DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 370
  1. #1
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ hai
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chính Lozang Jimpa cũng đã đạt được tịnh chỉ và tuệ quán đặc biệt, và cũng nhờ thực hành phép quán mandala thân của thần Heruka. Ông sống ở tu viện Bangrim Choede thuộc miền Hạ Dagpo. Je Kalzang Taenzin là em trai ông, về sau ở am thất ẩn cư Lhading thuộc miền Thượng Dagpo. Ông thường mời Lozang viếng thăm Lhading, Lozang không thể đi đến đấy; nhưng một hôm nhập định ông ta thấy mọi chi tiết trong ngoài của am thất. Ông bảo người em trai về sau khi ông này đến thăm: “Tôi đã thấy nơi ẩn cư của chú từ trong ra ngoài.” Ông còn kể những chi tiết như có những cây gì bên phải và bên trái của ngôi nhà. “Và còn một vật trắng thật lớn luôn luôn lay động trên một lan can của ngôi nhà nữa. Cái gì vậy?” Đó là một cái màn lung lay theo gió; Lozang đã thấy trong khi nhập định.

    Lozang truyền hệ phái này cho em trai Kaelzang Taenzin. Vị này trở thành học giả uyên bác về cả Kinh điển lẫn Mật điển. Mỗi khi ngài giảng dạy, thường có những luồng ánh sáng tuôn đi từ đôi mắt ngài, bao quanh thính chúng đồ đệ. Cuối thời giảng, những luồng ánh sáng ấy lan trở lại vào đôi mắt ngài. Mọi người đều trông thấy nhiều lần như thế. Nhiều người kinh ngạc khi vừa thấy ngài giảng dạy lại vừa thấy ngài tản bộ trên đường kinh hành, vân vân. Ngài có những linh kiến về toàn thể phước điển trong pháp thực hành Cúng dường Đạo sư. Khi ngài viên tịch trên đỉnh sọ đầu ngài có một hình vẽ kỳ diệu về ruộng phước Cúng dường Đạo sư. Chiếc sọ này hiện vẫn còn ở am thất Lhading.

    Ngài truyền giáo lý cho Kaelzang Kaedrub, vị này cũng đạt những thần thông nhờ pháp quán Heruka. Và ngài đã trao truyền cho chính tôn sư tôi, người bảo hộ và nơi nương tựa của tôi.

    Đấy là vắn tắt về sự truyền thừa của Hệ phái Phương Nam đối với Lời Đức Văn Thù. Các bạn cần xem kỹ chi tiết hơn. Hãy tham khảo những bản tiểu sử đáng tin cậy.

    Bây giờ, về Hệ phái truyền thừa Lời Đức Văn Thù ở Tỉnh Trung ương, thì Đức Dalai Lama đệ ngũ truyền cho Jimpa Gyatso, một người giữ ngai tu viện Genden. Cuối cùng hệ phái này truyền đến Lozang Lhuendrub, một người kế vị khác chiếc ngai Ganden. Je Lozang Jimpa đã tiếp nhận truyền thống này nơi ông ta.

    Những bài kiểu “Nói chuyện thân mật” về Con Đường Nhanh có lịch sử như sau. Vị Panchen lama là Lozang Yeshe, người thấy tất cả, đã đọc bản Kinh, nhưng chưa ai từng hỏi ngài bài giảng truyền thừa của hệ phái. Khi về già, mắt ngài bị lòa, và khi có người muốn được truyền khẩu một vài đoạn quan trọng trong Kinh, họ phải viết lại bằng chữ thật lớn những đoạn ấy. Bấy giờ học giả uyên bác Lozang Namgyael đang ở am thât Jadrael. Ông đọc tác phẩm Con Đường Nhanh và nghĩ rằng hậu thế càng sẽ nghèo nàn hơn nếu ông không được truyền thừa hệ phái bài giảng này. Ông bèn quảy hành lý đi đến Tashi Lhuenpo, và bảo người hầu của vị Panchen Lama rằng ông muốn được truyền tất cả tác phẩm của Panchen Lama nói chung; nhưng đặc biệt là bài giảng về Con Đường Nhanh.

