GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY PHẦN BA NỀN TẢNG CỦA ĐẠO LỘ _ Ngày thứ MƯỜI BA
__________________________________________________ ______________________________________
b-1.1.2. Nghiệp chứng tỏ có tăng trưởng lớn
Những nguyên nhân bên trong phát sinh những hậu quả lớn hơn những nhân bên ngoài. Tuy thế, cũng có trường hợp nhân ngoài có hậu quả, như một cây đại thụ mọc lên từ một hột nhân rất nhỏ bé, và hàng năm nó có cho hàng trăm ngàn thứ như lá và quả. Như vậy đây là một tăng trưởng to lớn. Nhân nội tâm còn cho những hậu quả lớn hơn nhiều.
Khi đức Thế Tôn viếng thăm thành Nyagrodhikà, có một người phụ nữ dâng cúng ngài một nắm kẹo mè. Ngài tiên đoán trong tương lai bà sẽ tái sinh làm một vị Phật hiệu là Susvasti. Người chồng nói một cách bất kính: “Yêu cầu ông đừng nói như vậy chỉ vì bà ấy cúng ông một ít thực phẩm, này ông Phật.” Đức Phật lấy hình ảnh hột cây đa nhỏ xíu nhưng mọc thành một cây khổng lồ ngã bóng xuống che rợp năm trăm chiếc xe bò đặt không đụng nhau. Phật dạy rằng những nghiệp nhỏ có những hậu quả lớn. Khi ấy người chồng mới chịu tin.
Có lần một tỳ kheo bảo một người khác: “Giọng anh như chó sủa, hay như cóc kêu, hay như khỉ lải nhải,” và ông ta đã tái sinh năm trăm kiếp làm mỗi loài vật mà ông dùng để mắng nhiếc.
Ở Trung Hoa, có lần một người viết: “Những học giả ngày nay giống như rắn.” Nên quyển sách ông ta được đặt tên là Luận Xà Dụ. Thân thể tác giả về sau đau đớn quằn quại, tay chân co quắp vào trong mình, trở thành thân một con rắn. Rồi một cái đầu rắn chui ra từ một chỗ nứt trên đầu ông. Trong tái sinh ấy tác giả thực sự biến thành một con rắn.
Ở Ấn, năm trăm người chài lưới có lần bắt được một con giống như cá mà có 18 cái đầu. Phật dạy đấy là hậu quả của việc như sau. Con vật ấy xưa là Mànavagaura, mẹ ông đã khuyến khích ông nhục mạ những thầy tu khác là “Giống như chó,” vân vân. Nhưng khi đức Thế Tôn đi đến đấy để tuyên bố về nghiệp nhân của sinh vật kia, thì Ngài bị các ngoại đạo chỉ trích là “Cồ Đàm bậc thánh giả mà cũng khoái cảnh tượng thế gian.” Tôi đã kể chuyện này một cách chi tiết trong phần nghi thức chuẩn bị. (Xem Ngày Thứ Tư, trang…)
Những hậu quả ghê gớm ấy đều do những lời mắng nhiếc nhỏ nhặt, chứ không cần phải do những tội lớn lao như giết người cướp của chẳng hạn.
Trước khi xuất gia, tỳ kheo ni Utpalavarna (Liên Hoa Sắc) có hai con trai; một đứa bị chết chìm, một đứa bị chó sói tha mất. Chồng bà bị rắn cắn chết. Cha mẹ bà và nhà cửa bị thiêu cháy rụi trong một cơn hỏa hoạn. Sau đó bà kết hôn với một thầy cúng tế. Trong khi sinh ra một bé trai, người chồng cùng bạn uống rượu say về giết đứa bé và bắt bà ăn thịt con. Bà bỏ nhà chạy đến một gia chủ chết vợ. Người này lấy bà làm vợ nhưng ông ta cũng chết, và bà bị chôn sống theo xác của ông theo phong tục địa phương. Một tên trộm chuyên trộm chỗ mồ mã đào bà lên và bà trở thành vợ y. Về sau người chồng bị vua giết vì là đầu đảng bọn cướp, và bà cũng bị chôn sống theo cái xác. Sở dĩ bà trải qua những đau khổ như vậy là vì trong một đời trước, bà đã làm thứ phi của vua và đã giết con trai của hoàng hậu nhưng lại thề nhiều kiểu để chối.
Còn nhiều chuyện tương tự. Nhân và quả còn tinh tế và mờ mịt hơn cả tánh không: Thanh văn và Độc giác A la hán có thể hiểu và giảng dạy những chi tiết vi tế về tánh không, nhưng sự vi tế của luật nhân quả thì chỉ có chư Phật mới phán xét được, và người ta biết được chỉ nhờ sự công bố chân thật của Ngài. Luật ấy quả là vi tế đến nỗi ta phải tránh né dù là tội lỗi nhỏ nhất. Kinh Pháp Cú nói:
Đừng tưởng một tội nhỏ
Tương lai không quả báo.
Như nước nhỏ từng giọt
Làm đầy bình chứa to
Những tội lỗi nhỏ nhặt
Kẻ hạ liệt tích lũy
Sẽ tràn ngập đời y.
Một đức hạnh nhỏ cũng sẽ tăng trưởng thành quả báo lớn. Vua chuyển luân Màbhvàtà cai trị cả bốn châu lục và các cõi trời; tương truyền đấy là hậu quả của việc ông đã ném một nắm đậu để cúng Phật Tỳ Bà Thi. Bốn trái đậu rơi vào bát của Ngài và một trái rớt nơi nhục kế của Ngài.
Khi Phật còn tại thế, có một bà la môn tên Survanavasu. Tay ông thường tuôn ra những đồng vàng không bao giờ hết; đó là hậu quả từ một đời trước khi ông mà một người buôn gỗ. Một lần sau khi nhận được một đồng tiền vàng người ta trả, ông đã cúng dường Phật Ca Diếp bằng cách bỏ vào một bình đất sét đầy nước.
Kanakavatsa là một vị trưởng lão trong tăng đoàn. Vào ngày ngài ra đời, có bảy thớt voi vàng xuất hiện tự nhiên trong kho tàng của gia đình. Tất cả phân tiểu của voi đều là vàng ròng, nên Kanakavatsa được chu cấp rất chu đáo. Bảy lần vua A xà thế sai đến trộm voi, nhưng không thành công vì những con voi ấy biến mất xuống dưới mặt đất và trở về chủ cũ. Điều này được bảo là hậu quả của một đời quá khứ trong đó Kanakavatsa đã khôi phục và thếp vàng một pho tượng đất sét của con voi mà đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni) đã cỡi.