GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ ba
__________________________________________________ ______________________________________


Nói cách khác, đấy là điều tệ hại nhất có thể xảy ra đến người học thật nhiều (về Lam-rim) mà không thực hành. những người đã học các giáo lý khác mà không ăn thua gì, có thể được nhiếp phục nhờ pháp Lam-rim. Nhưng nếu họ chai lì đối với pháp Lam-rim, thì họ hết phương cứu chữa. Bởi thế các bạn phải ý thức điều này.

Hãy học những gì bạn sẽ thực hành, và hãy liên kết những gì bạn học vào với dòng tâm thức bạn. Dromtoenpa, ông vua về Pháp, đã nói như sau về sự phối hợp học, chiêm nghiệm và thiền quán:

Càng học, tôi càng chiêm nghiệm về thiền quán.

Càng chiêm nghiệm, tôi càng tăng sự học và thiền.

Càng thiền quán, tôi càng tăng sự học và chiêm nghiệm.

Từ một căn bản, tôi tăng cả ba,

Như vậy tôi biết cách xem Pháp là con đường tu tập của mình.

Tôi một hành giả Kadampa không làm việc nửa vời

Người mang đai da lớn thường bị lầm

Ai hiểu rõ điều này mới đúng hành giả Kadampa.


Nếu những người cùi với tay chân dị dạng chỉ uống thuốc một hai lần, thì tình trạng của họ sẽ không thay đổi; họ càng phải uống thuốc thật mạnh trải qua một thời gian dài. Từ vô thỉ chúng ta đã nhiễm chứng bệnh vô minh trầm kha độc hại, cho nên thật không thấm vào đâu nếu chúng ta chỉ thực hành ý nghĩa của lời chỉ giáo một hai lần mà thôi. Chúng ta phải làm việc với những giáo lý ấy một cách nghiêm túc và kiên trì như giòng nước chảy. Bậc thầy Chandragomin nói:

Tâm ta đã luôn luôn bị mù quáng

Bởi căn bệnh kinh niên kéo dài;

Làm sao một bệnh cùi đã co quắp chân tay

Có thể thấm thuốc chút nào

Nếu nó chỉ uống một hai lần rồi bỏ.

Ta cần phải thực hành ngay những gì đã học, như Geshe Chaen Ngawa. Ngài đang đọc một chương Luật tạng nói về da thuộc và da sống; và thấy rằng luật cấm một tỷ kheo đã thọ giới không được dùng da thú. Tình cờ lúc ấy ngài đang ngồi trên một tấm da thú. Ngài lập tức bỏ nó ra. Rồi khi đọc tiếp ngài thấy luật này có thể “khai” tại các xứ xa xôi (biên địa), ở đấy các vị tỷ kheo được phép sử dụng da thú. Khi ấy ngài mới lấy lại tấm da để trải ngồi.

Khởi tâm nghĩ tưởng thầy mình như Phật

Con người đầu tiên giảng dạy Pháp cho chúng ta là Đức Phật, đấng Đạo sư đã khai thị con đường và kết quả của sự đi trên con đường ấy. Ngài đã giảng dạy một cách thích đáng, dạy cho ta thay đổi lối hành xử của mình. Giáo lý ấy thuần tịnh không chút lầm lỗi. Như thế, Ngài là người có thẩm quyền về Pháp. Vậy nên mỗi khi nhớ lại sự kiện này về Đức Phật, ta phải nghĩ, “Làm sao sự giảng dạy của Ngài về Pháp có thể lầm lẫn được?” đi xa hơn ta có thể nói rằng một bậc Thánh giảng dạy theo đúng truyền thống ấy cũng chính là một vị Phật. Khi ấy ta nên nghĩ rằng: “Thầy ta, người thánh thiện này, chính là một hóa thân của Đức Thích Ca Như Lai.”