    Lozang Namgyael lúc ấy chỉ là một tu sĩ thường, vậy mà ông đòi hỏi quá đáng, và thị lực của Panchen Lama thì quá yếu. Người hầu hết sức ngạc nhiên và mắng cho Lozang Namgyael mọt trận. Lozang trở về nhưng không thể chịu nổi tình trạng ấy. Ông đến yêu cầu thêm ba lần nữa, nhưng người hầu nhất định không giúp ông. Lozang nói trong cơn tuyệt vọng: “Nghe này, tôi không xin ông giảng dạy! Ông hãy chuyển lời yêu cầu của tôi đến đức Panchen Lama.” Trong khi y vẫn đang tức giận. Đức Panchen Lama rất sung sướng truyền cho Lozang Namgyael, và suốt buổi giảng dạy, mắt của ông tuyệt đối không sao cả.

    Bậc tôn sư đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện này nhiều lần. Tuy nhiên, Lozang Namgyael không được chính thức kể trên danh sách như là một trong những bậc thầy trong hệ phái chúng ta. Hệ phái được xem là truyền cho Purchog Ngawang Jampa, như được nói rõ trong phần tụng đọc chuẩn bị, nhan đề “ Một Sự Trang Hoàng Cho Yết Hầu Những Người May Mắn” (xem ngày thứ sáu)

    Như vậy là tôi đã nói sơ lược về sự vĩ đại của những tác giả, mặc dù chưa nói đến tất cả các Lamas và những môn đệ họ. Nếu đi vào chi tiết, thì có lẽ tôi phải theo hai pho tiểu sử của những bậc thầy các hệ phái do Yeshe Gyaeltsean, một vị giáo đạo của Đức Dalai Lama viết ra. Ít nhất, trên đây là những gì mà tôn sư tôi đã dạy. Tôi không có thì giờ làm chuyện ấy, nhưng nếu các bạn có bản tiểu sử này, thì nên đọc thường xuyên.

    Khi kết thúc một giảng dạy về cuộc đời các bậc Thánh Tăng, chúng ta cần phải làm sự cầu nguyện như sau:

    Hỡi bậc thầy, mong sao cho con được như thân của thầy
    Mong sao cho quyến thuộc, cuộc đời và hoàn cảnh của con
    Cũng được như của thầy;
    Mong sao cả đến tên con
    Cũng là danh hiệu tối thượng của thầy.


    Chúng ta cũng nên quán tưởng về niềm hỉ lạc mà ta phải cảm thấy (sau khi nghe những cuộc đời ấy.)
    Om Mani Padme Hum !

  2. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    hoamacco (10-05-2019)

  3. #2
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ ba
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẦN MỘT

    NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI

    NGÀY THỨ BA

    Shàntideva đã nói:

    Tôi đã được tái sanh làm thân người thuận lợi
    Cái thân người khó được,
    Có thể giúp ta hoàn thành những mục tiêu
    Nếu tôi không rút lợi lạc từ thân này
    Thì làm sao tôi có hy vọng được thừa hưởng
    Một sự tái sinh thuần tịnh như thế này trở lại?


    Nói cách khác, bây giờ khi ta đã được thân người thuận lợi, thì không nên chỉ ham muốn những hạnh phúc thế gian. Cũng không nên chỉ chuyên lo hàng phục kẻ thù, che chở người thân, vân vân; cả đến những thú vật cũng có thể làm những chuyện này. Nếu ta không dùng thời gian còn lại của mình trên đời để thực hành một pháp - một điều chắc chắn lợi lạc cho những đời sau của ta, và khiến ta khác với súc vật - thì thật khó cho chúng ta có những tái sinh như thế này trong tương lai. Bây giờ, một khi ta đã được thân người, thì chúng ta phải thận trọng.

    Muốn làm lợi lạc cho những đời sau chúng ta phải thực hành pháp này, nghĩa là những giai đoạn trên đường đến Giác ngộ. Bởi thế bạn phải lấy Bồ đề tâm làm động lực tu hành, và khởi tâm: “Tôi sẽ đạt thành Phật quả vì lợi lạc tất cả hữu tình. Bởi thế tôi sẽ lắng nghe giáo lý sâu xa này về những giai đoạn của con đường đến Giác ngộ, và thực hành đúng theo đó.” Chỉ sau khi khởi tâm như vậy rồi các bạn mới nên lắng nghe.

    Pháp mà bạn sắp nghe là gì? Đó là pháp Đại thừa, Pháp đưa những người may mắn đến quả vị Phật.

    Rồi Kyabje Pabongka Rinpoche tiếp tục nói một mạch như hôm qua. Ngài tóm tắt bốn tiêu đề mà ngài đã nói, rút về một tiêu đề duy nhất là: “Bài giảng về những Chặng Đường Đến Giác Ngộ.” Mặc dù hôm qua chúng tôi đã nghe qua tiêu đề thứ nhất trong bốn tiêu đề, hôm nay ngài cũng nhắc nhở lại rằng giáo lý này được truyền xuống từ đức Thích Ca bậc đạo sư của chúng ta. Ngài cũng nhắc lại rằng rất lâu về sau, nền giáo lý này mới có nhiều hình thức khác nhau, như Lam-rim, những giai đoạn của giáo lý, vân vân. Nhưng tất cả những hình thức giáo lý này đều lấy Ngọn Đèn Soi Đường làm bản Kinh gốc. Điều này được đề cập chi tiết trong những tiểu sử trong các bậc thầy trong những hệ phái Lam-rim.

    Sau khi tóm tắt như thế, ngài nói tiếp:

    Hôm nay tôi sẽ giảng tiêu đề thứ hai:
    Om Mani Padme Hum !

  4. #3
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ ba
    __________________________________________________ ______________________________________


    I. TÍNH CÁCH VĨ ĐẠI CỦA PHÁP, ĐƯỢC NÓI ĐỂ TĂNG NIỀM KÍNH PHÁP.

    Pháp Lam-rim có bốn sự vĩ đại và ba nét đặc thù để phân biệt với những giáo lý cổ điển khác. Bốn sự vĩ đại là:

    1. Sự vĩ đại giúp bạn nhận ra rằng tất cả những lời dạy đều ăn khớp.

    2. Sự vĩ đại giúp tất cả Kinh điển đối với bạn đều trở thành lời chỉ giáo.

    3. Sự vĩ đại giúp bạn dễ dàng khám phá ý thật của Đấng Chiến thắng.

    4. Sự vĩ đại giúp bạn tự cứu thoát khỏi những tà hạnh tệ nhất.

    A. TÍNH CÁCH VĨ ĐẠI CHO BẠN NHẬN RA RẰNG MỌI GIÁO LÝ ĐỀU ĂN KHỚP

    Giáo lý ở đây chỉ cho Kinh điển của Phật thuyết. Luận về Ngọn Đèn Tuệ của Bhàvaviveka nói:

    “Giáo lý có nghĩa như sau: những Kinh điển của đức Thế Tôn dạy không cong quẹo về những điều mà chư Thiên và nhân loại nào mong muốn vị cam lồ cần biết, những điều chúng cần từ bỏ, những điều chúng cần làm hiển lộ, và những điều chúng cần quán tưởng.”

    “Nhận ra tất cả giáo lý đều ăn khớp” có nghĩa rằng mỗi người đều phải thực hành những lời dạy ấy để được Giác ngộ.

    “Ăn khớp” có nghĩa là hòa điệu. Đại thừa, Tiểu thừa, Luật và Mật điển, vân vân, có vẻ như đối chọi lẫn nhau trên phương diện ngôn ngữ văn tự, nhưng tất cả đều là pháp tu chính yếu đưa đến Giác ngộ hoặc là một con đường tắt đưa đến Giác ngộ. Bởi thế những giáo lý ấy đều ăn khớp với nhau. Giả sử bạn bị sốt nặng. Lúc đầu y sĩ cấm bạn dùng thịt, rượu, vân vân, và bảo: “Những thứ ấy sẽ nguy hiểm cho ông nếu ông không từ bỏ chúng.” Nhưng về sau, khi cơn sốt đã hạ, và yếu tố “phong” quá thạnh nơi con bệnh, thì bác sĩ lại khuyên ăn thịt vân vân. Chỉ có một con bệnh ấy, một y sĩ ấy, mà có hai lời khuyên - lúc đầu cấm thịt, lúc sau khuyên ăn - dường như không ăn khớp nhau. Song kỳ thực không phải như vậy, vì cả hai lời khuyên ấy đều cốt ý chữa lành cùng một con bệnh.

