.

Người đàn ông có khả năng lạ kỳ đó là Mai Huy Văn (SN 1976, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Nhà nghèo, ít đất lại đông con, năm 1986, bố anh Văn quyết định đưa cả gia đình lên Cồn Giang khai hoang, lập nghiệp. Mảnh đất Cồn Giang khi đó còn hoang vắng, cây cối rậm rạp và có rất nhiều thú dữ sinh sống. Hơn nữa, tương truyền mảnh đất ấy có nhiều hiện tượng kỳ lạ, cứ đêm đến lại nghe tiếng gầm, tiếng rú đến rợn cả người. Thế nhưng, vì gia đình đông con, lại không còn sự lựa chọn nào khác, bố mẹ anh vẫn nhắm mắt làm liều.
Khi mới chuyển đến, nhiều người cho rằng cha con anh “điếc không sợ súng”. Nhưng một thời gian sau khi ra Cồn Giang, gia đình anh khai hoang được diện tích đất canh tác lớn, mùa màng bội thu. Thấy vậy, người trong làng cũng lần lượt di cư ra cánh đồng, khai hoang diện tích còn lại. Anh Văn lúc đó mới tròn 10 tuổi đã được bố giao cho nhiệm vụ trông nom khu trang trại khi bố mẹ đi vắng. Hàng ngày cứ một buổi lên lớp, buổi còn lại anh ở ngoài trang trại, có khi ngủ qua đêm ở đó mà chẳng thấy sợ hãi gì.
Một đêm ngủ ngoài trang trại, giấc mơ kỳ lạ ập đến với người thanh niên này đã làm thay đổi mãi mãi cuộc sống của anh. “Năm đó tôi 16 tuổi. Vào một đêm trời mưa giá rét, nằm ngủ ở chòi ngoài trang trại, tôi thấy một bóng người cao lớn, mặc áo trắng toát cứ múa tay, múa chân trước mắt tôi và đọc một câu thần chú gì đó mà tôi nghe cũng không hiểu. Một lúc sau, người đó bỗng nhiên biến mất. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy người uể oải, đầu thì lạnh rân rân”, anh nhớ lại. Lúc đó, anh Văn chỉ nghĩ mình bị bóng đè do ngủ say quá. Nhưng lúc đi cày, kỳ lạ là anh Văn nói gì trâu bò cũng như hiểu ý nên ngoan ngoãn làm theo.


