GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
PHẦN NĂM PHẠM VI LỚN _ Ngày thứ HAI MƯƠI MỐT
__________________________________________________ ______________________________________


(v) Cạm bẫy thứ năm: Sự tái điều chỉnh

Khi bạn đã chấm dứt hôn trầm trạo cử, thì sự tái điều chỉnh lại trở thành một cạm bẫy, mặc dù kỳ thực nó là một phương thuốc đối trị. Đối lại sự điều chỉnh là số tám trong các pháp điều chỉnh, nghĩa là xả hay không điều chỉnh. Bạn phải đào luyện xả ấy.

Bạn sẽ bị qua lại giữa trạo cử và hôn trầm khi bạn chưa đạt đến tâm trạng thứ tám. Ở giai đoạn này bạn có thể đã an tịnh cả trạo cử lẫn hôn trầm, tuy nhiên vẫn còn phải tra tầm xem chúng còn hiện diện hay không. Nhưng nếu vì quá hăng hái bạn áp dụng một phương chữa trị thì bạn sẽ làm gián đoạn một tâm trạng này - bởi thế sự tái điều chỉnh là một cạm bẫy. Đừng nỗ lực trong sự tinh tấn; tốt nhất là buông lỏng và đào luyện sự điều chỉnh bằng “xả.” Mọi người đều bảo ở điểm này bạn nên buông lỏng vì trước ấy đã quá căng. Cuối tâm trạng thứ tám bạn không còn bị rơi vào hôn trầm hay trạo cử gì nữa và người ta nói bạn chỉ cần tinh tấn vừa phải. Nhưng khi chưa đạt đến điểm này thì lại là vấn đề khác hẳn, và sự buông lỏng ở đây không phải là sự buông lỏng nói trong phần bàn về niệm và về nới lỏng cường độ mãnh liệt của sự duy trì hình ảnh quán. Những hành giả Tây Tạng trong thời quá khứ không nhận ra thời điểm đúng để nới lỏng, nên họ tự cho mình có “thiền định sâu xa trong sự thư giản sâu xa.” Lỗi của họ là nới lỏng niệm quá sớm. Vậy đừng rơi vào cái bẫy mà họ đã rơi vào ấy. Vì sao? Vì nó sẽ mang bạn đi xa khỏi thứ định nhất tâm, cái khiến bạn đạt đến sự ổn định hình ảnh quán một cách nhanh chóng và rũ bỏ sự hôn trầm vi tế.

Đấy cũng là cách theo đuổi các pháp quán khác, từ giai đoạn thành tựu trở xuống.

Bây giờ tôi sẽ bàn cách theo đuổi pháp tu này. Hãy hoàn tất những chuẩn bị sự tu tập tịnh chỉ, như ở chỗ thích hợp có năm đặc tính. Rồi ngồi trên một tọa cụ thoải mái theo thế ngồi của Phật Tỳ lô với bảy sắc thái. Quán trên đỉnh đầu bạn hình ảnh bậc thầy của bạn, và từ bậc thầy ấy tách ra một hình ảnh Đức Thích Ca Mâu Ni. Hình ảnh này ngồi giữa hư không, ngang tầm rốn bạn. Lúc đầu hình ảnh không rõ lắm, nhưng chưa cần làm cho rõ. Có thể bạn chỉ thấy xuất hiện một viên tròn lung linh vàng nhạt hay chỉ một phần ngài, như đầu hoặc tay chân, v.v… Đừng để hình ảnh ấy tuột khỏi tâm tư bạn; giữ chặt nó đừng để tâm phân tán. Chỉ một việc nuôi dưỡng niệm ấy cũng đủ để ngăn sự hôn trầm hay trạo cử. Đấy là lý do bạn cần giữ trong tim lời chỉ giáo tối thượng này của các bậc thánh giả vĩ đại. Hơn nữa hôn trầm được cắt đứt nhờ siết chặt sự nắm giữ hình ảnh. Trạo cử được cắt đứt nhờ không phân tán. Khi bạn thiền theo cách ấy và đã đạt được một mức độ an định, thì bạn lại rất dễ rơi vào hôn trầm, bởi thế hãy bám siết sự rõ rệt của hình ảnh. Khi bạn đạt đến một mức độ rõ rệt đáng kể, thì mối nguy lại là trạo cử. Hãy dùng những biện pháp cần thiết để đối trị trạo cử, và lại tìm sự rõ rệt của hình ảnh quán.

Mặc dù bạn có thể giả vờ đang tu tập, nhưng bạn không tu tập gì ráo nếu không biết cần phải làm gì để đạt tâm tịnh chỉ. Bạn nhất định phải đạt tịnh chỉ với hai sắc thái: sự rõ rệt và khá an trú của tâm ảnh, và một sự duy trì chặt chẽ hình ảnh ấy.

Như trong phần nói chi tiết về tịnh chỉ trên đây, đề mục thiền được duy trì nhờ “niệm” không thể mất hình ảnh. Ở giai đoạn ấy bạn rơi vào hôn trầm hay trạo cử. Vừa lúc khám phá ra chúng nhờ tinh tấn canh chừng, bạn hãy áp dụng ngay pháp đối trị thích hợp để chấm dứt chúng. Sau khi đã chấm dứt thì đừng áp dụng pháp đối trị nào nữa: cứ việc nhất tâm trên hình ảnh quán, đồng thời duy trì sự rõ ràng sáng suốt nhất.

Hãy để ý: Theo pháp Đại Thủ ấn (Mahàmudra) thì đối tượng tập trung vào cái tâm quán sát đối tượng ấy cần được xem như một. Một mục đồng cần phải coi chừng hai chuyện: con vật nào đã bị bỏ quên lại trên núi, con nào không quên. Khi bạn phát sinh vọng tưởng cũng thế, có hai cách để nó tự động chấm dứt, hoặc có thể áp dụng một cách trừ vọng để chấm dứt, hoặc có thể áp dụng một cách trừ vọng để chấm dứt nó, và hướng sự chú ý của bạn đến trí sáng suốt. Bạn sẽ đọc nhiều chi tiết hơn về điều này trong tác phẩm Đại Thủ Ấn của phái Hoàng Mạo. Những người mong muốn đạt thành tâm tịnh chỉ bằng cách sử dụng tâm để làm đối tượng tập trung (thay vì dùng một sắc pháp như quán kasina - DG) cần phải biết những điều này.