    Tương tự, bạn có thể nghĩ “Tiểu thừa, Đại thừa, Kinh giáo, Mật giáo, vân vân mỗi thứ cốt dành cho những hạng đệ tử đặc biệt, không phải tất cả giáo lý ấy đều dành cho một người thực hành để đạt Giác ngộ.” Nhưng cũng không phải vậy. Một người đang nói cho một người nghe về những pháp tu để Giác ngộ. Khi người nghe đang ở trình độ Nhỏ hay Trung bình, thì đầu tiên đức Phật giảng giáo lý Tiểu thừa. Vị ấy phải quán vô thường, khổ. Sau khi đã tiến bộ, vị ấy bây giờ ở vào trình độ Phạm Vi Lớn, nên giáo lý Đại thừa được giảng cho vị ấy. Bây giờ vị ấy thụ giáo về tâm Bồ đề, về sáu hạnh Ba la mật, vân vân. Và khi vị ấy trở thành một pháp khí thích hợp với Mật điển, đức Phật giải thích về Kim cang thừa: hai giai đoạn của Du già tối thượng và những thực hành mật có đôi. Tuy nhiên tất cả những pháp ấy đều thích hợp cho một người như bạn tu để giải thoát. Bởi thế bất cứ một Kinh điển nào của Đấng Chiến thắng cũng thuộc về hoặc là một dòng chính của đạo lộ hoặc là một trong những con đường tẻ của đạo lộ; không một Kinh nào của thừa đối với một người tu để đạt Tuệ giác.

    Mối bận tâm chính của một Bồ tát là làm việc cho lợi ích của tất cả hữu tình. Như vậy Bồ tát phải dạy cả ba con đường để hướng dẫn ba hạng đệ tử (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) đi đến giải thoát theo cách riêng của họ. Nhưng nếu Bồ tát tự mình không biết ba con đường ấy thì không thể dạy lại cho người khác. Dharmakìti (Pháp xứng) nói trong tác phẩm Luận về những Pháp Có Giá Trị rằng: “Những phương tiện để đạt đến những cứu cánh này thật tối nghĩa; thật khó bàn luận về chúng.” Con đường đưa đến sự liễu tri cả ba đạo lộ thuộc ba thừa là cái mà Bồ tát cần phải khai triển trong dòng tâm thức của mình để bảo đảm về những con đường khác nhau mới có thể đem đến lợi lạc cho hữu tình. Kinh dạy:

    “Này Tu bồ đề, Bồ tát tu tập tất cả các đạo lộ, dù là đạo lộ Thanh văn, đạo lộ Duyên giác hay đạo lộ Bồ tát, Bồ tát liễu tri tất cả đạo lộ.”

    Trong tác phẩm của Maitreya (Di Lặc) nhan đề Trang Hoàng Cho Sự Thực Chứng, chúng ta thấy câu này: “Những người muốn làm việc cho hữu tình thì nên lợi lạc thế gian bằng cách liễu tri các đạo lộ.”
    Om Mani Padme Hum !

  5. #4
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ ba
    __________________________________________________ ______________________________________


    Một điểm khác: cứu cánh là Phật quả, đấy là một quả vị có được mọi đức tính tốt đẹp, tất cả lỗi lầm đều đã tận trừ. Muốn đạt đến của vị này, con đường Đại thừa là phải khiến cho tất cả lỗi lầm của một người đều chấm dứt, làm cho họ thể hiện tất cả đức tính. Bởi vì không có quyển Kinh nào mà không trừ diệt một hạng lỗi lầm nào đó, hay khiến tu tập một loại đức tính nào đó, cho nên tất cả Kinh điển đều bao hàm Đại thừa.

