tập khí dư thừa của con trâu, con ngựa nên thấy lao nhọc khổ lụy ở thân người, loài cảm thì có sự nhận thức biết thời. Những loài báo điềm lành, thì có thế trí biện thông, loài theo bên ngoài thì thông nguyên do họa phước. Thế trí biện thông là một nạn trong tám nạn. Người mang tài biện luận không phải là có trí tuệ phát xuất từ tự tính, trái lại cũng đủ làm chướng đạo, vẫn do tự có cái cảm của túc nghiệp vậy.

    CHI 11.- KẾT LUẬN VỀ DƯ CẢM

    A-nan, bọn ấy nợ cũ trả xong, trở lại thân người đều do từ vô thỉ đến nay điên đảo gây nghiệp mà sinh nhau, sát hại lẫn nhau. Nếu không gặp Như Lai, không nghe chính pháp, thì ở trong trần lao cứ thế xoay vần mãi mãi. Bọn ấy gọi là thật đáng thương xót vậy.


    Lại kết về mười nhân, sáu giao báo, đều do chúng sinh điên đảo. Tuy nợ đời trước tạm trả xong mà sinh nhau, giết nhau trọn không cùng tận. Duy có gặp Phật nghe chính pháp, thấy tính để làm con đường tiến lên, trên trời, dưới trời cũng không thể rõ được sự xoay vần ấy. Chúng sinh mờ tối thật đáng thương xót vậy.




Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thầy THÍCH THANH TỪ, Thầy cũ của Thích Chân Quang lên tiếng
    Gửi bởi lamebay trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2019, 01:25 PM
  2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm _ Thiền sư Thích Từ Thông giảng!
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 3
    Bài cuối: 09-09-2016, 03:44 PM
  3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 587
    Bài cuối: 03-05-2016, 05:36 PM
  4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Đại sư Pháp Vân giảng)
    Gửi bởi vietlong trong mục Giáo lý Đại Thừa
    Trả lời: 151
    Bài cuối: 09-08-2015, 11:04 AM
  5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông
    Gửi bởi Thiện Tâm trong mục Kinh
    Trả lời: 13
    Bài cuối: 06-30-2015, 06:40 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •