Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng Đại sư thứ mười bảy URGYEN TRINLEY DORJE (1985 - ...)
__________________________________________________ ______________________________________
Theo đúng như dự báo trước đây của đại sư Chojur Lingpa, vị Tai Situpa Pema Dưnyư sẽ trở thành thầy dạy chính của đức Karmapa đời thứ mười bảy. Dự báo này đã được đại sư Chojur Lingpa đưa ra từ trước đây gần một thế kỷ, khi ngài nhìn thấy những linh ảnh về các hóa thân của Karmapa cho đến tận đời thứ hai mươi mốt.
Vị Tai Situpa là người mà đức Karmapa đời thứ mười sáu đã giao lại bức di thư. Trong di thư cũng có nói đến việc ông sẽ là thầy dạy của vị Karmapa tái sinh.
Hai vị Tai Situpa và Goshir Gyaltsab đến Tây Tạng vào ngày 12 tháng 7 năm 1992. Họ đến ngay Tsurphu sau một đêm nghỉ lại thủ đô Lhasa và viếng thăm tu viện của Pawo Rinpoche, thực hiện lễ ban phước cho hàng trăm tín đồ nhiệt thành.
Tu viện Tsurphu được đức Karmapa Dsum Khyenpa thành lập từ năm 1190 và từ đó đến nay luôn là trụ sở chính cả tất cả các vị Karmapa. Vào thời điểm tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa thì Tsurphu có đến 900 tăng sĩ và bao gồm trong nó 4 tu viện với rất nhiều công trình xây dựng. Một trong bốn tu viện này là nơi ở của các vị Goshir Gyaltsab qua nhiều lần tái sinh từ xưa đến nay. Các vị Goshir Gyaltsab luôn là người thay mặt đức Karmapa để dẫn dắt tông phái trong thời gian chuyển tiếp giữa hai lần tái sinh. Trong tiếng Tây Tạng, “gyaltsab” có nghĩa là “người nhiếp chính, người thay quyền”.
Vị đứng đầu tu viện Tsurphu lúc đó là Drupon Dechen Rinpoche, chính là bậc thầy ở Rumtek trước đây. Ông đã cùng với đức Karmapa đời thứ mười sáu rời Tây Tạng vào năm 1959, mang theo một số những xá-lợi và thánh vật từ Tsurphu đến Sikkim. Những xá-lợi và thánh vật này hiện đang được tôn trí tại Rumtek. Chính đức Karmapa đời thứ mười sáu đã khuyên ông trở về Tsurphu để đôn đốc việc xây dựng lại tu viện này. Trong thực tế, Drupon Dechen Rinpoche đã phải nỗ lực kiến tạo lại tất cả từ những đống đổ nát trong những năm gần đây, nhờ vào sự ủng hộ nhiệt thành của rất nhiều người.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa đức Karmapa đời thứ mười bảy và hai vị Rinpoche là một buổi tiếp xúc mang tính nghi thức truyền thống. Sau các nghi thức chào mừng bên ngoài điện thờ, hai vị được đưa đến để lễ bái đức Karmapa lần đầu tiên và dâng phẩm vật cúng dường lên ngài. Những ngày sau đó, sự tiếp xúc mới dần trở nên thân mật, cởi mở và vui vẻ vì không còn mang nặng hình thức lễ nghi. Những mối quan hệ thành tín, tôn kính và yêu thương lẫn nhau được phát triển một cách tự nhiên và mãnh liệt. Theo niềm tin của người Tây Tạng, ba vị là hóa thân của đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokiteśvara), Bồ Tát Di-lặc (Maitreya) và Bồ Tát Kim Cang Thủ (Vajrapṇi) và đã từng gặp gỡ, giúp đỡ nhau trong công cuộc độ sinh từ nhiều thế kỷ qua.
Cũng giống như Akong Rinpoche trong hơn một tháng qua, hai vị Tai Situpa và Gyaltsab bắt đầu khám phá ra những mối quan hệ chuyển tiếp nổi bật trong tính cách của vị Karmapa đời thứ mười bảy với đức Karmapa trước đây. Ngài cũng biểu lộ sự tự tin, không sợ sệt, luôn vui tính và chân thành thương yêu với một tâm lượng từ bi vô hạn, không khác gì so với đức Karmapa trước đây.
