Tế Điên Hòa Thượng.Chương 36__________________________________________________ ______________________________________
Trần Lượng nghe nói thế, đành thả bộ trở về, kiếm người hỏi thăm điểm hẹn. Gặp một người hỏi:
- Làm ơn cho hỏi thăm, "Sàn để hạ" ở đâu?
Gặp ai cũng hỏi. Hỏi không biết bao nhiêu người mà chả ai biết chỗ đó là ở đâu cả! Buồn quá, Trần Lượng định tìm tửu lầu nào đó uống tí rượu giải sầu rồi về quán trọ hỏi quản lý xem sao. Nghĩ rồi, bèn quay trở về, đến đường Thiên Trúc thấy phía Bắc có một tửu lầu với chữ Thiên Hòa tửu lầu to tổ bố ở trước cổng, bên trong vọng ra tiếng dao bằm thịt lốt bốp gợi thèm. Trần Lượng vào quán đi thẳng lên lầu, lựa một cái bàn kề bên cửa sổ nhìn xuống đường để dễ ngắm người qua lại nhộn nhịp. Trần Lượng mới vừa ngồi xuống ghế, phổ ky lật đật chạy lại lau bàn và hỏi:
- Khách quan dùng chi?
Trần Lượng kêu mấy dĩa thức ăn và mấy bầu rượu, tự rót rượu nhâm nhi một mình. Uống được mấy chén, Trần Lượng kêu phổ ky lại. Phổ ky hỏi:
- Đại gia cần món gì thêm?
- Thôi, không cần kêu thêm nữa, tôi chỉ nhờ anh một việc là chỉ giúp tôi một địa điểm của thành này thôi.
- Tưởng cái gì khó, chứ còn chỗ nơi thì dễ ợt, đại gia cứ nói đi, ở đây hang cùng ngõ hẻm gì tôi cũng biết hết.
- Ở thành Lâm An này có nơi nào tên là "Sàn Để Hạ" không? Anh biết chỉ giùm tôi!
- Không có địa danh đó đâu!
Trần Lượng cũng không buồn hỏi lại, trong lòng thầm nghĩ: "Tế Công lão nhân gia chẳng lẽ gạt ta, Không có địa danh đó ta biết đi hỏi ai bây giờ?". Đang lúc buồn bực vì hỏi không ra "Sàn Để Hạ" là ở đâu, bỗng nghe tiếng ồn ào từ dưới đường phố vọng lên. Trần Lượng vội nhìn qua cửa sổ thấy có một chiếc kiệu nhỏ đi qua với một số người tay cầm đao thương gậy gộc đi theo. Trong kiệu vang ra tiếng kêu khóc hình như đó là một vụ cướp người giữa ban ngày. Kiệu đi từ Tây sang Đông, giây lát sau lại có một người đàn ông đi ngược lại từ Đông sang Tây, khắp người máu me thương tích, cùng với nhóm người ồn ào khi nãy chạy đến dưới tửu lầu mạnh ai nấy cãi ô ô, a a loạn xạ. Trần Lượng nghe ồn ào mà không hiểu họ nói cái chi, mới hỏi phổ ky:
- Này phổ ky, dưới lầu này có một người bị thương mới đến, anh ta bị ai đánh? Mà sao bị đánh dữ vậy?
Quản lý nói:
- Thưa lão gia, lão nhân gia không phải là người ở địa phương này nên mới hỏi như vậy. Chứ sự thật đáng giận, đáng tức lắm! Lão nhân gia có thấy người bị đánh vừa rồi đó không? Anh ta họ Vương, anh em một họ với chưởng quỹ chúng tôi. Vì có tánh hay xía vô chuyện người, giữa đường gặp chuyện bất bình không tha, nên anh ta mới bị đánh mang thương tích như thế.
- Chuyện là thế này, ở xế cổng nhà của mấy người đó có anh Hàn Văn Thành, sinh sống bằng nghề buôn bán vàng bạc, chỉ vì làm ăn lỗ lã nên đóng cửa đã lâu, còn thiếu viên ngoại Tô Bắc Sơn 200 lượng bạc. Hôm nay quản lý của Tô gia đi đòi bạc nợ, Hàn Văn Thành xin khất, đợi bán nhà xong sẽ trả đủ. Tô quản gia không chịu, bèn đem người tới bắt em gái Hàn Văn Thành là Kim Nương làm con tin. Cả Hàn Văn Thành cũng bị đánh cho một trận. Ông Vương tam gia ấy ưa xía vô chuyện thiên hạ mới kéo người tới choảng nhau với họ, bị đánh cho một trận tơi bời, mới kéo nhau về tìm chưởng quỹ chúng tôi nói cho hả tức! Viên ngoại Tô Bắc Sơn là một thân sĩ của thành Lâm An này, lại là một tài chủ hạng nhất, kết giao với quan lớn, ai mà dám đụng đến!