    Ta hãy xét vấn đề “tính chất nhất quán của Kinh điển” một cách chi tiết. Có hai cách: Thế nào bạn nên hiểu rằng tất cả những giáo lý được truyền lại - nghĩa là những sự trình bày về đề tài chính - đều ăn khớp nhau; và thế nào bạn nên hiểu rằng các pháp được chứng ngộ - nghĩa là bản thân đề tài - đều ăn khớp nhau.

    Ba tạng Kinh điển, bốn loại Mật điển, vân vân, làm nên Kinh và Luận giải về Kinh. Và như tôi đã giải thích, tất cả đều hợp thành một pháp thực tập nhịp nhàng để đưa một con người tiến đến Giác ngộ. Đây là cách hiểu về “tính nhất quán của tất cả giáo lý được truyền lại.”

    Đề tài của những giáo lý này là những con đường khác nhau thuộc cả ba phạm vi. Phạm vi nhỏ bao hàm những nhân tố để được tái sinh vào các thượng giới như trời, người. Những nhân tố này chính là đạo đức từ bỏ mười bất thiện hành, vân vân. Phạm vi Trung bình bao hàm những pháp tu đưa đến sự vi diệu của giải thoát - những pháp tu như là từ bỏ hai sự thật đầu (là Khổ và Tập - DC) trong bốn sự thật, và thực hiện hai sự thật cuối cùng (là Diệt và Đạo - DC) và pháp tu ba vô lậu học. Phạm vi Lớn gồm những pháp tu đưa đến sự vi diệu của toàn trí - những pháp như phát Bồ đề tâm, sáu Ba la mật, vân vân. Do vậy, tất cả đề tài này lập thành một pháp tu hài hòa đưa hành giả đến Giác ngộ, và cần hiểu là hoàn toàn ăn khớp nhau.

    Dromtoenpa, một trong những ông vua về Pháp, nói: “Thầy tôi biết cách xem tất cả những giáo lý như bốn góc của một con đường có bốn mặt.” Đây là lời chính xác của ngài, nhưng được giải thích nhiều cách. Bốn góc là ba phạm vi với các Mật điển là góc thứ bốn. Hoặc, bất kể bạn tung một trong hai con xúc xắc như thế nào, luôn luôn có một mặt tứ (?) xuất hiện; cũng thế, mỗi đề tài thiền quán đều bao hàm toàn thể đạo lộ.

    Ta có thể theo những cách giải thích ấy, nhưng tôn sư tôi, người che chở và nơi nương tựa của tôi, đã dạy:

    “ Khi bạn kéo một góc của chiếc chiếu bốn góc, là bạn đã chuyển được toàn thể chiếc chiếu. Cũng tương tự như thế, đề tài của một quyển Kinh nào cùng với những luận giải về Kinh ấy, đều đưa đến một pháp thực hành để đạt Giác ngộ. Có thể nói là bạn đang kéo một trong bốn góc của pháp thực hành này.”

    Đây là một lối giải thích rất quan trọng.

    B. TÍNH VĨ ĐẠI KHIẾN MỌI KINH ĐIỂN TRỞ THÀNH NHỮNG LỜI CHỈ GIÁO CHO BẠN

    Nếu bạn chưa gặp hệ thống “Những Giai Đoạn Trên Đường Đến Giác Ngộ” này, thì tất cả Kinh điển đối với bạn không thành ra những lời chỉ giáo. Nhưng những chỉ giáo tối thượng là Kinh điển của Đấng Chiến thắng và những luận thư cổ điển vĩ đại bàn về Kinh ấy. Trên thế gian chưa từng có một bậc Thầy nào hơn đức Thích Ca Mâu Ni, đấng Thế tôn, đấng Thiện thệ, Người phá hủy toàn triệt tất cả nhiễm ô. Tác phẩm Maitreya (Di Lặc) nhan đề Dòng Tương Tục Vi Diệu Của Đại Thừa nói:

    Trong thế gian này không học giả nào

    Vượt qua Đấng Chiến thắng.

    Với toàn trí ngài liễu tri Chân như tối thượng

    Và liễu tri vạn pháp; người khác không thể hiểu.