Anh Mai Huy Văn có được khả năng kỳ lạ sau một giấc mơ.
Không tin vào khả năng của mình, anh đã thử nhiều lần và kỳ lạ, lần nào chỉ cần anh nói, mấy chú trâu đều nghe răm rắp. Sau đó, anh có đem chuyện này kể cho người trong gia đình. Nghe chuyện, ai cũng cho rằng anh hoang tưởng bởi trâu bò làm gì hiểu được tiếng người. Thế nhưng, anh quyết tâm chứng minh khả năng của mình là có thật. Một buổi sáng, con trâu của nhà hàng xóm Lê Đình Tình (46 tuổi) bỗng dưng trở chứng vùng vằng làm khó chủ nhà. Nhìn hàng xóm vất vả với con trâu bất kham, anh Văn tiến lại gần nói câu gì đó. Ngay lập tức, con vật ngoan ngoãn trở lại trước ánh mắt ngạc nhiên của mọi người xung quanh. Ông Tình nhớ lại: “Bữa đó, mới sáng sớm mà tôi đã mướt mồ hôi vì con trâu trở chứng, đang định bỏ dở buổi cày thì may có anh Văn đến giúp. Tôi cũng không hiểu vì sao, chỉ cần nghe anh Văn đọc câu gì đó thì trâu có thể ngoan ngoãn được, kể cũng lạ”.
Thời điểm đó, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhà nào tậu được con trâu về làm sức kéo là cả một gia tài lớn. Do đó, để mua được con trâu to, khỏe như ý, không ít gia đình bỏ công lặn lội lên các huyện miền núi như: Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, thậm chí sang tận Lào, Camphuchia. Đa số những con vật này được chăn thả theo tự nhiên, chưa được con người thuần phục nên rất hung dữ. Chúng có thể húc, báng gây khó khăn cho người khi tiếp cận. Nhưng khi đưa đến tay anh Văn, chỉ cần nhẹ nhàng tiến lại gần, thủ thỉ trò chuyện là một lát sau, con trâu đó đã răm rắp nghe lời.
Cũng nằm trong những người đã từng được anh Văn giúp đỡ, ông Mai Huy Nam (55 tuổi) trú xóm Đông Phú nhớ lại: “Vào năm 1993, gia đình tôi gom góp được số tiền để mua con trâu về làm sức kéo. Dạo đó, tôi lặn lội lên tận Con Cuông mới mua được chú trâu như ý. Nhưng lúc mang ra cày kéo, tôi mới tá hỏa khi chú trâu này rất hung dữ. Nó sẵn sàng lao tới húc cả người đứng gần. Trong khi tôi đang loay hoay không biết phải làm thế nào với nó thì anh Văn xuất hiện. Tiếp cận được gần con trâu, anh ấy khéo léo nhổ ba sợi lông trên mí mắt chú trâu rồi lẩm nhẩm nói chuyện gì đó với con vật, ngay lập tức con trâu trở nên hiền lành”.
20 năm dùng tài lạ giúp đời
Tiếng lành đồn xa, hầu như ngày nào cũng có người tìm đến nhờ anh giúp. Cũng vì vậy mà thời gian anh ở nhà với vợ con rất ít. Anh Văn chia sẻ: “Nhiều người đến nhờ, mình không đi thì không được. May sao tôi có người vợ hiểu chồng nên chẳng bao giờ cô ấy ý kiến gì, chỉ dặn tôi cẩn thận với những chú trâu hung dữ quá. Mọi việc trong gia đình cô ấy đều cáng đáng hết để tôi có thể thoải mái đi “thuần” trâu giúp”. Hơn 20 năm nay, anh Văn đã thuần phục được hàng ngàn con trâu, bò. Điều đặc biệt, anh chưa từng phải đầu hàng một con trâu nào. Con nào dù hung dữ đến đâu, chỉ cần anh nói chuyện một lát thì nó đã ngoan ngoãn nghe lời.
Trước khả năng kì lạ của anh Văn, nhiều người cho rằng, anh đã được một già làng người dân tộc Thái truyền cho bí quyết khi anh đồng ý lấy con gái của ông. Trước tin đồn, anh Văn trần tình: “Làm gì có chuyện đó, tôi có khả năng này là từ một giấc mơ kỳ lạ năm 16 tuổi. Vợ tôi là người cùng xã cơ mà”. Về khả năng thuần hóa trâu bò thì cũng nhiều người có. Nhưng họ chỉ thuần phục được vài ba con chứ còn hàng nghìn con như anh Văn thì quả là hiếm gặp. Với khả năng đặc biệt này, dân trong vùng còn gọi anh là “Văn trâu, bò” hay “huấn luyện viên trâu bò” mà giờ đây, nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.



Ngoài khả năng thuần phục ra, anh Văn còn là một ông thầy cao tay trong việc chữa bệnh cho trâu bò, đặc biệt là bệnh “giòi đục”. Có những con trâu bò bị bệnh nặng đến nỗi lở loét, đã chạy chữa nhiều thầy, nhiều thuốc mà không khỏi. Nhưng khi được nhờ, anh Văn chỉ cần dùng bài thuốc mẹo của mình thì mấy ngày sau con vật sẽ tự khỏi?
Hai mươi năm hành nghề, hàng ngàn con trâu bò đã được anh thuần phục. Đi biền biệt, không giúp gì được vợ trong việc nuôi dạy con nhưng anh chưa từng nhận bất cứ một đồng của ai. Trong lòng anh chỉ tâm niệm một điều: “Mình có khả năng trời ban thì giúp cho mọi người lấy lộc”. Thế nên, người “huấn luyện viên trâu bò” xuất thân từ nông dân ở mảnh đất Hậu Thành được người dân khắp nơi quý mến. Ông Nguyễn Việt Linh (46 tuổi), Phó Hội trưởng Hội nông dân xã Hậu Thành, cho biết: “Về khả năng của anh Văn là có thật và gia đình tôi cũng đã từng được anh Văn thuần giúp con trâu hung dữ. Nhưng việc anh ấy có bí quyết nào hay dùng bùa phép gì thì chưa ai tận mắt chứng kiến hay nghe nói ở đâu. Ở xã này, có rất nhiều gia đình được anh Văn thuần trâu, bò và chữa bệnh giúp”.

Theo Kim Long (Báo Gia đình & Xã hội)