Lễ xuống tóc của đức Karmapa được tổ chức tại ngôi đền thiêng Jo-kang ở Lhasa, vào sáng sớm ngày 2 tháng 8 năm 1992. Hai vị Tai Situpa và Goshir Gyaltsab tiến hành các nghi lễ trước thánh tượng đức Phật Thích-ca, tượng trưng cho sự hiện hữu của đức Phật trong buổi lễ. Đây là lần thứ hai trong lịch sử một vị Karmapa nhận lễ xuống tóc tại ngôi đền này. Nhiều phẩm vật cúng dường được gửi đến dâng lên ngài, và có cả quà tặng từ đức Đạt-lai Lạt-ma: một lời cầu chúc trường thọ và khỏe mạnh, một tấm khăn choàng đã được ngài ban phúc, và một tràng hạt của chính ngài. Các đại diện của nhà cầm quyền tại Lhasa cũng có mặt trong buổi lễ.
Sau buổi lễ xuống tóc, đức Karmapa chính thức nhận một tên gọi mới đã được dự báo bởi đại sư Chogyur Dechen Lingpa là Pal Khyabdak Rangjung Urgyen Trinley Dorje.
Ngày 27 tháng 9 năm 1992, hơn 20.000 Phật tử từ khắp nơi đã tụ họp về Tsurphu để tham dự lễ đăng quang của đức Karmapa. Ngoài đại diện của các trung tâm tu học thuộc truyền thống Karma Kagyu trên toàn thế giới, còn có đại diện của tất cả các dòng phái Phật giáo khác tại Tây Tạng và đại diện của các tôn giáo khác. Tuy nhiên, chiếm đa số trong những người tham dự là các Phật tử Tây Tạng, nhiều người đã phải vượt hàng nghìn cây số để về đây. Nhiều vị tulku đã quy tụ về từ khắp các vùng thuộc Tây Tạng, Ấn Độ và quanh vùng Hy-mã-lạp. Đối với người dân Tây Tạng, việc được hiện diện tại buổi lễ này và có cơ hội nhìn thấy đức Karmapa có một ý nghĩa cực kỳ to lớn. Từ trước năm 1959, điều này vốn đã là một truyền thống lâu đời, và sự khao khát mong chờ của họ càng được nhân lên gấp bội vào thời điểm năm 1992, khi nhìn thấy hé ra một tia hy vọng mới cho tương lai Phật pháp của đất nước. Vì thế, trong dịp này vùng thung lũng Tolung bao quanh Tsurphu trở thành một bãi cắm trại khổng lồ nhộn nhịp đầy màu sắc.
Sau lễ đăng quang của đức Karmapa, vào ngày 29 tháng 9 năm 1992, đức Karmapa Urgyen Trinley Dorje chủ trì một buổi lễ ban phúc cho hàng chục ngàn người. Buổi lễ kéo dài trong nhiều giờ, tuy có sự trợ giúp của hai vị Tai Situpa và Gyaltsab nhưng vị Karmapa chỉ mới 7 tuổi đã bộc lộ năng lực siêu việt với giọng nói vang rền và tự tin trước một cử tọa hàng chục ngàn người. Mặc dù mọi hoạt động Phật sự của một đức Karmapa, hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, đều được xem là quan trọng đối với người Tây Tạng, nhưng buổi lễ ban phúc này được xem như một khởi đầu tốt lành và hứa hẹn nhiều hoạt động tốt đẹp mà ngài chắc chắn sẽ làm vì mọi người trong cương vị của một đức Karmapa. Nhiều điềm lành xuất hiện như để làm tăng thêm lòng tin và sự vui mừng của những người dự lễ. Bầu trời quang đãng với chỉ một vài cụm mây trôi lãng đãng, nhưng lại có tuyết rơi nhẹ như những bông hoa trắng đẹp rơi xuống từ không trung, và từng bầy chim đông đảo bỗng tụ về một cách khác thường trong ngày hôm ấy, bay lượn thành những vòng tròn cao vút trên bầu trời xanh. Nhưng ấn tượng nhất đối với tất cả mọi người là một mống cầu vồng bảy màu vĩ đại bắc ngang qua cả bầu trời, hiện ra cao vút ở trên cả những bầy chim đang bay.