    Bởi thế, đừng thêm bớt bất cứ gì

    Mà bậc Đại thánh đã để vào Kinh điển

    Vì như vậy sẽ phá hoại

    Hệ thống của Thích Ca Mâu Ni

    Và làm hại cho Thánh Pháp

    Om Mani Padme Hum !

  6. #5
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ ba
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngày nay không ai còn xem Kinh điển của Đấng Chiến thắng - chẳng hạn Lời Đức Phật được Phiên Dịch- như là một cái gì để thực hành, mà chỉ để tụng vào những buổi lễ. Người ta cũng có nghiên cứu những tác phẩm cổ điển của hai nhà tiên phong (Long Thụ và Vô Trước) giảng giải về những Kinh điển này, nhưng chỉ để mà có thể trích dẫn vào những dịp tranh luận. Ngay cả những học giả uyên bác nhất, mỗi khi khởi sự hành thiền cũng không biết làm sao để hội nhập những bản Kinh ấy vào sự tu tập của họ, mặc dù đã bỏ cả đời để nghiên cứu và chiêm nghiệm những Kinh ấy. Họ đi đến những người nổi tiếng là thiền giả vĩ đại, nhưng thực sự không biết gì cả, hoặc họ học vài pháp tu quán (sadhanas) về cách làm sao để theo dõi những vận hành có ý thức của tâm ý; rồi họ quán về những chuyện ấy một cách nô lệ. Đức Tsongkapa vĩ đại đã nói:

    Họ nghiên cứu thực nhiều, nhưng vẫn nghèo nàn về Pháp:

    Giai do vì họ không xem kinh điển như những chỉ giáo (để thực hành. DC).

    Nghĩa là, thật tai hại vô cùng nếu không xem Kinh điển là những lời chỉ giáo.


    Ví dụ có một Tiến sĩ ở tu viện chúng ta đi về thăm quê nhà ở tỉnh Kham. Ông ta xin một vị Lama phái Nyingma một lời chỉ giáo để tu tập, rồi thiền quán theo sự chỉ dạy vắn tắt của vị ấy. Vì việc này mà những người địa phương tuyên truyền rằng Pháp của phái Gelugpa chắc chắn chỉ dành để thảo luận, không có cái gì để thực hành. Bởi thế mọi người đều làm ngơ giáo lý của phái Gelugpa. Tôi thấy vị Tiến sĩ này đã làm gương xấu, và cho chuyện này thật là đáng buồn.

    Các bạn phải thực hành bất cứ pháp gì mà mình đã hiểu rõ ý nghĩa nhờ học hỏi và quán tưởng; và ý nghĩa của pháp nào bạn đang tu cũng phải được kiểm chứng cho chắc chắn bằng vào sự học quán. Nếu bạn đã chắc chắn về một pháp nhờ học và quán, rồi lại đi thực hành một pháp gì khác, thì cũng giống như chỉ cho một người nào con đường đua, rồi lại sử dụng một mảnh đất khác cho một cuộc đua ngựa của bạn. Những Giai Đoạn Lớn của Con Đường là dùng ví dụ ấy. Có lẽ cần giải thích một chút. Bạn sắp tổ chức một cuộc đua ngựa. Bạn chỉ một nơi nào đó, và mọi bảo mọi người: “Ngày mai chỗ này sẽ là con đường ngựa chạy đua.” Thế nhưng vào đúng ngày đua ngựa, bạn lại tổ chức cuộc đua tại một địa điểm khác.

    Vậy, nếu bạn không thể xem kinh điển như những chỉ giáo thực hành, lý do vì bạn đã không nắm vững những giai đoạn của Con đường Đến Giác ngộ. Nhưng khi đã nắm vững, thì cũng sẽ hiểu được rằng tất cả văn hệ cổ điển - như Kinh Phật Thuyết chẳng hạn - đều có thể xếp vào khuôn khổ Lam-rim, rằng đấy là những pháp hoàn toàn dành để tu tập.

