GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
PHẦN BA NỀN TẢNG CỦA ĐẠO LỘ _ Ngày thứ MƯỜI HAI
__________________________________________________ ______________________________________


PHẦN BA

NỀN TẢNG CỦA ĐẠO LỘ


NGÀY MƯỜI HAI

(Kyabje Pabongka Rinpoche kể câu chuyện ngắn để khởi động lực cho chúng tôi, trích dẫn từ tác phẩm của đức Tsongkapa)

Tái sinh làm thân người
Là điều rất khó được.
Đời này không kéo dài.
Tâm thường quán như vậy
Và lơ chuyện thế gian…


(Sau khi nhắc lại những tiêu đề đã giảng, ngài ôn lại tài liệu về nỗi khổ ở các đọa xứ, một phần của chương “Nghĩ Về Loại Vui Hay Khổ Bạn Sẽ Gặp Trong Tái Sinh Sau Ở Một Trong Hai Nẻo Luân Hồi.”)

Những điều ấy làm cho bạn muốn rút tỉa tinh hoa của đời tái sinh may mắn này. Khi nghĩ đến những thống khổ ở đọa xứ, bạn sẽ kinh hoàng và mong tìm chốn nương thân, cũng như tìm cách nào để được sung sướng trong đời sau. Chỗ nương mà bạn tìm được để che chở bạn khỏi đọa, chính là bậc thầy và Tam bảo. Cách để được sung sướng đời sau là phát khởi niềm tin và luật nhân quả - lòng tin này là gốc rễ của mọi sức khỏe và hạnh phúc - và thay đổi lối hành xử cho phù hợp với luật ấy.

2.1.2. DẠY CÁCH ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ĐỜI SAU

Có hai tiêu đề phụ: (1) quy y, cánh cửa thiêng để đi vào nền giáo lý; (2) phát khởi niềm tin vào luật nhân quả - gốc rễ của mọi sức khỏe và hạnh phúc.

a. Quy y: cánh cửa thiêng để đi vào giáo lý

Có năm đoạn: (1) nguyên nhân sự quy y; (2) nương tựa vào những gì; (3) tiêu chuẩn của chỗ nương đầy đủ; (4) lợi lạc của quy y; (5) lời khuyên sau khi đã quy y.

a-1. Nguyên nhân quy y

Sự quy y chính đáng hay không là do trong dòng tâm thức người ta có nguyên nhân chính đáng để quy y hay không. Những nguyên nhân ấy được bàn trong tác phẩm của Lozang Choekyi Gyaeltsaen nhan đề Tiếng Cười Du Dương Của Lozang Dragpa - Trả Lời Cho Những Câu Hỏi Về Lòng Vị Tha Tinh Khiết Nhất:

Bản chất chân thực của quy y:

Quy y vì ta rất sợ chính ta

Và vì ta biết

Tam bảo có năng lực che chở

Đây là điều mà ta gọi Đấng Toàn Tri.

Nói cách khác ta cần cả hai nguyên nhân: vì sợ khổ sinh tử và các đọa xứ; và niềm tin rằng, một khi ta đã đặt niềm tin vào Tam Bảo, thì Tam Bảo sẽ có năng lực che chở cho ta thoát khỏi những nỗi kinh hoàng ấy. Nếu chúng ta không có hai nguyên nhân ấy, thì không quy y được một cách thuần túy. Nếu chúng ta không sợ khổ thì ta không nghĩ đến chuyện tìm một chỗ nương. Nếu chúng ta không tin tưởng vào cái điều mà chúng ta đã tìm đến để nương cậy (quy y) thì ta không nhớ đến sự tin cậy của ta vào chỗ nương ấy - ta chỉ có thể nhắc lại bằng lời nói suông mà tim ta không đặt hết tin tưởng vào đấy. Mỗi phạm vi trong ba phạm vi đều chứa lý do trước nhất của nó, trong sự quy y. Với Phạm Vi Nhỏ thì đó là: Sợ nỗi khổ luân hồi trong sinh tử. Với Phạm Vi Lớn là: lòng từ bi bao la làm cho ta không thể chịu nổi thấy kẻ khác đau khổ trong sinh tử. Trong phần đặc biệt này của Lam-rim, lý do quy y là nỗi sợ hãi các đọa xứ.

a-2. Nương cậy vào cái gì.

