GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
PHẦN BA NỀN TẢNG CỦA ĐẠO LỘ _ Ngày thứ chín
__________________________________________________ ______________________________________


Tái sinh làm súc sinh không lợi cho việc học Pháp, vì súc sinh ngu tối, bị vô minh ám chướng. Ví dụ nếu ta bảo một con chó hay lừa rằng: “hãy niệm một chuỗi Om Mani Padme Hum thì ngươi sẽ được giác ngộ” nó sẽ không hiểu gì ráo. Và nếu súc sinh chỉ một âm của câu thần chú cũng không biết, thì làm sao học hiểu các pháp khác được? Vậy, súc sinh thì chỉ sinh ra để chịu những kiểu đau khổ riêng của chúng, và điều ấy không lợi ích gì cho việc học pháp. May phước thay ta không bị sinh vào loài ấy.

Bây giờ, mỗi khi nói “may thay” là ta liên tưởng đến một món tiền mình đã kiếm được, nhưng điều ấy chưa thực sự là may mắn. Khi nhìn những thú vật như chó, lừa, ta chớ nên xem chúng như những con con vật gợi tò mò; mà nên suy nghĩ, “May thay mình không phải như chúng nó!”

Những vị Trời Trường Thọ là như sau: được sinh vào cõi Sắc và Vô sắc là một trong những quả báo tốt nhất bạn có thể có, tuy nhiên khi những vị Trời được sinh vào những cõi ấy họ nghĩ, “Ta đã được tái sinh làm một vị Trời,” và khi họ rời khỏi tái sinh ấy, họ nghĩ, “ta đang rời khỏi tái sinh làm Trời.” Trong thời gian còn lại trên cõi Trời thì họ chỉ có mê mẩn trong trạng thái nhất tâm tịnh chỉ tới nỗi họ giống như đang ngủ một giấc dài - họ lãng phí toàn thể cuộc tái sinh của mình bằng cái cách hoàn toàn vô nghĩa như thế. Tác phẩm Trình độ Thanh Văn của Vô Trước cho ta biết những vị Trời trong những cõi Trời khác có thể có vài bản năng lớn lao về đức hạnh, nhưng thông thường họ dùng toàn thời gian để hưởng lạc thú, nên cũng không nhận được Pháp. Jìvaka Kumarabhrta lúc còn làm người là một Y vương và là đồ đệ của tôn giả Xá Lợi Phất. Mỗi khi ông cưỡi voi đi ra ngoài gặp Tôn giả, ông lập tức xuống voi không chút ngần ngại. Về sau khi được tái sanh lên cõi Trời, Tôn giả lên ấy để thuyết pháp cho ông. Nhưng ông quá mắc bận các thiện lạc đến nỗi ông chỉ dơ một ngón tay lên chào rồi tiếp tục vui chơi, không để cho Tôn giả có cơ hội nào mà dạy pháp được. Đấy, ở cõi Trời là như vậy, chư Thiên tuyệt đối không nghĩ đến chuyện học Pháp, hay chuyện từ bỏ xả ly. Họ chỉ có những tiếng trống, những con chim thần, v.v… nói cho họ nghe diệu pháp; nhưng không có những bậc thầy như chúng ta để chỉ giáo cho họ một cách chi tiết.

Bốn tình huống bất lợi trong loài người như sau. Nếu bạn sinh trong một nơi mà đức Phật chưa từng đặt chân đến, bạn sẽ không biết làm gì để thực hành Pháp, và cho dù có thực hành, bạn cũng không biết cách làm cho đúng. Ta sẽ làm sao nếu bị rơi vào những tình huống ấy? May thay ta đã không bị như vậy!

Ngay dù bạn sinh vào chỗ trung ương, nơi có Phật pháp lưu hành, mà nếu bạn làm người ngu đần vì bị trạng thái tinh thần bất túc, làm kẻ câm điếc không nói được, thì bạn cũng không thể hiểu được mục đích thực sự đằng sau lời Pháp, hoặc chỉ làm theo dáng điệu mà không hiểu gì nên không thể tu tập đúng cách.

Làm người tà kiến là chướng ngại lớn nhất cho sự hiểu pháp - đó là lý do đức Long Thụ đề cập trở ngại này trước tiên. Thật là điều vô phúc nhất nếu bây giờ bạn làm người Hồi giáo chẳng hạn, vì bạn sẽ không bao giờ có được công đức căn bản của việc đọc tụng dù chỉ là một xâu chuỗi câu Om Mani Pade Hum, dù bạn có sống thật lâu.

Vậy, chúng ta đã xoay sở có được tám điều thuận lợi là giải thoát khỏi tám nạn kể trên mặc dù thực sự rất khó mà thành tựu cả tám điều ấy một cách triệt để. Đấy là lý do ta nói là may mắn: Còn gì may mắn hơn có được tám điều rất khó được ấy?