    Một thời, Ngawang Chogdaen giữ ngai tu viện trưởng Ganden. Sau khi hoàn tất sự huấn luyện ở tu viện, ngài nhận nhiều chỉ giáo từ Jamyang Shaypa - chẳng hạn Ba Nòng Cốt Của Đạo Lộ của Tsongkapa. Ngài được khai thị vào phương pháp thiền quán về những tư tưởng chứa đựng trong toàn bộ Kinh điển và Mật điển. Về sau ngài tuyên bố rằng cuối cùng ngài mới hiểu được thời gian ngài nghiên cứu phạm vi rộng lớn của văn học Phật giáo cổ điển hóa và cũng là thời gian ngài học Những Giai Đoạn Chính Của Con Đường. Điều này chứng tỏ đối với ngài, Kinh điển là những chỉ dẫn tu tập.

    Khi nhà đại học giả Lozang Namgyael đang khẩu truyền tác phẩm Bát Nhã Bát Thiên Tụng, thỉnh thoảng ngài lại nói: “Ôi, ước gì ta chưa già quá thế này. Đấy là điều ta cần nên thiền quán tư duy!”
    Om Mani Padme Hum !

  7. #6
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ ba
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi bạn hiểu Lam-rim, tất cả mọi thực tập thảo luận trong sân tu viện cũng phải thuộc về Lam-rim: bạn phải xem sự thực tập thảo luận này như một hình thức của sự chỉ giáo về thiền. Giả sử bạn đang thảo luận về đề tài phát Bồ đề tâm: bạn sẽ lập tức rút ra những so sánh với chương Phạm Vi Lớn đề cập sự đào luyện tâm Bồ đề. Hoặc, bạn sẽ so sánh một thảo luận về Mười Hai Nhân Duyên với Phạm Vi Trung Bình. Hoặc, bạn cũng làm tương tự vói cuộc thỏa luận về những cảnh giới thiền định thuộc về Sắc Giới và những tầng thiền chứng Vô Sắc, và so sánh những thiền này với phần nói về Tâm Tịnh chỉ trong Lam-rim. Ngay cả khi tụng đọc một nghi thức tụng niệm, bạn cũng phải hội nhập được nghi thức ấy vào Lam-rim, bất kể bài tụng ấy rút từ Kinh nào.

    Bạn cũng phải làm được việc ấy một cách sẵn sàng khi tình cờ gặp một trang Kinh sách tả tơi trong một điện thờ nằm bên đường. Một lần khi tôi hãy còn bé, tôi trông thấy một trang sách bỏ rơi trong một điện thờ trên con đường xung quanh một tu viện. Trang ấy là một trong những bài ca của đức Dailai Lama thứ bảy, Kaelzang Gyatso.

    Con ong nhỏ trong hoa Đỗ quyên

    Bay từ đóa hoa rực rỡ này đến đóa hoa khác

    Nó di chuyển nhanh làm sao.

    Bài ca của tôi sẽ giải thích hình ảnh này:

    Nhiều người trong thời mạt pháp

    Có tâm cấu nhiễm và ngụp lặn trong những chuyện tầm thường.

    Hãy nhìn cách chúng phút trước là bạn

    Mà phút sau đã thành kẻ thù.

    Tôi không tìm đâu ra một người bạn kiên cố.


    Nói cách khác, tôi nối kết ngay những kinh nghiệm tôi có khi ở ngôi chánh điện ấy với phần Phạm Vi Trung Bình đề cập nỗi khổ vì tính bất trắc trong cõi luân hồi sinh tử.

    Je Rinpoche (Tsongkapa) hỏi Rinchen Pel, một đại học giả, ý nghĩa của danh từ “Kadam” (nghĩa đen là “chỉ giáo của Kinh điển”). Ông trả lời: “Dù chỉ có một chữ N từ trong Kinh điển đối với mình cũng như là một lời chỉ giáo không được bỏ qua.”

    Câu trả lời ấy là Je Rinpoche hài lòng tới nỗi ngài ca ngợi trong một buổi giảng dạy công cộng: “Hôm nay một học giả đã khai triển được ý tôi. Đúng như ông ấy nói.”

