GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY PHẦN BA NỀN TẢNG CỦA ĐẠO LỘ _ Ngày thứ chín
__________________________________________________ ______________________________________
NGÀY THỨ CHÍN
(Kyabje Pabongka Rinpoche cho một câu chuyện ngắn để giúp cho chúng tôi khởi động lực, trích dẫn đức Atìsha vô song):
Có nhiều chứng cứ tỏ rằng cuộc đời ngắn ngủi,
Nhưng ta không biết rõ nó kéo dài bao nhiêu năm;
Hãy rút ra từ đấy những gì đáng ưa nhất
Như con ngỗng chúa tách sữa từ nước.
Ngài nhắc lại những tiêu đề đã bàn và ôn lại vắn tắt đề tài phụng sự bậc thầy.
1.2.4. TẬN TỤY VỚI THẦY BẰNG VIỆC LÀM
Trong Trang Nghiêm Kinh có câu:
Hãy nương tựa bậc thầy
Bằng cách dâng quà biếu,
Bằng cách phục vụ thầy
Và bằng cách tu tập.
Nói cách khác có ba cấp bực tận tụy với thầy bằng việc làm: bực hạ là quà biếu, bực trung là hầu hạ và bực thượng là tu hành. Chẳng hạn, khi học trò nương tựa thầy, họ thực hành cả ba bực; bởi vậy cách thờ thầy cho đúng là đạo sư du già. Nếu sự nương tựa bậc thầy được căn cứ trên liên hệ cá nhân, thì bạn không cần tìm pháp quán nào để tu tập đạo sư du già. Khi bạn không ở bên cạnh thầy, thì bạn phải phát sinh phép quán ruộng phước, làm lễ tắm rửa và khẩn cầu, lạy, dâng cúng, v.v…
Cách tốt nhất để làm hài lòng vị hướng đạo tâm linh là hiến dâng thầy sự thực hành lời ông chỉ giáo. Milarepa nói:
Con không có tài sản hay quà cáp để dâng,
Sự tu tập của con đền đáp công ơn sư phụ
Con thực hành pháp dũng mãnh không kể gian nan;
Đấy là quà con dâng hiến bậc thầy như cha lành.
Cả hai truyền thống về Lời Đức Văn Thù, bản ngắn của hệ phái Phương Nam và bản dài của Hệ phái Trung Ương, đều dạy rằng sự tận tụy bằng hành vi là thuộc về nghi thức chuẩn bị thứ tư. Trong bản văn này sự thờ kính bậc đạo sư bằng ý nghĩ được dạy vào cuối nghi thức chuẩn bị thứ ba.
Theo bản văn này, khi bạn ở chỗ không có thầy, thì nên thờ thầy qua hành vi bằng cách làm ba nghi lễ chuẩn bị đầu là triệu thỉnh bậc thầy và ruộng phước, rồi dâng cúng các ngài, v.v… Bằng cách ấy, bạn làm cho thầy hài lòng do những quà dâng hiến vật chất.