GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ hai
__________________________________________________ ______________________________________
Phân biệt Phật pháp với không phải Phật pháp thật là chuyện vô cùng khó khăn. Có lẽ chuyện sau đây sẽ cho bạn vài khái niệm. Có lần Atìsha đã nói: “Ở Ấn Độ chỉ có ba người biết phân biệt Phật pháp và phi Phật pháp là Nàropa, Shàntipa và tôi. Naropa đã chết, còn tôi đã đi Tây Tạng. Có thời nào mà xứ Ấn lâm vào một tình thế tệ hơn không?”
Chính sự kiện Atìsha có thể phân biệt như vậy vào lúc lên sáu, đối với tôi dường như là dấu hiệu chứng tỏ ngài đã uyên bác ngay từ lúc nhỏ.
Khi ngài mười một tuổi, nhiều công nương công chúa xứng đôi vừa lứa đã tìm đủ nghệ thuật múa hát để quyến rũ ngài; nhưng những cảnh tượng ấy chỉ gợi cho ngài sự gớm ghiếc và xuất ly. Có một cô gái làn da ngăm đen vốn là hóa thân của Tara, đã nói với ngài.
Thái tử, chớ bị vướng mắc
Hỡi người diễm phúc, đừng bị vướng
Nếu một anh hùng như ngươi
Mà bị tóm trong vũng lầy dục vọng
Thì cũng như con voi sa lầy.
Nhưng người mặc áo giáp giới đức thì không chìm đắm.
Ta hãy suy xét rộng rãi lời nói của nàng. Nàng bảo Thái tử đừng vướng mắc trước hết là vào đời này, và thứ đến là vào sinh tử luân hồi nói chung. Ví dụ nàng dùng về con voi sa lầy có nghĩa rằng, vì con voi có thân xác khổng lồ, nên còn khó gỡ mình ra khỏi sình lầy hơn những con vật khác. Nếu những người thông thường mà phạm vài điều quấy, thì chỉ có hại cho bản thân họ chứ không thể phương hại đến sự lan truyền giáo lý. Nhưng nếu tu sĩ vĩ đại hoặc những tái sanh của Lamas mà hành xử sai trái, thì sẽ làm cho sự giảng dạy giáo lý trong vùng ấy mất ảnh hưởng. Nếu những vị này hành xử thích đáng, thì giáo lý ở vùng ấy sẽ thịnh. Lại nữa, với tôi dường như điều ấy muốn nói rằng điều quan trọng nhất là những người lớn như quý vị cần phải đa văn, có đạo dức, từ bi, và quý vị nên giữ gìn những truyền thống Gelugpa thuần tịnh.
Vị Thái tử trả lời rằng những lời yêu cầu của nàng làm cho Thái tử rất hài lòng.
Không lâu sau đó, vua cho một trăm ba mươi kỵ sĩ vây quanh Thái tử. Thái tử giả vờ đi thám hiểm núi rừng ở vùng lân cận. Mục đích thực thụ của ngài là tìm một bậc đạo sư. Ngài gặp Bà la môn Jitarì đang sống trong một ngọn núi, ông cho Thái tử quy y và thọ giới Bồ tát, và cho Thái tử biết về Bodhibhàdra ở Nalanda, người có duyên nghiệp với Thái tử đời quá khứ. Thái tử liền đi gặp bậc thầy ấy và dâng cúng ngài nhiều ngọc ngà châu báu. Bodhibhàdra rất hoan hỉ. Bậc thầy nhập định và làm phép tịnh hóa ba cửa (thân khẩu ý) cho Thái tử. Ngài cũng cho Thái tử nhiều lời chỉ giáo liên hệ đến sự phát tâm Bồ đề, đoạn giới thiệu Thái tử đến bậc thầy Vidyakokila, vị này cũng dạy Thái tử về sự phát Bồ đề tâm rồi gởi Thái tử đến một bậc thầy từ đời trước của Thái tử là Avadhutipà.
Avadhutipà bảo Thái tử: “Hãy trở về kinh đô của phụ vương ngày hôm nay. Hãy quán xét những khuyết điểm nơi lối sống của một cư sĩ thế tục.”