Có hai phần: (1) nhận ra những chỗ đáng nương cậy; (2) lý do tại sao đấy là những nơi đáng nương cậy.

a-2.1. Nhận ra những chỗ đáng nương cậy

Tác phẩm Một Trăm Năm Mươi Bài Tụng nói:

Hãy nương tựa vào một người

Tuyệt đối không lầm lỗi,

Không mù quáng, và nơi người ấy

Có đủ mọi khía cạnh của thiện đức.

Khi bạn nghĩ về điều này.

Hãy tôn trọng người nào ca tụng Ngài

Và an ttú trong giáo lý của Ngài giảng dạy.


Nói cách khác, khi bạn nghĩ làm sao để phân biệt cái gì đáng nương cậy cái gì không, thì bạn sẽ muốn nương cậy Phật, người giảng dạy Pháp, nương cậy Pháp ấy, và nương cậy Tăng, những người sống theo Pháp. Phàm phu tìm chỗ nương là những sinh vật thế gian, như quỷ thần, rồng v.v… Những người không Phật tử tìm chỗ nương là Phạm Vương, Đế Thích v.v… nhưng chính những sinh vật này cũng đang ở trong sinh tử, bởi thế không phải là chỗ quy y xứng đáng.

Như vậy ai là chỗ quy y xứng đáng? Tác phẩm Bảy mươi Bài Kệ Quy Y nói:

Phật, Pháp và Tăng

Là ba chỗ quy y cho người cầu giải thoát.

Nghĩa là, chỗ nương cậy duy nhất là Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Nhưng nếu ta không nhận ra cho đúng, thì ta sẽ không quy y một cách thuần tịnh. Chúng ta không có tinh thần phê phán, bởi thế tự hào là người biết Đại thừa, mà khi gặp chuyện rắc rối,hay có việc quan trọng, ta lại đi tìm trú ẩn trong những chỗ nương thế tục, như quỷ thần, thổ thần, v.v… Chúng ta làm lễ tịnh hóa bằng khói hoặc đeo bùa, hoặc chạy bổ đến bất cứ một vị thần linh nào. Mọi hoạt động bên ngoài này chứng tỏ tình trạng nội tâm ta. Phật tử thì phải tin tưởng Tam Bảo. Chúng ta có thể đã thực thụ làm người xuất gia, được một tu viện thâu nhận, thế mà ta không đủ tư cách làm Phật tử chứ đừng nói làm một người hiểu biết Đại thừa.

Trời rồng, v.v…, không có ba đức là toàn tri, tình yêu và năng lực. Những chúng sinh này cón không thể biết mình lúc nào chết. Thông thường chúng được liệt vào hạn súc sinh hay ngạ quỷ, sự tái sinh của chúng thấp hơn người. Không có cách nào tệ hơn là tìm cách nương tựa vào chúng. Hoàn toàn không thể che chở ta thoát khỏi sinh tử và nỗi khổ ở đọa xứ, hay giúp đỡ tạm thời cho chúng ta, chúng còn làm hại chúng ta là đằng khác. Có câu chuyện chứng minh như sau. Một người bị bướu cổ đi đến mọt nơi có quỷ ăn thịt sống thường lai vãng. Những quỷ này có nợ chúng sinh khác một ít thịt, nên chúng lấy cục bướu của người này. Một người khác có bướu cũng đến cầu xin quy y với hy vọng khỏi bướu, nhưng những quỷ này không phá hủy cục bướu mà lại làm cho lớn hơn. Cũng tương tự như vậy, quỷ thần ở thế gian đôi khi giúp người nhưng cũng lắm lúc hại người; nên không bao giờ có thể tin cậy được.