    Bởi thế, tất cả Kinh điển - cả đến một từ Kinh bị bỏ rơi trong chánh điện - đều là những chỉ giáo để hướng dẫn một người đến Giác ngộ. Điều này áp dụng cho bạn và sự Giác ngộ của bạn. Nó có thể là đức Phật và các tác giả khác đã giảng những Kinh ấy đặc biệt cho riêng bạn. Một thái độ như thế sẽ đem lại cho bạn niềm tin tuyệt đối vào tất cả Kinh điển.
    Om Mani Padme Hum !

  8. #7
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
    PHẦN MỘT NHỮNG CHUẨN BỊ SƠ KHỞI _ Ngày thứ ba
    __________________________________________________ ______________________________________


    Jangchub Rinchen một hành giả Mật tông nói: “Không ai bảo chúng ta phải tìm những chỉ giáo để đạt giác ngộ trong một tuyển tập những bùa chú - chúng ta phải tìm sự chỉ giáo trong tất cả Kinh điển.” Chúng ta phải suy nghĩ cách ấy mới được; những lời này đánh ngay vào gốc rễ. Vậy xem tất cả Kinh điển như những chỉ giáo là chuyện nên làm.

    Bạn có thể tự hỏi: “Có thật đầy đủ không nếu ta chỉ học Lam-rim?” Ý nghĩa của Kinh và Luận đều chứa đựng trong Lam-rim - kể từ đoạn nói về nương tựa một bậc thầy cho đến chương nói về tâm tịnh chỉ. Một pháp Lam-rim thực thụ có thể có một số tiêu đề chi tiết hoặc ngắn gọn. Một ít tiêu đề trong số này đòi hỏi một pháp thiền quán phân tích (như tưởng niệm về Phật, Pháp, Tăng-DC) trong khi một số khác đòi hỏi một pháp thiền định dán chặt (như quán biến xứ hay kasina-DC). Khi bạn đã nắm vững bộ sườn của những tiêu đề này, bạn sẽ biết được loại thiền định nào áp dụng cho mỗi tiêu đề. Với sự hiểu biết này, bạn sẽ sẵn sàng liên kết bất cứ Kinh nào bạn gặp với pháp thực hành một đề tài Lam-rim đặc biệt nào đó - điều này chứng tỏ bạn đang xem Kinh điển như là những lời chỉ giáo thực hành.

    Sau đây là một ví von dễ hiểu mà bậc thầy tôn qúy của tôi thường đưa ra. Giả sử một người không có chỗ để chứa gạo, lúa mạch, đậu vân vân, và tình cờ y gặp một nắm gạo chẳng hạn. Y không biết phải làm gì với nó và có lẽ sẽ vứt bỏ nó. Cũng thế, nếu bạn chưa nắm được toàn vẹn cơ cấu của đạo lộ, và tình cờ gặp một cuốn Kinh, bạn sẽ không nhận thức được rằng mình phải liên hệ Kinh ấy với một đề tài Lam-rim. Bạn sẽ không biết làm thế nào để thực hành theo Kinh ấy. Nếu bạn đang có gạo, lúa mạch, đậu, mỗi thứ chỉ một cân, mà có thêm được nắm gạo, thì bạn sẽ sung sướng bỏ thêm gạo ấy vào kho lương thực của bạn. Khi bạn đã nắm vững cái sườn của những đề tài thiền quán Lam-rim, bạn sẽ dễ dàng liên kết bất cứ quyển Kinh nào với một tiêu đề Lam-rim đặc biệt.

    (Khi ấy Rinpoche giảng chi tiết về cái sự làm thế nào, một bản văn về Lam-rim có toàn bộ sườn của Lam-rim thì có thể dẫn hành giả đi qua Con đường, bất kể độ dài của bản văn ấy. Ngài so sánh điều này với hai căn phòng, một phòng của một viên chức chính phủ, phòng kia của một tu sĩ bình dị: cả hai phòng đều chứa đủ những bàn ghế cần dùng cho mục đích của họ).

    Lại nữa cần chú ý: có khác nhau giữa nhận thức rằng tất cả Kinh điển đều nhất quán, và nhận thức rằng tất cả Kinh điển đều là lời chỉ giáo thực hành. Có được nhận thức đầu không nhất thiết có nghĩa là có được nhận thức sau. Nhưng nếu bạn có được nhận thức sau, thì đường nhiên có được nhận thức đầu.
    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •